Chi tiết tin tức Giữ lửa cho mai sau 21:08:00 - 05/04/2017
(PGNĐ) - Từ ngày 17 đến 22-3 (20 đến 25-2 ÂL) vừa qua, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Đại giới đàn được cho là lớn nhất từ trước đến nay với số lượng 275 giới tử cầu thọ giới pháp. Đại giới đàn đã được sự chứng minh của Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN đương vi Đường đầu Hòa thượng, và ngài đã thân lâm có lời giáo giới cho toàn thể giới sư, nghiệp sư và giới tử.
“Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” luôn là mục tiêu đào tạo Tăng-già kế thừa. Đại giới đàn truyền thụ giới pháp cho lớp kế thừa là một “Phật sự” quan trọng bậc nhất, bởi đó là cách để xác định sự tồn tại của Tăng bảo nơi thế gian một cách liên tục - tất nhiên sự truyền thụ giới pháp ấy phải đúng pháp, đúng luật. Có như thế thì sự xác tín của Tăng-già mới được đúng theo sự quy định của giới luật mà Phật đã thiết chế. Ấn tượng của người viết là khi chứng kiến ngày đầu tiên của “buổi nhập” Tuyển Phật trường Đại giới đàn TP.Hà nội. Ngày đầu tiên tái hiện trước mắt chúng tôi như một buổi thi Hương ở nơi cửa Phật này. Giới tử đến Linh Tiên tự (chùa Bằng) để xin thụ giới tuyền một màu áo nâu sồng, không có sự phân biệt giữa các giới tử về giới pháp xin cầu thụ, cũng như phân biệt nhị bộ Tăng Ni - đó là một đặc trưng của Phật giáo miền Bắc. “Tay xách nách mang” - là hình ảnh thú vị đập vào mắt chúng tôi. Mỗi vị giới tử đều “quảy” theo một cái chăn mền ngoài vật dụng cá nhân tối thiểu của người xuất gia. Có lẽ, Hà Nội đang là “tiết nồm” nên các giới tử phải chuẩn bị thêm sự giữ ấm cho mình, ngoài sự chuẩn bị có sẵn của Ban Tổ chức. Một nguyên tắc tại các Đại giới đàn cầu thụ giới pháp tại Hà Nội nói riêng, cũng như cả miền Bắc nói chung; đó là khi gửi các đệ tử của mình đến thụ giới pháp dù là Sa-di hay Tỷ-khiêu (Tỳ-kheo) thì các thầy nghiệp sư (thầy bổn sư) phải đến cùng giới tử. Sự có mặt này ít nhất là hai lần: ngày khai giới đàn và ngày tạ đàn. Nếu không có Phật sự quan trọng nào thì thầy nghiệp sư được khuyến khích có mặt để cùng sách tấn giới tử của mình trong các ngày hành sám hay thụ học. Các thầy nghiệp sư cũng có thể tham gia vào “lịch trực” hoặc công việc tại giới đàn. Đây là nguyên tắc được áp dụng trong luật - nhằm tránh tình trạng các thầy nghiệp sư giao phó toàn bộ trách nhiệm về đệ tử của mình cho Ban Kiến đàn. Khi chúng tôi trao đổi: “Nếu trường hợp ngày khai đàn thầy nghiệp sư của giới tử không đến ‘trình diện điểm danh’ thì thế nào?”, “thì giới tử ấy không được thụ giới, dù danh sách tấn đàn đã niêm yết. Các thầy nghiệp sư phải ra trước Hội đồng Thập sư để đỉnh lễ Tăng-già cầu xin các ngài truyền trao giới pháp cho đệ tử của mình. Đó là nguyên tắc của các giới đàn tại Hà Nội” - Ni sư TN.Đàm Hiếu chia sẻ. Vì không có nhiều điều kiện tham dự các giới đàn truyền thống tại đất Bắc, nên có lẽ với chúng tôi đây là lần đầu tiên nhận thấy sự bàng bạc điều luật được thực hiện nơi đây. Điều luật này được thực hiện triệt để trong các đàn truyền giới Bikkhu (Tỷ-khiêu, Tỳ-kheo) trong giới đàn các nước Nam truyền - thầy nghiệp sư phải dẫn đệ tử đến trước Tăng đảnh lễ xin thụ giới. Điều đó là trách nhiệm, quan hệ thầy-trò mà trong luật Phật đã chế. Thiết nghĩ đây là một nguyên tắc cần phải thực hiện, vì nó thể hiện mối liên hệ không chỉ là sự tương quan trách nhiệm của một vị thầy đối với việc nuôi dạy đệ tử mình, mà còn là tình cảm và sự kỳ vọng đặt vào đệ tử mình. Chúng tôi chứng kiến cảnh 275 giới tử đứng hai bên nhìn vào thầy nghiệp sư của mình quỳ phủ phục trước hàng Thập sư tác bạch xin truyền giới pháp mà xúc động. Có lẽ những đệ tử là giới tử trong giới đàn cũng phải thấy được sự kỳ vọng, trách nhiệm và cả tấm lòng thầy nghiệp sư đặt để vào trong chính bản thân mình. Chúng tôi hỏi một “Tiểu” xin cầu thụ giới Sa-di trong giới đàn lần này cảm nghĩ thế nào về hình ảnh thầy nghiệp sư vì mình mà lễ lạy xin cầu giới pháp cho mình, vị ấy nói “bây giờ chúng con mới cảm nhận hết tấm lòng và tình thương của thầy dành cho chúng con…”. Ni sư TN.Đàm Hiếu còn cho biết, hầu hết các giới tử thụ giới lần này đều là Tăng Ni sinh tại các trường lớp Phật học. Các buổi khảo thí về các bộ luật Tiểu đều đã được thực hiện tại trường học. Ngoài ra giới tử cầu thụ giới Tỷ-khiêu còn được học một phần luật Tỷ-khiêu (Kiền-độ hay Tăng sự) của giới luật. Các ngày tại nội viện giới đàn, các giới tử sẽ được các giảng sư giáo giới, học về các cách thức khi đăng đàn thụ giới pháp mà mình thọ và hành lễ sám. Thời gian học diễn ra trong ba ngày liên tục với hai buổi sáng chiều. Các buổi hành sám (sám hối) thực hiện nghiêm ngặt cho các giới tử sám hối trước khi đăng đàn thọ giới pháp liên tục sáu thời trong ba ngày, trước khi chính thức đăng đàn thụ giới pháp. Đây là pháp hành sám giúp cho giới tử nhất tâm sám hối nghiệp và tịnh tâm dũng mãnh trước khi cầu thụ giới pháp bậc cao hơn, đúng như ý nghĩa bức hoành phi treo trong giới trường “Đến nơi cao thắng”. Theo truyền thống, thường thì đàn giới các tỉnh phía Bắc được tập trung cả hai bộ Tăng Ni chung một chỗ. Đại giới đàn Hà Nội lần này được tổ chức tại chùa Bằng - một trung tâm sinh hoạt, hoằng pháp lớn của GHPGVN TP.Hà Nội. Địa điểm tổ chức trước kia là chùa Bà Đá - văn phòng Ban Trị sự, do nằm trong quận trung tâm nên diện tích nhỏ hơn, khó khăn về nhiều mặt. Đàn giới tổ chức lần này tại chùa Bằng có không gian lớn nên việc ăn ở rất nhiều điều thuận lợi. Tuy giới tử Tăng Ni cùng ở chung, nhưng được bố trí riêng biệt, không gian riêng, dãy Tăng xá Ni xá đều được vây che kín, không bên nào được thấy bên nào, cả lối đi cũng riêng biệt. Vì có một số thầy nghiệp sư cùng làm việc với Ban Kiến đàn nên việc giám sát giới tử rất nghiêm ngặt và kỹ lưỡng. Sau khi thọ giới, các giới tử Tỷ-khiêu sẽ được tuần tự học những điều căn bản của giới bản vừa được thọ nhận. Chúng tôi quay trở lại chùa Bằng vào buổi sáng trước ngày tạ đàn, chư tân Tỷ-khiêu Tăng được hướng dẫn cùng HT.Thích Bảo Nghiêm đến khuôn viên giới trường để tụng đọc và học 250 giới Tỷ-khiêu. Có lẽ với các vị tân Tỷ-khiêu đây là những điều giới hoàn toàn mới và chi tiết trong đời sống mà các vị sẽ sống. Thi thoảng người viết nhận thấy những cái nhìn nhau bối rối hồn nhiên trước những điều giới liên quan đến phần Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề hoặc Ba-dật-đề. Đây là những điều giới mới của các tân Tỷ-khiêu. Những học giới này sẽ được các vị dần học hỏi khi áp dụng vào đời sống thực tế. Trao đổi với chúng tôi, HT.Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP.Hà Nội kiêm Trưởng ban Tổ chức Giới đàn - nói: “Về cách thức tổ chức, chúng tôi nương vào bộ Giới đàn Tăng và theo nền nếp truyền thống chư Tổ truyền giới mà bản thân chúng tôi được học, mà trước nhất là chúng tôi được thụ trước đây với các ngài tiền bối. Vì thế, một đàn giới hội đủ ba yếu tố mới đắc được giới: Đàn tràng trang nghiêm, Giới sư thanh tịnh và Giới tử chí thành. Về Đàn tràng chúng tôi tổ chức theo quy củ mà chúng tôi được thụ và quy cách chư Tổ đã làm; về Giới sư thì Đại giới đàn cung thỉnh Đức Đệ tam Pháp chủ, HT.Thích Thanh Đàm và các Hòa thượng, Thượng tọa khác trong Hội đồng Thập sư… đều được chọn lựa rất cẩn thận, giới đức thanh tịnh như pháp, như luật; về giới tử thì tất cả các vị đều được đáp ứng những quy định của Ban Tổ chức Giới đàn là phải hội đủ về thời gian như Sa-di 2 năm, Tỷ-khiêu 4 năm, Thức-xoa 4 năm, Tỷ-khiêu-ni 6 năm; phải là Tăng Ni sinh tại các trường Phật học của Hà Nội như sơ cấp, trung cấp Phật học hoặc Học viện PGVN. Từ trước đến giờ thì giới tử muốn thụ giới thì phải tập trung học luật và hành sám. Đây là sự bắt buộc. Vì giới tử phải được học những oai nghi không chỉ khi tấn đàn mà còn cả oai nghi cả phần đời tu của mình. Phần hành sám áp dụng truyền thống của chư Tổ sư: 3 thời tụng và 3 thời niệm trong một ngày đêm. Cả những việc nhỏ nhặt như không ăn uống phi thời, không sử dụng điện thoại di động trong thời gian tham dự giới đàn và tuyệt đối không ra khỏi khu nội giới…”. Ngoài những hình thái có tính cách riêng biệt vùng miền trong các đàn giới, thì Hà Nội cũng có những cái riêng về quy định như trình độ Phật học. HT.Thích Bảo Nghiêm cũng chia sẻ điều mà ngài vui mừng trong lần này, là tỷ lệ Tăng Ni cầu thụ giới tại giới đàn. Hòa thượng cho biết, ở những giới đàn trong quá khứ thì tỷ lệ Ni bao giờ cũng gấp nhiều lần Tăng, có khi chỉ có 1 vị Tỷ-khiêu mà có đến 30 Tỷ-khiêu-ni. Nhưng giới đàn năm nay, cũng như năm 2015, thì tỷ lệ gần như cân bằng nhau. Điều này cho thấy tỷ lệ nam giới xuất gia tu học tại Hà Nội đã ngày một nhiều hơn; là một tín hiệu đáng mừng cho sự nối tiếp của Phật giáo thủ đô nói riêng và miền Bắc nói chung. Hòa thượng nói không chỉ riêng ngài mừng mà các Hòa thượng khác cũng hoan hỷ về tín hiệu chuyển biến ấy. Nhưng Hòa thượng cũng lưu ý rằng có Tăng hay Ni cũng không quan trọng bằng việc Tăng Ni sau khi thụ giới xong phải giữ giới, giữ oai nghi và đặc biệt phải tu học giáo pháp cho nghiêm túc để giáo hóa chúng sinh. Trong lời đạo từ ngày tạ đàn, chư tôn đức trong Hội đồng Thập sư đã ân cần nhắc nhở trách nhiệm là nghiệp sư đối với các vị là thầy của giới tử: “Trong giới đàn chúng tôi truyền trao giới pháp cho các giới tử, dạy những điều căn bản về giới và luật. Chư tôn đức là thầy nghiệp sư của các giới tử phải tiếp tục dạy cho đệ tử mình những phần giới luật còn lại, về oai nghi đi đứng nằm ngồi cho trang nghiêm, thể hiện hình tướng của một bậc xuất gia… có như thế thì trách nhiệm thầy-trò mới được gắn kết, các giới tử cũng được học tập từ nghiệp sư của mình…” - HT.Thích Gia Quang sách tấn.
Sự kế thế truyền trao giới pháp không chỉ là sự tiếp nối hoài bão của chư vị tiền bối, mà còn là trách nhiệm của những vị giữ trọng trách giềng mối sơn môn, trọng trách lãnh đạo Giáo hội. Là người đứng giữa - hiện tại - được truyền trao ngọn lửa từ chư vị Tổ sư quá khứ và giờ có trách nhiệm châm mồi tiếp tục ngọn lửa ấy đến hàng hậu bối, để Chánh pháp được cửu trụ nơi thế gian này, như lời Đức Đệ tam Pháp chủ HT.Thích Phổ Tuệ - Đường đầu Hòa thượng truyền giới - sách tấn trước khi truyền giới Tỷ-khiêu: “Chúng tôi được thừa hưởng ân đức của các bậc tiền bối, đã để lại lề lối cho các môn đồ hậu học. Sự nghiệp của chúng tôi được kế thừa từ chư tôn đức các lớp trước đã từng làm. Người xuất gia tu hành vì có phúc lớn mà được gặp Phật pháp, lại còn được gặp các bậc tiền bối, cao tăng để truyền trao những điều giới châu. Chúng tôi tới đây gặp gỡ và đồng tâm hoan hỷ với các bậc giới sư, các bậc nghiệp sư đã tiếp dẫn hậu lai, đăng đàn truyền thụ giới pháp cho lớp hậu học. Đó là chúng tôi cũng nhận thấy Phật pháp hãy còn có cơ hội lưu truyền ở thế gian, ở đất nước chúng ta…”. Pháp Đăng ghi
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |