Chi tiết tin tức Bắc Giang: TT. Chân Quang thuyết giảng về chủ đề "Tâm và thế giới" 16:15:00 - 12/01/2015
(PGNĐ) - Ngày 06/01/2015, TT Thích Chân Quang - Phó Ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đáp theo lời thỉnh cầu của ĐĐ.Thích Thanh Sơn - Trụ trì chùa Thành (Xương Giang, Bắc Giang) đã thuyết Pháp cho hàng phật tử yêu thích đạo lý tại địa phương và các vùng lân cận, với tựa đề TÂM & THẾ GIỚI.
Ý nghĩa của bài Pháp thoại giúp cho các phật tử hiểu rằng bản thân mỗi người có ảnh hưởng rất lớn đến sự hòa bình, phát triển của xã hội và thế giới. Từ đó, các phật tử thêm quý trọng bản thân, quý trọng người khác và có những hành động hợp lí, đúng đắn để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp, an lành.
Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa dẫn dụ câu nói mà các Chư Tổ hay nói: “Tâm bình thì thế giới bình”. Người giải thích câu nói đó một cách đơn giản là nếu tâm ta bình an thì thế giới cũng bình an. Từ đó, các phật tử có một cái nhìn mới mẻ, đúng đắn hơn về giá trị của sự hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là những danh vọng, vật chất bình thường nữa mà chính là sự thanh thản, bất động trong tâm hồn. Khi ấy, tuy chúng ta vẫn làm tròn nhiệm vụ với cuộc đời nhưng những ham muốn trần tục tự nhiên buông dần. Nhân đây, Thượng tọa phân tích về quan điểm sống: - Thứ nhất, với người chưa hiểu đạo thì họ cho rằng giàu sang, đẹp đẽ mới hạnh phúc. Họ nghĩ đạo Phật tiêu cực, không còn sức cho con người phấn đấu, nhưng họ không biết rằng, vì mãi chạy theo danh vọng, tiền tài mà họ bị khiếm khuyết về nhân cách, đổ vỡ về đạo đức, đó là, họ càng thành công thì càng kiêu ngạo, càng không tin nhân quả, nhiều khi lại gian dối và thủ đoạn để đạt và giữ được sự thành công đó. Lúc này, đối với bản thân cái xu hướng hưởng thụ, hư hỏng xuất hiện; hạnh phúc gia đình và sự phát triển của xã hội bị đe dọa theo; đồng thời sự kính trọng của người khác với ta cũng giảm dần. Vì vậy, khi ta đạt được một số giá trị về vật chất thì một ít giá trị về tinh thần sẽ bị mất đi. - Còn với người hiểu đạo thì đạo đức, sự bình an của tâm hồn chính là cái gốc của hạnh phúc, là cái quý giá nhất của cuộc đời, nên họ giữ nó rất kĩ, rất cẩn thận. Đây là cái tiên đề đầu tiên phải hiểu, sau đó, họ mới bắt đầu cống hiến, đóng góp, phụng sự cho cuộc đời. Trên đời này, rất hiếm người thành công mà không dùng thủ đoạn, không có một chút đánh đổi về đạo đức. Tuy nhiên, người có tâm bình an lại không như vậy, vì họ nhiều phước, được các vị trên cao gia hộ nên họ làm việc rất dễ dàng, gặt được nhiều thành công. Để chứng minh điều này, Người đã nêu ra rất nhiều ví dụ về lịch sử, cũng như hiện tại để tăng thêm sức thuyết phục cho quan điểm đó, điều này cuốn hút người trẻ hơn rất nhiều khi nghe một triết lý về “Tâm” đầy nhân văn.
Theo Thượng tọa, người học đạo phải hiểu rằng chúng ta có ba điều quý giá nhất là một nội tâm bình an, đạo đức; sự cống hiến phụng sự và quả phúc đến một cách tự nhiên, mà không phải đánh đổi bằng đạo đức của mình. Còn người phàm phu, không hiểu đạo thì hiểu ngược lại, coi cái thứ ba mới là cái chính (xem vinh quang là cái gốc), còn cái mà sự cống hiến thì không chú trọng, nhiều khi làm ít mà muốn hưởng nhiều. Riêng cái thứ nhất, đó là một nội tâm bình an đạo đức thì không cần nữa. Để mọi người ghi khắc yếu chỉ này, Thượng tọa nhắc mãi đạo lý ấy như một điệp khúc, tức một người hiểu đạo chân chính thì phải hiểu: Cái hạnh phúc gốc của ta là một nội tâm bình an đạo đức; cái hạnh phúc thứ hai là những cơ hội để ta cống hiến và phụng sự cho đời, cho chúng sinh; và cái hạnh phúc thứ ba là cái ngọn, là quả báo khi mà cái vinh quang, giàu sang nó trở lại với ta. Mà người hiểu đạo thì họ không quan tâm cái thứ ba, họ chỉ quan tâm cái thứ nhất và cái thứ hai thôi.
Lại nữa, để mọi người hiểu đầy đủ, thấu đáo thế nào là tâm bình an, thông qua câu nói “Tâm bình thì thế giới bình”, theo Thượng tọa chúng ta phải xét trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, tâm ta vẫn bình an khi cuộc đời bất toàn, trắc trở, biến động và bội bạc. Đây là mục tiêu của tất cả những người đệ tử Phật, thậm chí cả tôn giáo nào cũng phải hiểu điều này. Tôn giáo nào cũng phải dạy cho tín đồ mình sự bình an trước mọi biến động của cuộc đời. Mà để giữ được sự bình an của tâm hồn theo cuộc đời biến động thì có nhiều mức độ, và Thượng tọa đã minh chứng điều này từ thấp đến cao dần, giúp mọi người nhận diện ra được vấn đề mà giữ lòng mình bất động trước mọi thăng trầm của cuộc đời, vì hầu như tất cả mọi người đều muốn có được sự thanh tịnh tâm hồn trong đời sống của mình, nhưng không phải ai cũng làm được. Vậy nên, ta phải luôn rèn luyện bằng cách đặt mình vào các bước đường nguy khốn nhất để học cách kiềm nén, giữ tâm bình an. Là đệ tử Phật phải có bản lĩnh đạt được điều đó. Chứ còn tâm mình yếu đuối, mong manh, người ta nói kháy nhẹ một câu đã giận, đã hờn, tự ái thì làm sao mà tu. Thứ hai, tâm thì bất bình dù cho cuộc đời bình yên, tức là cuộc đời mình không có gì xảy ra hết, nhưng mà tâm thì cứ động loạn lên. Lý do được tìm thấy là vì ta nghĩ bậy. Nghĩ bậy có hai loại: Một là ta nghĩ xấu người khác; hai là ta nghĩ tốt cho mình. Với định nghĩa này thì đây là bệnh chung của những người thông minh, tài giỏi, làm được việc. Cho nên tu để diệt được cái tâm tự khen mình là điều không phải dễ, nhưng khi sửa được rồi ta thấy cuộc đời rất đẹp, tâm ra rất bình an.
Tâm nghĩ xấu cho người khác rất tệ nhưng tâm nghĩ tốt cho mình còn tệ hơn. Nó chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự kiêu mạn. Và Thượng tọa khẳng định việc nghĩ xấu cho người khác, nghĩ tốt cho mình khiến tâm ta bất an. Nếu nghĩ xấu người khác tới mức độ nghiêm trọng, tức xúc phạm người hay ta nghĩ mình tốt như bậcThánh thì ta mất phước, rất dễ bị điên loạn. Thứ 3, tâm mình bình an theo cuộc đời bình an, mà đời loạn thì ta động, ta khổ theo đời, trường hợp này ta bị lệ thuộc vào cuộc đời, không có bản sắc. Ngoài ra, còn hạng người khác, là đời bình an mà tâm ta thì cứ loạn. Đây là hạng phàm phu. Còn Thánh tăng, mặc dù cuộc đời loạn mà tâm vẫn bất động. Cho nên, khi một người tu tập muốn chuyên sâu vào trong thiền định thì thường tìm nơi yên tĩnh, ít có tiếp xúc, sao cho bớt lệ thuộc vào cuộc đời mà lo chuyên sâu vào sự tu hành, vì ít nhiều gì cuộc đời vẫn tác động vào tâm hồn mình. Thượng tọa đã phân ra bốn hạng người như thế, và nhận xét người phàm phu chúng ta thường là một trong ba hạng người đầu tiên, hạng người thứ tư chỉ có thể là bậc Thánh. Đồng thời phân tích kỹ từng hạng người, trong đó nhấn mạnh mục tiêu của ta là giữ tâm mình vẫn bình an khi cuộc đời biến loạn, bản lĩnh tu là như vậy.
Tuy nhiên, để được một nội tâm mạnh mẽ chúng ta phải có ba yếu tố : một là phải biết tọa thiền giữ tâm ; hai là phải có hạnh nhẫn nhục và ba là chịu khó. Nói thiền để giữ tâm, vì thiền định là một kĩ thuật giữ tâm, người chứng thiền thì sẽ đạt được tâm bất động. Chúng ta nói con người tiến hóa, thực ra không có, chỉ trừ người biết thiền định. Những người biết thiền định là những người mở đường cho loài người bước lên một đẳng cấp mới. Vậy nên, ai tu thì đều phải bắt đầu từ thiền định. Thứ hai là khả năng nhẫn nhục. Đó là khả năng không nổi giận khi bị xúc phạm hay khi đối diện với sự thật tàn nhẫn. Đây là bản lĩnh của người tu nên ta phải dặn lòng, phải kiềm chế được như vậy. Thứ ba là chịu khó, siêng năng. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc giữ tâm bình an. Khi ta chịu khó làm việc, cống hiến và phụng sự cho đời, nhất là bằng lao động chân tay thì tâm ta vững, ít bị lay động. Người chịu khó lao động thì tự nhiên tinh thần có sức mạnh, nên câu nói ‘Lao động là vinh quang’ cực kì đúng đắn.
Mặc khác, chúng ta còn phải siêng làm việc thiện, cải tạo phước để mình không bị rơi vào hoàn cảnh khốn đốn quá sức. Hoàn cảnh bất an là nguyên nhân chính khiến tâm ta bất an nên ta phải đủ phúc để giữ được hoàn cảnh xung quanh và cũng để chuyển nghiệp cho người khác. Nhân quả công bằng nhưng rất linh động. Ta làm phước, ta hưởng nhưng ta có thể can thiệp vào cuộc đời người khác bằng cách chia sẻ bớt phước của mình cho họ, giúp đỡ họ. Thế nhưng, ta phải có phước cực lớn thì mới làm được điều đó. Và trên hết, chúng ta phải làm phước để đi sâu vào tâm linh giải thoát. Người có phước lớn mới đi được vào thiền định, bước lên một bậc cao hơn con người, gọi là Thánh. Cái phước giữa cõi Thánh và cõi người cách nhau rất lớn, tức gấp 1000 lần cái phước để ta đủ nuôi sống bản thân. Lại nữa, để mọi người biết thế nào là tâm bình an, Thượng tọa chỉ ra 3 đặc điểm. Thứ nhất, tâm bình an là một nội tâm mạnh mẽ, có thể làm chủ cảm xúc của mình. Thứ hai là nó điều chỉnh được hành vi, hành động của mình cho đúng đắn, chuẩn mực, giúp ta tự tin vào sự lương thiện của mình. Thứ ba, từng đi vào nguy hiểm để cứu người. Còn ngược lại, người không điều chỉnh được cảm xúc; người tránh nguy, tìm an; người luôn làm sai, làm việc xấu, tức là người có tâm bất an. Bên cạnh đó, để có thể đạt được tâm bình an, chúng ta phải biết bao dung với lỗi lầm của người khác, vì người có tâm hồn bao dung thì dễ tìm được sự yên tĩnh; người cứ hờn trách, kết tội người khác thì tâm sẽ bất an. Thứ hai, Người có tâm tôn kính Phật tuyệt đối, vì khi đó ta không còn sợ hay lo lắng bất kì điều gì. Người tu tốt thì sẽ đạt được điều đó vì họ tin tưởng và tôn kính Phật tuyệt đối. Họ lấy mục tiêu vô ngã, yêu thương tất cả chúng sinh để tu hành và kiên định với mục tiêu đó dù có gặp khó khăn, nghịch cảnh.
Cuối cùng, ta đừng làm gì cho mình thì không bị cái tính toán thiệt hơn khiến ta lo lắng, suy tư. Ta có thể làm nhiều điều tốt đẹp cho người khác, những điều to lớn hơn cho phật pháp, quốc gia. Ta dẹp hết cái tôi, chỉ nghĩ cho người khác thì ta không lo mình thiệt, không lo mình đơn độc. Và trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa một lần nữa khẳng định lại, hạnh phúc chính là sự bình an vô hạn. Tóm lại, ý nghĩa của bài Pháp TÂM & THẾ GIỚI đã giúp các phật tử hiểu rộng hơn về con đường tu tập, biết cách tu hành cho tinh tấn, sớm đạt được mục tiêu vô ngã, loại bỏ sự chấp ngã, cái bản năng để sống lương thiện, vị tha hơn. Với phương pháp tu tập đúng đắn, tinh tấn cũng chính là cách giúp mọi người xây dựng một cái tâm bình an giữa cuộc đời bất an. Từ đó tiến tới xây dựng một thế giới yên bình, hạnh phúc. Bằng cách đưa ra những triết lí sống ngắn gọn, quen thuộc, những ví dụ có thật trong cả quá khứ và hiện tại, bài Pháp của Người thuyết phục được tất cả Người nghe. Ai cũng công nhận thật khó để giữ được tâm an khi cuộc đời còn quá nhiều biến động, con người luôn bị đặt vào những thử thách khó khăn nhưng với niềm tin vào Phật Pháp, vào lý tưởng tu hành, các phật tử như có một tâm hồn đồng điệu, nguyện tu tập theo phương pháp, cách thức, bao gồm những trọng điểm mà Thượng tọa chỉ dạy để nắm vững mà tu cho sớm đạt được tâm bình an, là vậy./.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |