Chi tiết tin tức

Nam Định: Lễ nhập kim quan Ni sư Thích Đàm Nhường

21:11:00 - 14/05/2023
(PGNĐ) -  Sáng ngày 14/5/2023 (nhằm ngày 25 tháng Ba Quý Mão) tại chùa Phù Long (Diên Khánh tự)- phường Trần Tế Xương, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, Ban Tổ chức Tang lễ và môn đồ Pháp quyến đã trang nghiêm cử hành lễ nhập kim quan Ni sư Thích Đàm Nhường, trụ trì chùa Phù Long.

Quang lâm chứng minh gia trì buổi lễ có HT. Thích Thanh Thịnh – Uỷ viên Ban Pháp chế T.Ư, Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định, chủ trì buổi lễ; TT. Thích Thanh Lợi- Phó trưởng Ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Tp. Nam Định. Chư Tôn đức Tăng Ni cùng đồng bào Phật tử trong tỉnh đồng về tham dự.

Cố Ni sư Thích Đàm Nhường thế danh Hà Thị Lụa, Đạo hiệu Thiện Tâm; trụ trì chùa Phù Long (Diên Khánh tự) phường Trần Tế Xương, Tp.Nam Định.

  • Trụ thế: 61 năm; Hạ lạp: 34 năm

Tại buổi lễ, chư Tôn đức Ban Nghi lễ đã niêm hương bạch Phật, sái tịnh đạo tràng, sái tịnh nhục thân cố Ni sư. 

Trong tiếng niệm Phật của đại chúng hòa cùng tiếng chuông trống Bát nhã trầm hùng, môn đồ Pháp quyến đã cung thỉnh nhục thân cố Ni sư đến Giác linh đường nhập vào kim quan.

Sau cùng, toàn thể môn đồ đệ tử cùng thọ tang báo đáp Ân sư.

Kim quan cố Ni sư được tôn trí tại chùa Phù Long- phường Trần Tế Xương, Tp.Nam Định.

Lễ tưởng niệm và phụng tống kim quan trà tỳ được cử hành vào lúc 12 giờ 15 ngày 15/05/2023 (nhằm ngày 26 tháng 3 năm Quý Mão)

 

 

 

–o0o–

TIỂU SỬ

NI SƯ THÍCH ĐÀM NHƯỜNG – ĐẠO HIỆU THIỆN TÂM

(1963  –  2023)

Trụ trì  chùa Phù Long (Diên Khánh) P.Trần Tế Xương, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định

I. THÂN THẾ:

Ni sư Thích Đàm Nhường, thế danh Hà Thị Lụa, Đạo hiệu Thiện Tâm, sinh năm Quý Mão (1963) Tại thôn 8, xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Thân phụ là cụ ông Hà Huy Lĩnh (liệt sĩ), thân mẫu là cụ bà Đào Thị Nhâm. Ni sư sinh trưởng trong một gia đình trung nông, phúc hậu, nhân từ, có nề nếp gia phong và kính tin Tam bảo, gia đình có 2 chị em, Ni sư là lớn và một người em trai

II . XUẤT GIA TU HỌC

Nhờ đã gieo căn lành từ nhiều kiếp, sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời kính tin Tam Bảo. Sớm giác ngộ chân lý Phật đà cõi đời là huyễn, thế sự phù du, năm 16 tuổi (1979) Ni sư đủ duyên lành và được thân mẫu dẫn đến chùa Phù Long (Duyên Khánh tự), phường Trần Tế Xương, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, xin cố Ni trưởng Thích Đàm Kiên đầu Phật xuất gia.

Sau một thời gian chấp lao phục dịch Tam bảo, đến năm 1983 Ni sư được Thầy nghiệp sư cho đi tham học Phật pháp tại chùa Cả (Thánh Ân), với đức hạnh khiêm cung và siêng năng học hỏi, Ni sư luôn được chư vị Tổ sư thương yêu giáo dưỡng, và thụ giới Sa-di

Năm 1989 (27 tuổi), tâm Bồ đề đã đơm bông, trí tuệ ứng thụ Cụ túc. Ni sư  được thầy nghiệp sư cho đăng đàn cầu Tỷ khiêu ni giới tại chùa Cả (Thánh Ân), và được cố Ni trưởng chùa Vọng Cung pháp hiệu Thích Đàm Yêng làm Hòa thượng đàn đầu truyền trao giới pháp, dưới sự chứng minh của các bậc cao tăng thạc đức lúc bấy giờ, pháp danh Thích Đàm Nhường. Từ đây, Ni sư thực sự dự vào hàng Tăng Bảo.

Năm 2003 thầy Nghiệp sư viên tịch, Ni sư đảm đương trọng trách trụ trì chùa Phù Long, tiếp nối hạnh nguyện của chư vị tiền bối, Ni sư luôn nỗ lực trang nghiêm tự thân, đem Giáo lý Phật pháp ứng dụng vào cuộc đời, làm lợi ích hữu tình trên lộ trình tu tập, góp phần vào sự nghiệp chung của Đạo pháp và Dân tộc.

Với giới đức trang nghiêm, thanh tịnh mô phạm chốn Già lam, với lòng kham nhẫn không ngại khó khăn vất vả, hết mình vì Phật sự chung, Ni sư xứng đáng là xứ giả của Như Lai “tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự”,

Để “Tiếp dẫn hậu lai, truyền đăng tục diệm” Ni sư đã xúc dưỡng được một người đệ tử và cho đi tham học tại các trường Phật học do GHPG VN đào tạo, đến nay đã được hoàn thành.

Đối với Tăng đoàn, Ni sư luôn thể hiện là một người tu sĩ khiêm cung, hòa nhã, đúng với tinh thần “Lục hòa cộng trụ, tứ chúng đồng tu”, đối với hàng Phật tử tại gia Ni sư, luôn là người Thầy mẫu mực, ân cần dạy bảo.

Để đền đáp công ơn Thầy tổ và trang nghiêm ngôi Tam Bảo, Ni sư đã cùng Tín đồ và nhân dân nỗ lực trùng tu chùa Phù Long ngày một trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là cơ sở Phật giáo tiêu biểu của Phật giáo thành phố Nam Định.

​Ngoài việc chuyên tu Ni sư còn tích cực tham gia các phòng trào từ thiện xã hội do các tổ chức, các ban ngành phát động. Hình ảnh của Ni sư là biểu tượng cao quý cho sự hoà đồng giữa Đạo pháp và Dân tộc, của những người con Phật trên bước đường phụng sự nhân sinh.

Do có nhiều công lao đóng góp cho Giáo hội và Xã hội, Ni sư đã được các cấp Giáo hội tặng bằng Tuyên dương công đức, các ban ngành thành phố Nam Định cũng như các ban ngành phường Trần Tế Xương, tặng nhiều bằng khen cũng như giấy khen.

 Với đức độ khiêm cung hòa nhã, mộc mạc giản đơn, Ni sư đã để lại trong lòng Tăng Ni, Phật tử và nhân dân lòng tôn kính.

III. VIÊN TỊCH:

Ni sư đã cả cuộc đời phục vụ Đạo pháp và chúng sinh, trong những tháng gần đây Ni sư do bệnh trọng, tứ đại bất hòa. Mặc dù đã được Môn đồ pháp quyến, đệ tử và các y bác sĩ tận tâm cứu chữa, nhưng không qua khỏi, Ni sư đã thuận thế vô thường từ bỏ huyễn thân, thu thần viên tịch vào hồi 8giờ 25 phút, ngày13/5/2023  tức ngày 24 tháng 3 năm Quý Mão). Trụ thế 61 năm, Giới lạp 34 năm.

Thôi thế từ nay :

Hai vai nhẹ gánh đạo đời,

Huyễn thân tạm xả dạo chơi Niết Bàn.

Chùa xưa, cảnh của nhân gian,

Cúi đầu từ tạ, cõi nhàn tiêu dao.

Thế là, khi hạnh nguyện đã mãn, Người xả báo thân trở về Tây phương Phật quốc. Ni sư đã viên thành đại nguyện, Giác linh Ni sư đã trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Người vẫn toả sáng trong tâm tư, ký ức của Tăng Ni, Phật tử gần xa và ngôi chùa Phù Long, nơi Ni sư gắn bó cả cuộc đời cho đến khi xả báo an tường.

Nam Mô An Khánh tháp Ma Ha Tỷ Khiêu Ni Bồ Tát giới Pháp húy Thích Đàm Nhường – Đạo hiệu Thiện Tâm giác linh thiền tọa hạ.

 

Môn đồ phụng soạn

 

BBT

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin