Chi tiết tin tức

Nước mắt miền Trung

21:39:00 - 13/11/2020
(PGNĐ) -  Sau nhiều ngày bị nhấn chìm trong lũ dữ, khốn khó chưa kịp qua đi, miền Trung lại thêm lần nữa bàng hoàng trước những cơn thịnh nộ của núi…

Sau mưa lũ, cuộc sống hàng loạt các địa phương ở miền Trung trở nên đảo lộn, cấp bách; hàng ngàn ngôi nhà đổ sập, hư hỏng nặng nề, nhiều người dân chỉ trong thời gian ngắn bỗng lâm vào cảnh trắng tay, đó là chưa kể những tổn thất về nhân mạng không gì có thể bù đắp được. 

 

Ưu tiên lớn nhất khi nước vừa rút là tập trung hỗ trợ xây dựng lại đời sống cho hàng trăm ngàn hộ dân gặp khó khăn, khi mà liên tục chỉ trong vòng một tháng, bão lũ triền miên đã khiến nhiều làng mạc trở nên tiêu điều, hoa màu, cơ nghiệp của những người nông dân bị mất trắng.

 

hinh xh 1075.jpg
Cứu người bị vùi lấp ở Trà Leng

 

Những ngày trong và sau lũ, tình nghĩa đồng bào được thể hiện một cách rõ ràng hơn bao giờ hết. Những đợt hàng cứu trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hay đoàn thể liên tục di chuyển về miền Trung. 

 

Bên cạnh các món hàng “cấp cứu” như mì tôm, thực phẩm, gạo…, nhiều đoàn cứu trợ còn mang theo những vật dụng cần thiết như áo phao, đèn pin, thuốc men, quần áo, nước sạch, hóa chất lọc nước, vật liệu xây dựng,… để bà con vùng lũ có thể đảm bảo một số nhu cầu thiết yếu nhất cho cuộc sống hàng ngày của mình cũng như bước đầu tạo dựng lại nơi ăn chốn ở.

 

Tại Hà Tĩnh, việc vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, trường học… được các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai. Hay ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, nhiều tuyến đường bị sạt lở cũng đang được gấp rút sửa chữa, nối lại để đảm bảo lưu thông, góp phần giúp cho những đợt cứu trợ nhanh chóng đến được những khu vực bị chia cắt.

 

Bên cạnh đó, bài toán sinh kế đang đặt ra đối với người dân miền Trung là nỗi lo tái nghèo, mất đi nguồn thu nhập ổn định. Ngoài việc chống đói trước mắt, thứ họ cần hơn nữa là vốn, cây, con giống và máy móc cải tạo đất để tái sản xuất sau khi cuộc sống ổn định trở lại.

 

Cơn thịnh nộ của núi

 

Trong mùa lũ năm nay, những trận sạt lở đất liên tiếp xảy ra đã gây nên những tấn thảm kịch vô cùng thảm khốc và thương tâm. Trong khi cuộc tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) phải tạm dừng một vài ngày, thì tình trạng mưa bão tái diễn đã tiếp tục gây ra những vụ sạt lở đất đá kinh hoàng ở vùng miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam. 

 

Tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, trận lở núi trong đêm đã vùi lấp hoàn toàn 11 căn nhà với tổng số ban đầu là 45 người mất tích. Liền sau đó, một vụ lở núi khác xảy ra đã vùi lấp 11 người tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam.

 

Đã nhiều ngày trôi qua, nỗi đau, sự mất mát vẫn bao trùm lên cả làng miền núi thuộc thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Thôn 1 giờ đây chỉ còn là đống đất đá khổng lồ, sự hoang tàn, tang thương và nước mắt. Dân Trà Leng có người đã sống ở đây bạc cả mái đầu nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh sạt lở kinh hoàng đến vậy.

 

Ông Nguyễn Thành Sơn, một nạn nhân may mắn thoát chết thẫn thờ kể lại: “Vụ sạt lở đất diễn ra quá nhanh, làm mọi người trong nóc (bản làng) không kịp trở tay. Khi sự việc xảy ra, tôi bị vùi lấp dưới đống đất đá, rất may được bà con dân làng đào bới kịp thời nên thoát chết. Thật kinh hoàng, tôi không nghĩ mình có thể còn sống sót để nói về tâm trạng lúc này”. 

 

Còn Anh Đinh Văn Thượng, một công nhân làm việc tại Trà Leng vẫn chưa hết bàng hoàng khi thuật lại trận sạt lở kéo dài nửa tiếng. Khi vụ sạt lở xảy đến, anh may mắn thoát chết. Sau khi gượng dậy được, anh Thượng cùng những người còn sống, mạnh khỏe giúp đỡ những người bị thương nặng. Lúc này, khu vực xung quanh đã bị bủa vây bởi bùn đất đá nên anh kéo mọi người lên chỗ đất trống và cứng để chờ ứng cứu. 

 

Phép màu trong đất đá

 

Thời tiết ở Trà Leng những ngày sau vụ lở núi rất nguy hiểm. Bằng nhiều nỗ lực, lực lượng cứu hộ đã vào hiện trường để đánh dấu các vị trí nghi có nạn nhân bị vùi lấp. Và rồi, sau những giờ phút căng thẳng, một vài tin vui đã lóe lên. 14 giờ 50 chiều ngày 29-10, lực lượng chức năng đã tìm được 33 người còn sống (trong đó có 16 người bị thương) trong đống sạt lở. Có lẽ, đó là một phép màu, một kỳ tích giữa cơn giận dữ của thiên nhiên. 

 

Chị Hồ Thị Hòa, một trong số các nạn nhân kể lại khoảnh khắc sinh tử, khi chị bị đất đá lở vùi nhưng vẫn cố gắng ngoi lên được. 

 

Thời điểm đó, trước mắt chị là cảnh tượng vô cùng kinh hoàng. Chị kêu gào để tìm người thân trong gia đình rồi bỗng thấy hai cô con gái bị đất vùi nhưng vẫn lộ ra một số bộ phận trên cơ thể. Không nghĩ ngợi, chị đã dùng hết sức lực còn lại, với đôi tay trần moi cào đống đất đá đó để cứu con.

Hai đứa con của chị, một cháu chỉ bị xây xát nhẹ, một cháu bé bị gãy chân. 

 

Nhưng điều thần kỳ ấy đã không xảy ra với tất cả, mất mát vẫn xảy đến với những gia đình ở Trà Leng, nỗi buồn và khó nhọc vẫn còn đó với hàng trăm, hàng ngàn gia đình phải gánh chịu hậu quả khắc nghiệt do thiên tai đổ xuống…

 

Bão chồng bão, lũ chồng lũ, nước mắt người miền Trung đã rơi, nhưng không phải vì thế mà họ đánh mất niềm tin ở tương lai. Bằng sự đùm bọc, sẻ chia của đồng bào cả nước, người dân vùng lũ đã và đang cố gắng gượng dậy giữa đống hoang tàn, xây dựng lại cuộc sống của mình. 

 

Minh Ngọc

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin