Chi tiết tin tức

Khắc phục nạn phá rừng dưới góc nhìn Giới không sát sanh của Phật giáo

16:08:00 - 22/12/2022
(PGNĐ) -  Nạn phá rừng đang là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, không chỉ ở nước ta mà còn trên thế giới. Rừng là ngôi nhà chung của muôn loài sinh vật, là lá phổi xanh cung cấp khí oxy và điều hòa nhiệt độ Trái Đất. Vấn nạn phá rừng đã đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, gây hậu quả tiêu cực cho nhân loại và môi sinh. Phật giáo nhìn nhận rừng nói chung, cây cối nói riêng như một chủ thể có sinh mệnh đáng được tôn trọng và bảo vệ. Từ đó, Phật giáo khuyến khích người Phật tử và mọi người giữ gìn Giới bất sát, đối trị tham – sân – si và xem đây là cơ sở, nền tảng để giải quyết triệt để nạn phá rừng, mang lại an lạc, lợi ích cho xã hội.

DẪN NHẬP

Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với mỗi địa phương, quốc gia và thế giới, là yếu tố căn bản không thể thiếu cho sự tồn vong của Trái Đất, nhân loại và muôn loài. Nhưng dường như con người đã can thiệp quá nhiều vào sự tồn tại của rừng, khiến chúng dần biến mất trên quả địa cầu này. Phá rừng không còn là vấn đề của một quốc gia, vùng lãnh thổ mà là vấn đề đáng báo động trên toàn cầu. Trước sự biến động của khí hậu, môi trường diễn biến ngày một phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người lẫn động – thực vật, trong đó, một phần nguyên nhân chính là rừng bị tàn phá nghiêm trọng và mất kiểm soát.

Phật giáo là một tôn giáo tôn trọng sự sống và sự có mặt của vạn pháp, bởi hiểu rõ mọi nhân duyên của sự hiện hữu đều có mối quan hệ mật thiết với nhau. Với hệ thống giáo lý sâu sắc, siêu việt nhưng lại không xa rời đời sống thực tế, giới luật Phật giáo có vai trò không nhỏ trong việc xây dựng kỷ cương và mẫu hình đạo đức nhân bản. Một trong năm điều đạo đức căn bản của người con Phật chính là Giới không sát sanh (Giới bất sát). Giới luật này không chỉ có giá trị đối với người đệ tử Phật mà còn có giá trị ở mọi lúc, mọi nơi, mọi giới và mọi thời đại. Ngày nay, lời Đức Phật dạy lại cần thiết hơn bất kì lúc nào, trong chiều hướng thế giới đang rơi vào khủng hoảng về biến đổi khí hậu, xung đột, căng thẳng leo thang, ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng… thì giá trị lại càng thêm giá trị. Những vấn nạn này cần được nhìn nhận một cách thực tế dưới góc nhìn thế giới quan Phật giáo để có thể có những phương hướng giải quyết hiệu quả. 

THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN NẠN PHÁ RỪNG

Thực trạng

Tình trạng mất rừng ở nước ta dù đã được khắc phục phần nào nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện trên 12.900 vi phạm pháp luật về rừng. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), độ che phủ ở nước ta hiện còn chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%; chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11% [1]. Còn trên thế giới, trong năm 2021 có 3,75 triệu ha rừng đã bị phá hủy, nghĩa là mỗi phút có diện tích tương đương 10 sân bóng đá đã biến mất trong các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh [2].

Với tỷ lệ rừng bị tàn phá bởi con người hay thiên nhiên tác động là điều mà con người hiện nay không thể lơ là. Sự tàn phá rừng của con người trong những giai đoạn gần đây vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, lại thêm nắng nóng kéo dài, nhiệt độ khí hậu tăng cao cũng là tác nhân dẫn đến nhiều vụ cháy rừng. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào dẫn đến con người tàn phá rừng, tổn hại đến môi trường như vậy? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rừng bị tàn phá nghiêm trọng, có thể liệt kê như sau:

Nguyên nhân khách quan: Nhiều công trình, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp ngày càng nhiều, cần có nhiều diện tích để mở rộng sản xuất và phát triển kinh tế; Thị trường buôn bán gỗ có nhu cầu ngày càng cao; Phá rừng để làm các nhà máy, nhất là thủy điện.

Nguyên nhân chủ quan: Lòng tham của con người; muốn kiếm tiền, lợi nhuận; Thiếu hiểu biết về vai trò của rừng, pháp luật trong lĩnh vực khai thác rừng; Một số hủ tục và sinh hoạt phá rừng để canh tác chưa được cải biến kịp thời.

Sự tác động đến môi trường và đời sống nhân loại

Rừng được xem là những “nhà máy” cung cấp khí oxy cho khí quyển, là nền tảng sự sống cho Trái Đất và là nơi dự trữ nguồn nước cao nhất. Việc khai thác, chặt phá cây cối bữa bãi, tàn phá rừng dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến con người, động thực vật và khí quyển Trái Đất.

Về khí quyển Trái đất: Tạo nên sự chênh lệch về lượng khí thải độc do sự mở rộng sản xuất ồ ạt của các khu công nghiệp, nhà máy. Hoạt động công nghiệp ngày càng cao, tạo lượng bụi khí mịn trong không khí cao, nhất là các khí độc như: CO2, NO, SO2 và một số khí khác có nồng độ ít hơn như: HCl, NO2, N2O và SO3. Chính điều này đã làm cho khí hậu Trái Đất ngày càng nóng lên, gia tăng thiên tai bão lũ. Khi rừng bị phá hủy thì không thể dự trữ nước, tạo nên xói mòn, sạt lở đất, lũ lụt, hạn hán, thiên tai sẽ diễn ra ngày một phức tạp hơn.

Về động – thực vật: Rừng là nơi trú ẩn, là nhà của các loài động – thực vật, tạo nên sự cân bằng cần thiết của môi sinh. Tuy nhiên, khi rừng bị phá hủy, khiến ngôi nhà của chúng không còn, động vật không còn nơi ở và tuyệt chủng, các loài thực vật dần biến mất vì hệ sinh thái và môi trường ở đó không còn phù hợp nữa. 

Đối với con người: Rừng bị phá hủy thì thiếu lượng oxy trong không khí, không khí bị ô nhiễm vì các chất độc do hoạt động công nghiệp xả thải, nhiều loại bệnh về hô hấp và các bệnh nguy hiểm có điều kiện bùng phát gây hại cho nhân loại. Sức khỏe và tuổi thọ con người bị đe dọa. Lũ lụt, hạn hán làm thiệt hại cả người và của.

Đối với xã hội: Tạo sức ép trong việc kiểm soát hành vi chống phá rừng, phát sinh kinh phí cho việc phục hồi rừng, tái tạo rừng…

Phá rừng đang là điểm nóng đối với con người và cả nhân loại, cần có những biện pháp phù hợp để kiểm soát việc khai thác rừng phù hợp vì rừng có sự ảnh hưởng không nhỏ đối với nhân loại và Trái Đất. Phật giáo có mối quan hệ mật thiết đối với đời sống con người, thiên nhiên, việc bảo vệ rừng cũng là một trách nhiệm của Phật giáo trong ý thức hệ đạo đức. Vì vậy, năm điều đạo đức căn bản (Ngũ giới) của người Phật tử tại gia, giới đầu tiên đó chính là giới không sát sanh (Giới bất sát), và giới này cũng thuộc về giới luật của người con Phật (xuất gia và tại gia).

QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO VỀ NẠN PHÁ RỪNG THÔNG QUA GIỚI KHÔNG SÁT SANH

Vai trò của rừng trong Phật giáo

Sự vĩ đại của thiên nhiên luôn gắn liền với cuộc đời Đức Phật, như: Đản sanh dưới cây Vô-ưu trong vườn Lâm-tỳ-ni; Tầm đạo sáu năm trong rừng Khổ Hạnh (Khổ Hạnh lâm); Thành đạo dưới cây Bồ-đề và nhập Niết-bàn dưới cây Sa-la tại rừng Sa-la thuộc thành Câu-thi-na… Điều này minh chứng, trước và sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài luôn gần gũi thiên nhiên, yêu thiên nhiên. Nhất là trong quá trình tu tập và hoằng pháp cho những ai có duyên đều tại các khu rừng, như rừng Đại Lâm, rừng Trúc, vườn Kỳ Thọ – Cấp Cô Độc, núi Linh Thứu… “Này Bà-la-môn, Ta tự quán sát Ta có từ tâm như vậy, Ta cảm thấy lòng tự tín được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi” [3]. 

Do vậy, Ngài thường dạy các đệ tử hãy tìm nơi thanh vắng, tại các khu rừng, dùng tư duy tu để thực hành thiền định, tùy theo căn cơ và trình độ mà quán các đề mục khác nhau mà thành tựu đạo hạnh, như trong Pháp Cú, kệ 98, 99 đề cập: 

“Làng mạc hay rừng núi

Thung lũng hay đồi cao,

La Hán trú chỗ nào,

Đất ấy thật khả ái.

Khả ái thay núi rừng,

Chỗ người phàm không ưa,

Vị ly tham ưa thích,

Vì không tìm dục lạc” [4].

Hay trong Kinh Trung A-hàm, Ngài khẳng định rằng: “Tỳ kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở. Hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn” [5]. Đồng thời, Đức Phật cũng thông qua những ví dụ liên quan đến khu rừng để chỉ dạy cho đệ tử xuất gia và tại gia tu tập đúng pháp và thăng tiến trên bước đường tâm linh: “Chư Tỳ kheo, cũng như gần một thôn làng hay thị trấn nhỏ, có ngôi rừng cây Sa-la lớn, ngôi rừng bị các cây leo y lan (cây làm dầu thu đủ) bao phủ. Có một người đến khu rừng này, muốn lợi ích cho ngôi rừng, muốn hạnh phúc, muốn an ổn khỏi các ách phược (cho ngôi rừng). Người ấy chặt đứt các nhành cây cong thiếu hẳn sinh lực, vất chúng ra khỏi (ngôi rừng), dọn dẹp trong rừng sạch sẽ. Người ấy săn sóc kỹ lưỡng các nhánh cây Sa-la thẳng thắn, khéo mọc. Chư Tỳ kheo, sau một thời gian, ngôi rừng như vậy được trưởng thành, hưng thịnh, lớn mạnh. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, các ông hãy từ bỏ bất thiện, hãy nỗ lực đối với các thiện pháp, như vậy các người mới thành tựu sự trưởng thành, hưng thịnh, lớn mạnh trong Pháp, Luật này” [6].  

Như vậy, rừng hay cây cối, thiên nhiên đều có vai trò to lớn của nó, là một ngôi nhà chung cho xã hội, là nơi tu tập của Đức Phật và những hàng Sa-môn, Bà-la-môn và nơi đó thật khả ái đối với những ai thích sống đời sống ly tham, ly ác bất thiện pháp. Vai trò của rừng không những được Đức Phật nói trong kinh điển mà trong giới luật, Ngài cũng đã chế định cho chúng đệ tử.

Giới không sát sanh

Phá rừng là hành động chặt phá cây rừng, làm cho cây không còn sự sống, hay nói cách khác đó chính là hình thức đoạt mạng sống của cây. Phật giáo lấy tâm từ bi ban vui cứu khổ. Trong tinh thần ấy, không phải dừng lại giữa con người với con người, mà đối với tất cả sự vật hiện tượng đã đang và sẽ có mặt trong cuộc sống. Tâm từ bi không còn nằm trong giới hạn sự tự nguyện mà Đức Phật đã làm tinh thần từ bi này thành giới luật của người con Phật, cũng là một trong năm điều đạo đức căn bản của người Phật tử tại gia – Giới bất sát (không sát sanh). 

Ngũ giới là nền tảng tu tập của người Phật tử tại gia: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Giới bất sát trong Phật giáo được hiểu là không được đoạt mạng sống của những sự sống, nhất là không được giết người. Trong hành động giết người, tùy theo mỗi ý chí, hành động dẫn đến người kia không còn mạng sống nữa mà cũng có những mức phạm tội khác nhau, nặng nhất là tội Ba-la-di (không thể cứu chữa, không thể sám hối – tội đoạn đầu). “Tỳ kheo nào, cố ý tự tay dứt sinh mạng người, cầm dao đưa người, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết, nói: ‘Này nam tử, ích gì cuộc sống xấu ác này, thà chết còn hơn sống!’. Với tâm tư duy như vậy, dùng mọi phương tiện khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết; Tỳ kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung” [7]. 

Việc giết người là trọng tội, giới bất sát được Đức Phật chế định không phải trên tinh thần tự nguyện mà nên giữ gìn một cách cẩn thận, nghiêm túc. Bởi lẽ giới không được giết người không dừng lại nơi đức tin tôn giáo mà là một trong những trọng tội được luật pháp thế gian quy định và xử phạt nghiêm minh. Giới bất sát không dừng lại ở việc không được giết người, mà ngay cả cây, cỏ cũng được Đức Phật không cho quý trọng: “Nếu Tỳ kheo phá hoại mầm sống của cây, phá thôn của quỷ, thì phạm Ba-dạ-đề” [8]. Trong giới này, Đức Phật dạy cho hàng đệ tử xuất gia cũng như những người tịnh nhân (cư sĩ tập sự) khi chặt cây với mục đích dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ, trang nghiêm nơi sinh hoạt để không phạm tội: “Một lần dùng phương tiện sai người cắt một ngày, thì phạm một tội Ba-dạ-đề. Nếu giữa chừng nói: “Cắt nhanh lên”, thì cứ một lần nói phạm một tội Ba-dạ-đề. Tất cả bốn trường hợp kia như phá, đập nát, đốt, lột vỏ, hoặc tự mình làm, hoặc sai người làm cũng phạm tội như vậy. Nếu vì Tăng làm tri sự, nhất thiết không được bảo tịnh nhân như: “Cắt cây này, phá cây này, đập nát cây này, lột vỏ cây này”. Nếu nói như thế thì phạm tội. Do đó chỉ nên nói: “Hãy biết cây ấy, hãy làm sạch cây ấy”, nói như thế không có tội” [9]. 

Trong tích truyện Kinh Pháp Cú, Phẩm sân hận có nói: Nhân vì muốn xây thất cho riêng mình mà một thầy Tỳ kheo đã chặt đốn cây có vị nữ Thọ thần và đứa con ở, vì có sự kính trọng và biết kìm chế nên Thọ thần không giết hại vị Tỳ kheo đã chặt cây mà đi bạch với Đức Phật. Nhân đó, Ngài đã chế giới: “Không được chặt đốn cây cối”. 

Trong khoa học, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh các loài cây cỏ đều có phản ứng tương đương với những ý nghĩ và hành động của con người hay tác nhân có sự tác động đến chúng: “Vào một ngày tháng 2 năm 1966, chuyên gia phát hiện nói dối Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Cleve Backster trong khi cao hứng đã nối máy dò nói dối với những chiếc lá của cây huyết dụ (1 loại cây thuộc chi Huyết Giác Dracaena) và tưới nước vào gốc cây. Khi tưới dần dần từ gốc cây lên thì ông kinh ngạc phát hiện trên bản vẽ của máy dò nói, bút điện tử tự động ghi lại một đồ hình răng cưa không phải hướng lên trên mà là hướng xuống dưới. Loại đồ hình này rất giống với loại đồ hình mà máy vẽ ra lúc người ta vui mừng kích động!” [10]. 

Giới không sát sanh này không chỉ ngăn ngừa việc giết hại bằng hình tướng thông qua tay, chân hay bằng vũ khí, dẫn đến đối tượng chấm dứt sự sống mà còn ngăn ngừa không được giết ngay cả trong suy nghĩ, và bằng lời nói. Qua Giới bất sát này, Đức Phật không những không cho hàng đệ tử của Ngài không được giết người, mà cũng phải tôn trọng sinh mệnh của cây cỏ. 

NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN SỰ PHÁ RỪNG VÀ HỆ QUẢ VỀ NGHIỆP

Như trên đã trình bày, có những nguyên nhân thuộc về chủ quan và khách quan dẫn đến nạn phá rừng. Con người không phải là một thực thể duy nhất tồn tại và muốn tồn tại, mà các sự vật hiện tượng đều chung tồn tại, cùng muốn tồn tại, trong đó, cỏ cây, hoa lá, biểu tượng chính là rừng đều tồn tại và muốn tồn tại. Đây được xem là mối quan hệ không thể tách rời trong tiến trình của sự sống, Phật giáo gọi đó là Duyên sinh. Vì vậy sự có mặt của sự vật hiện tượng này có sự tác động, ảnh hưởng đến sự có mặt của các sự vật hiện tượng kia. Rừng là một đại diện, là biểu tượng cho sự sống. Có ảnh hưởng to lớn đến sự sống Trái đất, muôn loài nói chung và con người nói riêng. Rừng không những là nơi cung cấp khí oxy mà còn là nhà ở cho các loài động thực vật, là nơi dự trữ nguồn nước quý giá cho sinh môi… Con người vì lòng tham, thấy lợi ích trước mắt mà không thấy được lợi ích lâu dài của rừng nên đã khai thác một cách bừa bãi. 

Phật giáo cho rằng, mọi hành vi bất thiện phát khởi đều từ lòng tham con người “Tham là căn bổn bất thiện, sân là căn bổn bất thiện, si là căn bổn bất thiện” [11], danh lợi khiến tâm con người trở nên khác biệt. Nguồn lợi từ gỗ mang lại cho họ có số tiền lớn, nhất là các loại gỗ quý, vì vậy, việc chặt phá rừng là điều khó tránh khỏi. Hay vì những mục đích khác, nguyên nhân sâu xa cũng xuất phát từ lòng tham, sân và sự thiếu hiểu biết mà ra. Việc chặt phá rừng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về mặt hiện tượng; con người và xã hội. Trong Phật giáo, hành nghiệp này dẫn đến những hệ quả nhất định của nó đối với người tạo tác.

HỆ QUẢ CỦA HÀNH VI TÀN PHÁ RỪNG THEO PHẬT GIÁO

Về mặt luật pháp, khi khai thác và phá rừng trái phép, trái với quy định Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 thì tùy mức độ vi phạm mà xử phạt theo những điều khoản được quy định khác nhau. Mức phạt hành chính hành vi phá rừng trái pháp luật được quy định tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 300.000 đồng đến 200.000.000 đồng. 

Trong thế giới quan Phật giáo, mỗi hành nghiệp bất thiện khi tạo tác có chủ đích, có sự tác ý của chủ thể vào đối tượng, thì hành nghiệp kia đã kết thành tội cố ý và chịu những hệ quả tiêu cực do năng lượng tiêu cực đó tạo ra. Trong việc chặt phá cây cối, điều này được xét vào giới không được sát sanh, tuy mức độ không nặng như giết người, nhưng hành nghiệp này vẫn bị Đức Phật quở trách và chế thành giới luật để chúng đệ tử theo đó thực hành. Người đệ tử Phật thực hành việc chặt phá rừng không đúng pháp luật sẽ bị người dân chê trách, bị xã hội lên án, chịu sự tác động theo hình phạt được pháp luật quy định. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, uy tín của Phật giáo.

Khi thực hiện hành vi chặt phá rừng trái pháp luật sẽ tạo ra tâm bất thiện, bởi đó là hành vi trái pháp luật, phạm vào giới bất sát (không sát sanh) và giới không trộm cướp (không cho mà lấy), điều này làm cho tinh thần chủ thể hoang mang, lo lắng và bất an. Giới văn ghi rõ: “Tỳ kheo nào, nơi thôn xóm hay chỗ trống vắng, với tâm trộm cắp, lấy vật không được cho. Tùy theo vật không được cho mà lấy, hoặc bị vua hay đại thần của vua bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi ra khỏi nước, rằng: “Ngươi là giặc, ngươi ngu si, ngươi không biết gì.’ Tỳ kheo ấy là kẻ Ba-la-di, không được sống chung” [12]. Hoặc: “Nếu Tỳ kheo ở nơi xóm làng, chỗ vắng vẻ, của người ta không cho mà lấy trộm đủ số (quy định) thì phạm tội Ba-la-di không được sống chung (với Tăng chúng)” [13]. Hay giới cho người Phật tử tại gia: Từ cây kim, ngọn cỏ, người ta không cho thì không được lấy. Việc phá rừng sẽ đưa đến những hệ quả tệ hại về môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và nhân loại.

Như vậy, khi thực hiện hành vi phá rừng sẽ phạm vào hai giới; giới không sát sanh và giới không trộm cắp. Họ sẽ bị luật pháp xử phạt, người giữ giới thanh tịnh không hoan hỷ, không cho ở chung, bị người khác chê trách và danh dự, uy tín bị ảnh hưởng hoặc không còn gì. Nhìn sâu xa hơn, việc phá rừng chặt cây hại mạng sẽ tạo nên nhân không tốt, trong tương lai cũng sẽ nhận lại những quả không tốt. Ý hành, thân hành và khẩu hành sẽ đưa đến những nghiệp duyên nhất định. Khi có hành sanh khởi, chúng sẽ tích tập trong tàng thức, tàng thức này là kho chứa các thức, các hành nghiệp do chủ thể tạo tác, khi đủ duyên chúng sẽ tạo ra những hành nghiệp tương ứng. Vì vậy, khi tạo ra năng lượng tiêu cực chắc chắn sẽ có sự chuyển tiếp tiêu cực trong tương lai. Phật giáo gọi là Nhân-duyên-quả, cũng gọi là Nghiệp thức.

PHƯƠNG PHÁP KHẮC PHỤC

Người đệ tử Phật phải hiểu rõ mối nhân duyên giữa các sự vật hiện tượng, bản chất của sự sống là sự cộng sinh, cộng tồn. Pháp Duyên khởi là một hệ thống triết học sâu sắc, mang tính logic cao vượt mọi ngôn ngữ, thời gian và nơi chốn. Ngoài việc đề cập đến sự sinh khởi của vạn pháp thì pháp Duyên khởi cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa các sự vật hiện tượng với nhau. Đó chính là mối tương quan, hỗ tương trong sự sinh, trụ, dị, diệt. Người con Phật phải thấy được lý Duyên sinh mới có thể kiểm soát được hành vi, việc làm của mình phù hợp với lời Đức Phật dạy, làm an vui cho mình và cho người.

Chuyển biến tâm lý của con người về tham, sân, si đều xuất phát từ sự vô minh, dẫn đến chấp ngã, chấp pháp, tham cầu về mình, thấy lợi trước mắt mà không cần quan tâm đến vấn đề chung, số đông; thấy được nguồn lợi từ rừng mà quên đi hiểm họa khôn lường khi phá rừng một cách bừa bãi. Do đó, Đức Phật đã chỉ cho chúng sanh hãy sống với tâm lượng Từ-bi-hỷ-xả và thực tập phương pháp quán vô ngã, vô thường, không có cái gì là của mình, từ đó sống có trách nhiệm và làm lợi ích chung nhất: “Do vậy, này các Tỳ kheo, bất cứ các pháp nào, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc pháp là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi,” cần phải như thật quán với chánh trí tuệ” [14]. Ngoài ra, đệ tử Phật phải thực hành giới luật – giới không sát sanh và giới không trộm cắp, thì hành vi phá rừng, chặt đốn cây cối cũng được hạn chế, mang lại lợi ích thiết thực trong hiện tại lẫn tương lai. 

Phật giáo là một tôn giáo tôn trọng sự sống và sự có mặt của vạn pháp, bởi hiểu rõ mọi nhân duyên của sự hiện hữu đều có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Theo lời Đức Phật dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”, Phật giáo đã có những chương trình trồng rừng mang tầm chiến lược, như: “Chương trình chung tay trồng rừng Việt Nam là sáng kiến của Trung tâm Phát triển Thế giới thêm xanh mở ra cơ hội để mỗi chúng ta có thể đóng góp một phần của mình cùng với chương trình trồng rừng của Chính phủ nhằm đem lại sự phát triển bền vững. Chương trình được Trung ương GHPGVN đồng hành, bảo trợ, và đặc biệt là những cống hiến của các họa sĩ đã trao tặng những tác phẩm hội họa đặc biệt được LocalArt tổ chức giới thiệu và sẽ dành toàn bộ giá trị của hơn 100 tác phẩm này cho chương trình chung tay trồng rừng Việt Nam” [15]. 

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) đã kêu gọi mọi người trồng cây xanh, bảo vệ môi trường: “Nhân đây chúng tôi cũng xin thưa, giáo lý của đạo Phật là nghiêm cấm việc chặt cây. Chặt cây cũng bị coi là sát sinh. Lời di chúc của Đức Phật trước khi rời cõi đời này là không được chặt cây cối, phá hoại núi rừng. Cây cối cho ta sự sống, che mát, nên cấm tuyệt đối việc chặt cây” [16]. 

Với phương pháp cụ thể, đường lối rõ ràng và sự tuyên truyền đúng mực thì việc phá rừng sẽ được giảm thiểu. Ngoài việc tuyên truyền trên truyền thông báo chí, cần phải có những phương pháp, hành động cụ thể. Thực hiện nghiêm túc luật bảo vệ và khai thác rừng thông qua Thông tư của Bộ Lâm Nghiệp Hướng dẫn thực hiện Nghị định 14/CP của Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng do Quốc hội ban hành. Có những chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc và vùng ven rừng sẽ giảm thiểu tỷ lệ phá rừng để sinh hoạt sản xuất.

Những biện pháp khắc phục theo giáo lý Phật giáo sẽ đi từ trong ra ngoài. Nghĩa là nâng cao sự hiểu biết và sự nhận thức rõ ràng của quần chúng nhân dân thông qua luật Nhân quả, Duyên sinh, đặc biệt là giới không sát sanh từ con người đến mọi loài. Đây được xem là phương pháp hữu hiệu giúp người dân tự giác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Phật giáo bằng những việc làm cụ thể sẽ góp phần tích cực tham gia vào việc bảo vệ rừng một cách hiệu quả và lâu dài.

KẾT LUẬN

Trước vấn nạn phá rừng, con người cần phải tự mình nhìn lại và cần có những phương hướng, giải pháp nhất định. Con người vì lòng tham và lợi nhuận trước mắt đã vô tình làm tổn thương đến lá phổi xanh của Trái Đất, đang làm tổn thương chính đời sống của mình. Vì rừng chính là nguồn sống không riêng gì của con người mà còn của muôn loài. Việc phá rừng nghiêm trọng như vậy, nếu không có sự nhìn nhận đúng mức và giải pháp phù hợp sẽ khiến con người gặp nhiều khó khăn hơn để phục hồi rừng, bảo vệ môi trường, bầu khí quyển, Trái Đất.

Thấy được lợi ích và sự ảnh hưởng của rừng, Quốc hội đã đưa ra một số nghị quyết, thông tư liên quan đến bảo vệ và khai thác rừng, từ đó có thể giúp người dân ý thức được vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức khi khai thác và sử dụng đất rừng phù hợp. Phật giáo không xa rời đời sống thực tế, thông qua giới không sát sanh, ngoài việc cấm không giết người thì giới này cũng đề cập đến việc tôn trọng mạng sống của hoa lá, cây cỏ, không được xâm phạm làm tổn hại mạng sống của chúng. Bên cạnh đó, triết lý Phật giáo cho chúng sanh có những giáo lý và phương pháp để tu tập, ý thức rõ cuộc sống này là sự cộng sinh, có sự tương tác và tác động lẫn nhau. Vì vậy, bảo vệ rừng chính là bảo vệ sự sống của con người và Trái Đất. Bên cạnh những lý thuyết mang tính nhân văn, người đệ tử Phật hành động nhanh chóng, kịp thời và cụ thể, tham gia tích cực vào công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, khuyến khích trồng cây tại các tự viện, nơi công cộng vì một Việt Nam xanh, một thế giới trong lành.

 

ĐĐ. Thích Tâm Tín/TCVHPG403

Chú thích:

* ĐĐ. Thích Tâm Tín – Học viên Cao học Phật học khóa V tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

[1] Tú Lê (2020), “Nạn phá rừng tại Việt Nam đang ngày càng ở mức báo động”, Nguồn: https://moitruongvaxahoi.vn/nan-pha-rung-tai-viet-nam-dang-ngay-cang-o-muc-bao-dong-1408364253.html, truy cập ngày 19/8/2022.

[2] Hoa Lan (2022), “Nạn phá rừng trên thế giới vẫn tiếp diễn bất chấp cam kết tại COP26”, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/nan-pha-rung-tren-the-gioi-van-tiep-dien-bat-chap-cam-ket-tai-cop26-post695024.html, truy cập ngày 20/11/2022

[3] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 1, 4. Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.39.

[4] Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.51.

[5] Tăng-Già-Đề-Bà: Hán dịch, Tuệ Sỹ: Việt dịch (2008), Kinh Trung A-Hàm Tập 1, 107. Kinh Lâm (I), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.813.

[6] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 1, 21. Kinh Ví Dụ Cái Cưa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.165.

[7] Phật-Đà Da-Xá và Trúc-Phật-Niệm (Hán dịch), Thích Đỗng Minh (Việt dịch, 2013), Luật Tứ Phần 1, Chương I: Ba-La-Di, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.56.

[8] Phật Đà Bạt Đà La – Sa Môn Pháp Hiển (Hán dịch), Thích Phước Sơn (Việt dịch, 2011), Luật Ma Ha Tăng Kỳ tập 2, 11. Giới: Chặt Phá Cây Sống, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.123.

[9] Phật Đà Bạt Đà La – Sa Môn Pháp Hiển (Hán dịch), Thích Phước Sơn (Việt dịch, 2011), Luật Ma Ha Tăng Kỳ tập 2, 11. Giới: Chặt Phá Cây Sống, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.126.

[10] Nguyễn (2018), 5 thí nghiệm cho thấy cây cối cũng có tri giác và cảm xúc, Nguồn: https://mialab.vn/5-thi-nghiem-cho-thay-cay-coi-cung-co-tri-giac-va-cam-xuc, truy cập ngày 18/8/2022. 

[11] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 1, 9. Kinh Chánh Tri Kiến, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.75.

[12] Phật-Đà Da-Xá và Trúc-Phật-Niệm (Hán dịch), Thích Đỗng Minh (Việt dịch, 2013), Luật Tứ Phần tập 1, Chương I: Ba-La-Di, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.38.

[13] Phật Đà Bạt Đà La – Sa Môn Pháp Hiển (Hán dịch), Thích Phước Sơn (Việt dịch, 2011), Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Tập 1, 2. Giới: Trộm Cắp, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.99.

[14] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 1, 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.183.

[15] Hoàng Tuấn – Cẩm Vân (2019), GHPGVN phối hợp vận động phủ xanh rừng, Nguồn: https://giacngo.vn/ghpgvn-phoi-hop-van-dong-phu-xanh-rung-post48853.html, truy cập ngày 19/8/2022.

[16] Võ Hải (2017), Đại biểu Quốc hội nên cấm tuyệt đối việc chặt cây, Nguồn: https://vnexpress.net/dai-bieu-quoc-hoi-nen-cam-tuyet-doi-viec-chat-cay-3596434.html, truy cập ngày 17/08/2022.

 

Tài liệu và tham khảo

1. Phật Đà Bạt Đà La – Sa Môn Pháp Hiển (Hán dịch), Thích Phước Sơn (Việt dịch, 2011), Luật Ma Ha Tăng Kỳ (tập 2), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

2. Phật Đà Bạt Đà La – Sa Môn Pháp Hiển (Hán dịch), Thích Phước Sơn (Việt dịch, 2011), Luật Ma Ha Tăng Kỳ (tập 1), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

3. Phật-Đà Da-Xá và Trúc-Phật-Niệm (Hán dịch), Thích Đỗng Minh (Việt dịch, 2013), Luật Tứ Phần 1, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

4. Tăng-Già-Đề-Bà (Hán dịch), Tuệ Sỹ (Việt dịch, 2008), Kinh Trung A-Hàm tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

6. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

7. Hoàng Tuấn – Cẩm Vân (2019), GHPGVN phối hợp vận động phủ xanh rừng, https://giacngo.vn/ghpgvn-phoi-hop-van-dong-phu-xanh-rung-post48853.html. Truy cập ngày 19/8/2022.

8. Nguyễn (2018), 5 thí nghiệm cho thấy cây cối cũng có tri giác và cảm xúc, https://mialab.vn/5-thi-nghiem-cho-thay-cay-coi-cung-co-tri-giac-va-cam-xuc. Truy cập ngày 18/8/2022.

9. Tú Lê (2020), Nạn phá rừng tại Việt Nam đang ngày càng ở mức báo động, https://moitruongvaxahoi.vn/nan-pha-rung-tai-viet-nam-dang-ngay-cang-o-muc-bao-dong-1408364253.html. Truy cập ngày 19/8/2022.

10. Võ Hải (2017), Đại biểu Quốc hội nên cấm tuyệt đối việc chặt cây, https://vnexpress.net/dai-bieu-quoc-hoi-nen-cam-tuyet-doi-viec-chat-cay-3596434.html. Truy cập ngày 17/8/2022.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin