Với sự đồng tổ chức của Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt nam phối hợp với Ban văn hóa TW GHPGVN, GHPGVN tỉnh Hải Dương và Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Sơn môn Tào Động VN và UBND huyện Kinh Môn – Hải Dương, hội thảo nhằm nêu cao những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ và Phật giáo, đồng thời bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với những danh tăng Việt Nam từ thế kỷ XVII đã có nhiều đóng góp với Đạo pháp và dân tộc, trong đó có Thiền sư Thủy Nguyệt, nhân kỷ niệm 311 năm ngày mất của Thiền sư Thủy Nguyệt và gần 350 năm Thiền phái Tào Động có mặt ở Việt Nam.
Quang lâm chứng minh hội thảo có: Hòa thượng Thích Thanh Đàm - Ủy viên thường trực HĐCM TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Trung Hậu – Hòa thượng Thích Trung Hậu – Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN-Trưởng Ban văn hóa TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Hải Ấn – Ủy viên HĐTS kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban văn hóa TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Tổng thư ký HĐTS TW GHPGVN cùng chư tôn đức Tăng Ni trong HĐTS TW GHPGVN, chư tôn đức trong BTS tỉnh Hải Dương và các tỉnh thành lân cận cùng đông đảo Giáo sư, tiến sĩ các nhà khoa học, phật tử trong và ngoài tỉnh.
Về phía chính quyền có: Ông Dương Ngọc Tấn – Phó trưởng Ban tôn giáo chính phủ; Ông Nguyễn Mạnh Hiển – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Ông Vũ Văn Sơn – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương; Ông Đặng Việt Cường – Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương cùng quý vị đại diện các cơ quan ban ngành TW, tỉnh Hải Dương.
Chủ tọa đoàn hội thảo gồm có: Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn – Viện trưởng viện Nghiên cứu tôn giáo; Hòa thượng Thích Thanh Đạt – Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại HN; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Tổng thư ký HĐTS TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Ủy viên thường trực HĐTS kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban văn hóa TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực Ban pháp chế TW GHPGVN;Thượng tọa Thích Thanh Vân – Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng BTS GHPGVN Tỉnh Hải Dương ;Ông Nguyễn Đức Việt – Phó giám đốc Sở thể thao du lịch tỉnh Hải Dương; Ông Lê Xuân Bí – Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện, Trưởng ban tôn giáo huyện Kinh Môn.
Mở đầu hội thảo, Thượng tọa Thích Thanh Vân – thay mặt Ban tổ chức tuyên đọc diễn văn khai mạc. Thượng tọa nhấn mạnh “Nhân kỷ niệm 311 năm ngày mất của thiền sư Thủy Nguyệt và 350 năm Thiền phái Tào Động có mặt ở Việt Nam, Hội thảo “Thiền phái Tào Động VN và Quần thể di tích Nhẫm Dương: Giá trị Lịch sử, Văn hóa và Phật giáo” có ý nghĩa thiết thực thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, tôn vinh các bậc danh tăng có nhiều đóng góp cho Đạo pháp và dân tộc. Hội thảo cũng là dịp để các nhà nghiên cứu trong và ngoài GHPGVN hội tụ nhằm đánh giá một cách khoa học và khách quan về những giá trị Lịch sử, Văn hóa và Phật giáo của khu di tích lịch sử văn hóa tại chùa Nhẫm Dương với Hòa thượng Thủy Nguyệt – Đệ nhất Tổ sư Thiền phái Tào Động Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát huy tác dụng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc VN trong thời kỳ mới. Đây cũng là niềm tự hào của Phật giáo, cũng như những người dân xứ Đông (Hải Dương) nói riêng khi hội thảo được tổ chức trên mảnh đất giàu truyền thống này”.
Sau đó, Ông Dương Ngọc Tấn – Phó trưởng Ban tôn giáo Chính phủ cũng đã có lời phát biểu bày tỏ niềm vui mừng và tin tưởng rằng “Tại Hội thảo này, các nhà nghiên cứu, các chức sắc, Tăng Ni, các nhà thiện tri thức sẽ cung cấp, làm rõ thêm được nhiều thông tin bổ ích về giá trị lịch sử, vai trò của Thiền phái Tào Động mạng mạch Phật giáo Việt Nam, để qua đó tiếp tục phát huy những giá trị tích cực này trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước nói chung, của GHPGVN nói riêng”.
Tiếp theo là lời phát biểu của Bà Nguyễn Thị Liễu – Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn nói lên những giá trị của mảnh đất Kinh Môn và khu di tích khảo cổ chùa Nhẫm Dương. Đồng thời, bà mong muốn Hội thảo sẽ có thêm nhiều ý kiến đánh giá khoa học, có giá trị, làm sáng tỏ hơn các giá trị còn tiềm ẩn tại khu di tích chùa Nhẫm Dương và các hang động xã Duy Tân, huyện Kinh Môn.
Trước khi lắng nghe các bản tham luận của các nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn – Viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo đã thông qua đề dẫn cuộc hội thảo ngày hôm nay. Tiến sĩ đã nêu ra 2 chủ đề mà hội thảo hôm nay sẽ thực hiện. Chủ đề thứ nhất là lịch sử hình thành, quá trình phát triển của Thiền phái Tào Động tại VN và lịch sử hình thành chùa Nhẫm Dương. Chủ đề thứ hai là Giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ chùa Nhẫm Dương trong quần thể di tích Nhẫm Dương hiện nay và công tác bảo tổn, phát huy giá trị. Đặc biệt, trong bản đề dẫn hội thảo này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn cũng đã nêu khái quát về lịch sử Thiền phái Tào Động và lịch sử chùa Nhẫm Dương. Bản đề dẫn nêu rõ:
Thiền phái Tào Động được truyền vào nước ta khoảng nửa sau thế kỷ XVII. Thiền phái này có hai thiền sư Động Sơn Lương Giới (807 – 869) và Tào Sơn Bản Tịch (840 – 901) sáng lập, vị thứ hai là đệ tử của vị thứ nhất. Nói đến sự truyền bá của phái Tào Động người ta thường nói “Lâm Tế tương quân, Tào Động thổ dân”. Câu ấy có nghĩa là Lâm Tế là thiền phái của hàng tướng quân Mạc Phủ, Tào Động là thiền phái của bình dân. Thiền Tào Động được thâm nhập vào đại đa số dân chúng, nên gọi là thứ dân thiền, là một Thiền phái đi thẳng vào tầng lớp thứ dân và ngày nay đã phát triển rất mạnh mẽ.
Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang cũng cho biết, nửa cuối thế kỷ XVII ở Đàng Ngoài, thiền phái Tào Động do Thiền sư Thủy Nguyệt hiệu là Thông Giác sinh năm 1637, mất năm 1704. Ông đi tu học ở trên núi Phượng Hoàng, Hồ Châu (Trung Quốc) học đạo với Hòa thượng Nhất Cú Tri Giáo đời thứ 35 dòng Tào Động và Thiền sư Thủy Nguyệt pháp húy Thông Giác Đạo Nam là tổ sư thứ 36 của dòng Tào Động. Đến năm 1667 Thiền sư trở về Việt Nam hoằng dương tông Tào Động. Sư Tổ Thủy Nguyệt đã đi nhiều nơi trong cả nước để thuyết pháp, cuối cùng tới Hạ Long thì dừng lại để phổ độ chúng sinh. Cố Đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử cho rằng: Hòa thượng Thủy Nguyệt không chỉ khai nguyên chốn Tổ Nhẫm Dương, mà trụ trì chùa Hạ Long (Hải Dương), hoằng dương Phật pháp và độ tăng ở Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn…Hòa thượng Thủy Nguyệt còn là Tổ khai sáng chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc Tự) ở Hà Nội.
Chùa Nhẫm Dương là một địa danh gắn với Thánh Tổ Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt là Thủy Tổ của phái Tào Động VN. Chùa Nhẫm Dương – tên chữ là Thánh Quang, dân gian quen gọi là chùa Nhẫm, nằm lọt thỏm trong khu hang động núi đá vôi Nhẫm Dương thuộc xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Điều kỳ lạ là dường như tất cả các dãy núi đá trùng điệp vây quanh chùa đều có đỉnh hướng về ngọn núi Nhẫm Dương – nơi chùa Thánh Quang tọa lạc. Chùa được xây dựng từ thời Trần (1225 – 1400). Chùa Nhẫm Dương có khoảng gần 30 hang động lớn nhỏ bao quanh tạo thành một cảnh Phật toàn bích. Nổi bật nhất là tại động Thánh Hóa, nơi Sư Tổ Thủy Nguyệt viên tịch, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di cốt hóa thạch cùng nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, thời đồng thau và các pho tượng Phật bằng đá có niên đại thời nhà Nguyễn. Chùa Nhẫm Dương còn là một địa chỉ đỏ gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), chùa Nhẫm Dương từng là nơi đóng quân của nhiều cơ quan đơn vị bộ đội. Trong cuộc chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào những năm 1965 – 1973, Viện quân y Y7, Quân khu 3 cũng từng sơ tán về núi Nhẫm Dương làm nơi chữa trị cho các thương binh.
Hội thảo khoa học được diễn ra dưới sự điều khiển của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn thay mặt chủ tọa đoàn.
Tại hội thảo khoa học chư tôn đức và các đại biểu đã trình bày các bài tham luận :
Xin giới thiệu chùm ảnh:
Chư tôn đức và đại biểu niệm Phật cầu gia hộ