Chi tiết tin tức

Quốc hội quyết định: 'Cấm tiệt' rượu, bia khi lái xe

22:37:00 - 15/06/2019
(PGNĐ) -  Sau nhiều giằng co, thêm vào - bỏ ra các điều khoản, dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia đã được Quốc hội thông qua sáng 14-6, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu, bia.

uong-ruou-bia-khong-lai-xe-11-15576334910291735095210_jpg.jpg
Hình ảnh tại cuộc tuần hành gần đây ở Hà Nội phản đối việc uống rượu bia lái xe - Ảnh: Nguyễn Hiền

Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia được thông qua với 408 đại biểu tán thành trong số 450 đại biểu tham gia biểu quyết, tỉ lệ tán thành là 84,30%.

Đã uống rượu, bia thì không lái xe

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định "nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" với 374/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỉ lệ 77,27%.

Như vậy, kể từ khi luật này có hiệu lực vào ngày 1-1-2020, người đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe. Đề nghị "tha thiết" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các đại biểu đồng thuận.

Kết quả biểu quyết khiến nhiều người vừa vui vừa bất ngờ, bởi chỉ cách đây 11 ngày, khi được đưa ra lấy ý kiến điều khoản này chỉ có 44,21% đại biểu đồng ý và 43,80% ý kiến không đồng ý.

Không quảng cáo, rượu bia từ 18-21g

Nhiều quy định khác cũng đã được luật hóa theo hướng "mạnh hơn": không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia; cấm sử dụng người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán, kinh doanh, quảng cáo rượu, bia; cấm sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia.

Đặc biệt là quy định không quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18g - 21g hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo trong các chương trình thể thao đã mua bản quyền được tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, rượu bia không được quảng cáo trên phương tiện quảng cáo (trong đó có báo in) dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, phụ nữ mang thai. Quảng cáo về rượu, bia không được sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Không được uống rượu, bia tại nơi làm việc trong thời gian làm việc, học tập, giảng dạy; cấm uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập với một số đối tượng. Chính phủ được giao quy định các địa điểm công cộng khác không được uống rượu, bia.

Chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên

Cũng liên quan đến quảng cáo, luật chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm khuyến mãi rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên và cấm sử dụng rượu, bia ở mọi loại độ cồn để khuyến mãi cho người chưa đủ 18 tuổi.

Đối với các loại rượu, bia không thuộc trường hợp kể trên thì sẽ sử dụng những biện pháp quản lý quảng cáo, khuyến mãi phù hợp theo từng mức độ cồn, tương ứng với từng loại phương tiện quảng cáo.

Ngoài ra, luật quy định việc quản lý hoạt động quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ và rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên.

Ngoài ra, để đủ điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử, ngoài đáp ứng các quy định của pháp luật về thương mại điện tử; quy định về quản lý kinh doanh rượu; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia thì người bán phải có biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia.

Đồng thời, áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Tiến Long 
(TTO)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin