Chi tiết tin tức

Chuyện cảm động về chuyến thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh của Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink

22:01:00 - 29/12/2018
(PGNĐ) -  Mới vậy mà đã hơn chục ngày trôi qua kể từ sự kiện mà có thể nhiều người không biết: Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh Mary Tanowka đến Huế thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Ngày đặc biệt đó là 11/12/2018. Đặc biệt bởi cả Đại sứ lẫn Tổng lãnh sự Hoa Kỳ từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng đến thăm thầy Nhất Hạnh. Đặc biệt bởi đại diện ngoại giao cao cấp nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam đến với vị Thiền sư nổi tiếng thế giới Thích Nhất Hạnh quốc tịch Pháp nhưng gốc Việt Nam, tại ngay Việt Nam và nhất là tại chính chùa tổ Từ Hiếu.

Câu chuyện thu xếp cho chuyến thăm đặc biệt này cũng rất đặc biệt. Phía Việt Nam rất ủng hộ việc thăm này. Không có bất cứ cản trở nào từ phía chính quyền. Tất cả đều tạo điều kiện để chuyến thăm được diễn ra tốt nhất có thể.

Sư cô Chân Không thay mặt Thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp đón ngài Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink

Đặc biệt hơn nữa rằng mặc dù Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh Mary Tanowka đã được báo trước rằng có thể đến tận Huế, vào tận chùa Tử Hiếu nhưng có thể cũng không gặp được Thầy Nhất Hạnh nếu sức khỏe không cho phép, nhưng Đại sứ vẫn vui vẻ chấp nhận.

Và đúng như dự đoán, ngày 11 tháng 12 này sức khỏe của Thiền sư Thích Nhất Hạnh không được tốt. Thầy Nhất Hạnh rất ít tiếp khách và nếu tiếp thì thầy ngồi trên xe lăn. Nhưng hôm nay Thầy mệt và nằm nghỉ tĩnh dưỡng trong phòng riêng.

Chuyện xúc động rằng đây là lần đầu tiên (và hình như là duy nhất) Thầy Nhất Hạnh nằm nghỉ trên giường và tiếp Đại sứ Hoa Kỳ cùng Tổng lãnh sự. Hơn thế nữa, khi Đại sứ đến chào và hỏi thăm, Thầy Nhất Hạnh đã đưa tay lên ngực, gật đầu ghi nhận sự hiện diện của Đại sứ. Tất cả cùng xúc động.

Hình ảnh tất cả cùng bên nhau bên giường của Thiền sư Thích Nhật Hạnh thật ấm cũng và cảm động. Chuyện này hình như đã chạm đến trái tim của tất cả những ai có mặt.

Sư cô giới thiệu lịch thư pháp của Thầy Nhất Hạnh để những người bạn Hoa Kỳ hiểu hơn về thư pháp, về thiền, về chánh niệm về tu tập Phật giáo

Sau khi rời phòng Thầy Nhất Hạnh, Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink được nghe câu chuyện của một đồng nghiệp của mình đã được đổi đời nhờ đọc sách của thầy Nhất Hạnh và ông đã rớm nước mắt. Những ai được chứng kiến những câu chuyện của hôm đó cũng xúc động theo. Đấy, thiền sư người Việt Nam làm đổi đời biết bao con người, trong mọi lĩnh vực, ở mọi vị trí, tại biết bao quốc gia.

Sư cô Chân Không cùng thầy Pháp Ấn đã thay mặt Thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp đoàn. Sư cô giới thiệu những gì tốt đẹp nhất của Phật giáo Việt Nam. Sư cô giới thiệu lịch thư pháp của Thầy Nhất Hạnh để những người bạn Hoa Kỳ hiểu hơn về thư pháp, về thiền, về chánh niệm về tu tập Phật giáo. Rất ấm cúng và gần gũi.

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink đã đăng thông tin về chuyến thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh trên trang facebook cá nhân của mình

Chuyến thăm ngắn ngủi nhưng thật xúc động và ý nghĩa. Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink hình như đã gửi các thông điệp về tự do tôn giáo ở Việt Nam và về tinh thần hòa hợp dân tộc. Hình như Đại sứ đã cảm nhận rất rõ sự ủng hộ hiện nay của của chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương đối với Phật Giáo nói riêng và tôn giáo nói chung.  

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink đã đăng thông tin về chuyến thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh trên trang facebook cá nhân của mình. Ông viết rằng “Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền khẳng định "mọi người đều có quyền tự do về tư tưởng, lương tâm và tôn giáo" và Hoa Kỳ ủng hộ niềm tin đó trên toàn thế giới, bao gồm tại Việt Nam. Tôi có vinh hạnh đến thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chùa Từ Hiếu, và tìm hiểu thêm về những lời dạy của Thầy từ những người học trò thân thiết. Chúng tôi đã thảo luận về thiền định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh "An lạc trong tâm, an lạc trong cả thế giới", tầm quan trọng của sự an lạc từ trong tâm tưởng đối với sự hòa giải bên ngoài. Cảm ơn Sư cô Chân Không đã dành thời gian nói chuyện với tôi và Tổng lãnh sự Mary Tarnowka tại chùa Từ Hiếu”.

Chúng tôi đã thảo luận về thiền định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh "An lạc trong tâm, an lạc trong cả thế giới", tầm quan trọng của sự an lạc từ trong tâm tưởng đối với sự hòa giải bên ngoài

Về phía Thầy Nhất Hạnh và các học trò, thông điệp rất rõ ràng là tình huynh đệ. Thầy đã từng tuyên bố rằng “Không có gì quý hơn tình huynh đệ”. Tình huynh đệ thiêng liêng này vượt qua mọi biên giới về dân tộc, tôn giáo, quốc gia, lãnh thổ, tuổi tác, màu da. Tình huynh đệ là tài sản lớn nhất của chung tất cả chúng ta.

Trong chuyến thăm đặc biệt này còn có sự có mặt của cư sỹ Pritam Singh. Ông là người Mỹ, gốc Ấn Độ, người đã suốt mấy chục năm nay hết mình cống hiến cho tình hữu nghị Mỹ Việt và cho Phật giáo. Được biết ông cũng đã có công rất lớn trong việc thu xếp cho các chuyến về thăm Việt Nam của Thầy Nhất Hạnh trước đây.

Anh Nguyễn Trung Trực có mặt trong chuyến đi ý nghĩa này cũng tâm sự rằng đây là một chuyến về Huế thật xúc động và đầy ý nghĩa cho tất cả. Anh đã chân thành cám ơn Thầy Nhất Hạnh, Sư Cô Chân Không, thầy Pháp Ấn và anh Pritam Singh. Anh cũng đã cám ơn Đại Sứ Mỹ Daniel Kritenbrink, Tổng lãnh sự Mary Tanowka và cả đoàn.

Tôi chợt nhớ đến bài hát nổi tiêng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn “Nối vòng tay lớn”. Tôi vừa ngồi gõ những dòng chữ này và vừa lẩm nhẩm hát trong đầu. Vòng tay lớn đã được nối thật rồi. Nối từ đông sang tây, từ tây sang đông, từ bắc vào nam, từ nam lên bắc. Vòng tay nối dài từ đất Phật Ấn Độ đến Hoa Kỳ, vòng sang Pháp, đến khắp các nước trên thế giới và về lại với Việt Nạm. Vòng tay lớn xuất phát từ chùa tổ Từ Hiếu của Cố đô Huế đã nối dài đi muôn nơi nay lại về với chốn xưa.

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink, người đã từng giữ vị trí Giám đốc Cấp cao về Các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia từ năm 2015 đến năm 2017, nơi ông bao quát nhiều công việc liên quan đến Việt Nam và giám sát việc đàm phán hai Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Toàn diện với Việt Nam, đã nối vòng tay Hoa Kỳ Việt Nam. Đại sứ đã làm một việc làm rất ý nghĩa là làm cầu nối để cùng với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tất cả cùng đưa nhau lại gần hơn.

Vòng tay lớn đã đưa Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh Mary Tanowka đến với Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại tổ đình Từ Hiếu. Vòng tay huynh đệ tuyệt vời đang mở rộng ra, rộng nữa, rộng mãi để hiểu và thương lan đi xa hơn, nhiều hơn, xa mãi, và nhiều đến vô biên.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty Sách Thái Hà

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin