Chi tiết tin tức Phật giáo tỉnh Đồng Nai: Ổn định môn phong là điều kiện để hòa hợp Giáo hội 14:44:00 - 08/06/2017
(PGNĐ) - Đồng Nai là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có dân số đông thứ nhì trong các tỉnh thành miền Nam (sau TP.Hồ Chí Minh) với nhiều dân tộc và tôn giáo cùng sống chung hòa hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân. GHPGVN tỉnh Đồng Nai được thành lập ngày 7-10-1982, Phật giáo Đồng Nai luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, theo đó nhiệm kỳ VII (2012-2017) Tăng Ni, Phật tử tỉnh Đồng Nai đã thực hiện thành tựu được nhiều hoạt động Phật sự nổi bật.
Phục hồi di tích, xây dựng chùa Tỉnh Hội Hoạt động Phật sự của BTS GHPGVN Đồng Nai theo đúng tinh thần của Hiến chương GHPGVN là “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì truyền thống các hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chánh pháp”. Theo đó, BTS GHPGVN thực hiện tốt vai trò của một tổ chức thống nhất, là trung tâm kết nối trong đoàn kết, hòa hợp của 13 môn phong, pháp phái hiện diện: Cổ truyền, Thiên Thai, Lâm Tế chánh tông, Lâm Tế Nguyên Thiều, Lâm Tế Liễu Quán, Lâm Tế Tây Thiên, Thiền Trúc Lâm, Tịnh độ, Linh sơn Nghiên cứu Phật học, Vĩnh Nghiêm, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer và Khất sĩ.
Nói về thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ VII (2012-2017), HT.Thích Giác Quang, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh cho biết, Phật giáo tỉnh Đồng Nai luôn thực hiện theo chủ trương của Trung ương Giáo hội là “Đoàn kết, ổn định và phát triển”. Trong các nhiệm kỳ của BTS Phật giáo tỉnh, đây là lần đầu tiên (khóa VII), HT.Thích Minh Chánh, Trưởng BTS cùng chư tôn đức Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh quyết tâm phục hồi di tích lịch sử - văn hóa tổ đình Quốc Ân Kim Cang (xã Bình Lục, huyện Vĩnh Cửu) do Tổ sư Nguyên Thiều sáng lập. Tổ đình là nơi Tổ sư đã truyền bá pháp môn Niệm Phật, Thiền Tịnh song tu từ hơn 300 năm trước, nay được phục hồi hoàn chỉnh. Di tích được phục hồi là thành tựu mà BTS Phật giáo tỉnh hết sức hoan hỷ, tạo nên sự phấn khởi cho chư Ni đượm nhuần ân huệ ở nơi có dấu ấn Phật pháp xưa. Phát huy được thế mạnh về tiềm lực Tăng Ni, Phật giáo tỉnh Đồng Nai là địa phương đầu tiên xây dựng ngôi chùa độc lập - chùa Tỉnh Hội (tọa lạc tại xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), trụ sở - văn phòng của BTS GHPGVN tỉnh, phù hợp cho các hoạt động hành chánh, tách khỏi sinh hoạt tín ngưỡng của một ngôi chùa thông thường. Đây là trụ sở của Giáo hội tỉnh, nơi phục vụ cho Tăng Ni thuộc 11 quận, huyện, thị về các sự việc hành chánh, giấy tờ liên quan đến đời sống sinh hoạt tu học, hành đạo. Hàng năm tại trụ sở, BTS tổ chức các sự kiện lớn như: Đại lễ Phật đản, Đại lễ kỷ niệm thành lập GHPGVN, Đại lễ Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn… và các sự kiện lớn của Phật giáo. Đơn vị đi đầu trong công tác giáo dục, đào tạo Tăng Ni Được sự hỗ trợ của Trung ương Giáo hội, UBND tỉnh, BTS Phật giáo tỉnh Đồng Nai đã thành lập lớp cao đẳng Phật học chuyên khoa (đặt tại chùa Tỉnh Hội). Từ khi khai giảng đến nay, lớp cao đẳng Phật học đã hoàn thành được 2 khóa. Sắp tới, BTS sẽ tổ chức phát văn bằng và khai giảng khóa thứ 3. Hiện nay, Phật giáo tỉnh Đồng Nai có 3 cấp Phật học: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp Phật học.
Đặc biệt, Trường TCPH Đồng Nai là trường duy nhất tổ chức cho Tăng Ni sinh tu học nội trú với 2 phân hiệu riêng biệt. Ban Trị sự và Ban Giám hiệu đặt mục tiêu đưa giáo dục, đào tạo Tăng Ni lên hàng đầu theo hướng quy mô, đi vào quy củ và nề nếp. Phân hiệu Tăng - nơi đặt Văn phòng Ban Giám hiệu tại xã Phước Tân, H.Long Thành; phân hiệu Ni tại xã Long Phước, H.Long Thành. Trường TCPH tỉnh Đồng Nai đã hoạt động từ năm 1990 đến nay luôn đạt cả chất và lượng, hiệu quả tích cực nhất là hàng khóa, trường đào tạo được từ 150 đến 250 Tăng Ni sinh. Tăng Ni tốt nghiệp Trường TCPH được BTS giới thiệu dự tuyển vào Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM và luôn đạt kết quả cao. Với thành quả đó, có thể nói Phật giáo tỉnh Đồng Nai tự hào là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác giáo dục, đào tạo Tăng Ni tài đức, bổ sung vào lực lượng thế hệ kế thừa của Phật giáo cả nước. “Về công tác hành chánh Giáo hội, Giáo hội tỉnh luôn có thành tựu cơ bản từ nhiều nhiệm kỳ qua. Với cương vị Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh nhà, tôi luôn hoàn thành công tác Phật sự của Giáo hội giao phó và Tăng Ni tin tưởng qua mọi công tác hành chánh của Giáo hội”, HT.Thích Giác Quang khẳng định. Điểm cộng trong nhiệm kỳ qua của Phật giáo tỉnh là ngành văn hóa được khẳng định qua các hoạt động đạt hiệu quả, toàn bộ thành viên của Ban tích cực hoạt động. Ban Văn hóa đã xuất bản nhiều tập nội san trong các dịp Đại lễ Phật giáo, Tết cổ truyền... mà ở các nhiệm kỳ trước chưa làm được. Công tác từ thiện xã hội cũng là công tác chủ đạo của BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai khiến các cơ quan chức năng nhà nước các cấp luôn tin tưởng. Trong nhiệm kỳ VII (2012-2017), 11 đơn vị BTS PG huyện, thị và BTS GHPGVN tỉnh đã thực hiện công tác từ thiện đạt trên 225 tỷ đồng. Giải quyết mâu thuẫn ngay từ trong nội bộ Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ (10/11 huyện, thị), Phật giáo Đồng Nai có 5.238 Tăng Ni với 578 cơ sở thờ tự, là đơn vị có số lượng Tăng Ni, tự viện đứng thứ hai trong 63 tỉnh thành của cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh. Phật giáo Đồng Nai có 3 tự viện được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và 5 cơ sở được công nhận di tích cấp tỉnh. Nhiệm kỳ VII, BTS GHPGVN tỉnh tổ chức thành công Đại giới đàn Minh Vật Nhất Tri (2013) và Đại giới đàn Thiện Khải (2015) với trên 3.500 giới tử thọ các giới: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na-ni, Bồ-tát, Thập thiện giới. Đặc biệt, BTS đã áp dụng triết lý “lấy Tăng Ni làm lại Tăng Ni” để giải quyết vấn đề Tăng sự, quản lý Tăng Ni. HT.Thích Giác Quang cho biết: Thường trực BTS GHPGVN tỉnh, Ban Tăng sự và Ban Kiểm soát kết hợp giải quyết, hòa giải các vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp của Tăng Ni theo cách giải quyết nội bộ, từ mỗi môn phong. Giáo hội, Ban Tăng sự muốn quản lý Tăng Ni một cách cụ thể, nên quản lý môn phong của Tăng Ni, quản lý được môn phong tức là quản lý được Tăng Ni. “Chủ trương của tôi là giải quyết vấn đề trước khi các sự việc phát tán ra ngoài, theo lý của nhà Phật là phải giải quyết ngay từ đầu, ngay trong nội bộ, tránh đưa sự việc ra ngoài (không thưa kiện ra cơ quan nhà nước). Nếu sự việc đã ra ngoài thì Giáo hội cũng yêu cầu giao về lại cho nội bộ của môn phong, pháp phái - nơi đã xảy ra sự việc đó. Ở đây, nội bộ chính là từ những con người trong môn phong, pháp phái đó, sự việc phải được giải quyết giữa thầy tổ, đệ tử trong mỗi môn phong với nhau. BTS GHPGVN tỉnh không áp đặt và chỉ liên hệ, làm việc với vị đứng đầu môn phong, pháp phái”, Hòa thượng khẳng định. Cũng theo Hòa thượng, Phật giáo Đồng Nai là nơi phát sinh nhiều mâu thuẫn trong Tăng Ni, tự viện nhưng đều được BTS giải tỏa theo cách này nên các vụ việc tranh chấp được giải quyết êm đẹp, đại đa số Phật giáo ở 11 huyện, thị ít thưa kiện ra bên ngoài.
H.Diệu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |