Chi tiết tin tức Tâm vô úy và không phiền muộn 19:58:00 - 26/01/2023
(PGNĐ) - Theo từ điển Collins thì từ của năm 2022 là “Permacrisis - Một giai đoạn bất ổn và mất an toàn kéo dài, đặc biệt là do một loạt các sự kiện thảm khốc”. 1
Ảnh: Trần Thế Phong Chúng ta đang chứng kiến những bất ổn xã hội hay thiên tai trên toàn thế giới, Việt Nam không phải là ngoại lệ khi gần đây nhiều địa phương ở nước ta hứng chịu các trận mưa, lũ, bão bất thường. Cuộc chiến tranh khốc liệt ở Ukraine đã ám ảnh với người dân Ukraine, Nga và các nước châu Âu, đe dọa sự bình yên của hàng triệu con người trên thế giới... Tình hình kinh tế cũng có những nét sáng sủa khi GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, nhưng đan xen những gam màu tối vào cuối năm khi công nhân mất việc hàng loạt vì thiếu đơn hàng do tình hình kinh tế chung toàn cầu, tình trạng lao dốc của chứng khoán, đóng băng bất động sản và căng thẳng nhất là những vụ án kinh tế bộc lộ sự bất ổn xoay quanh trái phiếu doanh nghiệp... Giữ tâm không phiền muộn Theo Thiền sư Nhất Hạnh, khi chúng ta đau mắt mới tiếc sao mình không vui khi mắt còn sáng, chân bị thương mới tiếc ngày lành lặn, răng bị đau mới biết mình hạnh phúc khi răng không đau… Phật pháp chỉ cho ta biết chính trạng thái tinh thần khi đối đầu với ngoại cảnh mới là điều quan trọng. Đối phó với những khó khăn, dằn vặt, có người tìm quên trong rượu chè, ma túy, đắm chìm trong sắc dục. Nguyên nhân sâu hơn chính là do vô minh, tức là si mê không thấy rõ bản chất của sự vật đều vô thường. Con người sinh tâm tham muốn, ôm giữ lấy các đối tượng lạc thú. Nếu không bị sự chấp ngã và dục vọng vị kỷ hay phiền não khuấy động, chi phối, ngự trị trong tâm thì cuộc đời sẽ có an lạc, hạnh phúc. Chúng ta chứng kiến nhiều người trẻ nhảy cầu hay tự tử vì bức xúc, stress trong khi đối diện với thực tại cuộc sống. Khi diệt trừ hết những phiền não rồi thì con người được tự do hoàn toàn, yên vui, sáng suốt và khi giải thoát khỏi sinh tử và đạt tới Niết-bàn. Đó là ý nghĩa của Diệt đế: “Diệt” là chấm dứt, là dập tắt. Mỗi người tự giải thoát cho chính mình, tìm lấy mùa xuân trong lòng mình, dù là hạnh phúc tương đối hay tuyệt đối. Khi ta làm lắng dịu lòng tham ái, chấp thủ thời tâm trí không còn bị đốt cháy bởi các ngọn lửa phiền muộn, lo lắng, sợ hãi nữa. Chúng ta có hạnh phúc tương đối. Còn nếu ta phát triển tuệ quán, hướng tâm đến đoạn trừ toàn bộ phiền não vi tế, thâm sâu, nhìn vũ trụ và con người trong mối quan hệ tương tức, tương sinh, hạnh phúc của nhân loại là hạnh phúc của mình. Và đó chính là con đường mà bất kỳ ai cũng phải đi nếu muốn tìm hạnh phúc tuyệt đối hay còn gọi là Ðạo đế. Con đường gồm có tám điều chân chính, tám phương tiện mầu nhiệm mà người Phật tử phải làm, hay còn gọi là Bát Chánh đạo, con đường “Trung đạo” mà Ðức Phật đã tìm ra. Nó đòi hỏi chúng ta phải có Chánh kiến - nhận thức đúng, rõ ràng như thật về cuộc sống. Hãy nhớ trong bốn loại thức ăn mà Phật dạy, hầu như quanh chúng ta loại nào cũng đang trong tình trạng dễ nhiễm độc từ đoàn thực, xúc thực cho đến thức thực và cả tư niệm thực. Nghĩa là từ thức ăn, thức uống cho đến thông tin, mạng truyền thông, lời nói, suy nghĩ, lý tưởng hết thảy đều đang ô nhiễm ở những mức độ khác nhau. Đức Phật và Đạo Phật luôn quan tâm đến các giá trị hạnh phúc của con người. Đối với Đức Phật, “hạnh phúc của con người không thể có được nếu không sống một cuộc đời thanh tịnh dựa trên nền tảng đạo đức và tâm linh. Đức Phật cũng biết rằng tuân thủ cách sống như vậy là rất khó nếu điều kiện vật chất xã hội khó khăn. Phật giáo không xem hạnh phúc vật chất tự nó là cứu cánh mà chỉ là một phương tiện để đạt đến cứu cánh cao quý hơn”.2 Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN trong đạo từ tại lễ suy tôn cũng đã nhắc lại một cách tha thiết, về chủ trương của Đức Đệ tam Pháp chủ, quan tâm tới đạo hạnh của Tăng Ni. “Cái nhìn của ngài vô cùng sáng suốt quan trọng mà cũng phù hợp với lời dạy của Tổ sư Khánh Hòa là người đầu tiên mở ra con đường chấn hưng Phật giáo nước ta. Có chùa mà không có Tăng coi như không có. Có Tăng mà Tăng thất học lại càng nguy hiểm hơn nữa. Vì vậy mà ngài coi trọng giáo dục Phật giáo để mở mang trí tuệ cho Tăng-già… Đức Đệ tam Pháp chủ nhìn thấy sở học của Tăng Ni tuy có nhưng đạo hạnh thì có phần khiếm khuyết, nặng phần lý luận tranh chấp hơn thua. Vì thế nên ngài rất lo mà gọi tôi tới ký thác. Ngài nói ngài đã lớn tuổi, muốn làm nhiều việc nhưng không thể làm được. Mong tôi cùng chư tôn đức trong Hội đồng Chứng minh cố gắng xây dựng Hội đồng Giám luật để chấn chỉnh đạo phong của Tăng Ni. Nếu đạo hạnh cốt cách của Tăng Ni khiếm khuyết thì tổn thương cho Giáo hội cũng không ít”.3 Giữ tâm vô úy và luôn nuôi dưỡng ước mơ Có lần chúng tôi đã viết “Tuổi trẻ phải ước mơ có những đóng góp cho việc xây dựng một xã hội phát triển trên cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Đó cũng chính là ước mơ hạnh phúc. Tuổi trẻ phải ý thức được rằng hạnh phúc của chính mình tồn tại khi những người chung quanh cũng hạnh phúc như mình. Các em hiểu sai về lý tưởng do nhận thức sai. “Vì thế, tư tưởng, tình cảm, ý chí, nếu ta nhận thức hời hợt thì thấy vết tích của tập quán, gia đình, hoàn cảnh… Nếu ta nhận thức sâu sắc, thì thấy ở đó tất cả dòng sống lịch sử kết đọng nơi ta. Nhận thức ngoại quan kích thích nhận thức nội quan phương pháp giáo dục hoàn chỉnh là phương pháp giúp cho con người xây dựng nhận thức nội quan hay nói cách khác, xây dựng Chánh kiến, nhìn nhận chính xác đối với bản thân mình, làm chủ cảm giác và tâm thức”.4 Ngoài ra phải giữ tâm vô úy. Tôi nhớ bài thơ IF khi Ruyard Kipling (1865-1936) dạy con, rằng: “Nếu trong lúc mọi người hoảng hốt Con thản nhiên không chút kinh hoàng Nếu con không chút hoang mang Người càng ngờ vực lại càng tự tin”. Sợ hãi có thể khoác nhiều chiếc áo khác nhau. Chúng ta thiếu tự tin khi đối mặt với cuộc đời khi mới lớn: thất nghiệp, công việc không phù hợp, tình yêu phản bội, gia đình không thông cảm, tài năng bị ruồng bỏ… Sự nhẫn nhục là một phẩm chất mà con người cần có. Riêng nhà Phật cũng đòi hỏi rất cao ở người học Phật. Nó đi cùng với lòng quyết tâm tự chuyển hóa mình. Ban đầu người ta ví tuổi trẻ như con nai tuyết, với cái sừng rất mềm nhưng càng lớn lên nó càng phát triển thành bốn hay mười nhánh nhọn có thể chiến đấu tự bảo vệ được. Nhưng sự can đảm của tuổi trẻ phải vững vàng như người chiến sĩ, vừa mềm vừa cứng. Trungpa chấp nhận nỗi buồn như bài test cần thiết. Không có nỗi buồn nó sẽ như một cái tách sứ, sự can đảm bấp bênh, rớt xuống là vỡ tan. Nhưng sự hiền hòa bên trong con người cương nghị và can đảm khiến chúng ta như tách sơn mài, rớt xuống lại bật lên: “Sự biểu lộ của tánh thiện luôn tương ứng với sự dịu dàng- không hề yếu đuối, lãnh đạm…”5 Lúc nào cũng vậy. Học và làm việc luôn là chìa khóa của thành công. Học trong sách vở, trong công việc, trong thực tế. Học từ người trên và cả kẻ dưới. Luôn tâm niệm “Hôm nay phải tốt hơn hôm qua”, khiêm tốn nếu muốn đi xa… Được như thế, chúng ta đã trở thành một “thắng nhân” đúng nghĩa!
Mùa xuân, hãy chúc cho tuổi trẻ giữ được sự kiên định và tinh tấn trong công việc, nhẫn nhục trong ứng xử đời sống, và can đảm đối diện với thực tại, dù đẹp hay phũ phàng với sự can đảm hay lòng vô úy. Vì như Steve Jobs nói “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Để rồi mong sao quanh ta là những con người tuổi trẻ, tâm hồn tràn đầy khí phách và nhiệt huyết, những con người sẽ hoàn thiện nhân cách để là chính mình. Nhớ một vị tôn đức từng nói: Hãy luôn luôn thắp sáng ngọn lửa thiêng trong lòng, thắp sáng trong hành động, thắp sáng trong ngôn ngữ, thắp sáng từ trong tâm tưởng: xấu ác quấy không làm, xấu ác quấy không nói, xấu ác quấy không suy nghĩ. Dù ở đâu, đi đâu, trong chùa hay ngoài chùa, trong nhà hay ngoài đường hay nơi làm việc, buôn bán… là Tăng Ni, Phật tử đệ tử của Đức Phật, chúng ta hãy luôn thắp sáng ánh lửa trí tuệ, ánh lửa từ bi, ánh lửa vô úy trong lòng. Gặp nghịch cảnh chúng ta hãy thắp sáng ánh lửa thiêng từ bi, quán chiếu nhân quả nhiều đời, vui lòng trang trải gỡ mối oan gia… làm cho dòng suối thương yêu, dòng suối vô úy mát mẻ muôn đời. Gặp thuận cảnh chúng ta hãy thắp sáng ánh lửa thiêng trí tuệ bừng lên, tỏ rõ… không ỷ lại, không dễ duôi, không tự mãn, không thụ hưởng, không mê hoặc đong đưa chuyền níu mê vọng. Chẳng những lúc nào cũng gìn giữ, thắp sáng ánh lửa thiêng tri túc tự lòng mà còn đem những phước lực sẵn có chia sẻ với cuộc đời, với những mảnh đời bất hạnh.6 Hãy chúc nhau một mùa xuân với những ước vọng như thế! --------------------------------- 1Permacrisis: An extended period of instability and insecurity, esp one resulting from a series of catastrophic events; 2 Hòa thượng Walpola Rahula - What The Buddha Taught(Colombo, 1929); 3 https://m.thanhnien.vn/duc-phap-chu-moi-cua-giao-hoi-phat-giao-noi-ve-hai-moi-nguy-cho-giao-hoi-post1526677.html; 4 Nguyên Cẩn - Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ - VHPG số 286; 5 Chogyam Trungpa - Shambhala - The Sacred Path of the Warrior; 6 Thích Giác Toàn - Sáng ngời đức vô úy. Nguyên Cẩn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |