Chi tiết tin tức Sự kiện ở Bình Thuận qua góc nhìn yêu nước của đạo Phật 21:01:00 - 13/06/2018
(PGNĐ) - Những ngày qua, người dân Bình Thuận nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đều rất phẫn nộ trước hành vi gây rối của một số đối tượng quá khích tại địa phương.
Tâm loạn thì thân loạn Đường Lâm Đình Trúc vốn hết sức bình yên nơi thành phố biển Phan Thiết, sau sự việc các đối tượng quá khích gây rối, đập phá, phá hoại tài sản của Nhà nước đã khiến cuộc sống của người dân trở nên xáo trộn. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công an, công an Bình Thuận hiện đang tạm giữ 8 người do có hành vi kích động, đập phá, tấn công các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự. Tính đến nay, đã có 30 cán bộ chiến sĩ bị thương, nhiều trường hợp gãy chân, tay, ngạt khói, tuy nhiên không có trường hợp thiệt mạng. Tại Tp.HCM, công an thành phố cũng tạm giữ hơn 150 người để điều tra làm rõ hành vi khiến hai cán bộ chiến sĩ và một thanh niên tình nguyện bị thương.
Nhóm người quá khích biện minh cho hành động của họ là sự thể hiện lòng yêu nước nhiệt thành, nhưng dường như họ đang nhầm lẫn định nghĩa về nó. Yêu nước không phải là tấn công những người vô tội hay hung hăng xuống đường phá hoại tài sản công, gây rối an ninh trật tự, đánh người thi hành công vụ. Đây đều là các hành vi trái pháp luật, gây tổn hại đến an ninh quốc gia. Yêu nước là khi chúng ta phấn đấu hết mình, dùng trí óc và đôi bàn tay nỗ lực dựng xây Tổ quốc. Việc sẵn sàng cầm vũ khí lên chiến đấu chỉ đúng trong thời chiến chứ không phải điều nên làm trong thời bình hiện nay. Chúng ta hãy thử nhìn sang đất nước Syria, điều gì xảy ra khi một đất nước luôn bất ổn, bạo loạn, khắp nơi chỉ toàn tiếng súng và tiếng khóc của những đứa trẻ vô tội? Đói khổ, thất học, dịch bệnh, đau thương là những điều đang diễn ra tại nơi ấy suốt 7 năm qua... Nhìn lại vụ việc vừa xảy ra tại Bình Thuận, điều ta thấy được là gì? Ngoài số người bị thương, bị tạm giữ và thiệt hại về tài sản bị phá hoại, điều đáng quan ngại nhất chính là sự mất đoàn kết trong nhân dân. Không biết mục đích cuối cùng của nhóm người quá khích ấy có thực hiện được hay không, chỉ biết rồi đây gia đình họ sẽ rất đau lòng khi phải tạm rời xa người con, người chồng, người bố trong một khoảng thời gian để tiếp nhận việc điều tra. Dưới tuệ giác của đức Phật hay các vị thiền sư đắc đạo, từ vô thủy kiếp đến nay con người tạo ra bao nhiêu tội lỗi, gây ra không biết bao nhiêu nghiệp chướng đều xuất phát từ lòng hận thù. Chỉ vì thiếu sự sáng suốt trong suy nghĩ mà những đối tượng quá khích đã thực hiện các hành động sai lầm và không làm chủ được chính mình. Đây là điều nguy hiểm khôn cùng, bởi khi không làm chủ được mình, người ta như đang quờ quạng trong tăm tối và si mê đến ngu xuẩn, đem cả thân và tâm giao như người khác sai khiến rồi hành động liều lĩnh, nói năng thiếu sự kiểm soát của ý thức. Đến khi tỉnh táo trở lại thì mọi chuyện e đã quá muộn màng. Bản chất con người chúng ta khi sinh ra luôn bị tam độc: tham - sân - si chi phối, nên chỉ một cần một lời nói kích động “chữ tôi”, chúng ta dễ dàng “nổi máu anh hùng”, không còn đủ sáng suốt để nghĩ tới hậu quả sau đó. Đến lúc tỉnh trí, cảm giác ân hận choán hết tâm hồn, nhưng cũng không thể giải quyết được hậu quả, vì không ai có thể quay ngược thời gian để thay đổi một quyết định sai lầm trong quá khứ.
“Thuở xưa, đức Phật cùng với 1250 vị tỳ kheo ở trong núi Linh Thứu, thuộc thành Vương Xá. Bấy giờ, vua A Xà Thế nước Ma Kiệt Đà cai quản cả trăm nước nhỏ. Trong đó, nước Việt Kỳ gần bên không tuân mệnh lệnh, nên vua A Xà Thế định xuất quân trừng trị. Nhà vua triệu tập quần thần bàn bạc: - Nước Việt Kỳ giàu có phồn thịnh, có nhiều châu báu mà không quy phục ta. Theo ý các khanh, ta có nên khởi binh chinh phạt không? Thừa tướng Vũ Xá - một vị tài đức, tâu: - Tâu bệ hạ! Nên đánh. Nhà vua bảo Vũ Xá: - Đức Phật đang ở gần đây. Ngài là bậc thánh thấu rõ mọi việc. Khanh đến gặp đức Phật, thay lời ta khéo hỏi Ngài, như ý của khanh đã nói: “Nếu xuất quân sang đánh nước kia thì có thể thắng được không?”. Vâng lệnh, thừa tướng cho thắng xe ngựa đến tịnh xá. Ông vào diện kiến Phật, đảnh lễ thăm hỏi. Đức Phật bảo ông ngồi sang một bên rồi hỏi: - Thừa tướng từ đâu đến đây? - Bạch Thế Tôn, quốc vương sai tôi đến đảnh lễ vấn an sức khỏe đức Thế Tôn. Mọi sinh hoạt của Ngài vẫn an lành chứ? Đức Phật hỏi: - Đại vương, đất nước, nhân dân và quần thần đều bình an cả chứ? - Dạ, nhờ ân đức của Thế Tôn, đại vương và nhân dân đều bình an. Nhưng gần đây đại vương và nước Việt Kỳ có sự bất hòa, nên người dự định xuất quân chinh phạt. Theo đức Thế Tôn thì trận này đại vương có chiến thắng không? Đức Phật bảo: - Nhân dân nước Việt Kỳ thực hành bảy pháp, nên không thể chiến thắng được họ. Mong rằng nhà vua hãy suy xét thật kĩ, chớ vội vã xuất binh. Thừa tướng bèn hỏi: - Bạch Thế Tôn! Bảy pháp ấy là gì? - Đó là: 1. Nhân dân nước Việt Kỳ thường ngồi lại với nhau luận bàn Chánh pháp, tu phước giữ giới. 2. Vua tôi và thần dân nước Việt Kỳ trên dưới một lòng, tin dùng những bậc trung lương, vua luôn luôn ghi nhận lời khuyên can của tôi thần, không làm điều bạo ác. 3. Nhân dân nước Việt Kỳ giữ gìn Chánh pháp, không lấy của rơi, không dám phạm pháp, trên dưới đều thực hành theo phép tắc. 4. Nhân dân nước Việt Kỳ tuân thủ lễ nghĩa, kính cẩn, nam nữ phân biệt rõ ràng, trên dưới thứ bậc, không mất phép tắc. 5. Nhân dân nước Việt Kỳ hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng, nghe lời dạy bảo và xem đó như là phép tắc quốc gia. 6. Nhân dân nước Việt Kỳ theo nguyên lý đất trời, kính thờ xã tắc, tùy thuận bốn mùa, nông dân siêng năng cày cấy. 7. Nhân dân nước Việt Kỳ tôn kính đạo đức, trong nước có những vị sa môn đắc đạo, hoặc có những vị A La Hán từ xa trở về đều được cúng dường mọi thứ y phục, giường chiếu và thuốc men. Làm vua mà thực hành được bảy pháp này thì không gặp tai nạn nguy hiểm. Dù cho đem binh cả thiên hạ đến đánh cũng không thể thắng được họ. Thừa tướng! Nhân dân nước Việt Kỳ chỉ thực hành một pháp trên đây thôi, thì cũng không thể thắng được họ, huống gì thực hành cả bảy pháp. Đức Thế Tôn nói bài kệ: Thắng người nào có vui chi Ngày đêm cứ mãi sầu bi rập rình Sao bằng chiến thắng chính mình Vui đời giải thoát tử sinh tạ từ. Nghe xong bài kệ, Vũ Xá liền hiểu được đạo, mọi người trong chúng hội đều chứng quả Tu Đà Hoàn. Thừa tướng đứng lên thưa đức Phật: - Bạch Thế Tôn! Việc nước bận rộn, con xin trở về. Đức Phật dạy: - Nên biết việc gì cũng phải đúng thời! Thừa tướng đảnh lễ đức Phật từ giã ra về. Về đến hoàng cung, ông tâu mọi chuyện lên nhà vua. Nhà vua liền từ bỏ ý định đánh nước Việt Kỳ, vâng theo lời Phật dạy giáo hóa nhân dân. Sau đó, nước Việt Kỳ đều quy thuận, trên dưới kính nhường nhau, nước nhà đều thịnh vượng. (Trích từ kinh Pháp cú thí dụ - TT.Thích Thiện Thuận và ĐĐ.Thích Nguyên Trang dịch) Tỉnh giác từ trong tâm thức Từ câu chuyện trên, có lẽ chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học cho bản thân mình. Bạo lực, hận thù, chiến tranh không bao giờ đem lại hạnh phúc. Chỉ có lòng từ bi, tình yêu thương chân thật mới cảm hóa được lòng người. Như vậy, điều chính yếu là tập trung tâm vào một điểm mà nhà Phật gọi là nhất tâm để thân đi không chệch hướng. Kinh Di giáo dạy: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” là vậy. Khi có thể dùng sức thiền định nhiếp tâm về một mối thì trí tuệ phát sáng, không có việc gì không giải quyết thông suốt. Tâm loạn thì thân loạn, tâm an thì thân an.
Sự tự chủ thể hiện ở khả năng nhận thức về tư duy và hành động của chính mình, rõ biết tính chất của thiện ác và hậu quả, cũng như ảnh hưởng của những hành động này tác động đến bản thân, những người liên quan và môi trường xung quanh như thế nào để xác định những gì nên làm và không nên làm. Nhận thức cần được đặt trên cơ sở thẩm định của mình về hành động của thân, lời nói của miệng, suy nghĩ của ý và phải phù hợp với ý kiến của người có khả năng và thẩm quyền trong lĩnh vực này, trong kinh thường gọi là “người trí”.
Đồng thời, nhận thức này cần tương ưng với nguyên lý duyên sinh nhân quả vận hành khách quan chi phối vũ trụ. Đức Phật khuyên chúng ta chỉ nên tin tưởng và thực hành những điều hội đủ cả ba tiêu chí trên, nghĩa là tôn trọng khả năng nhận định của mình, tôn trọng nhận định của người trí và tôn trọng nguyên lý duyên sinh nhân quả. Điều này được ghi lại trong bài pháp đức Phật giảng cho người Kalama (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VIII, kinh số 65). Trong khi tiến hành một việc gì, đức Phật dạy chúng ta cần quán chiếu để nhận thức đúng theo ba tiêu chí trên ngay ở giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn đang tiến hành và sau khi hoàn thành công việc. Nếu việc ấy có lợi cho mình, có lợi cho người, có lợi trong hiện tại và lợi ở tương lai thì mới nên tiến hành (Kinh Giáo giới La Hầu La, Trung bộ kinh số 61). Khi tiến hành một việc gì, chúng ta nên chú tâm quán xét từng hành vi, cử chỉ của mình, kiểm chứng tính chất và động cơ để có định hướng tốt đẹp trước khi tập trung năng lượng vào thực hiện. Trong lúc đang làm, chúng ta lại tiếp tục quán xét để giữ cho định hướng ban đầu không đi chệch đi. Sau khi thực hành, nhìn lại thành quả, chúng ta đánh giá lần nữa để xem có cần rút kinh nghiệm thực tế gì từ việc làm này hay không. Sự tỉ mỉ và thận trọng từng chút như vậy đảm bảo cho chúng ta nhận thức rõ ràng tâm ý của mình trong mọi lúc, mọi nơi. Khi thật sự kiểm soát được bản thân, chúng ta dần tự chủ và điều khiển tâm mình vào những việc có lợi ích, hợp lý và dần bỏ những thói quen không tốt, không phù hợp. Đừng để lòng tham lam, bản ngã, sự sân hận chi phối cuộc sống của mỗi người. Hãy luôn giữ bình tĩnh, sáng suốt trong từng suy nghĩ, lời nói cũng như hành động. Đừng để những thế lực thù địch dùng những lời đường mật hay nhân danh công lý, lòng yêu nước để biến chúng ta thành con rối cho họ sai khiến. Hãy tỉnh giác! “Nên biết việc gì cũng phải đúng thời”! “Hận thù diệt hận thù Đời này không có được Từ bi diệt hận thù Là định luật nghìn thu” Tâm Thuần Tham khảo: http://vtv.vn/trong-nuoc/nguoi-dan-binh-thuan-phan-no-truoc-hanh-vi-gay-roi-cua-mot-so-doi-tuong-qua-khich-20180611192106006.htm https://giacngo.vn/nguyetsan/phathocungdung/2016/10/25/7254C8/ https://www.vienchuyentu.com/hay-chien-thang-chinh-minh/
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |