Chi tiết tin tức

Trọng thể lễ tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân và chư Ni tiền bối

20:25:00 - 28/10/2019
(PGNĐ) -  Sáng nay, 27-10 (19-9-Kỷ Hợi), tại hội trường lớn Bảo tàng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn), lễ tưởng niệm chính thức Ni sư Diệu Nhân và chư vị Tổ sư Ni, các nữ Phật tử hữu công Phật giáo VN đã diễn ra trọng thể.

 

TN HN (3).jpg
Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội chứng minh

 

Tham dự chứng minh có sự hiện diện của Trưởng lão HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; chư vị Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Gia Quang, HT.Thích Khế Chơn, TT.Thích Thanh Quyết; TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS cùng chư giáo phẩm Ban Thường trực HĐTS, Trưởng BTS các tỉnh, thành phía Bắc. 

 

NT.Thích Tịnh Nguyện, UVTT HĐTS, Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư; NT.Thích Đàm Nghiêm, UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ; NT.Thích nữ Huệ Từ, Phó Trưởng ban Thường trực kiêm Chánh Thư ký Phân ban Ni giới T.Ư cùng chư giáo phẩm Ni Thường trực, Trưởng các Phân ban Ni giới các tỉnh, thành, chư Ni đến từ các Ban, Viện T.Ư, Học viện Phật giáo tham dự. 

 

TN HN (2).jpg
Các vị lãnh đạo tham dự

 

Tham dự còn có bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học VN; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ VN; ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ và lãnh đạo các cơ quan chức năng T.Ư. 

 

Tại buổi lễ, NT.Thích Đàm Nghiêm đã cung tuyên tiểu sử Ni sư Diệu Nhân. Theo đó, Ni sư Diệu Nhân thế danh Lý Ngọc Kiều, sinh năm 1042 tại Thăng Long, là trưởng nữ của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung (con trai vua Lý Thái Tông), được phong Thụy Thánh công chúa. Với thiên tư thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, được vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) nhận làm con nuôi, nuôi dạy trong cung từ nhỏ. 

 

TN HN (7).jpg
NT.Thích Đàm Nghiêm cung tuyên tiểu sử Ni sư Diệu Nhân

 

Đến tuổi trưởng thành, vua đem gả công chúa Thụy Thánh cho người họ Lê làm châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc Tam Nông, Phú Thọ), vùng phên giậu của đất nước thời bấy giờ. Chồng chết, bà không chịu tái giá, sau đó phát tâm xuất gia tu Phật, được Thiền sư Chân Không (1046 - 1100) ở hương Phù Đổng nhận làm đệ tử, đặt pháp danh là Diệu Nhân, truyền Bồ-tát giới, trở thành người nối pháp đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. 

 

Sau khi xuất gia Ni sư Diệu Nhân dốc hết tư trang, gia sản bố thí cho dân chúng, chuyên chú học hỏi những điều tâm yếu của Phật pháp. Được Thiền sư Chân Không đưa đến trụ trì Ni viện Hương Hải thuộc hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, trở thành bậc mẫu mực trong hàng Ni giới đương thời. 

 

TN HN (5).jpg
Chư Ni trưởng tham dự

 

Ngày 1-6-Quý Tỵ, niên hiệu Hội Tướng Đại Thánh thứ tư (tức ngày 15-7-1113), Ni sư thị tịch, thọ 72 tuổi, để lại một tâm kệ 7 câu 28 chữ có ý nghĩa nhân sinh và tư tưởng Phật học sâu sắc. 

 

Ni sư Diệu Nhân và Nguyên Phi Ỷ Lan là hai vị Ni - Nữ Phật tử nổi tiếng thời Lý, góp phần tích cực cho Phật giáo thời Lý phát triển rực rỡ và làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo VN. 

 

Ni trưởng Trưởng ban Tổ chức cũng đã dâng lời tưởng niệm chư vị Tổ sư Ni các thời đại, các thế hệ, nguyện noi theo hạnh nguyện của tiền nhân để cùng xây dựng ngôi nhà Phật giáo VN ngày càng xương minh. 

 

TN HN (8).jpg
NT.Thích nữ Nhật Khương dâng lời tưởng niệm

 

Cũng tại buổi lễ, NT.Thích nữ Nhật Khương, Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước dâng lời tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân và chư Ni các thời đại hữu công trong lịch sử Phật giáo VN. 

 

Thay mặt Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Bùi Thanh Hà đã có phát biểu trước toàn thể hội chúng. Theo đó, ông Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ nhắc lại những đóng góp của Phật giáo đối với dân tộc. 

 

TN HN (12).jpg
Ông Bùi Thanh Hà phát biểu

 

“Với truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo VN đã tiếp biến và hòa quyện với đời sống nhân dân, trở thành một thiết chế tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người dân nước Việt. Những triết lý, giáo lý và giá trị đạo đức tốt đẹp của Phật giáo đã ăn sâu vào hệ tư tưởng và biểu hiện thành những nếp sống, thói quen sinh hoạt xã hội; Những quan điểm từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, v.v…, của Phật giáo đã gặp gỡ tính trọng nghĩa, bao dung của người Việt. Đó là những điều kiện tốt nhất để GHPGVN đóng góp vào việc gìn giữ phong tục, tập quán dân gian trong đời sống văn hóa của xã hội VN ngày một bền vững và tốt đẹp”, ông Bùi Thanh Hà nhấn mạnh. 

 

Ông đánh giá cao việc tổ chức Đại lễ này, đặc biệt là hội thảo về Ni sư Diệu Nhân, nữ Phật tử đối với Phật giáo VN, phản ánh tinh thần tri ân, báo ân trong truyền thống tốt đẹp của người Việt. 

 

71.jpg
HT.Thích Thiện Nhơn đạo từ tại buổi lễ

 

Đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN nhắc lại công hạnh của Ni sư Diệu, bậc Ni thời Lý cách đây gần 1.000 vẫn còn rạng ngời trong lịch sử Phật giáo VN và Phật giáo VN thời hiện đại. 

 

Hòa thượng tán thán Phân ban Ni giới T.Ư đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm, trong đó có hội thảo chủ đề “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam”. Đây “là việc làm thiết thực và tôn trọng quá khứ và kính trọng các bậc tiền nhân”. Hòa thượng nhắc lại hiện tượng đặc biệt - Ni sư Diệu Nhân, gương mặt Ni duy nhất được Thiền uyển tập anh ghi nhận. 

 

Hòa thượng Chủ tịch HĐTS nêu ra 5 bài học, trong đó nhấn mạnh về tính bình đẳng trên lộ trình tu tập tâm linh, giải thoát và giác ngộ trong đạo Phật, không phân biệt giới tính, cụ thể qua gương chứng ngộ của các bậc Ni giới thời Đức Phật tại thế điển hình là Tổ sư Ni Đại Ái Đạo, ở VN là Ni sư Diệu Nhân. Qua đó, Hòa thượng khuyến tấn Ni giới Phật giáo VN noi gương để nỗ lực tiến tu, phát huy đạo nghiệp của Ni sư cũng như chư Tổ sư Ni tiền bối. 

 

TN HN (13).jpg
Trao 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ Khuyến học VN

 

Chư tôn đức giáo phẩm, chư Tăng Ni, đại biểu đã cùng thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân và chư Tổ sư Ni tiền bối hữu công của Phật giáo VN. 

 

Dịp này, Ban Tổ chức đã trao tặng 100 triệu đồng đến Quỹ Khuyến học VN. Trong khuôn khổ Đại lễ, tối qua, 26-7, đã diễn ra lễ thắp nến tri ân tại quảng trường Viên Quang trong khuôn viên Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội. 

 

Được biết, sự kiện này do Phân ban Ni giới T.Ư tổ chức, với sự phối hợp cùng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội và Phân viện Nghiên cứu Phật học VN. 

 

TN HN (1).jpg
Cung nghinh chư vị giáo phẩm lãnh đạo từ Tòa Viên Quang

 

TN HN (4).jpg
Buổi lễ diễn ra tại hội trường lớn Bảo tàng của Học viện Phật giáo - Hà Nội

 

74-1.jpg
Chư vị tôn đức và quan khách 

 

TN HN (6).jpg
Đại lễ có chuỗi sự kiện hội thảo, thắp nến tri ân, lễ tưởng niệm chính thức...

 

72.jpg
Dâng hương tưởng niệm

 

75.jpg
Chư Ni trưởng tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân và chư Ni tiền bối hữu công

 

TN HN (9).jpg
Sự kiện có sự tham dự của chư Ni 63 tỉnh thành

 

TN HN (11).jpg
Nhiều Phật tử tham dự và theo dõi bên ngoài hội trường chính

 

Tin: Diệu Nghiêm
Ảnh: Hoàng Tuấn - Bảo Trinh - Cẩm Vân - Thành Trung

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin