Chi tiết tin tức

Nghìn người đội đèn cầu quốc thái dân an

20:39:00 - 28/10/2015
(PGNĐ) -  Trong đêm, những ngọn đèn nhỏ cùng nhau tỏa sáng với ý nghĩa cầu mong cho đất nước hòa bình, nhân dân hạnh phúc.

Tối 27/9, dưới chân Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc), hàng nghìn chư tăng, phật tử cùng người dân dưới sự chủ trì của Nhiếp chính vương Truyền thừa Drukpa đã làm nghi thức cúng dường đèn, kết thúc Pháp hội cầu quốc thái dân an. Trong không khí linh thiêng, dòng người đội đèn, đi 13 vòng quanh bảo tháp và trì tụng câu chân ngôn (lời nguyện cầu) an lành Om Mani Pad Me Hung.

nghin-nguoi-doi-den-cau-quoc-thai-dan-an

Dòng người đội đèn, đi vòng quanh bảo tháp dưới sự chủ trì của Nhiếp chính vương Truyền thừa Drukpa. Ảnh: Nhật Quang.

Đây là nghi thức cuối cùng trong Pháp hội tích lũy một tỷ lời nguyện cầu nhiệm màu mang ý nghĩa mong đất nước hòa bình, nhân dân an lạc, gia đình hạnh phúc. Theo quan niệm của Phật giáo Kim Cương thừa, nếu trì niệm câu chân ngôn an lành sẽ giúp bản thân tĩnh tâm, tiêu trừ nghiệp xấu, tích lũy công đức, qua đó lan tỏa năng lượng an lành đến những người xung quanh.

Chị Bích Diệp cùng bạn bè từ TP HCM ra miền Bắc tham dự pháp hội từ ngày 25/9. "Những hoạt động này mang ý nghĩa gia tăng niềm tin vào cuộc sống, nhắc nhở mình sống tốt hơn, đối xử chan hòa với người xung quanh, tránh đi thói ích kỷ. Còn Phật ở tại tâm, quan trọng vẫn là sự thức tỉnh ở trong thâm tâm, xuất phát từ ý muốn thay đổi tốt hơn của con người", chị nói.

nghin-nguoi-doi-den-cau-quoc-thai-dan-an-1

Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa chủ trì tổng kết pháp hội. Ảnh: Nhật Quang.

Cùng với nghi thức cúng đèn, trước đó hàng nghìn người ngồi trong đại bảo tháp nghe Nhiếp chính vương Dokhampa giảng dạy về những triết lý sống của đạo Phật. Người tiếp nối thiện hạnh của Đức Pháp Vương cho rằng, cuộc sống này đầy rẫy những điều ghen ghét, sự thù hận được tạo nên bởi bản tính ích kỷ cá nhân. Con người cần nhận thức được những nghiệp chướng mà mình đã tạo ra để thay đổi. Việc thực hành pháp tu có tác dụng chuyển hóa ích kỷ thành tình yêu thương vô hạn. Khi tất cả đồng lòng cùng nhau thì sẽ thay đổi ý thức của con người. Từ sự thay đổi của mỗi người dân sẽ dẫn đến sự thay đổi của đất nước.

Vị cao tăng Truyền thừa Drukpa tâm niệm, mỗi cuộc gặp gỡ trong đời đều nhờ duyên lành tích lũy từ nhiều kiếp. Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa có mặt cùng phật tử, người dân Việt Nam hòa hợp các phật tử thế giới cùng trì tụng một tỷ lời nguyện cầu mong cho đất nước hòa bình, thịnh vượng. Công đức tích lũy không phải để riêng cho ngày hôm nay mà còn dành cho thế hệ mai sau.

"Đất nước Việt Nam rất tuyệt vời. Các tôn giáo tồn tại cạnh nhau, cùng phát triển trong sự hòa hợp. Tinh thần của Phật giáo Việt Nam là tinh thần của sự hòa hợp. Tôi rất ấn tượng về điều này", Nhiếp chính vương nói và bày tỏ sự tri ân tới Chính phủ, giáo hội Phật giáo cùng lời cảm ơn chân thành đến người Việt Nam vì sự chào đón nồng nhiệt.

nghin-nguoi-doi-den-cau-quoc-thai-dan-an-2

Phật tử, người dân có mặt thành tâm lắng nghe những lời răn dạy của đạo Phật. Ảnh:Nhật Quang.

Ngài cũng khuyên phật tử, chúng sinh sống trên đời cần chọn bạn mà chơi, chọn thầy mà học, tránh xa cái ác, phát triển niềm tin vào cuộc sống. Người không có đức tin như con thuyền không phương hướng, lênh đênh trên biển, gặp sóng to gió lớn dễ bị dập vùi.

"Trong kiếp sống vô thường, mỗi người đều có những mối quan hệ tình thân, cha con, vợ chồng, bạn bè... Dù gắn bó thân thiết với nhau 10 năm, 20 năm, 50 năm hay lâu hơn thế nữa thì cũng có lúc phải ra đi, không tránh khỏi sự chia lìa. Vì vậy, nên trân trọng những giây phút còn được ở bên nhau, quan tâm đến nhau nhiều hơn", Nhiếp chính vương nói.

Trong một tháng (25/9-27/10) Pháp hội đã tích lũy được gần 1,5 tỷ lời nguyện cầu an lành Om Mani Pad Me Hung với sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Đây là khóa trì tụng kéo dài và lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Pháp hội là hoạt động nổi bật trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ 7 của Pháp vương Kim Cương thừa Gyalwang Drukpa, Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa cùng tăng đoàn truyền thừa Drukpa. 

Trong chuyến viếng thăm, hành trình cầu nguyện của tăng đoàn diễn ra trên khắp 3 miền đất nước với nhiều hoạt động ý nghĩa: cử hành pháp hội cầu quốc thái dân an; tọa đàm vì môi trường; an vị tượng phật nghìn năm, xá lị trên đỉnh bảo tháp Mandala Tây Thiên.

Phương Hòa

Nguồn: Theo VnExpress.net

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin