Chi tiết tin tức

Nam Định: Tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

19:16:00 - 29/06/2017
(PGNĐ) -  Ngày 29.06, tại Trúc Lâm Thiên Trường-Trung tâm Phật giáo tỉnh Nam Định, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ Nam Định đã kết hợp cùng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức hội nghị tuyền truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tới chư tôn đức Tăng Ni và các Mục sư tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Mạnh Hải-Phó ban Tôn giáo-Sở Nội vụ giới thiệu chương trình và đề dẫn

 

Tham dự hội nghị về phía Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có HT. Thích Thanh Lương, HT. Thích Thanh Nghị-CM BTS; TT. Thích Quảng Hà-PCT HĐTS GHPGVN, Phó ban Thường trực; TT. Thích Tâm Thiệu-UV HĐTS GHPGVN, Phó BTS; TT. Thích Tâm Vượng-Phó BTS cùng chư tôn đức Tăng Ni trong BTS GHPGVN tỉnh, các huyện và thành phố. Về phía Tin lành có Mục sư Hoàng Xuân Thành-Quản nhiệm Hội thánh Tin lành thành phố Nam Định; Mục sư Doãn Văn Ân-Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Hoành Nhị, xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ.

 

Về phía lãnh đạo chính quyền có ông Ngô Ngọc Vũ-Phó ban Dân vận Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Danh Cường-Phó Giám đốc kiêm Trưởng ban Tôn giáo-Sở Nội vụ; Thượng tá Vũ Kim Tuyến-Phó phòng PA88, CA tỉnh; ông Nguyễn Mạnh Hải-Phó ban Tôn giáo-Sở Nội vụ cùng các đại biểu đại diện các sở, ban, ngành liên quan tỉnh.

 

Ông Nguyễn Danh Cường chi sẻ với chư Tăng Ni và các Mục sư về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Danh Cường đã chia sẻ về tình hình tôn giáo tỉnh nhà. Ông cho biết, tỉnh Nam Định là tỉnh trọng điểm về tôn giáo và tín ngưỡng trong cả nước. Cả tỉnh hiện có 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Công giáo tỉnh đứng thứ 3 cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Tỉnh Nam Định là nơi đạo Công giáo truyền vào đầu tiên (1533), truyền vào Quần Anh, huyện Hải Hậu. Cả nước có 26 giáo phận/63 tỉnh, thành cả nước thì Nam Định có 1,3 giáo phận; có 47 vạn giáo dân, chiếm khoảng 25% dân số toàn tỉnh; 223 Linh mục; 172 xứ; 6 dòng tu nữ; 39 cơ sở Dòng với hơn 800 nữ tu. Đạo Tin lành Nam Định có 2 Hội thánh là Hội thánh Tin lành thành phố Nam Định với khoảng 100 giáo dân và Hoành Nhị, xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ với khoảng 700 giáo dân. Phật giáo tỉnh Nam Định có 824 ngôi chùa, 36 cơ sở tự viện được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 69 cơ sở tự viện được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trong đó: 718 ngôi chùa đã có Tăng Ni trụ trì và 27 ngôi chùa có Tăng Ni kiêm trụ trì. Và 798 vị Tăng Ni đang tu học, hoạt động Phật sự: chư Tăng 223 vị, chư Ni 575 vị, Hòa thượng 4 vị, Thượng tọa 13 vị, Ni trưởng 5 vị, Ni sư 42 vị, Đại đức 188 vị, Sư cô 514 vị, Sa di 18 vị, Thức xoa 2 vị, Sa di ni 12 vị. 

 

Toàn cảnh Hội nghị

Nam Định là địa danh ghi nhiều dấu ấn vàng son trong lịch sử nước nhà, là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, quê hương của các vị vua anh minh nhà Trần, quê hương của Đệ nhất Tổ Trúc Lâm-Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, người khai sáng ra dòng Thiền mang đậm bản sắc Việt Nam và đưa Phật giáo Việt Nam lên đỉnh cao của thời đại lúc bấy giờ. Tiếp nối truyền thống đó, còn có chư vị Tổ sư tiền bối như HT.Thích Tâm Thi, Thượng thủ Tăng già toàn quốc; HT.Thích Thế Long, Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPGVN, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCNVN; HT.Thích Tâm Thông, Phó Pháp chủ HĐCM T.Ư GHPGVN; HT.Thích Thuận Đức, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN.v.v… đã làm rạng danh Phật giáo tỉnh Nam Định.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị chăm chú lắng nghe

 

Đồng thời ông cho biết, Đảng xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì vậy để làm tốt công tác tôn giáo đòi hỏi phải có sự tham gia hoạt động của cả hệ thống chính trị. 

Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo ở Nam Định luôn được chú trọng, tập trung vào các nội dung như: Quán triệt phổ biến Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương Đảng về công tác tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo… và Nghị định số 92/2012/NĐ - CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng.

 

 

Qua Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã góp phần nâng cao nhận thức cho chư Tăng Ni và các Mục sư đang hoạt động tôn giáo tại tỉnh nhà; bước đầu nâng cao nhận thức của chức sắc các tôn giáo với các nội dung của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, từ đó, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường, giúp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu cặn kẽ hơn về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ta về tôn giáo, yên tâm thực hành đức tin, kết hợp hài hoà nghĩa vụ giữa đạo và đời, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo nói riêng.

 

TT. Thích Quảng Hà phát biểu cám ơn

 

Kết thúc Hội nghị, TT. Thích Quảng Hà thay mặt chư Tăng Ni và các Mục sư đã lên phát biểu cám ơn ông Nguyễn Danh Cường-Phó Giám đốc kiêm Trưởng ban Tôn giáo-Sở Nội Vụ đã dành thời gian quý báu tới chia sẻ với chư Tăng Ni và các Mục sư hiểu thêm Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Thượng toạ khẳng định rằng, dưới sự quan tâm và giúp đỡ của lãnh đạo các cấp chính quyền từ tỉnh đến cấp cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói chung, việc quán triệt, triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo sẽ sớm đi vào cuộc sống. Hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn giữ được nền nếp, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc và tín đồ các tôn giáo, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền với Giáo hội, chức sắc, tín đồ các tôn giáo nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, sống tốt đời đẹp đạo, sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo diễn ra ra ổn định, thuần túy trong khuôn khổ quy định của hiến pháp, pháp luật, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tài liệu về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

 

Được biết, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016. Luật gồm 9 chương, 68 Điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Từ đó, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong tổ chức các hoạt động tôn giáo; tôn trọng hợp tác với chính quyền đẩy lùi hoạt động truyền đạo trái pháp luật của các hiện tượng tôn giáo mới và hoạt động mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Trong thời gian tới, ban Tôn giáo - Sở Nội vụ Nam Định sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, nhất là các Trường hạ trong toàn tỉnh vào dịp chư Tăng Ni tập trung an cư kết hạ để tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cho chư Tăng Ni ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Nam Định.

 

Tin: Giác Vũ - Ảnh: Đức Vinh và Phúc Nghiêm

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin