Trong chương trình hoạt động của Diễn đàn, ngoài lễ khai mạc, các thành viên đã cùng Hòa thượng trưởng đoàn tham dự phiên làm việc giữa Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. HT.Thích Thanh Nhiễu cũng đã tham dự lễ trồng cây tại Đồng Nguyện Lâm – vịnh Niêm Hoa cùng với lãnh đạo Phật giáo các nước, tham dự tiệc chiêu đãi của Chính quyền tỉnh Giang Tô dành cho trưởng đoàn các nước.
Đồng thời, tại phiên bế mạc, Hòa thượng đã có bài phát biểu cùng với lãnh đạo của mười một tổ chức Phật giáo các nước khác. TT.Thích Nguyên Đạt đã trình bày tham luận về giáo dục Phật giáo Việt Nam tại phiên thảo luận chuyên đề giáo dục Phật giáo. TT.Thích Quang Thạnh, TT. Thích Huệ Thông và TT.Thích Giải Hiền cũng có tham luận tại các chuyên đề hoằng pháp, thanh niên Phật giáo và từ thiện của diễn đàn.
TT. Thích Đức Thiện đã có cuộc tiếp xúc và làm việc với ông Tổng thư kí Tổ chức Liên hữu Phật giáo Thế giới trong phiên bế mạc. Đồng thời, các thành viên cũng đã tham dự chương trình biểu diễn nghệ thuật Phật giáo “Thiền hành”.
Chiều ngày 25/10 trong phiên bế mạc, toàn thể các đại biểu đã lắng nghe Tuyên ngôn Diễn đàn với nội dung: “Tuyên ngôn Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ 4:
Ngày 24-25/10/2015, chúng tôi, trên 1000 đại biểu Phật giáo đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã tụ hội về thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc long trọng cử hành Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ 4 trong hai ngày với chủ đề “Đồng nguyện đồng hành, giao lưu học hỏi”. Chúng tôi đã tiến hành thảo luận sâu sắc những vấn đề về Phật giáo và hòa bình, Phật giáo và văn minh, Phật giáo và từ thiện công ích, giáo dục Phật giáo, xây dựng tăng đoàn, hoằng pháp Phật giáo, thanh niên Phật giáo, cùng nhau giao lưu tư tưởng, chia sẻ kinh nghiệm, bày tỏ những vấn đề quan tâm, kết tập những nhận thức chung, đạt được những thành quả tích cực.
Chúng sinh tự tha tương y, nhân loại duyên khởi cộng sanh. Chỉ có văn minh đa nguyên toàn thế giới cộng trụ hòa hợp, các tôn giáo khác nhau giao lưu học hỏi, thức tỉnh lẫn nhau, chia sẻ điều hay mới có thể thực hiện được cộng đồng phồn vinh, hòa bình trường cửu. Lịch sử Phật giáo đã trên 2600 năm, bao đời cao tăng thạc đức tâm nguyện hoằng dương thánh giáo, bi nguyện hoằng thệ phổ độ chúng sinh, xả thân vì đạo, đi khắp bốn phương, đem ánh sáng Phật Đà chiếu rọi toàn cầu, kết nối tất cả các nền văn minh khác nhau trên thế giới thành một chuỗi văn hóa quan trọng cho việc xây dựng một không gian giao lưu hữu hảo và cầu nối tâm linh tương thông cho nhân dân các nước. Từ đó, chúng tôi tuyên nghị:
1) Tăng cường giao lưu thăm viếng giữa Phật giáo đồ các nước, các khu vực để càng thêm hiểu biết, tăng trưởng tình hữu nghị pháp lữ, thúc đẩy đoàn kết hợp tác Phật giáo đồ toàn thế giới.
2) Tăng cường việc nghiên cứu so sánh các kinh điển Phật giáo của các ngữ hệ, giao lưu phiên dịch, cùng nhau thúc đẩy việc phiên dịch hiện đại, truyền bá trên thế giới kinh điển và tư tưởng Phật giáo.
3) Thúc đẩy việc xây dựng tăng đoàn Phật giáo trên các vùng và các quốc gia, giao lưu học hỏi lẫn nhau trên phương diện chế độ tổ chức, tăng cường hiểu biết giữa các văn hóa truyền thống, lịch sử lâu đời, chia sẻ những kinh nghiệm quý giá để tăng cường phát triển hòa hợp tăng đoàn xuất gia, giữ vững sức mạnh chánh pháp.
4) Nâng cao hợp tác giao lưu trên lĩnh vực giáo dục Phật giáo giữa các vùng và các nước, giao lưu trao đổi lưu học sinh và học giả, tiếp tục mở rộng phát triển các hoạt động chia sẻ thành quả nghiên cứu và tài nguyên giáo dục, giao lưu chia sẻ nguồn giảng sư ưu tú, hợp tác giữa các trường viện Phật giáo để thúc đẩy truyền thừa và hoằng dương các di sản văn hóa Phật giáo.
5) Tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm hoằng pháp lợi sinh Phật giáo giữa các vùng và các nước, cùng nhau thảo luận những phương thức hoằng pháp khế lý khế cơ trong bối cảnh toàn cầu hóa và thời đại công nghệ thông tin để truyền bá những lời giáo huấn của Phật Đà trên toàn thế giới.
6) Phát triển hợp tác giao lưu lĩnh vực từ thiện công ích Phật giáo giữa các vùng và các nước, mở rộng sự nghiệp từ tế cứu nạn, công tác bảo vệ môi trường và các môi trường công ích dân sinh giữa các nước và các khu vực, hoằng dương tinh thần Phật giáo từ bi tế thế, làm thiện bố thí để tăng tiến phúc lợi chúng sinh, cùng nhau xây dựng tịnh độ nhân gian.
7) Mở rộng phát triển hoạt động liên nghị thanh niên Phật giáo giữa các vùng và các nước để tăng trưởng sứ mệnh và tinh thần trách nhiệm, trưởng thành thanh niên Phật giáo cho việc sáng tạo những điều kiện nhân tài hoằng pháp và tu tập mang tính quốc tế, duy trì truyền thống hữu nghị pháp lữ, khai mở văn minh tương lai.
8) Thúc đẩy hợp tác đối thoại giữa Phật giáo và các tôn giáo khác, đề xướng khoan dung tôn giáo, nâng cao hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, mở rộng và phát triển sự hợp tác giữa các lĩnh vực bảo vệ hòa bình, thúc đẩy hòa hợp, hóa giải xung đột, bảo vệ môi trường, văn hóa nghệ thuật, từ thiện công ích giữa Phật giáo và các tôn giáo khác để phát huy tác dụng tích cực cho việc xây dựng lợi ích quốc gia và lợi ích nhân loại.
9) Tăng cường hòa hợp học hỏi giữa văn minh khoa học hiện đại và Phật giáo, hấp thụ vận dụng các thành quả phát triển của khoa học kĩ thuật để làm phong phú cho các cách thức và phương pháp hoằng pháp lợi sinh Phật giáo, tích cực ứng phó với các vấn đề xã hội được phát sinh trong quá trình phát triển khoa học kĩ thuật hiện đại để cung cấp nguồn tài nguyên tinh thần cho tiến bộ văn minh nhân loại.
Chúng tôi chân thành kêu gọi tất cả Phật giáo đồ trên toàn thế giới giữ vững tinh thần từ bi hỉ xả, kế thừa tiên hiền hoằng nguyện, phụng hành tinh thần tứ nhiếp, tập hợp sức mạnh hướng thiện hướng thượng, thúc đẩy giao lưu học hỏi văn minh để cống hiến trí tuệ, giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu mà nhân loại đối mặt trong quá trình tồn tại và phát triển, bắt tay nỗ lực để xây dựng lợi ích cho quốc gia và cộng đồng nhân loại”.
Hình ảnh hoạt động của phái đoàn:
Thích Giải Hiền