Chi tiết tin tức

Không cấp phép các lễ hội chọi trâu, vận động giảm đốt đồ mã

23:03:00 - 21/04/2018
(PGNĐ) -  Tiếp tục vận động nhân dân giảm đốt đồ mã và kiên quyết với lễ hội chọi trâu, đó là những nội dung quan trọng mà Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018, diễn ra ngày 20/04 đã đề cập đến.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2018, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Nhìn chung, việc tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. 

 Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Một số lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ, như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không có nội dung tổ chức cướp phết, mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi, đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; Lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre... 

 

Nhiều lễ hội dân gian có quy mô lớn như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Phủ Dày (Nam Định), Lễ hội bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)... được đầu tư tổ chức công phu, kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiêng của lễ và không khí tưng bừng của phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, nhiều lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm khôi phục và tổ chức như lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày, Nùng), Lễ hội Cầu mùa (dân tộc Khơ Mú); Lễ hội Gầu Tào dân tộc H’Mông; Lễ hội Hoa Ban dân tộc Thái; Lễ hội mừng lúa mới... 

 Năm 2018, lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn hay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Năm 2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo, cộng đồng không đốt vàng mã, đồ mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng tình ủng hộ chủ trương này.Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân giảm đốt vàng mã, đồ mã tại các khu di tích, nơi thờ tự, cơ sở tín ngưỡng. 

 

Việc đốt đồ mã, vàng mã không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng sức khỏe, vệ sinh môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, đây là tập tục liên quan đến tín ngưỡng của cộng đồng người Việt từ bao đời nay, nên không dễ thực hiện. Chính vì vậy, để loại bỏ tập tục này, cần có những giải pháp đồngbộ, có lộ trình lâu dài. Trước mắt, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để cộng đồng người dân hiểu, đồng tình ủng hộ. 

 Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân giảm đốt đồ mã. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Theo bà Trịnh Thị Thủy, ngoài việc tổ chức tuyên truyền rộng rãi chủ trương này đến với đông đảo quần chúng nhân dân, tới đây, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức hội thảo, đề nghị các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu đóng góp ý kiến, để đưa ra giải pháp, lộ trình triển khai phù hợp, từng bước giảm dần và tiến tới không đốt đồ mã. 

 

Lễ hội chọi trâu cũng là một trong những nội dung mà nhiều đại đại biểu tham dự hội nghị quan tâm. Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều đồng thuận với việc dừng tổ chức lễ hội chọi trâu, bởi đây hoàn toàn là mục đích thương mại, có yếu tố bạo lực, và người dân hoàn toàn không được thụ hưởng giá trị văn hóa nào trong các lễ hội chọi trâu này. 

 

Bà Trịnh Thị Thủy nêu rõ, quan điểm thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là không cấp phép tổ chức các lễ hội chọi trâu, bởi hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống, vì mục đích thương mại và có tính chất bạo lực. Trong đó, việc thương mại hóa trong lễ hội này được thể hiện rất rõ, qua việc bán vé vào xem, xẻ thịt trâu bán giá cắt cổ… 

 Lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ) là một trong hai lễ hội được cấp phép tổ chức năm 2018. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Mùa lễ hội đầu Xuân Mậu Tuất, chỉ có hai nơi được phép tổ chức lễ hội chọi trâu là Hội chọi trâu Phù Ninh (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) và lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) và tới đây còn có Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). 

 

Riêng với Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Hải Phòng có đề án điều chỉnh hình thức, quy mô tổ chức. Đối với hai lễ hội còn lại ở Phù Ninh (Phú Thọ), Hải Lựu (Vĩnh Phúc), nếu muốn tổ chức tiếp, phải đổi mới cách thức thực hiện bằng hành động cụ thể: Rà soát quy trình tổ chức phù hợp với lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ hội; giảm số lượng trâu chọi; xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội cũng như phòng ngừa, xử lý các tình huống phát sinh… 

 

“Các địa phương cần lưu ý phát huy những lễ hội mang tính giáo dục cao, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, còn những lễ hội vì mục đích thương mại, có tính chất bạo lực, phản cảm cần phải được loại bỏ…”, Thứ trưởng Bộ VHTDLTrịnh Thị Thủy nhấn mạnh.  

 

Theo baotintuc.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin