Chi tiết tin tức Bản đồ 2.000 năm lịch sử của Trung Quốc không có thật 20:15:00 - 03/06/2014
(PGNĐ) - Việc phía Trung Quốc viện dẫn bản đồ 2.000 năm lịch sử của Trung Quốc để khẳng định tính pháp lý của đường 9 đoạn là hoàn toàn không có thật.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Hán Nôm- PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh khẳng định như trên tại buổi họp báo sáng 3/6, giới thiệu “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” do Viện hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức. “Qua nghiên cứu của chúng tôi khẳng định là không có những bản đồ đó”, ông Mạnh khẳng định và cho biết, những bản đồ của phía Trung Quốc được in vào thời kỳ cận đại và đầu thế kỷ 20 đều vẽ biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Mới đây trong quá trình sưu tầm, ông Mạnh đã phát hiện một ấn bản sách giáo khoa tiểu học của Trung Hoa Dân Quốc cũng vẽ biên giới chỉ đến đảo Hải Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Từ trước tới nay, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã có nhiều đề tài, công trình của các học giả nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Tất cả các tài liệu đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông, do nhà nước Việt Nam quản lý và khai thác từ nhiều thế kỷ trong lịch sử. "Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, chúng ta có đủ bằng chứng giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông là của Việt Nam", ông Thắng nói và khẳng định, đây là những căn cứ vững chắc về lịch sử, về khoa học và về pháp lý.
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Hán Nôm cũng khẳng định rằng, tại các thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các cơ quan trong và ngoài nước hiện đang lưu giữ nhiều tài liệu, bản đồ, tư liệu Hán Nôm và các tư liệu viết bằng tiếng nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
"Hiện nay, chúng tôi đã sưu tập được nhiều đơn vị tài liệu Hán Nôm và tiếng nước ngoài ghi chép đầy đủ về chủ đề này, đã thể hiện nhất quán, rõ ràng chủ quyền của Việt Nam, việc quản lý thực tế của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông", ông Mạnh nói. Theo ông Mạnh, đây là những tư liệu rất có giá trị khoa học, trong đó có nhiều tài liệu gốc lần đầu tiên công bố, sẽ là căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động, khẳng định chủ quyền cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Cuốn “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện và nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành, nằm trong chương trình nghiên cứu chung về Biển Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong nhiều năm qua. BÍCH HỒNG - TRƯƠNG LAN
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |