Chi tiết tin tức

"Mùa Phật đản đặc biệt": Không xa cách Phật

21:47:00 - 21/05/2020
(PGNĐ) -  Mùa Phật đản năm nay diễn ra giữa thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp trên khắp thế giới, với số ca nhiễm lên đến hàng triệu người, gây ra cái chết cho hàng trăm ngàn người.

Trong tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dù Việt Nam nằm trong số quốc gia có số ca nhiễm thấp, nhưng chủ trương giãn cách của Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế vẫn hiệu lực trước và trong ngày kỷ niệm Phật đản sinh. Mọi hoạt động, nghi lễ phải tuân thủ yêu cầu chống dịch - không quá 20 người, đeo khẩu trang, rửa tay kháng khuẩn - nhưng không vì thế mà người con Phật cảm thấy xa cách Phật. Ngược lại, những hoạt động kính mừng Phật đản diễn ra hài hòa, phù hợp qua các ứng dụng công nghệ; các chương trình từ thiện cũng mang tính thời sự với các chương trình hỗ trợ chống dịch hoặc góp sức cho miền Tây hạn mặn…

 


ĐĐ.Thích Nhuận Độ đem Phật vào buôn làng trong dịp Khánh đản năm nay, Phật lịch 2564 - Ảnh: Quảng Trạch

 

Nghĩ về hoằng pháp bằng công nghệ

 

Trực tuyến lễ Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự - trụ sở GHPGVN TP.HCM là hoạt động lần đầu tiên được Ban Thông tin-Truyền thông Phật giáo TP.HCM phối hợp cùng Báo Giác Ngộ thực hiện. Theo đó, chương trình đồng loạt phát sóng trên các kênh liên quan và nhận được sự hưởng ứng, phản hồi tích cực từ Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc của báo. Tính cho đến thời điểm thực hiện bài báo này, buổi lễ đã có gần 56.000 lượt xem trên Fanpage chính thức của báo, trên 20.000 lượt xem từ kênh Giác Ngộ TV; gần 800 bình luận bày tỏ hoan hỷ, cùng cầu nguyện an lành hoặc chia sẻ niềm vui về việc kết nối Đại lễ trực tiếp qua mạng…

 

Ngoài ra, chương trình thuyết giảng online trong Tuần lễ Phật đản, phát trên các website của Báo Giác Ngộ cũng được đông đảo khán thính giả đón xem, theo dõi. 

 

“Chúng tôi rất vui mừng vì mùa lễ Phật đản diễn ra trong giãn cách, chống dịch Covid-19 lại được có những chương trình bổ ích như thế này. Giáo hội và các ban ngành, cùng với báo chí Phật giáo nên phát huy việc hoằng pháp online trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay. Người Phật tử cần được tiếp cận những nội dung đã được thẩm định về nội dung qua các ban ngành chính thức, phát trên các kênh chính thống, đáng tin cậy”, bạn đọc Trí Minh (Đồng Nai) chia sẻ. 

 

Theo bạn đọc này, lâu nay, Phật tử nghe pháp đa số theo kiểu thích vị nào nghe vị ấy, có nhiều quan điểm trái nghịch, chưa được thẩm định qua một ban ngành, hội đồng chức năng nhưng vẫn phát trên mạng khiến họ bị lo lắng, hoài nghi. Đây có thể là bước ngoặt để Giáo hội hình thành thêm một bộ phận chuyên môn trong việc thẩm định, đăng phát các bài giảng của chư tôn đức.

 

Đồng quan điểm này, bạn đọc Huong Tu Bi nêu ý kiến: “Thay vì lên mạng để xem những điều vô bổ, thậm chí là điều ảnh hưởng không tốt đến tinh thần, đời sống tu học, việc định hình những khung giờ thuyết pháp online để nhiều người được vun bồi giá trị thiện lành, tích cực trên báo Giác Ngộ hoặc kênh truyền thông chính thức là việc nên suy nghĩ sau Đại lễ này”.

 

Để Phật giáo thành lẽ sống

 

Đại dịch Covid-19 là một trong những cộng nghiệp của toàn cầu. Đã có nhiều bài báo nói về những thay đổi của con người trong cách ứng xử với mọi thứ, những phân tích về việc đại dịch cũng có… mặt tích cực của nó, giúp con người phản tỉnh trong cuộc sống của mình.  

 

Trong khổ đau, Phật, Bồ-tát sẽ thị hiện, giúp chúng sinh có con đường sáng để thoát ra. Tất nhiên, con đường đó phải bằng nỗ lực đi tới của mỗi người chứ không phải là sự cứu rỗi. Và người con Phật, đã thấm nhuần giáo lý giải thoát của Đức Phật trong bối cảnh khó khăn sẽ tự thuyết bài pháp vững chãi cho mình, vượt qua nó nhẹ nhàng. Không chỉ vậy, tùy trong khả năng còn có thể sáng kiến để giúp người khác cùng có niềm an vui như mình đã thực chứng.

 

Đó chính là cách biến Phật giáo thành lẽ sống, để mạch nguồn bình an lan tỏa từ bản thân ra cộng đồng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt càng khó khăn, càng tỏa sáng, càng đượm hương. Có thể thấy được điều đó qua cách người con Phật đón mùa Phật đản năm nay. Nếu không đến chùa được thì những vườn Lâm Tỳ Ni tại gia đã được nhân rộng hơn mọi năm. Nếu Phật tử vì điều kiện nào đó không thể trang trí kính mừng Đản sinh thì nhà chùa phát tâm yểm trợ. Hình ảnh thầy Nhuận Độ ở chùa Quảng Trạch (huyện Lắk, Đắk Lắk) đến từng nhà của Phật tử đồng bào dân tộc để trang trí cho họ có niềm vui Phật đản đã trở thành hình ảnh đẹp, xúc động; hay thầy Quảng Mẫn ở Đắk Nông đã nghĩ cách để nhà nhà đón Như Lai qua hình thức kết nối tặng vườn Lâm Tỳ Ni cho người thân, bạn bè của Phật tử… 

 

Hơn hết, để Phật giáo không xa lạ với số đông, Tăng Ni, Phật tử không chỉ tổ chức các hoạt động mang tính nghi lễ truyền thống, đặc thù mà còn đi vào đời bằng những việc làm tích cực. Khi đất nước bị dịch bệnh thì phát động mua các thiết bị y tế, hỗ trợ chống Covid-19; khi người yếu thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, người bán vé số bị “thất nghiệp” vì chủ trương giãn cách thì nhanh chóng góp sức để họ vượt qua đoạn đường khó khăn; khi miền Tây bị hạn mặn nghiêm trọng thì cấp cứu nước ngọt, bồn chứa… 

 

Những chương trình kịp thời, nhạy bén và gần gũi đó giúp người dân cảm nhận Phật không chỉ ở trong chánh điện, Bồ-tát không phải chỉ ở sân chùa trong khuôn diện biểu tượng quen thuộc, mà hóa hiện vào đời bằng những bàn tay đầy từ bi. 

 

Nhờ vậy mà dù trong giãn cách xã hội, đại dịch buộc mọi người ngăn cách nhau ít nhiều nhưng tình người trở nên gần nhau hơn. Tinh thần học và thực hành lời Phật dạy sống động hơn, Phật giáo cũng trở nên gần với đời sống nhân sinh hơn.

 

Lưu Đình Long

 

Xây dựng lễ đài vững chắc trong tâm

 

* Mùa Phật đản năm nay rất đặc biệt với bản thân tôi cũng như chùa Quan Âm (Bình Phước) - nơi tôi đang tu học. Theo chỉ thị của Chính phủ, hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, chùa thông báo cho Phật tử nghỉ, “tạm thời chúng ta tự tu học ở nhà, không đến chùa cho đến khi có quyết định mới của Trung ương Giáo hội”. 

 

Lúc ấy Phật tử tỏ ra khá buồn vì không được đến chùa, chư Tăng cũng thấy ngôi chùa thiếu vắng điều gì đó, nhất là vào những ngày mới cách ly xã hội. 

 

Ngay sau đó, sư phụ (trụ trì) quyết định, những ngày cách ly xã hội phải thêm nhiều thời khóa tụng kinh, niệm Phật để nguyện cầu thế giới hòa bình, nạn dịch sớm tiêu trừ, quốc thái dân an, binh đao vô dụng. 

 

Sau một tuần cách ly xã hội, dừng lại việc học cùng những công việc bên ngoài, mọi người dần dần quen với việc cấm túc, tập trung thời khóa - đi vào bên trong... Mọi người bắt đầu cảm nhận được nguồn năng lượng bình an lớn hơn khi mới bắt đầu. 

 

Sư phụ tôi chính thức thông báo: “Năm nay sẽ không tổ chức Phật đản như mọi năm, nhưng nếu quán chiếu, chúng ta đã làm được điều lợi ích không thua. Thay vì mọi năm từ giữa tháng 3 chúng ta phải lo chạy chương trình văn nghệ, suy nghĩ trang trí khán đài như thế nào... thì năm nay thầy trò chúng ta lấy sự tu tập hành trì để ca dương Đức Thế Tôn”. Theo sư phụ, đó chính là trở lại xây dựng một lễ đài vững chắc ngay trong tâm thức chúng ta... 

 

“Phật đản năm nay không rộn ràng nhưng bình an, không tưng bừng nhưng sâu sắc... như chính bản chất của đạo Phật”, sư phụ nói. 

 

Thích Đức Tuệ 

(Tăng chúng chùa Quan Âm, Bình Phước)

 

* Hình ảnh chư Tăng Ni, Phật tử cử hành Đại lễ Phật đản đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn, không tập trung đông người, rút ngắn chương trình, chú trọng thông tin truyền thông Đại lễ trực tuyến đã nói lên việc BTS tỉnh thành, tự viện thực hiện nghiêm túc chỉ thị phòng chống dịch của Chính phủ và hướng dẫn của Trung ương Giáo hội. 

 

Đối với người con Phật, mùa Phật đản là mùa hân hoan mong chờ nhất trong năm và ngày Phật đản là ngày hỷ lạc nhất. Vì thế, lòng sống đạo của người con Phật không bị không gian chi phối, luôn mang niềm tin, nguyện cầu sự tốt đẹp ở ngày mai bằng việc ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống và làm tăng trưởng các phẩm chất tốt đẹp ở con người.

 

Thích nữ Huệ Liên 

(Ban TT-TT Phật giáo tỉnh Tiền Giang)

 

* Ngay từ đầu tháng 3, khi lên Facebook, tôi đã nhìn thấy mọi người đổi ảnh đại diện của mình mừng ngày Đức Thế Tôn đản sanh hay có chùa phát động Phật tử chép kinh, thiết trí vườn Lâm Tỳ Ni tại tư gia và thực hiện nghi thức Tắm Phật truyền thống. Đặc biệt hơn là việc theo dõi những khóa lễ trực tuyến thông qua các phương tiện truyền thông, qua đó, những người con Phật vẫn có thể hướng tâm lành về Người mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Các buổi lễ tôi theo dõi đều diễn ra rất trang nghiêm, thanh tịnh, tạo cảm giác sâu lắng, yên bình. 

 

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất về mọi mặt đời sống xã hội và làm cho mùa Phật đản năm nay rất khác, nhiều hoạt động thiết thực từ các chùa, các Phật tử chung tay cùng xã hội đẩy lùi dịch bệnh, góp phần xây dựng một đạo Phật nghĩa tình trong trái tim của người Việt. Tôi luôn tin rằng Phật luôn ở bên cạnh mình dù hoàn cảnh có thay đổi. Trong khói trầm lan tỏa, hình ảnh một bậc vĩ nhân xuất thế cách đây hơn 25 thế kỷ vẫn hiện hữu là minh chứng cho một giáo lý nhiệm mầu, tỉnh thức để những ai thực hành theo con đường ấy sẽ được an lạc. 

 

Nguyễn Trường An 
(Phật tử, SV Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin