Chi tiết tin tức Hướng dẫn, chăm sóc tinh thần ở bệnh viện 22:12:00 - 08/06/2019
(PGNĐ) - Gần đây, qua hộp thư điện tử, người viết bài này nhận được bản danh sách các tu sĩ của một tôn giáo bạn, được phân bố chăm sóc tinh thần cho hệ thống các bệnh viện tại TP.HCM, kèm theo là số điện thoại của từng vị, cả danh sách để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp, với số điện thoại di động.
Chúng ta biết, với người bệnh, không chỉ phải chịu đựng nỗi đau về thể xác mà còn thêm nỗi khổ về tinh thần, nhất là đối với các trường hợp cận tử. Vào bệnh viện, cả với người lâm bệnh cũng như thân nhân, là điều bất như ý, không ai muốn. Do đó, đối với người có niềm tin tôn giáo, ngoài việc chữa trị theo y học theo phác đồ điều trị của y bác sĩ, thì sự hướng dẫn cầu nguyện hay được thăm viếng, động viên về tinh thần là nhu cầu rất cần thiết.
Sinh - lão - bệnh - tử là những biến cố lớn của đời người, muốn hay không thì chúng vẫn đến. Và không phải ai cũng có đủ kỹ năng, nhận thức cũng như sự bình tĩnh khi đối diện với chúng. Những người có tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo, sự hướng dẫn và giúp đỡ trong hoàn cảnh đó là rất có ý nghĩa, cần thiết. Trong kinh điển, chính Đức Phật đã khuyến khích các vị Tỳ-kheo về việc chăm sóc người bệnh, như kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Nhập đạo, Ngài đã rất đề cao việc làm này, xem đó là tối thượng của sự bố thí - hiến tặng. “Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta. Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh”, Ngài dạy. Việc chăm sóc người bệnh được Đức Phật ví như chăm sóc Đức Thế Tôn, đích thân Ngài cũng đã làm việc đó. Trước đây, được biết có nhiều tu sĩ Phật giáo có hạnh nguyện làm việc này, nhiều vị đã học, tốt nghiệp ngành y và vào làm trong các bệnh viện, cơ sở y tế cộng đồng. Tuy nhiên, để việc đó trở thành chương trình thường xuyên, có sự phân bố như thông tin như tôn giáo bạn thực hiện, là điều chưa thấy. Việc chăm sóc người bệnh, cả trường hợp cận tử, cần có kỹ năng nhất định, do đó, không thể tự phát mà cần có sự đào tạo nghiêm túc. Trong đạo Phật, chết không phải là hết, mà chỉ là một phần tự nhiên của đời sống. Thói quen và trạng thái tâm của đương sự, cũng như năng lực hỗ trợ người bên cạnh có ý nghĩa lớn đối với sự tái sinh của người đó. Phật giáo ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã quan tâm và có nhiều chương trình chăm sóc người bệnh, đặc biệt là những trường hợp kề cận sự chết, không chỉ thể hiện bổn phận của người chăm sóc và hướng dẫn tâm linh đối với tín đồ, mà còn là một pháp tu đối với người xuất gia. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã từng nói, người thầy thuốc chỉ có thể chữa cho bệnh nhân hết đau nhưng không thể làm cho họ hết khổ. Việc chuyển hóa nỗi khổ phải nhờ tới Phật pháp. Mong rằng, Giáo hội sẽ quan tâm tới vấn đề này, để thiết thực giúp đời, giúp người bớt khổ khi rơi vào những tình huống, hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là về mặt tinh thần. Diệu Nghiêm
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |