Chi tiết tin tức Vesak 2014 – giới thiệu đất nước, con người Việt Nam 07:05:00 - 05/05/2014
(PGNĐ) - Đại lễ, Hòa thượng Thích Gia Quang, khẳng định,Vesak lần hai là cơ hội để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam
Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2014 sẽ diễn ra Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình từ ngày 7-11/5/2014 với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”.
Đến thời điểm này, đã có gần 1.200 khách quốc tế khẳng định sẽ đến Việt Nam tham gia Vesak năm 2014. Hàng vạn phật tử trong nước cũng đang mong đợi sự kiện này.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV trước thềm Đại lễ, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, việc đăng cai Vesak lần thứ hai là cơ hội để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, đồng thời cũng chứng tỏ sự phát triển của Phật giáo Việt Nam và chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
PV: Đại lễ Phật đản LHQ bắt đầu được tổ chức từ năm 2000 nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật đản, Thành đạo và nhập niết bàn. Trong khoảng 14 năm đó, vì sao Việt Nam 2 lần được đăng cai Vesak, thưa Hòa thượng?
Hòa thượng Thích Gia Quang: LHQ ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại lễ Phật đản LHQ lần thứ 2 bởi lẽ, số lượng phật tử ở Việt Nam chiếm khá đông trong khu vực.
Phật giáo Việt Nam năm 2008 đã tổ chức rất thành công Đại lễ Phật đản LHQ lần đầu tiên, để lại những dư âm tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Lần này, Việt Nam tiếp tục đăng cai Vesak 2014 cũng nhằm thể hiện vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với cộng đồng phật tử ở Việt Nam và trên thế giới, đồng thời cũng thể hiện sự hiếu khách của nước chủ nhà Việt Nam, chứng tỏ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.
PV: Hòa thượng vừa nhắc tới những dư âm tốt đẹp sau Đại lễ Phật đản năm 2008 tổ chức tại Việt Nam. Hòa thượng có thể nói rõ hơn về những dư âm đó?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Dù lần đầu tiên tổ chức nhưng chúng ta đã mời được trên 70 đoàn Phật giáo quốc tế. Khâu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đạt được hầu hết mục tiêu và mong muốn đã đề ra. Thông qua Đại lễ Vesak, bạn bè quốc tế đến Việt Nam cũng thấy được hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam cho nên, họ rất thích quay trở lại Việt Nam. Đồng thời, bạn bè quốc tế cũng thấy được vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với xã hội Việt Nam cũng như cộng đồng phật giáo quốc tế.
PV: Thưa Hòa thượng, so với Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 tổ chức tại Việt Nam, Đại lễ năm nay có gì khác không?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Đại lễ năm 2008 do Chính phủ đăng cai tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Còn lần này, Chính phủ chấp thuận để Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai. Đại lễ năm nay, chúng tôi sẽ mở rộng thành phần khách quốc tế.
Chủ đề của Đại lễ nhằm góp phần thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ. Đây là chủ đề rất có ý nghĩa trong bối cảnh nhân loại đang cần phát triển không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần và văn hóa. Lần này, chúng ta tổ chức ở trung tâm Bái Đính- Ninh Bình, địa bàn rất thoáng và rộng. Dù xa trung tâm thủ đô nhưng giao thông rất thuận lợi, đáp ứng được việc tổ chức một sự kiện lớn. Mảnh đất này cũng là cố đô của Việt Nam, giàu truyền thống văn hóa.
PV: Dù diễn ra ở Hà Nội hay Ninh Bình thì Giáo hội đã nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ như thế nào?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Dù diễn ra ở địa điểm nào chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước. Nhất là khâu an ninh trật tự, việc đón các đoàn khách quốc tế thông qua Bộ Ngoại giao, sự hỗ trợ về giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm… Tất cả những khâu đó, Giáo hội không thể làm được.
Chính phủ cũng giao cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo, giao cho các Bộ ngành liên quan cũng như UBND tỉnh Ninh Bình và một số tỉnh liên quan giúp cho Giáo hội tổ chức tốt Đại lễ.
PV: Thưa Hòa thượng, ở Đại lễ Phật đản 2008, Giáo hội đã mời nhiều đại biểu là phật tử và chức sắc Phật giáo Việt Nam đang ở nước ngoài. Như vậy,Vesak cũng là cơ hội để gắn kết phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Đấy cũng là mục tiêu mà Ban tổ chức đặt ra, nghĩa là Vesak phải là nơi gặp gỡ của cộng đồng phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước. Dự kiến lần này cũng sẽ có các Phật tử ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Úc…về nước. Thông qua đó, bà con Kiều bào cũng thấy được rõ hơn hình ảnh của người Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam, sự phát triển của đạo Phật cũng như chính sách của Nhà nước đối với tôn giáo, đó là tôn trọng tự do, tín ngưỡng của Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung.
PV: Việc tổ chức Vesak không phải chỉ là nơi tụ họp của các chức sắc Phật giáo mà quan trọng là không khí Vesak phải lan tỏa trong cộng đồng theo đạo Phật ở Việt Nam và quốc tế. Đại lễ năm nay có hướng tới mục tiêu này không, thưa Hòa thượng?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Vâng, chắc chắn là chúng tôi hướng đến mục tiêu này. Mỗi lần tổ chức Vesak, chúng tôi đều mong muốn, thông điệp hòa bình, trí tuệ, tình thương giữa con người với con người phải được lan tỏa để cho mọi người biết đến tư tưởng của Phật giáo. Qua đó, mỗi người phải liên tưởng để sống tốt hơn, làm cho xã hội an lạc, hòa bình hơn. Muốn vậy, mọi người phải chung tay, góp sức giữ cho thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn.
PV: Thưa Hòa thượng, Đại lễ Vesak lần này dự trù kinh phí thế nào và nguồn kinh phí đó lấy từ đâu?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Riêng về kinh phí, chủ yếu Giáo hội lấy từ nguồn xã hội hóa, dự kiến khoảng 45 đến 50 tỷ đồng. Chính phủ đã giúp chúng tôi rất nhiều trong khâu tổ chức và không hỗ trợ về kinh phí.
PV: Xin cảm ơn Hòa thượng.
Tác giả: Hương Giang/VOV - Trung tâm Tin
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |