Chi tiết tin tức

Phật tử thế giới đang tăng hay giảm?

21:48:00 - 25/05/2019
(PGNĐ) -  Lâu nay, nhiều người, nhất là những người có cảm tình với Phật giáo, đều có chung suy nghĩ rằng đạo Phật trên toàn cầu đang phát triển. Niềm lạc quan này dựa vào những dấu hiệu trỗi dậy của sinh hoạt Phật giáo tại nhiều nước châu Á và sự thâm nhập, hình thành nên các đạo tràng tu học, phong trào học thuật Phật giáo ở phương Tây. Tuy nhiên, vẫn chưa có số liệu và các nghiên cứu chính thức để xác tín điều này.

Để có cái nhìn đa chiều, Trung tâm nghiên cứu Pew vừa đưa ra 5 sự thật cần biết về Phật giáo trên toàn cầu khiến những ai quan tâm đều phải suy ngẫm. 

 

Phattu.jpg
Mừng Phật đản tại Indonesia - Ảnh minh họa

Năm con số về Phật giáo toàn cầu

Đây thực sự là 5 thống kê về số lượng và sự phân bổ tín đồ, xu hướng phát triển của đạo Phật, độ tuổi trung bình của tín đồ Phật giáo trong tương quan với các tôn giáo khác, thực tế đạo Phật tại nơi xuất phát là Ấn Độ.

Các thống kê bao gồm như sau:

1. Vào năm 2015, số lượng Phật tử trên toàn thế giới được tổng hợp cho thấy chiếm 7% dân số thế giới, nhưng tỷ lệ này được dự báo có dấu hiệu giảm dần trong tương lai và dự kiến chỉ còn khoảng 5% vào năm 2060.

Dự báo này được đưa ra bởi lẽ, người Phật tử đang có tỷ lệ sinh tương đối thấp so với tín đồ của các tôn giáo khác. Trong khi đó, hiện tượng cải đạo hoặc chuyển đổi tôn giáo sang đạo Phật được thống kê sẽ không tăng đáng kể vào thời gian tới.

2. Theo thống kê chính thức của Pew vào năm 2010, một nửa số lượng Phật tử toàn cầu sống tại Trung Quốc. Con số này nếu đem so sánh với dân số Trung Quốc vào thời điểm đó, chiếm 18% dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Đến giai đoạn hiện tại, phần lớn tín đồ Phật giáo trên thế giới vẫn tập trung ở châu Á, đặc biệt là tại Đông và Đông Nam Á. Trong đó, là đất nước Phật giáo, Phật tử chiếm đến 93% dân số, nên người theo đạo Phật từ Thái Lan chiếm 13% tổng số Phật tử toàn cầu, Nhật Bản theo sau đó chiếm 9% lượng Phật tử toàn cầu. Đất nước Nhật Bản có 35% dân số là Phật tử. Chỉ có khoảng 1,4% tổng số lượng Phật tử toàn cầu hiện đang sinh sống tại các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài châu Á.

Phật giáo tại châu Á là tôn giáo khó xác định số lượng tín đồ và thể hiện sự dung hòa khá cao trong sinh hoạt tín ngưỡng. Nhiều học giả và giới báo chí đã tìm hiểu và tổng hợp rằng, khá đông người dân đang sống tại các nước châu Á tham gia sinh hoạt đạo Phật, thực tập và hành trì nhưng không tự nhận mình là thành viên của bất cứ tôn giáo nào.

3. Sau nhiều cuộc khảo cứu và khai quật khảo cổ, thế giới đều xác nhận rằng, về phương diện lịch sử, Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra tại vùng đất ngày nay thuộc lãnh thổ của nước Nepal. Trong khi đó, phần lớn cuộc đời còn lại của Ngài cũng như những gì mà Ngài thuyết giảng đều diễn ra tại đất nước Ấn Độ. Tuy là những nơi phát tích của đạo Phật, nhưng ngược lại, Phật giáo đang là tôn giáo thiểu số tại cả 2 quốc gia trên. Theo thống kê, chỉ có 1% người Ấn Độ và 10% người Nepal tự xác nhận mình là Phật tử.

Hiện nay, tại Ấn Độ và Nepal, đại đa số người dân là tín đồ đạo Hindu. Với sự tiếp biến và thay đổi của Hindu giáo qua nhiều giai đoạn lịch sử, họ tin rằng, gần ba thiên niên kỷ về trước, Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra trong gia đình theo Hindu giáo và Phật giáo được hình thành cũng trên cơ sở xuất tích một phần từ truyền thống sinh hoạt của đạo Hindu. Do vậy, nhiều tín đồ Hindu giáo ngày nay thể hiện sự tôn kính Đức Phật như là một hóa thân của vị thần trong Hindu giáo.

4. Cũng theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Pew, lượng người xác nhận mình là Phật tử đang chiếm khoảng 1% trong tổng số người trưởng thành ở Hoa Kỳ và khoảng 2/3 Phật tử ở Hoa Kỳ là những người Mỹ gốc châu Á.

Theo đó, trong số Phật tử xuất thân từ châu Á, có đến 43% là người người Mỹ gốc Việt và ¼ người Mỹ gốc Nhật tự xác định mình theo đạo Phật. Những người Mỹ từ châu Á còn lại hoặc khẳng định mình theo các truyền thống thuộc Kito giáo hoặc không theo tôn giáo nào.

5. Cũng trong thống kê được đưa ra vào năm 2015, với đội tuổi trung bình là 36, tín đồ Phật giáo trên toàn cầu được xác định già hơn so với độ tuổi trung bình của dân số thế giới. Dân số trên toàn thế giới có độ tuổi trung bình vào thời điểm đó là 30 tuổi.

Độ tuổi trung bình của Phật tử toàn cầu cũng già hơn độ tuổi trung bình của tín đồ nhiều tôn giáo còn lại, chẳng hạn như tuổi trung bình của người theo Hồi giáo là 24, đạo Hindu là 27 và theo các truyền thống của Kito giáo là 30.

Những người trưởng thành trên thế giới không theo tôn giáo nào cũng có tuổi trung bình ngang bằng với tín đồ Phật giáo, cùng 36 tuổi.

Đôi điều suy ngẫm

Pew là một tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ. Đây là nhóm các học giả thực hiện nghiên cứu thực tế cung cấp các thông tin về các vấn đề xã hội, dư luận xã hội và xu hướng nhân khẩu học định hướng đi của thế giới.

Trung tâm nghiên cứu Pew cũng tiến hành đảm trách việc thăm dò dư luận, nghiên cứu biểu hiện xã hội, phân tích nhân khẩu học, nội dung truyền thông và các lĩnh vực khoa học xã hội thực nghiệm khác. Các kết quả nghiên cứu của Pew được công bố phần lớn được một số cơ quan thông tấn lớn trên thế giới sử dụng khi cần số liệu cụ thể.

luu anh.png
Biểu đồ về độ tuổi trung bình tín đồ các tôn giáo

Các số liệu về Phật giáo toàn cầu được Pew đưa ra trong bối cảnh người con Phật khắp thế giới đang hân hoan và thành tâm hướng về ngày thị hiện của Đức Phật, một trong những ngày lễ trọng đại nhất của Phật giáo. Đồng cảm và chung niềm vui với người Phật tử, Pew khẳng định rằng vào ngày Đản sinh, không khí ở châu Á rực rỡ sắc màu vui tươi hướng về Thái tử Tất Đạt Đa, người sau này giác ngộ và trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khai sinh ra đạo Phật.

Tuy vậy, qua quan sát của mình, Pew cho rằng Phật giáo thường có những biểu hiện khá phong phú và đa dạng so với các tôn giáo khác của thế giới.

“Ngay như ngày Đản sinh của Đức Phật, người được tin chắc sinh ra cách nay hơn 2.500 năm tại vùng đất thuộc Nepal, nhưng tại châu Á, nơi có phần lớn lượng tín đồ Phật giáo, mỗi quốc gia khác nhau lại tổ chức kỷ niệm sự kiện này vào thời điểm khác nhau. Điểm hình như Nhật Bản tổ chức vào ngày 8-4 dương lịch, trong khi đó Hàn Quốc lại chọn ngày 12-5; Nepal và Ấn Độ tổ chức trễ hơn, vào ngày 18-5 dương lịch hàng năm. Còn các quốc gia theo Phật giáo Bắc truyền thì căn cứ vào âm lịch”, phần đánh giá trong nghiên cứu của Pew cho biết.

Không những thế, Pew cũng thông tin, tên gọi của lễ hội Đản sinh ở mỗi nơi được thể hiện không giống nhau bao gồm: Buddha Purnima, Vesak, Buddha Jayanti hoặc Ikh Duichen.

Rõ ràng Phật giáo, xuyên suốt qua nhiều thiên niên kỷ hình thành, phát triển đã là một phần không thể thiếu của đời sống xã hội và là bộ phận cấu thành nền văn minh Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á. Với những gì được biểu hiện, những việc làm cụ thể, nhân văn, Phật giáo ngày càng trở nên phổ biến ở phương Tây và khẳng định vai trò trong thế giới hiện đại, nơi những lời dạy về chánh niệm, tin tưởng vào bản thân, sống tự tại đã chứng tỏ sức hấp dẫn đối với thành phần khác nhau, mang đến những cuộc gặp gỡ rất thú vị và đồng nhất với sự phát triển của khoa học và các giải pháp của tâm lý học hiện đại.

Tuy vậy, do thiếu tính tổ chức toàn cầu và sức mạnh về giáo quyền nên Phật giáo thế giới vẫn chưa có chiến lược đối với hướng phát triển chung, mang tính tăng trưởng lâu dài. Những tín hiệu vui về Phật giáo mà ta thấy ở nơi này, nơi kia thường chỉ là nỗ lực cá nhân hoặc các nhóm tín đồ Phật giáo nào đó. Chính vì lẽ đó mà đọc những thông tin được công bố bởi Pew, chúng ta không khỏi cảm thấy chạnh lòng và đầy ưu tư. 

Những công bố của Pew chưa phải là kết quả điều tra toàn diện, đặc biệt như ở Việt Nam, nhiều người sinh ra trong gia đình truyền thống tín ngưỡng Phật giáo nhưng trong lý lịch lại khai là không tôn giáo.

Tại các nước phương Tây, cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới, Phật giáo được chấp nhận là lối sống để có được hạnh phúc hơn là một tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều người sống và thực hành theo triết lý Phật giáo trong khi vẫn giữ nền tảng văn hóa, tôn giáo gốc của mình.

Bảo Thiên

........................

Thông tin tham khảo:

https://www.pewresearch.org/fact-tank/2019/04/05/5-facts-about-buddhists-around-the-world/

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin