Chi tiết tin tức Nam Định: Tuần lâm chung thất cố Hoà thượng Thích Thanh Khoát đạo hiệu Minh Chính 22:38:00 - 31/07/2015
(PGNĐ) - Ngày 31.7, Sơn môn pháp phái, môn đồ tứ chúng chùa Kim Sa (Lãng Lăng), xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức tuần lâm chung thất cố Hòa thượng Thích Thanh Khoát đạo hiệu Minh Chính, Chứng minh Hệ phái Phật giáo Linh Quang Trà Lũ Trung.
Về chứng minh và tham dự buổi lễ có HT. Thích Thanh Dục, TV HĐCM TW GHPGVN; HT. Thích Thanh Lương, CM BTS GHPGVN huyện Xuân Trường; TT. Thích Quảng Hà, PCT HĐTS GHPGVN, Phó ban TT BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; TT. Thích Thanh Giác, UV HĐTS GHPGVN, Phó ban Hoằng pháp TW HĐTS GHPGVN; TT. Thích Tâm Thiệu, UV HĐTS GHPGVN, Phó BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; TT. Thích Thanh Huỳnh, UV TT BTS GHPGVN tỉnh; Ni trưởng Thích Đàm Tâm, Thích Đàm Hinh cùng Chư Tôn đức trong Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình và đồng bào Phật tử gần xa.
Chư Tôn đức Tăng Ni tham dự buổi lễ
Cố Hòa thượng Thích Thanh Khoát hiệu Minh Chính, thế danh Đinh Văn Trú sinh ngày Bính Ngọ tháng Giáp Dần năm Quý Dậu (tức ngày 15 tháng 1 năm 1933) tại xóm Võ, thôn Liêu Đông, xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thân phụ là Cụ ông Đinh Quang Phố, thân mẫu là Cụ bà Trần Thị Gọng. Hòa thượng sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước và thuần thành Phật giáo. Hòa thượng là con út trong gia đình có 7 anh chị em 4 trai 3 gái, nhờ ảnh hưởng của gia đình có truyền thống nề nếp gia phong. Song thân của Ngài đều rất trọng nghĩa, cụ ông và cụ bà rất mẫu mực, nhất là nếp sống đạo đức. Thủa nhỏ Ngài rất chăm chỉ học hành nên được nhiều người yêu quý, vốn là người thực thà và chuyên cần nên từ rất sớm Hòa thượng đã biết tự vượt lên chính mình cũng như hoàn cảnh, cho nên trong bất cứ trường hợp nào Ngài cũng khéo vận dụng khế lý khế cơ mà tùy thuận, điều tiết cuộc sống cũng giống như hoằng pháp lợi sinh sau này. Chính nhờ vào bản chất thực thà và chuyên cần, tự vươn lên chính mình và hoàn cảnh nên đã sớm thôi thúc Ngài xuất gia tu đạo.
HT. Thích Thanh Dục (bên phải) và HT. Thích Thanh Lương giảng nghĩa kinh Di Đà sám
Năm 1968, Ngài xin xuất gia tu học và làm đệ tử sư Tổ Thích Quảng Yêm trụ trì chùa Kim Sa và được thầy nghiệp sư ban cho pháp danh Thích Thanh Khoát. Trải qua những tháng ngày hầu thầy và chấp tác Phật sự với đức hạnh khiêm tốn, siêng năng và học hỏi. Ngài luôn được Tổ sư thương yêu và hy vọng sẽ có một ngày đạo pháp huy hoàng sơn môn pháp phái nhờ Tam Bảo gia ân mà vững bền phát triển. Năm 1970, Ngài được thầy nghiệp sư cho đăng đàn thụ cụ túc giới tại chốn Tổ Lãng Lăng ( Kim Sa Tự), xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Giới đàn này gồm các Hòa thượng: - Hòa Thượng: Thích Thế Long, Viện chủ Tổ đình Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, làm Hòa thượng Đàn đầu; - Hòa Thượng: Thích Quảng Yêm, Viện chủ Tổ đình Kim Sa, xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, làm Hòa thượng Yết Ma; - Hòa Thượng: Thích Quảng Văn, Viện chủ Tổ đình Hoành Nha, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, làm Hòa thượng Giáo thụ; - Hòa Thượng: Thích Thuận Đức, Viện chủ Tổ đình Đại Bi, Thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, làm Hòa thượng Tôn chứng; - Hòa Thượng: Thích Thanh Hiền, Viện chủ Tổ đình Trà Lũ Trung, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, làm Hòa thượng Tôn chứng; - Hòa Thượng: Thích Tâm Thông, Viện chủ Tổ đình Vọng Cung, thành phố Nam Định, làm Hòa thượng Tôn chứng. Ngài được Hội đồng Giới sư và thầy nghiệp sư ban cho pháp danh là Thích Thanh Khoát, hiệu Minh Chính. Từ đây, Ngài thực thụ trở thành Như Lai sứ giả, gánh vác Phật sự giáo hóa quần sinh và tuyên dương chính pháp. Noi gương và phát huy truyền thống hiếu học của các đại lão thiền sư tiền bối. Ngài chăm chỉ tiếp thu và trau dồi Tam vô lậu học để nâng cao trí lực và thiền lực nhằm lợi lạc quần sinh.
TT. Thích Quảng Hà đọc bình văn
Sau khi thầy nghiệp sư là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Yêm viên tịch, Ngài đã được Giáo hội và Sơn môn pháp phái giao phó cho Ngài trụ trì chùa Kim Sa. Với những công đức mà Hòa thượng đã đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc. Nên đã được các cấp Giáo hội cũng như Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen cao quý. Hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp và tế độ quần sinh của Ngài đã viên mãn, luật vô thường đã đưa Ngài về Tây phương kiến Phật vào hồi 3 giờ 35’ ngày 12 tháng 06 năm 2015 ( Nhằm ngày 25 tháng 04 năm Ất Mùi ), trụ thế 83 năm, hạ lạp 45 mùa sen nở. Dù bất cứ công việc gì trong chốn thiền môn hay thế tục, Ngài đều coi đó là một Phật sự và là một phương tiện để hoằng dương Phật pháp. Ngài đã cống hiến trọn đời cho đạo pháp và dân tộc, góp phần xây dựng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam thêm lớn mạnh, xây dựng Hệ phái Phật giáo Linh Quang Trà Lũ Trung thêm xương minh, đỉnh thịnh. Được biết, trước đó, vào ngày 30.7, Ban Nghi lễ của Hệ pháo Phật giáo Linh Quang Trà Lũ Trung đã cử hành các phần nghi lễ như Cúng Nghinh sư duyệt định, Phát tấu, Thỉnh Phật, Cúng Tổ, tụng kinh Di Đà, Dược Sư, Thủy Sám, nhiễu tháp, Tế Tổ và Mông Sơn thí thực, chẩn tế cô hồn.
Các Phật tử tham dự buổi lễ
Vào buổi sáng ngày hôm nay, toàn thể đại chúng đã cử hành nghi thức bình văn giảng nghĩa kinh Di Đà sám. Dưới sự chứng minh, giảng nghĩa của HT. Thích Thanh Dục và HT. Thích Thanh Lương. Cuộc đời Hoà thượng là một tấm gương sáng về giới đức, đạo hạnh, hết lòng vì đạo pháp và đặc biệt có công lớn trong việc phát triển Hệ phái Phật giáo Linh Quang Trà Lũ Trung. Suốt 45 năm hành đạo, hóa đạo, Hoà thượng đã cùng Chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo huyện Xuân Trường dày công xây dựng cho Phật giáo huyện nhà một sức sống mãnh liệt. Tinh thần phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, tinh thần hoằng pháp lợi sinh của Hoà thượng mãi mãi ở trong tâm khảm Tăng Ni Phật tử trong toàn huyện và đồng bào Phật tử các giới. Xin giới thiệu một số hình ảnh:
Bàn thờ Phật
TT. Thích Tâm Thiệu tác bạch chương trình
Tin và ảnh: Điều Ngự Tử
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |