Chi tiết tin tức Nam Định: Chùa Vọng Cung tổ chức lễ Vu Lan-Báo hiếu 22:13:00 - 26/08/2018
(PGNĐ) - Ngày 25.8 (tức ngày 15.7.Mậu Tuất), Chư Tăng Ni chùa Vọng Cung, số 28 Trần Phú, phường Ngô Quyền, thành phố Nam Định đã long trọng tổ chức lễ Vu Lan-Báo hiếu và cài hoa Hồng tri ân công cha và nghĩa mẹ.
Quang cảnh buổi lễ
Tham dự và chứng minh buổi lễ có TT. Thích Giác Vũ, Phó Trụ trì kiêm Trưởng ban Từ thiện chùa Vọng Cung; Ni sư-Tiến sĩ Thích Đàm Hân, Thích Đàm Hảo cùng chư Tăng Ni trụ xứ và khoảng 1000 Phật tử về tham dự. Sau khi toàn thể đại chúng tụng kinh Báo hiếu Phụ Mẫu trọng ân là nghi thức bông hồng cài áo. Toàn thể đại chúng đã được lắng nghe Thượng tọa Thích Giác Vũ chia sẻ về ân cha mẹ trong mùa Vu Lan-Báo hiếu.
TT. Thích Giác Vũ chia sẻ về ý nghĩa Vu Lan
Hàng năm, mỗi khi đến ngày Rằm tháng Bảy, mùa Vu Lan, tất cả người con Phật đều nhớ đến trách nhiệm báo ân báo hiếu đối với hai đấng sinh thành để thể hiện tấm lòng tri ân đối với người đã sinh ra ta tạo nên cho ta hình hài vóc dáng, và đem lại cho chúng ta cuộc sống an vui và hạnh phúc. Hàng Phật tử khắp năm châu bốn bể cùng nhau long trọng tổ chức đại lễ Vu Lan, nương vào uy đức ngôi Tam bảo, cầu nguyện cho cha mẹ còn sống được an lạc trong chính pháp, cha mẹ đã qua đời siêu sinh về các cõi lành. Thương cha kính mẹ được coi như truyền thống tốt đẹp ngàn đời của mỗi người dân Việt. Tình thương đối với cha mẹ luôn luôn là mối ân tình thiêng liêng nhất. Vì vậy, ngày Rằm tháng Bảy, Vu Lan nghiễm nhiên trở thành lễ hội truyền thống của dân tộc ta và đã đi sâu vào mạch sống của người dân Việt từ xưa đến nay. Có thể nói, Lễ hội Vu lan mang đậm tính nhân văn sâu sắc, và ngày này được người ta gọi là ngày trở về nguồn. “Cây có cội, nước có nguồn”, cây có gốc bám sâu vào lòng đất thì cây đó mới trổ cành xanh lá nên ngọn ngành được vững vàng là do từ nơi gốc rễ. Còn nước, khi thấy nó chảy xuống suối, xuống sông, ra biển, thì mình phải biết rằng nó có nguồn mạch của nó, nó xuất phát từ nơi đầu nguồn. Vậy cội và nguồn chính là gốc rễ yêu thương của cha mẹ, chúng ta phải biết yêu thương cha mẹ trước khi chúng ta nói yêu thương người khác, đó là căn bản của đạo làm người ngàn đời nay của dân tộc ta. Báo hiếu - Tri ân là tâm thái và hành vi tích cực được khởi đi từ nền tảng gia đình và hướng đến nhân loại trên khắp nhân gian. Gia đình là mái trường đầu đời, mẹ cha là thầy cô trước nhất của tất cả chúng ta. Do đó, nếu chúng ta thắm nhuận được tinh thần tri ân và báo ân thì trước hết, chúng ta đã xây dựng được một gia đình hiếu đạo, hòa thuận dưới trên. Xa hơn nữa, nếu mọi người đều sống được với đạo lý tri ân - báo ân thì sẽ tạo ra một xã hội bình yên, tương thân, tương ái.
Mỗi độ Vu lan về, hình ảnh thân thương của cha mẹ lại hiện lên trong trái tim của những người con hiếu hạnh. Mặc dù kinh tế thế giới đang khủng hoảng, nhưng thật ra khủng hoảng này tuy vậy không đáng sợ bằng khủng hoảng về đạo đức. Cái này mới đáng sợ nhất trong thế giới loài người. Chúng ta có thể nói dù nền văn minh nhân loại có phát triển đến đâu, thì đạo đức và tình người vẫn được suy tôn. Nếu như đạo đức và tình người không còn, thì xã hội loài người đã mất cái căn bản nhất để xây dựng thế giới tốt đẹp, xã hội an hòa, Thượng tọa nhấn mạnh. Bước theo gương hiếu của Mục Kiền Liên cũng như theo lời Phật dạy rằng hạnh hiếu là hạnh Phật, chúng ta tôn thờ người mẹ chung là mẹ Việt Nam, tôn thờ nhiều đời cha mẹ của chúng ta đã khuất, kính trọng cha mẹ hiện tiền đang sống với chúng ta, cũng như những người hiện hữu xung quanh ta. Thiết nghĩ có được tâm hiếu kính cha mẹ mình và tâm hồn rộng mở kính trọng mọi người như cha mẹ, đồng thời thể hiện tâm cao quý ấy thành những việc làm thiết thực mang an vui, lợi lạc đến cha mẹ và mọi người là cách báo hiếu báo ơn tốt nhất trong mùa Vu Lan. Xin giới thiệu một số hình ảnh buổi lễ:
Tin: Điều Ngự Tử - Ảnh: Đức Quân
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |