Chi tiết tin tức

PG Ninh Bình: Tiếp nối truyền thống rạng rỡ thời Đinh - Lê

22:06:00 - 28/07/2017
(PGNĐ) -  Năm 1010, sau khi lên ngôi hoàng đế, Lý Thái Tổ đã dời đô về Thăng Long, mở ra một trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam; cùng với đó là một nền Phật giáo Lý - Trần phát triển rực rỡ. Để có được sự phát triển ấy, nền tảng của nó chính là tiền đề hưng thịnh của Phật giáo ở cố đô Hoa Lư.

Từ một trang sử hào hùng…

Theo những thư tịch cổ còn tồn tại đến ngày nay, cũng như các công trình khảo cổ dưới hai triều đại Đinh (968-980) và Tiền Lê (981-1009), Phật giáo có một vị trí đích thực và quan trọng trong đời sống xã hội. Với những giá trị đầy tính nhân văn, gắn liền với công cuộc dựng nước, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng và ảnh hưởng rộng sâu vào các giai tầng xã hội thời bấy giờ. 

ninhbinh (2).jpg
Bảo vật quốc gia - cột kinh đá được tôn tạo thời Lê Đại Hành tại chùa Nhất Trụ, Hoa Lư

Các di chỉ khảo cổ về tự viện, về các bản kinh văn dịch thuật, các cột kinh bằng đá, bi ký… còn lại là di sản vô giá không chỉ đối với Phật giáo mà còn là đối với văn hóa dân tộc. Nếu nói thời Đinh - Tiền Lê bắt đầu cho một cột mốc chuyển mình của triều đại phong kiến thuở ban đầu sang triều đại phong kiến đỉnh cao, Đinh - Tiền Lê sang Lý - Trần, thì Phật giáo giai đoạn ở thời kỳ ấy cũng là một trong những chủ thể quan trọng trong sự chuyển mình ấy.

PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN, trong phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước” được tổ chức tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) năm 2010 đã nhận định: “Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận thời Đinh và Tiền Lê là thời kỳ bản lề mở đầu cho kỷ nguyên Đại Việt xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền VN. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triều đại Đinh và Tiền Lê có được vai trò, vị trí như vậy, trong đó có một nguyên nhân không thể không kể đến đó là vai trò của Phật giáo đương thời. Đóng góp của Phật giáo thời kỳ này thể hiện nổi bật ở hai lĩnh vực: Phật giáo cung cấp tư tưởng trị nước cho hai triều đại Đinh và Tiền Lê; các thiền sư tham gia chính sự giúp vua trị vì đất nước…”.

Có thể nói, tiền đề bản lề của Phật giáo đóng góp trong lịch sử giai đoạn ấy chính là sự phát triển lên đến đỉnh cao trong tinh thần dấn thân phụng sự. Và các chế độ quân chủ lúc ấy đã biết dựa vào đó để tạo một chỗ dựa không chỉ cho một nhà nước non trẻ của thuở ban đầu dựng nước, mà còn cho một xã hội cần sự an ổn. Thái độ “đồng hành cùng với dân tộc” được kế thừa và tiếp tục thể hiện trên các mặt của xã hội.

Thật vậy, năm 968, sau khi phất cờ dẹp loạn 12 sứ quân gây chia rẽ sự đoàn kết của một nhà nước non trẻ, còn nhiều điều bất ổn bên trong, ngoại xâm phương Bắc bên ngoài, Đinh Bộ Lĩnh đã lên ngôi hoàng đế và chọn Hoa Lư làm kinh đô. Đinh Tiên Hoàng đã đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu Thái Bình. Bên cạnh việc định chế triều chính cho một triều đại non trẻ, thì một điểm tựa về ý thức, tinh thần cho cả hệ thống xã hội là một vấn đề lớn được đặt ra. Với uy tín, vai trò, sự phát triển hợp thời đại và một giáo lý ứng dụng tích cực của mình, Phật giáo đã được triều đại nhà Đinh, xuyên suốt đến Tiền Lê, chọn làm tư tưởng chính trị chính thống, giúp bậc đế vương có những luận thuyết trị vì thiên hạ một cách từ bi và độ lượng.

Trong giai đoạn này không thể không kể đến sự đóng góp của các thiền sư trong việc quan hệ với triều chính và quân vương trong tinh thần “hộ quốc”, dấn thân phụng sự dân sinh. Sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp giúp nhà vua trị vì đất nước là nét nổi bật của Phật giáo thời Đinh - Tiền Lê. Các vị thiền sư đương thời không chỉ là những thiền sư uyên thâm cả về Phật pháp, hướng dẫn tâm linh cho cộng đồng xã hội, mà còn là những vị cố vấn tài ba.

Lịch sử cho thấy, cả hai triều đại Đinh và Tiền Lê, công việc giữ nước và trị nước luôn xảy ra những vấn đề lớn, đối nội cũng như đối ngoại; quân vương thường đem những việc trọng đại của đất nước bàn thảo với các thiền sư để có những biện pháp giải quyết an ổn và thích hợp hoàn cảnh. Không chỉ dừng lại ở việc tham chính, cố vấn cho quân vương, các thiền sư đương thời còn đóng góp hoặc tham gia trực tiếp vào các mối quan hệ ngoại giao cũng như đối nội để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử như các Thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh…

… viết tiếp trang sử kế thừa - phát triển

GHPGVN là tổ chức kế thừa lịch sử của Phật giáo VN. GHPGVN tỉnh Ninh Bình cũng nằm trong dòng chảy xuyên suốt và kế thừa ấy. Đến nay, GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã trải qua 5 nhiệm kỳ hoạt động.

Nhiệm kỳ 2012-2017 đã suy cử ra 25 thành viên là chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử của vùng đất cố đô Hoa Lư dày truyền thống lịch sử. TT.Thích Thọ Lạc được suy cử làm Trưởng BTS nhiệm kỳ này. Với sức trẻ và sự năng nổ hoạt động, Thượng tọa Trưởng BTS đã đưa các công tác Phật sự địa phương từ những quyết định của Nghị quyết Đại hội V, đi vào trong thực tiễn đời sống.

Theo thống kê, Phật giáo Ninh Bình hiện có 351 ngôi chùa, trong đó có 240 chùa đã có Tăng Ni trụ trì hoặc kiêm nhiệm trụ trì. 111 ngôi chùa còn lại hiện do các Ban hộ tự hoặc nhân dân địa phương quản lý. Với đặc điểm là vùng đất có bề dày lịch sử nên các chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa, trong đó có 25 chùa được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, 39 chùa được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.

Về Tăng sự, thống kê gần đây cho biết toàn tỉnh có 361 Tăng Ni (gồm 304 Tỷ-khiêu, Tỷ-khiêu-ni và 57 Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni). Với số lượng Tăng Ni như vậy nên hàng năm vào mùa an cư, BTS Phật giáo tỉnh đều đặn tổ chức 2 trường hạ chùa Yên Vệ (xã Khánh Phú, H.Yên Khánh) và tổ đình Đồng Đắc (H.Kim Sơn). Số lượng hành giả tập trung an cư hàng năm luôn ở con số hơn 200 vị. Với truyền thống như bao địa phương khác, các trường hạ của Ninh Bình luôn tập trung giảng kinh trong các thời khóa tu học ngoài thời khóa tụng niệm. Ngoài ra, các vấn đề của Giáo hội, xã hội cũng được triển khai qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Nhiệm kỳ vừa qua, để “tiếp dẫn hậu lai”, BTS Phật giáo Ninh Bình cũng đã tổ chức 4 giới đàn truyền giới cho 119 giới tử xin cầu các giới pháp. Các giới đàn đã truyền giới cho 63 giới tử Tỷ-khiêu và Tỷ-khiêu-ni, 56 giới tử Sa-di và Sa-di-ni. Phân ban Đặc trách Ni giới tuy mới thành lập nhưng cũng đã có những hoạt động tích cực. Phân ban đã tổ chức được lớp bồi dưỡng về Luật học và Nghi lễ cho chư Ni trong tỉnh, cử chư Ni tham gia các khóa bồi dưỡng do TƯGH tổ chức. Ngoài ra, Phân ban cũng tham mưu cho Ban Tăng sự các việc như bổ nhiệm, thuyên chuyển, giải quyết mâu thuẫn nội bộ tự viện…

Công tác hoằng pháp được BTS chú trọng và đẩy mạnh nhằm truyền bá sâu rộng giáo lý đạo Phật, khẳng định vị thế lịch sử vốn có. Hiện nay toàn tỉnh có 6/8 BTS Phật giáo cấp huyện mở các lớp giáo lý cho Phật tử, như TP.Ninh Bình và các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn và Hoa Lư. Các lớp giáo lý này duy trì sinh hoạt thường xuyên 2 buổi/tháng với số lượng trên 300 học viên; trong đó số lượng người trẻ ngày càng tăng lên rõ rệt. Bên cạnh công tác hoằng pháp, các khóa tu học, Bát quan trai giới, các khóa tu cho người trẻ, khóa tu mùa hè… đều được các chùa tổ chức định kỳ. Những buổi sinh hoạt Phật pháp thu hút rất đông giới trẻ tham gia. Các buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu Phật pháp, vui chơi… ngày càng thu hút các bạn trẻ.

ninhbinh (1).jpg
Chư tôn đức và quan khách dự lễ Phật đản tại chùa Bái Đính

Nhìn hoạt động những năm qua của Phật giáo Ninh Bình có thể nói công tác hướng dẫn Phật tử tu học là một mảng hoạt động rất sôi nổi. Điển hình là hoạt động cho thanh thiếu nhi. Không chỉ riêng những khóa tu mang tính địa phương như khóa tu mùa hè, khóa tu bạn trẻ là học sinh - sinh viên…, khóa tu “Đức Phật trong ta” thu hút hơn 2.500 Phật tử trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tham gia tu học. Việc đào tạo các nhân sự làm việc và điều hành công việc luôn được quan tâm. Để nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành các mô hình sinh hoạt và tu học, BTS cũng đã kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư tổ chức khóa tập huấn “Kỹ năng tổ chức quản lý điều hành các mô hình sinh hoạt tu học” tại chùa Bái Đính. Khóa tập huấn đã thu hút 700 bạn trẻ đến từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Nam Định, Hải Phòng và các tỉnh thành khác tham gia.

Pháp Đăng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin