Chi tiết tin tức Chùa Hoằng Pháp tổ chức Đại lễ Vu Lan 2013 17:17:23 - 24/07/2013
(PGNĐ) - Một trong những phần quan trọng nhất của buổi lễ và cũng là đặc trưng của ngày Vu Lan, đó là nghi thức cài hoa hồng....
Sáng ngày 21/08/2013 (nhằm ngày 15 tháng 7 năm Quý Tỵ) hòa trong không khí bồi hồi, lắng đọng của mùa Vu Lan trên khắp cả nước, chùa Hoằng Pháp long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu 2013, PL.2557. Hàng chục ngàn Phật tử đã hội tụ về chùa tham dự đại lễ. Nếu người Tây Phương tự hào về ngày “Mother’s Day”, “Father’s Day” truyền thống của họ thì người Việt Nam cũng có niềm tự hào không kém về ngày lễ Vu Lan. Đó là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo đã sớm chuyển mình thành ngày lễ có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa tinh thần của người dânViệt Nam. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa báo ân cha mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn là biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Trong ngày lễ thiêng liêng và trọng đại này, chùa Hoằng Pháp đã đón hàng chục ngàn lượt người về chùa thắp hương, lễ bái nguyện cầu bình an cho hai đấng sinh thành. Đúng 8h, ba hồi chuông trống Bát Nhã vang lên, các Phật tử trang nghiêm xếp thành hai hàng rào danh dự cung nghinh chư Tôn đức quang lâm giảng đường chứng minh buổi lễ. Tiếng niệm Phật vang lên đều đều ở khắp các khu giảng đường, bao trái tim hồi hộp chờ mong giờ phút thiêng liêng khi bước chân oai nghiêm của chư Tôn đức ngang qua. Buổi lễ được bắt đầu với nghi thức dâng Lục cúng dường của các em thiếu nữ trong Gia đình Phật tử chùa Hoằng Pháp. Trong nền nhạc dặt dìu của bài “Dâng lục cúng”, các thiếu nữ trong tà áo dài lam dần tiến về phía lễ đài, nhịp nhàng, chậm rãi, trang nghiêm... Không gian tưởng chừng như ngưng đọng lại, cả hội chúng chìm trong khoảnh khắc thiêng liêng cùng hướng tâm thành tri ân đức Bổn sư. Một trong những phần quan trọng nhất của buổi lễ và cũng là đặc trưng của ngày Vu Lan, đó là nghi thức cài hoa hồng. Khi ý nghĩa cài hoa hồng được đọc lên, nhiều người không kìm được xúc động đã bật khóc. Lúc này cảm xúc bắt đầu lan tỏa, những trái tim kết nối với nhau để cùng nhớ nghĩ đến công ơn cha mẹ và sám hối cho những lầm lỗi đã qua. Những bông hồng vàng tượng trưng cho tình thương thoát tục được cung kính cài lên huỳnh y của chư Tôn đức. Sau đó, trong âm điệu da diết của bài “Bông hồng cài áo”, hai hàng thiếu nữ trong đội cài hoa bắt đầu tỏa ra, hòa vào hội chúng, thành kính cài hoa lên ngực áo những Phật tử tham dự. Kết thúc phần cài hoa hồng là ca khúc “Con xin lỗi mẹ cha” do ca sĩ Hạ Trâm trình bày. Tiếp đó là bài cảm tưởng của Phật tử Liên Vy. Đó là câu chuyện của chính cô - một cô gái chăm ngoan, học giỏi, thế nhưng với những suy nghĩ non dại của tuổi trẻ, cô đã trượt dài trong những sai lầm và để lại những nỗi đau khôn nguôi cho cha mẹ. Đầu tiên là đua đòi theo bạn bè, trốn học đi chơi,... và cuối cùng là bỏ nhà ra đi chỉ vì cái tát của bố khi cô đi chơi về khuya! Cô bỏ nhà đi đến một thành phố xa lạ và chật vật bươn chải kiếm sống, dù rất nhớ cha mẹ, nhớ mái nhà êm ấm nhưng vì sự giận dỗi, và suy nghĩ non dại của một cô gái 17 tuổi, cô nhất định không quay về. Trong những ngày tháng bơ vơ nơi xa lạ, cô chấp nhận quen một người bạn trai, nhưng ngày tháng hạnh phúc cũng qua mau, cô bị người bạn trai này đánh đập không thương tiếc. Thế nhưng cô vẫn thương yêu anh ta, thậm chí khi bị người bạn trai ruồng bỏ, cô còn mù quáng tự hủy hoại bản thân để van xin người ấy quay lại. Đến lúc cô nhận ra “cuộc đời không như là mơ”, thì lúc ấy cô đã không còn là cô gái chăm ngoan, hiền lành như ngày nào; hiện thực chỉ là xác thân tàn tạ nơi căn phòng trọ mấy mét vuông. Cô mới thấy rằng, cha cô – người nuôi cô khôn lớn - chỉ mới tát cô một cái mà đã bỏ nhà ra đi; còn với một người xa lạ chưa từng nuôi cô lấy một ngày, đã đánh đập không thương tiếc thì cô lại qụy lụy, van xin. Cuối cùng, cô cũng lấy hết can đảm để gọi điện về nhà. Diệu kỳ thay trái tim của những bậc làm cha, làm mẹ! Họ luôn sẵn sàng tha thứ và giang rộng vòng tay chờ đón đứa con tội lỗi của mình, dù chính đứa con ấy đã biết bao lần làm cõi lòng họ tan nát. Ấn tượng và để lại xúc động nhiều nhất đó là tiết mục hoạt kịch “Một đời vì con” của các thành viên trong nhóm Hộ Pháp. Vở hoạt kịch đã thể hiện tài năng và sự cảm nhận sâu sắc của các bạn trẻ về những cung bậc tình cảm của người mẹ dành cho con. Đó là hình ảnh một người mẹ tần tảo nuôi con ăn học chỉ với gánh đậu hũ trên vai; dù là ngày mưa gió, dù bệnh tật làm hao mòn xác thân, người mẹ ấy vẫn gắng gượng lo cho con đến hơi thở cuối cùng của đời mình. Trái ngược với sự hy sinh thầm lặng của người mẹ, cô con gái lại quá vô tâm, chỉ biết đua đòi theo bạn bè, để rồi phải ôm niềm hối hận khôn nguôi khi mẹ đã không còn trên đời. Một lần nữa, mọi người lại bật khóc, không gian buổi lễ chìm trong sự xúc động và những tiếng nấc nghẹn ngào. Tiếp đó là nghi thức Dâng y cúng dường và lời đạo từ của Thượng tọa Thích Chân Tính. Thầy nhắc lại nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Vu Lan trong Phật giáo, đồng thời nhắc nhở đại chúng thông qua câu chuyện của Phật tử Liên Vy và nội dung vở hoạt kịch “Một đời vì con”, rút ra bài học kinh nghiệm cho những thanh thiếu niên phải biết thương yêu và vâng lời cha mẹ để không mắc phải những lỗi lầm. Chương trình có sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ: Thế Bảo với ca khúc “Bông hồng cài áo”, Hạ Trâm với “Con xin lỗi mẹ cha”, Trang Nhung với “Dâng y”, và đặc biệt là sự xuất hiện của bé Bảo An với bài hát quen thuộc “Đừng bỏ con mẹ ơi”. Kết thúc chương trình, toàn thể hội chúng cùng lắng tâm thành hướng về cha mẹ trong thời kinh Vu Lan. Buổi lễ đã diễn ra thập toàn viên mãn và để lại nhiều ấn tượng cho tín chúng Phật tử tham dự. Ban tổ chức đã phục vụ hơn 40.000 hộp cơm và phát tặng khoảng 22.000 DVD Đại lễ Vu Lan 2012 và 11.000 VCD Tiếng chuông cảnh giác. Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận: (Chùa Hoằng Pháp)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |