Chi tiết tin tức Đạo Phật Khất sĩ 17:07:00 - 30/03/2016
(PGNĐ) - Đạo Phật là con đường đi đến quả Phật giác chơn. Con đường ấy là Khất sĩ. Họ của chư Phật ba đời là Khất sĩ, Khất sĩ là lẽ thật của chúng sanh, mục đích của chúng sanh.
Khất sĩ là đến với giác chơn, toàn học biết sáng tự nhiên, hết mê lầm vọng động. Khất là xin, sĩ là học, sống là xin, ai ai cũng là đang sống xin, để cho được cái học cái biết, xin sống là để cho nên cái biết, biết ấy là học, cho biết lẽ thật, để lấy ra mục đích đặng thật hành theo, cho được sự giải thoát khổ não của vô thường, và tạo nên cái ta của ta an vui bền thật, hầu tránh xa sự nô lệ không công, tham sân si vô nghĩa lý. Đạo Phật không phải là Phật học hay Phật pháp. Vì Phật pháp là giáo lý giác ngộ phương tiện tùy duyên, của Phật dạy cho mỗi chúng sanh khác nhau, còn học Phật là kẻ đang học giáo lý của Phật mà chưa thật hành. Trái lại, đạo Phật là sự thật hành để thành Phật, là sự tu giống y theo Phật! Con đường ấy là Khất sĩ, là Tăng, là đệ tử Phật sau nầy, là giới luật y bát chơn truyền vậy. Phật là ông thầy biết sáng, chỉ chăm dạy học cho tất cả ai ai kẻ khổ sở lầm mê, mà không cần phân biệt kẻ đó là con của ai, có cha mẹ hữu thần hay không cha mẹ vô thần chi cả. Ngài cũng không bảo ai làm hoặc không làm, hữu vi hoặc vô vi, vì chúng sanh sự sống chết là đổi thay bộ áo ghế ngồi, như vậy thì cũng như không có sống chết, mà là chỉ có cái khổ của biết lạc lầm mê muội mỗi lúc mãi mãi, là cái khổ mà sống cũng khổ, chết cũng khổ; khổ là đáng sợ hơn hết, đáng sợ hơn cả cái chết, bởi cái chết là không ai tránh khỏi kia được. Mà chúng sanh khổ là bởi chưa biết, biết lạc lầm mê muội dốt nát, như đi đêm, không có mục đích, không biết căn nguyên cội nguồn lẽ thật. Kìa như con người ở đời kẻ dốt là phải làm việc nhọc công vô ích sức lực không đâu, chớ kẻ trí thực học nhiều tính ra, là đâu có chi khổ bận. Và họ là bao giờ cũng giải thoát, đứng ra ngoài sự vật, ngoái lại nhìn xem, chớ không ưa chịu sự trói mình nô lệ vô lý mãi như trăm họ, để phải chịu nghèo giàu, các Ngài chẳng màng ngó đến sự giàu nghèo vinh nhục. Thế thì đời của những bậc giác ngộ là Khất sĩ, là khách, là Tăng, là tu học, sống để tu học, sống để mà biết, sống tạm để cho được cái biết ngày mai, chớ không có chi hiện tại, thì hữu thần, vô thần, hay hữu vi, vô vi, hoặc nghèo giàu sống chết đối với họ là vô lý, vì trước khi sanh và sau khi chết, hay thật ra trong mỗi lúc, chúng sanh đang là cái biết trong võ trụ tự nhiên yên lặng tối đen, không không lẽ thật. Họ sẽ từ trong bánh xe lăn xoay của tứ đại sanh ra, và sẽ vượt lên bay bổng, ở không trung sống mãi, bằng cái biết không xao vọng, không còn trở lại chun xuống bánh xe, để phải nhào lăn như tứ đại vô tri kia nữa. Các Ngài không còn lầm nhận cái ta, của ta là tứ đại. Con đường tiến của sống để đến biết nghỉ yên vĩnh viễn ấy, tức là đạo Phật, là Khất sĩ, và tất cả chúng sanh là Đoàn Du tăng Khất sĩ. Đúng lý như vậy, ai ai khá hay giác ngộ tự mình đi lấy, chớ nên ỷ lại và nô lệ! Kìa Phật xưa còn bỏ đền vua, bởi lẽ không ta của ta, chúng ta ngày nay há sao khổ não bởi vô thường rộn nhọc… •
TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG (HỆ PHÁI KHẤT SĨ) Nguồn: Chơn Lý (toàn tập), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, 1993
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |