Chi tiết tin tức

Quảng Ninh: Lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần

22:05:00 - 12/12/2020
(PGNĐ) -  Sáng ngày 12/12/2020 (nhằm ngày 28/10 năm Canh Tý) đã long trọng diễn ra lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm – Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần (phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Chứng minh buổi lễ có: HT. Thích Đức Nghiệp, HT. Thích Trí Tịnh – đồng Phó pháp chủ HĐCM GHPGVN; HT. Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; chư vị Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN – HT. Thích Gia Quang, HT. Thích Bảo Nghiêm, HT. Thích Quảng Tùng, TT. Thích Quảng Hà, TT. Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; TT. Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký HĐTS GHPGVN; HT. Thích Hải Ấn – Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Văn Hóa GHPGVN; TT. Thích Thanh Phong – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Kinh tế – Tài chánh TƯ GHPGVN; TT. Thích Thanh Tuấn – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Chánh văn 1 TƯ GHPGVN; HT. Yoshimizu Daichi – Nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Tịnh độ tông Nhật Bản; HT. Thích Đạo Quang – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, trụ trì chùa Quỳnh Lâm cùng chư Tôn đức Tăng Ni Thường trực BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Chư Tôn đức trụ trì các chùa tự viện trong và ngoài tỉnh và đông đảo Phật tử đồng tham dự.

 

Các đại biểu tham dự buổi lễ

 

Về phía chính quyền có ông Nguyễn Đức Long – Nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Văn Thành – Tỉnh ủy viên, Bí thư thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều; GS.TS Vũ Minh Giang – Phó chủ tịch hội đồng di sản quốc gia, chủ tịch HĐKH và Đào Tạo Đại Học Quốc Gia Hà Nội; ông Bùi Văn Nam – Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế; ông Nguyễn Văn Tuấn – Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch; ông Nguyễn Phúc Nguyên – Vụ Trưởng Vụ Phật Giáo Ban Tôn Giáo Chính Phủ; ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập Đoàn VinGroup, cùng các Vụ, Viện Trung ương, các nhà khoa học, đại diện cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương sở tại, các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân Phật tử đồng về tham dự.

Theo sử sách ghi lại: Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng từ thời đại nhà Lý, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) đời vua Lý Thánh Tông. Chùa tọa lạc trên sườn đồi núi Tiên Du thuộc xã Hà Lôi, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Dưới thời đại nhà Lý, tượng Phật Di Lặc bằng đồng chùa Quỳnh Lâm là tác phẩm điêu khắc nổi tiếng cao 6 trượng (20 m) được liệt vào An Nam Tứ Đại Khí (tức là 04 khí vật văn hóa tiêu biểu nhất của người Việt bao gồm: Phật Quỳnh Lâm, Chuông Phả Lại, Tháp Báo Thiên và Vạc Phổ Minh).

 

 

Đến thời Trần, do có vị trí cửa ngõ kết nối trung tâm Phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với kinh đô Thăng Long nên chùa được mở rộng và đầu tư xây dựng thành một trung tâm Phật giáo quan trọng bậc nhất đương thời. Các vị Tổ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu hành ở chùa. Trong đó, người có công lao lớn trong việc tu tạo, mở mang phát triển chùa Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn của cả nước chính là Thiền sư Pháp Loa – Tổ thứ 2 của Phật giáo Trúc Lâm. Với tài tổ chức và trình độ uyên bác về Phật học, Tôn giả Pháp Loa đã biến chùa Quỳnh Lâm thành một đại giảng đường – nơi đào tạo Tăng tài của Giáo hội Trúc Lâm, vì vậy Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của cả nước. Tháng 12 năm 1317, Tôn giả Pháp Loa đã tiến hành xây dựng và thành lập Viện Quỳnh Lâm với các công trình kiến trúc tôn giáo có quy mô rất lớn. Đến năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành “Đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam”. Đây là trung tâm truyền kinh giảng đạo và đào tạo hàng ngũ Tăng Ni cho Phật giáo. Tại Quỳnh Lâm, các thế hệ Tăng Ni được đào tạo đã lan tỏa khắp các vùng của quốc gia Đại Việt hoằng dương chính pháp, xây dựng hệ thống các tự viện của Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt phát triển hùng mạnh. Nhiều lễ hội Phật giáo lớn có tiếng trong sử sách được tổ chức tại đây, như Hội “Thiên Phật bảy ngày, bảy đêm”. Hội “Chích máu in Kinh”…. Ngoài ra, Quỳnh Lâm cũng là nơi Tôn giả Pháp Loa giảng kinh, truyền giới Bồ Tát cho các vua Trần, hoàng hậu, vương hầu, quý tộc nhà Trần.

Cũng tại nơi đây, Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (cháu nội của Trần Hưng Đạo) đã lập nên “Bích động thi xã” tại am Bích Động, cạnh chùa Quỳnh Lâm, nơi có các lăng mộ các vua Trần, điền trang, thái ấp tổ tiên của Trần Quang Triều; đây là một trong những hội thơ sớm nhất của nền thi ca phong kiến Việt Nam, có từ thế kỷ 14, trước cả Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập.

Đến thời đại Lê Trung Hưng, dưới sự trụ trì của Tổ sư Chân Nguyên, được sự giúp sức của triều đình nhà Lê và các chúa Trịnh, chùa Quỳnh Lâm lại một lần nữa được trùng hưng, phát triển cùng với sự phục hồi Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử lần thứ 2.

 

 

Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, đến đầu thế kỷ 20 với bao binh hỏa tang thương, các công trình kiến trúc nguy nga của Quỳnh Lâm cơ bản đã bị hủy hoại hoàn toàn. Song với các di vật cổ và dấu vết kiến trúc được phát lộ qua các cuộc khảo cổ học đã giúp mỗi người đều hình dung dáng vóc và quy mô nguy nga, tráng lệ, cổ kính của ngôi chùa qua các thời kỳ lịch sử. Ngày nay trong khuôn viên của chùa Quỳnh Lâm chỉ còn lại một số công trình cổ như: tháp mộ, bia đá, các thành bậc rồng bằng đá xanh, hàng trăm tảng đá kê chân cột, bệ đá chạm cánh sen, đầu rồng bằng đất nung, khánh đá, chuông đồng, đồ gốm, các họa tiết trang trí, đồ sành sứ các loại của các thời đại khác nhau… Tại khuôn viên của chùa, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu tích kiến trúc đồ sộ, lớn nhất là kiến trúc chùa ở thời Hậu Lê với quy mô tổng thể hơn 100 gian. Tất cả đều thể hiện sự khéo léo, tài hoa của cha ông ta và chứng minh sự tồn tại các công trình kiến trúc quy mô của chùa Quỳnh Lâm trong lịch sử.

Với những giá trị khoa học, lịch sử quan trọng, để khôi phục lại trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm xứng tầm với vị trí như đã tồn tại trong lịch sử, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND thị xã Đông Triều làm chủ đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm.

Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích chùa Quỳnh Lâm đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3671/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 dựa trên những văn bản thỏa thuận và thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Dự án được thực hiện với mục tiêu triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều; nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, khoa học của di tích; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương. Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đầu tư tu bổ, tôn tạo và bảo quản các hạng mục công trình trên nguyên tắc gìn giữ, bảo tồn các yếu tố cấu thành di tích, phù hợp với kiến trúc truyền thống và phát huy giá trị chân thực của Di tích theo các tài liệu khảo cổ và hồ sơ quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kinh phí dự án hơn 163,5 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn huy động xã hội hóa, bao gồm các hạng mục: Kiến trúc trung tâm bao gồm 03 tòa thượng điện: Tiền đường, Trung đường, Hậu đường và nhà hành lang giải vũ với tổng diện tích xây dựng 3.720 m2; Cổng Tam quan diện tích xây dựng 95 m2; Nhà bia diện tích 31 m2; Nhà trưng bày diện tích 120 m2; tất cả kiến trúc đều bằng gỗ, các công trình phụ trợ, hệ thống sân vườn và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

 

 

Kiến trúc trung tâm được đặt đúng vị trí các dấu vết kiến trúc thời Lê đã phát lộ. Các hố khảo cổ được bảo quản bằng phương pháp lấp cát, tại một số vị trí nền chùa mới, tổ chức các điểm trưng bày dấu vết khảo cổ. Chùa xây dựng mới theo dấu vết kiến trúc thời Lê, hình thức kiến trúc mang phong cách kiến trúc gỗ truyền thống, các thành phần và mô típ trang trí bằng đất nung theo các mẫu gốc thời Trần, Lê trên các bờ mái, lan can, thềm… Vật liệu chính sử dụng cho công trình là các vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, đá…

Ngày 9/6/2016, chùa Quỳnh lâm chính thức được động thổ, khởi công tu bổ tôn tạo, là việc làm mang ý nghĩa rất lớn và giá trị nhân văn sâu sắc hướng về cội nguồn dân tộc, góp phần khôi phục lại diện mạo chùa Quỳnh Lâm xưa, xứng đáng với vị thế của một Trung tâm Phật giáo Đại Việt, kết nối Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần. Chắc chắn, trong thời gian không xa, nhân dân và du khách thập phương đến thăm quan sẽ phần nào tìm lại bóng dáng một Trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm trong lịch sử.

Sau hơn 04 năm triển khai thi công đầu tư tu bổ, tôn tạo, đến nay các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 của dự án bao gồm: 3 tòa thượng điện, cổng Tam quan, sân gạch, vườn hoa, cây cảnh, bảo tháp và các hạng mục kết nối giao thông.

Trong đó có các hạng mục công trình: các tòa tiền điện, trung điện, thượng điện, sân vườn, vườn tháp.

Hệ thống nội thất: Tượng pháp, hoành phi, câu đối, cửa võng, ban thờ, đồ thờ…đặc biệt là pho tượng ngọc Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni có trọng lượng 3,8 tấn, cao 2,2m được tập đoàn Vingroup cung tiến; Khu vực bãi xe, sân hội, công trình phụ trợ, trồng cây xanh tạo cảnh quan…

Nhân dịp này, ông Lê Khắc Hiệp cũng thay mặt cho Tập Đoàn VinGroup phát biểu chúc mừng buổi lễ và gửi những lời chúc tốt đẹp đến với chư Tôn đức Tăng – Ni cùng toàn thể quý đại biểu, Phật tử sức khỏe và bình an.

Sau đó, Ban tổ chức đã hoan hỷ đón nhận những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng từ TƯ Giáo Hội, Ban tôn giáo Chính phủ và các cấp chính quyền. Đặc biệt, nhân sự kiện này, chư Tăng và Phật tử chùa Quỳnh Lâm đã hỗ trợ xây dựng ngôi nhà tình thương cho 1 gia đình nghèo trên địa bàn phường Tràng An với tinh thần từ bi của những người con Phật.

Tiếp đó, HT. Thích Đức Nghiệp đã ban đạo từ tới toàn thể đại chúng. Ngài mong rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ nhiệt tình giúp đỡ để Hòa thượng trụ trì, Tăng – Ni, Phật tử chùa Quỳnh Lâm cố gắng phát triển không những về mặt tôn giáo mà còn về mặt giáo dục cũng như là mặt từ thiện xã hội. Bởi lẽ phải đưa đạo Phật đi vào cuộc đời bằng những hoạt động giáo dục, từ thiện xã hội, có những chương trình “ích Đạo lợi Đời”, thể hiện tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.

 

 

Cuối buổi lễ, chư Tôn đức cùng các cấp chính quyền địa phương đã cắt băng khánh thành và niêm hương bạch Phật nguyện cầu dịch bệnh covid – 19 sớm được tiêu trừ để nhân dân sống trong bình an, hạnh phúc.

Được biết tối ngày 11.12.2020, chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN đã làm lễ hô thần nhập tượng theo nghi thức Phật giáo miền Bắc, đồng thời làm lễ niêm hương bạch phật sái tịnh tượng Phật ngọc, cùng tượng chư vị tổ sư trong niềm hoan hỷ của chư tôn đức và quý Phật tử.

 

Thực hiện: Thiên Thanh

Nguồn: PSOL

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin