Chi tiết tin tức

Cầu an và kiến tạo sự an lành

22:02:00 - 05/02/2020
(PGNĐ) -  Cầu nguyện là một nhu cầu chính đáng của con người. Đó cũng là lý do để tôn giáo ra đời và hiện hữu cho đến hôm nay, dẫu xã hội đã có nhiều tiến bộ, ngay cả khi con người tận mắt nhìn thấy mọi thứ ở ngoài Trái đất.

 

nh: Phùng Ạnh Quốc

 

Tôi nhớ câu chuyện của một phi hành gia, rằng với một nhà khoa học, không gian vũ trụ không còn bí ẩn nữa, nó không phải được tạo tác bởi một đấng toàn năng nào đó; tuy nhiên, với thế giới nội tâm của mình, nhà khoa học vẫn không thể hiểu hết, do đó vẫn duy trì sự cầu nguyện.

 

Cầu nguyện có nhiều ý nghĩa, là sự gửi gắm ước mơ và khao khát lên các lực lượng siêu nhiên, để qua đó vượt thoát sự hữu hạn của con người và hoàn cảnh. Việc làm đó mang tính an ủi, vỗ về và theo đó, phần nào tháo gỡ những bế tắc trong nỗi khổ niềm đau mà hễ là con người thì ai cũng có lúc gặp phải.

 

Với dân tộc Việt Nam, hai ngàn năm trước, Phật giáo từ Ấn Độ đã du nhập và sở dĩ nhanh chóng được chấp nhận và hòa quyện, trở thành một với văn hóa dân tộc chính là nhờ sự khiêm tốn khép mình, không phủ nhận hay chỉ trích, loại trừ các yếu tố văn hóa bản địa.

 

Dấu ấn đầu tiên của mối nhân duyên đó chính là hệ thống tín ngưỡng Tứ pháp, Phật hóa tín ngưỡng của dân gian, vẫn tồn tại cho đến ngày nay, là yếu tố trong cấu trúc tín ngưỡng, văn hóa của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.

 

Đó là chưa kể tới triết lý, tư tưởng đạo Phật đã hóa thân vào lời ăn tiếng nói của người dân, trở thành những bài học đạo đức rường cột, làm chuẩn mực cho các ứng xử, có sức mạnh vượt lên sự răn đe và các biện pháp chế tài khác.

 

Chính vì thế, có ý kiến cho rằng đạo Phật là tôn giáo của số đông tại Việt Nam. Và cũng do đó mà dẫn đến hiện tượng đa dạng trong tín ngưỡng ở chùa chiền. Nhưng dẫu cho có sự chuyển đổi về triều đại, ý thức hệ chính trị, ngôi chùa vẫn tồn tại trong tâm thức của người dân qua cấu trúc văn hóa “đất vua - chùa làng - phong cảnh Bụt”.

 

Trong cái nhìn lịch sử, chúng ta không lấy làm lạ về các hoạt động tín ngưỡng tiếp biến từ dân gian, hoặc từ các tư tưởng khác trong bối cảnh đồng nguyên thấp thoáng trong chùa chiền ở nước ta. Theo đó, triết lý Phật giáo đã được tổ tiên chúng ta đưa vào tín ngưỡng một cách tự nhiên, trở thành những bài học đạo đức sâu sắc.

 

Chúng ta không nên vội vàng xóa bỏ mọi thứ do ai đó cho là mê tín dị đoan, mà cần có sự chuyển hóa nội dung trong các hoạt động tín ngưỡng nhằm phù hợp với hoàn cảnh thời đại. Song song đó, cần giới thiệu các phương thức thực hành thiết thực, để con người không chỉ phó thác sự thưởng phạt cho thần linh, mà chủ động kiến tạo hạnh phúc và sự an vui tự thân. Đó là sự điều chỉnh suy nghĩ, lời nói và hành động trong xu hướng giảm thiểu tham sân si, nỗ lực tăng trưởng việc làm nhằm đem lại những điều tốt đẹp cho bản thân, sự an lạc cho người và môi trường sống.

 

Ở phương diện đó, sự cầu nguyện luôn có ý nghĩa, là sự cam kết sống thiện lành. Nói như tinh thần Đức Phật dạy, nếu sáng nghĩ việc lành, trưa nói lời tốt, chiều làm việc thiện…, chắc chắn buổi tối sẽ có một giấc ngủ an lành, một ngày tốt đẹp.

Thích Pháp Hỷ

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin