Người nữ tu sĩ Phật giáo trong thế giới ngày nay
19:40:00 - 25/03/2016
(PGNĐ) - Dòng tu nữ giới được thành lập khi bà Mahaprajapati (mẹ nuôi của Đức Phật) xin Ngài cho phép người phụ nữ được gia nhập Tăng Đoàn (Sangha) của Ngài.
Người nữ tu sĩ Phật giáo trong thế giới ngày nay
Sự sinh hoạt tập thể trong các tăng đoàn nữ giới phản ảnh một lối sống khá đặc thù trong các xã hội Phật giáo từ những thời kỳ thật xa xưa. Đức Phật Sakyamuni (Thích-ca Mâu-ni) nêu lên con đường từ bỏ [gia đình] như là một phương pháp hữu hiệu nhất mang lại sự giải thoát, và nhiều người phụ nữ cũng đã bước theo con đường đó, trước hết là mẹ nuôi và cũng là dì của Ngài là bà Mahaprajapati (Ma-ha Bà-xà Ba-đề Cồ-đàm ni). Cũng tương tự như những người từ bỏ [gia đình] khác (thuộc các tín ngưỡng khác) vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế, các nam và nữ tu sĩ Phật giáo cũng tự nguyện sống độc thân, tiết dục, đơn sơ, tránh mọi sự bám víu, lánh xa các thú vui trần tục, hầu giúp mình chú tâm hơn vào việc tu tập tâm linh. Một người Phật giáo từ bỏ [gia đình], tách ra khỏi thế giới trần tục, sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi giúp mình hoàn toàn tập trung vào việc tìm kiếm sự giải thoát và giác ngộ.
Sự hình thành và phát triển của Tăng đoàn Tỳ kheo ni
Dòng tu nữ giới được thành lập khi bà Mahaprajapati (mẹ nuôi của Đức Phật) xin Ngài cho phép người phụ nữ được gia nhập Tăng Đoàn (Sangha) của Ngài. Dù lúc đầu còn do dự, thế nhưng Đức Phật cũng đã xác nhận rằng người phụ nữ hoàn toàn hội đủ khả năng thực hiện được quả mang lại từ con đường, và đạt được giác ngộ. Với sự chấp thuận của Đức Phật Tăng Đoàn Tỳ kheo ni (Bhiksuni Sangha) được thành lập khoảng năm hay sáu năm sau Tăng Đoàn Tỳ kheo [nam giới] (Bhiksu Sangha). Dưới sự lãnh đạo khéo léo của bà Mahaprajapati, tăng đoàn nữ giới phát triển nhanh chóng, hàng ngàn phụ nữ đã tinh khiết hóa được tâm thức và giải thoát mình ra khỏi khổ đau và chu kỳ sinh tử, và đã trở thành arhat (A-la-hán). Kinh điển xưa có đưa ra một danh sách gồm nhiều vị trong số các nữ tu sĩ đầu tiên trên đây, mà các sự thành đạt của họ đã được chính Đức Phật công nhận, chẳng hạn như ni sư Khema có trí tuệ siêu việt, ni sư Dhammadinna có nhiều năng khiếu giảng dạy, ni sư Nanda có nhiều kinh nghiệm về thiền định, v.v.
Đức Phật vạch ra con đường phát huy tâm linh mà tất cả mọi người, nam và nữ, đều có thể bước theo, và trên nguyên tắc cả hai, nam và nữ, đều có cùng khả năng đạt được sự giải thoát như nhau. Thế nhưng chế độ phụ hệ trong xã hội Ấn có thể là nguyên nhân khiến các tiêu chuẩn giới luật áp dụng cho tu sĩ nữ giới khắt khe hơn so với tu sĩ nam giới. Theo truyền thống thì bà Mahaprajapati phải tuân thủ thêm tám giới luật đặc biệt (gurudharmas/tám điều kiện trọng đại), bắt người Tỳ kheo ni (dù đã được thụ phong trọn ven) phải lệ thuộc vào người Tỳ kheo [nam giới] (đã được thụ phong toàn vẹn). Trên dòng lịch sử phát triển của tăng đoàn nữ giới người tỳ kheo ni, ngoài các giới luật áp dụng cho nam tu sĩ, còn phải tuân thủ thêm khoảng 100 giới luật khác.
Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật các nữ tu sĩ tự quản lý lấy tăng đoàn của mình, quán xuyến mọi việc, tự chọn lựa xem những ai có thể được phép gia nhập tăng đoàn của mình. Các nam tu sĩ chỉ tiếp xúc và cố vấn họ hai lần mỗi tháng, và phải luôn ở bên cạnh họ tại những nơi mà họ ẩn cư trong ba tháng vào mùa mưa, với mục đích bảo vệ họ. Ngoài ra thì các nữ tu sĩ sống hoàn toàn độc lập. Vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế, người phụ nữ chọn cuộc sống tu hành không nhất thiết là vì mục đích mong cầu tìm sự giải thoát tâm linh cho mình, mà còn là một phương tiện giải thoát mình khỏi những sự trói buộc của gia đình, chẳng hạn như các thói tục thời bấy giờ bắt người phụ nữ phải tùng phục chồng, mẹ chồng, phải liên tục sinh con đẻ cái, đảm đang các công việc nội trợ chẳng bao giờ dứt.
Nhiều bằng chứng lịch sử thật hiển nhiên cho thấy dòng tu của các nữ tu sĩ đã từng tồn tại và phát triển trong suốt mười lăm thế kỷ ở Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch, con gái của hoàng đế Azoka (A-dục) là Sanghamitra được mời sang Tích Lan để thụ phong cho Công chúa Anula và hàng trăm phụ nữ Tích Lan khác mong muốn được bước vào con đường tu hành. Bà Sanghamitra rời Ấn sang Tích Lan mang theo một chồi cây bodhi (Bồ đề) và đã thành lập Tăng Đoàn Tỳ kheo ni cho Tích Lan,. Tăng đoàn của các nữ tu sĩ Tích Lan tồn tại ít nhất cũng phải đến thế kỷ thứ IX sau Tây Lịch.
Truyền thống thụ phong toàn vẹn cho các nữ tu sĩ trên đảo Tích Lan được truyền sang Trung Quốc vào thế kỷ thứ V sau Tây Lịch, nhân dịp một tỳ kheo ni tên là Devasara du hành sang Trung Quốc và lưu lại hai năm tại Nam Kinh. Năm 433 sau Tây Lịch bà cùng với đoàn tùy tùng đứng ra tổ chức lễ thụ phong cho vài trăm nữ tu sĩ Trung Quốc, đánh dấu sự hình thành của Tăng Đoàn Tỳ kheo ni đầu tiên của nước này. Tăng đoàn tỳ kheo ni từ Trung Quốc lại lan sang Triều Tiên, Đài Loan, và tiếp tục phát triển tại các nơi này cho đến nay. Trong khoảng thời gian nhiều thập niên gần đây, các nữ tu sĩ Tích Lan và các nước khác bắt đầu tái lập các Tăng Đoàn nữ giới theo truyền thống của xứ sở mình trước đây, nhờ vào sự thụ phong của các dòng truyền thừa tỳ kheo ni còn tồn tại qua hằng bao thế kỷ tại các nước trên đây (Trung Quốc, Triều Tiên, Đài Loan...).
Tương tự như màu sắc của một cầu vồng
Cuộc sống của những người nữ tu sĩ Phật giáo ngày nay thật khác biệt nhau, tùy tông phái, xứ sở và từng tu viện, và cũng có thể là tùy theo từng người. Các nữ tu sĩ mặc áo với nhiều màu sắc khác nhau, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, tu tập theo nhiều cách và sống theo nhiều lối sống khác nhau. Trong cuộc sống của họ chỉ có một điểm giống nhau là đầu cạo trọc, khoác lên người chiếc áo của người tu hành và cùng tuân thủ một số giới luật giống nhau. Các giới luật áp dụng cho họ chủ yếu cũng là các giới luật chung cho tất cả những người Phật giáo là: không được sát sinh, trộm cắp, nói dối, tránh các hành vi tính dục bất chính, không được dùng các chất ma túy. Điểm khác biệt duy nhất là đối với người tu tập tại gia là họ chỉ phải tránh các hành vi tính dục bất chính, trong khi đó thì người nữ tu sĩ (và cả nam tu sĩ) phải thệ nguyện hoàn toàn tiết dục. Cuộc sống độc thân đó không phải chỉ có nghĩa là không được lập gia đình, mà cũng không được giao du thân mật, sự tự nguyện đó giải thoát họ khỏi mọi thứ ràng buộc trong bối cảnh gia đình.
Những người nữ tu sĩ Phật giáo ngày nay sống rải rác trên khắp thế giới, từ Campuchia đến Mông Cổ, từ Thụy Điển đến Tân Tây Lan. Tại các nước theo Phật giáo Theravada thì người nữ tu sĩ mặc áo trắng, cam hay nâu, trong các vùng Đông Á thì họ mặc áo màu lam, đen hay màu tím (màu tía/purple), tại các nơi theo Phật giáo Tây Tạng thì mặc áo màu nâu đỏ (maroon/nâu đỏ hay nâu sậm) hoặc vàng. Họ nói nhiều thứ tiếng, từ các thổ ngữ của các bộ tộc đang có nguy cơ bị diệt chủng ở Bangladesh cho đến tiếng Anh hiện đại chen đầy tiếng lóng của dân Anh tại thủ đô Luân Đôn. Phương tiện sinh sống cũng khác nhau, các nữ tu sĩ Tích Lan ngày ngày khất thực khắp nơi trong nước, các nữ tu sĩ Đài Loan thì trường chay trong chùa. Một số nữ tu sĩ thệ nguyện suốt đời không chạm đến đồng tiền, một số khác thì làm năm bảy nghề, kể cả cho vay thế chấp. Một số chăm lo thiền định và ẩn cư, một số khác thì quản lý các ngôi chùa tấp nập, đứng ra sắp xếp các chương trình thuyết giảng quốc tế. Một số ăn chay trường thật nghiêm túc, không ăn trứng, hành, tỏi, một số khác không kiêng cử gì cả khi dùng các thực phẩm cúng dường. Nhiều người không biết đọc biết viết, nhưng cũng có một số có bằng tiến sĩ. Tất cả sự đa dạng đó phản ảnh tính cách phong phú và phức tạp của những người nữ tu sĩ trong thế giới tân tiến ngày nay.
Các nữ tu sĩ Phật giáo Theravada
Các nữ tu sĩ tu tập theo Phật giáo Theravada sống ở Miến Điện, Campuchia, Lào, Tích Lan và Thái Lan, tuy nhiên cũng thấy có một vài tập thể nhỏ ở Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam. Lối sống của họ dựa vào các khuôn mẫu quy định cho các tăng đoàn nữ giới từ những thời kỳ xa xưa. Họ mặc áo vải đơn sơ, sống bằng khất thực, không được phép dùng thêm các thức ăn đặc sau bữa ăn trưa. Các dasasil mata (là các nữ tu sĩ tuân thủ 9 hay 10 giới luật, nhưng chưa được thụ phong) ở Tích Lan mặc áo màu cam hay nâu, các tila shin (như đã được giải thích trong ghi chú trên đây, tác giả có ý dùng các ngôn ngữ địa phương để chỉ các nữ tu sĩ Phật giáo tại những nước chưa có truyền thống thụ phong trọn vẹn cho họ) mặc màu hồng hay nâu; các dongchee ở Campuchia, các maekhao ở Lào, và các maecheeở Thái Lan thì mặc áo trắng. Tại Tích Lan có khoảng 2 000 tu sĩ nữ giới, 60 000 ở Miến Điện, 900 ở Campuchia, 400 ở Lào, 20 000 ở Thái Lan. Họ tuân thủ 8, 9 hay 10 giới luật. Ngoài việc tuân thủ các giới luật dành cho các Phật tử tại gia trên đây, họ còn tự nguyện không đeo nữ trang, nhảy múa, và hát xướng, không nằm giường cao, ngồi ghế rộng, không dùng thêm thực phẩm đặc sau bữa ăn trưa. Ngoài ra đối với những người tuân thủ 10 giới luật thì cũng không được phép dính dáng đến vàng, bạc và tiền. Dù không hội đủ số tỳ kheo ni đủ tư cách thụ phong cho họ, thế nhưng không phải vì thế mà xem họ là các sramanerika (sa di ni).
Các nữ tu sĩ Phật giáo Theravada tụng niệm kinh điển bằng tiếng Pa-li và thiền định mỗi ngày hai lần, vào sáng sớm và chiều tối, mỗi lần khoảng một tiếng. Ngoài ra trong ngày họ luyện tập một phép thiền định thật chuyên biệt gọi là Vipassana (tiếng Phạn là Vipasyana, nguyên nghĩa là sự "quán thấy sâu xa" - Hán dịch là "minh sát" - quán thấy ở đây có nghĩa là quán thấy bản chất đích thật của mình, tâm thức mình và thế giới. Sự quán thấy đó mang tính cách trực giác, đôi khi hiện lên rất đột ngột, giúp người hành thiền hòa nhập vào chính sự quán thấy ấy của mình ngay trong lúc đó, nói một cách khác là sự quán thấy ấy và chính mình trở thành "một". Phép luyện tập thiền định nói chung thường gồm hai giai đoạn hay cấp bậc: trước hết là phải phát huy một sự chú tâm cao độ, mang lại cho mình một thể dạng tâm thức thăng bằng, phẳng lặng, trong sáng. Trong thể dạng đó mọi sự xao lãng và các xúc cảm bấn loạn đều lắng xuống. Thể dạng này thường được gọi là Samatha/Chỉ, nói một cách cụ thể và dễ hiểu hơn thì đấy là một tâm thức mở rộng, êm ả, thanh thoát và nhẹ nhàng, các biên giới thời gian và không gian mờ đi và gần như biến mất.
Trong thể dạng đó tâm thức sẽ trở nên bén nhạy, tinh khiết và dần dần đưa đến một thể dạng khác sâu xa hơn gọi là Samadhi/Định. Thể dạng Samadhi - khác hơn với thể dạng vắng lặng và không xao động gọi là Samatha trên đây - sẽ rất linh hoạt và hàm chứa một khả năng quán nhận thật sắc bén, bao quát và tuyệt đối gọi là Prajna (Trí Tuệ), giúp người hành thiền nhận biết một cách minh bạch và chính xác về các khái niệm mà trước đây mình chỉ hiểu một cách mơ hồ hay đại khái bằng cách suy diễn và lý luận mang tính cách nhị nguyên, chẳng như các khái niệm về vô ngã, vô thường, khổ đau, niết bàn, sự đình chỉ/nirodha, tính cách ảo giác và tương liên giữa mọi hiện tượng, tính cách nhị nguyên của tư duy, tri thức, sự hiểu biết/nana, v.v. Sự quán thấy đồng loạt và trực giác đó đôi khi còn gọi là sự "cảm nhận" mọi sự vật "chỉ là như thế" hay "như lai") và tham dự các khóa giảng Pháp và ẩn cư tổ chức theo các định kỳ đều đặn. Một số chọn lối sống biệt tu, tìm sự vắng lặng nhằm tránh xa các sự cám dỗ và bon chen của xã hội thường tình. Một số khác sinh sống trong các vùng làng mạc đông dân, đô thị và thành phố, hầu giúp đỡ người thế tục trong cuộc sống tâm linh của họ, và đấy cũng là một cách giúp người tu hành hòa mình với người thế tục: một bên thì tụng niệm các kinh paritta (kinh cầu an) một bên thì hiến dâng các nhu cầu vật chất. Nhiều người đứng ra khuyên giải người thế tục hoặc giảng dạy Dharma (Đạo Pháp) cho họ, nhất là cho phụ nữ và trẻ em, hoặc góp phần tích cực vào sự sinh hoạt của các chùa chiền và tu viện lớn.
Trước đây không lâu, các nữ tu sĩ Phật giáo Theravada vẫn chưa hề được chính thức thụ phong toàn vẹn hầu giúp mình trở thành các bhikkuni (tỳ kheo ni), chẳng qua là vì truyền thống thụ phong toàn vẹn cho người phụ nữ do chính Đức Phật thiết lập khi thụ phong cho bà Mahaprajapati (mẹ nuôi của Đức Phật) đã bị mai một tại một số nước (chẳng hạn như Ấn Độ, Miến Điện và Tích Lan), hoặc chưa hề được thiết lập tại một số các nước khác (chẳng hạn như Campuchia, Lào, Thái Lan). Nếu không được thụ phong toàn vẹn thì các người nữ tu sĩ không được xem là thuộc thành phần của Sangha (Tăng đoàn), không được giúp đỡ vật chất đầy đủ, không có nhiều dịp học hỏi, và cũng không được quý trọng như các tu sĩ nam giới. Họ sống độc lập bên trong các tăng đoàn riêng, hoặc chung với các tu sĩ nam giới trong các chùa chiền của họ. Vào những năm gần đây một số bắt đầu hòa mình vào sự sinh hoạt xã hội (tức là có nghề nghiệp giúp mình làm kế sinh nhai), và từ năm 1988 một số tìm cách được thụ phong toàn vẹn. Tăng đoàn Tỳ kheo ni Theravada quan trọng nhất là ở Tích Lan, khoảng 500 nữ tu sĩ trên hòn đảo này đã được thụ phong toàn vẹn góp phần tái lập lại Tăng đoàn Tỳ kheo ni (Bhikkhuni Sangha) và làm sống lại truyền thống lâu đời do ni sư Sanghamitra (con gái vua A-dục) đã đưa vào Tích Lan trước đây.
Các nữ tu sĩ Phật giáo Mahayana (Đại Thừa)
Các nữ tu sĩ Đại Thừa (Mahayana) tu tập dựa theo các dòng truyền thừa được truyền đi từ Trung Quốc hay Tây Tạng. Dòng truyền thừa nữ giới Tích Lan được đưa vào Trung Quốc vào thế kỷ thứ V sau Tây Lịch, và sau dó từ Trung Quốc vào Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam, và sau hết là các tập thể người Hoa ở Indonêxia, Mã lai, Phi Luật Tân, Singapore và các nơi khác trên toàn thế giới. Lối sống của họ tùy thuộc vào các môi trường sống khác nhau, chẳng hạn như những nơi có khí hậu lạnh và các nền văn hóa khác với Ấn Độ. Thay vì khất thực thì họ trực tiếp nhận các vật cúng dường như rau trái và tự nấu ăn lấy, và thường thì họ tự trồng trọt lấy. Các nữ tu sĩ tu tập theo các truyền thống này thường ăn mặc các màu gần với màu đen (màu chàm) hoặc màu xám (màu lam), may cắt theo kiểu áo của các nho sĩ thời nhà Đường (Trung Quốc). Ở Triều Tiên có khoảng 20 000 nữ tu sĩ, 2 000 ở Nhật, 20 000 ở Đài Loan, 14 000 ở Việt Nam, vài ngàn ở Trung Quốc (trên tổng số 1 tỉ 400 triệu dân! Đấy là kết quả mang lại từ nền văn minh vật chất ngày nay. Tàn phá các giá trị tinh thần, truyền thống và nền văn minh lâu đời của một dân tộc, để đổi lấy các cơ xưởng sản xuất vật dụng rẻ tiến cho cả thế giới tiêu dùng, gây ô nhiễm đưa đến đủ mọi thứ bệnh tật cho người dân, và cất giữ mốt số giấy tờ chứng khoán trong ngân hàng - có thể cháy hết trong một cơn hỏa hoạn bất cứ lúc nào - quả là một sự đánh đổi không tương xứng, khờ khạo và dại dột), và vài trăm trong các tập thể những người Trung Quốc cộng sản sống ở hải ngoại.
Truyền thống Tỳ kheo ni phát triển rất mạnh trong các tăng đoàn Đại Thừa (Mahayana). Những người phụ nữ muốn bước vào con đường tu tập sẽ được các Tỳ kheo ni lão thành hướng dẫn, tuy nhiên họ cũng có thể học phép thiền định và kinh sách với các tu sĩ cả nam và nữ giới. Các nữ tu sĩ theo truyền thống Đại Thừa họp mỗi ngày hai lần, vào buổi sáng và buổi tối để tụng niệm các kinh bằng tiếng Hán, hoặc các câu Man-tra (các câu chú mang tính cách thiêng liêng) bằng tiếng Phạn, hoặc các kinh điển bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Vào các dịp lễ âm lịch, họ tổ chức các khóa tu tập hướng vào nhiều vị Phật và Bồ-tát khác nhau. Trong các dịp lễ này họ tụng niệm hai lần mỗi ngày, sáng và chiều, mỗi lần có thể kéo dài nhiều tiếng, đôi khi có thể là nhiều ngày. Các nghi lễ này hướng vào Phật Amitaba (A-di-đà), là vị Phật "vô lượng thọ" (thọ mệnh vô lượng) và "vô lượng quang" (ánh sáng vô lượng), và vị Bồ-tát Avalokiteshavara (tiếng Trung Quốc là Guan Yin/Quan Âm), biểu trưng cho lòng từ bi, cả hai vị này đều được tôn thờ rộng rãi trong dân chúng. Rất nhiều nữ Phật tử tại gia cùng tham gia với họ, ủng hộ họ rất hậu về tài chính, mua hoa và cúng dường thực phẩm. Nhằm hồi đáp lại, các nữ tu sĩ dạy cho họ thiền định và giảng Pháp cho họ, cố vấn họ về các vấn đề gia đình, tham dự lễ mai táng, xoay sở mọi việc giúp các gia đình có người thân qua đời, tổ chức các trại họp bạn cho thiếu nhi và các thanh thiếu nữ, mở các khóa dạy nấu ăn chay, hoặc cắm hoa, v.v.
Trong khoảng mười năm sau này, Phật giáo lớn mạnh tại hầu hết các nước theo Đại Thừa, tất cả nhờ vào sự nhiệt tình và hăng say của các nữ tu sĩ. Nếu nhìn thật gần thì sẽ thấy trong các nước đó người Phật giáo đã thành lập được nhiều trung tâm đào tạo hiện đại với các chương trình giảng dạy giáo lý Phật giáo gồm từ bốn đến năm năm học, dành cho các nữ và nam tu sĩ và cả người thế tục. Nhờ vào các chương trình đào tạo và giảng dạy đầy đủ đó, các nữ tu sĩ trở nên tích cực hơn trong sự sinh hoạt xã hội, tham gia vào việc in ấn, dịch thuật, chăm sóc người ốm đau, công tác trong chốn lao tù, hướng dẫn trẻ em, giúp đỡ người già yếu, tiếp tay với các trạm y tế, các nhà dưỡng lão, và vô số các công việc khác.
Các nữ tu sĩ Phật giáo Tây Tạng
Truyền thống tu tập của người phụ nữ Tây Tạng trải qua một lịch sử rất lâu đời, thế nhưng cũng tương tự như trường hợp của những người phụ nữ ở các nơi khác trên địa cầu, các thành tích của họ không hề được ghi chép cẩn thận. Nền văn hóa Tây Tạng cũng đã được phát triển ra ngoài biên giới của xứ sở này, chẳng hạn như tại các vùng Bhoutan, Mông Cổ, Nepal, Buryatia (Bouriatie, Burjatie..., là một xứ tự trị thuộc nước Nga, sát với biên giới bắc Mông Cổ), Kalmykia(Kalmukia/Kalmukie/Kalmoukie..., một nước tự trị bé xíu phía bắc xứ Georgia và biển Caspian) và một số các vùng khác của Liên Bang Xô Viết trước kia, và cả các vùng biên giới bắc Ấn Độ thuộc phía tây rặng Hy-mã Lạp-sơn như: Kinnaur, Laddakh, Lahaul, Spiti, và vùng Zanskar thuộc phía tây Ấn độ, sát với biên giới phía nam của Pakistan, và cả trong các tập thể người dân Tây Tạng sống lưu vong ở Ấn, Nepal và các nước khác. Tại tất cả các nơi này đều thấy có các nữ tu sĩ, thế nhưng ít hơn nam giới và cũng không tạo được nhiều ảnh hưởng như họ. Thường thì họ chỉ tuân thủ 10 giới luật dành cho những người sramanerika (sa di ni/novice nun), nhưng vẫn được xem là thuộc vào thành phần của Tăng Đoàn. Việc thụ phong toàn vẹn cho những người nữ tu sĩ Tây Tạng chưa bao giờ được thực hiện(kể cả trong quá khứ). Dầu sao cũng không thấy kinh sách Tây Tạng ghi chép gì nhiều vể những người tỳ kheo ni, và các dòng thụ phong toàn vẹn cho người phụ nữ cũng chưa bao giờ được chính thức thành lập trong Phật giáo Tây Tạng. Con đường từ Ấn Độ lên Tây Tạng xuyên qua những vùng núi cao đầy tuyết phủ của rặng Hy-mã Lạp-sơn rất nguy hiểm, ngay cả đối với các nam tu sĩ, vì vậy đây có thể là nguyên nhân khiến các nữ tu sĩ [từ Ấn Đột] không đến được nơi này (các người phụ nữ Tây Tạng bắt đầu tu tập từ lâu đời, thế nhưng chưa bao giờ thành lập được các dòng truyền thừa như các người đồng tu nam giới, hoặc các tặng đoàn nữ giới như ở các nơi khác).
Có khoảng 1 290 nữ tu sĩ tu tập theo Phật giáo Tây Tạng ở Ấn và Nepal, và ít nhất cũng có một số tương đương trong xứ Tây Tạng dù đang bị cộng sản chiếm đóng, và thật ra thì cũng khó ước tính một cách chính xác được (nhiều học giả cho rằng tỷ lệ xuất gia rất cao của phụ nữ bên trong xứ Tây Tạng là một hình thức bất hợp tác chống lại sự cai trị của Trung Quốc). Hầu hết các nữ tu sĩ Tây Tạng thường chọn cách ẩn tu và thiền định, và thực thi cả các nghi lễ của Kim Cương Thừa. Phương pháp quán tưởng hướng vào các vị Bồ-tát hoặc các vị Phật, có thể giúp đạt được các phẩm tính của thần linh yidam (thần linh của phép quán tưởng). Chẳng hạn như nếu quán tưởng chính mình là vị Avalokitesvara (Quán Thế Âm, tiếng Tây Tạng là Chenresig), là vị Bồ-tát của lòng từ bi, thì dần dần chính mình cũng sẽ hóa thành vị ấy và mang phẩm tính từ bi thật hoàn hảo của vị ấy. Theo truyền thống tu tập Tan-tra, thì người tu tập có thể đạt được giác ngộ với thân xác của mình ngay trong cuộc sống này. Do đó có thể hiểu rằng sự giác ngộ hoàn hảo cũng có thể đạt được qua thể dạng của một người phụ nữ. Trong số các vị Phật và Bồ-tát được tôn thờ rộng rãi nhất có nhiều vị thuộc nữ giới, chẳng hạn như Tara và Vajrayogini, thường được xem như các thần linh quán tưởng cho cả nữ và nam giới.
Trước thập niên 1980, việc tu tập của các nữ tu sĩ Tây Tạng chủ yếu là tụng niệm, thực thi nghi lễ và thiền định. Vì truyền thống trọng nam khinh nữ trong chốn chùa chiền, nên các chương trình giảng dạy căn bản về giáo lý Phật giáo trong ba tu viện đại học lớn ở miền nam nước Ấn (Drepung, Ganden và Sera) và cả Viện Phật giáo Biện chứng (Institute of Buddhist Dialectics) (biện chứng là một phương pháp lý luận, đối chứng, thảo luận... nhằm tìm hiểu hay chứng minh một đường hướng tư tưởng, một sự hiểu biết hay sự thật nào đó. Khoa "Phật giáo Biện chứng" cũng có thể xem tương đương với khoa "Thần học" của các tôn giáo Độc thần) ở Dharamsala (bắc Ấn Độ, nơi cư ngụ của Đức Đạt-lai Lạt-ma)không thu nhận các học viên nữ tu sĩ. Các nữ tu sĩ chỉ có thể học hỏi giáo huấn Phật giáo vào các dịp thuyết giảng đông đảo dành cho quảng đại quần chúng, nhưng không đuợc học kinh điển một cách quy củ. Trên nguyên tắc chùa chiền tốt nhất cho người nữ tu phải được thiết lập ở những nơi hẻo lánh hầu tránh mọi sự tiếp xúc giữa họ và xã hội thế tục, nhưng đấy cũng là cách gây ra khó khăn cho họ trong việc học hỏi giáo lý, thường thì họ chỉ được học hỏi thêm nhờ vào các dịp lễ hội lớn. Cộng sản xâm chiếm Tây Tạng, Mông Cổ và các vùng theo Phật giáo ở Nga vào thế kỷ XX, đã mang lại nhiều hậu quả thật thảm hại cho các nữ tu sĩ, kể cả nam tu sĩ và các người Phật giáo thế tục. Chẳng hạn các nữ tu sĩ không mấy khi được theo học các chương trình giảng dạy Phật giáo ở cấp bậc cao và có quyền đứng ra giảng dạy Dharma (Đạo Pháp).
Trong vòng hai mươi năm trở lại đây, dù phải đối đầu với tất cả các thứ khó khăn trên đây, thế nhưng nhiều cải tiến đáng kể trong cuộc sống của những người nữ tu sĩ trong các vùng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây Tạng, cũng đã được thực hiện. Họ tìm mọi cách để được học hỏi giáo huấn và noi theo các thái độ hành xử do Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng như các vị Lạt-ma khác đưa ra, là những người từng được học hỏi Phật giáo trên đất nước Tây Tạng trước khi bị cộng sản xâm chiếm. Nhờ tấm gương của các vị thầy trên đây và đồng thời ý thức được quyền hạn của người phụ nữ, nên các nữ tu sĩ đã bắt đầu bắt tay vào việc soạn thảo các chương trình giảng dạy và thành lập các trung tâm đào tạo dành cho các phụ nữ Phật giáo trong toàn vùng Hy-mã Lạp-sơn. Các chương trình giảng dạy này đã tạo dịp cho người nữ tu sĩ được học về triết học Phật giáo và tham gia vào các cuộc tranh luận. Các nữ tu sĩ Phật giáo Tây Tạng bắt đầu được theo học các chương trình giảng dạy thật nghiêm chỉnh về Phật giáo biện chứng, và hàng năm được tham dự các buổi họp mặt giữa các tu viện và chùa chiền để cùng so tài hiểu biết với nhau, khởi sự trước hết là tại Dharamsala và sau đó đã lan ra các nơi khác, như Nepal và các vùng lân cận của rặng Hy-mã Lạp-sơn. Chùa chiền đầy ắp các nữ tu sĩ, họ chỉ mong được học các kinh điển thật khó. Các chương trình giảng dạy cũng như các sự khích lệ của những người chung quanh đã mang lại nhiều tự tin cho họ, ngày càng có nhiều người biết đến họ và kính nể họ hơn, và ngày nay thì họ đã đủ sức góp phần mình vào việc bảo toàn và quảng bá gia tài Đạo Pháp lưu lại từ ngàn xưa.
Các nữ tu sĩ Phật giáo trong xã hội tân tiến ngày nay
Năm 1987 đã đánh dấu một khúc quanh thật lớn đối với những người phụ nữ Phật giáo, nhất là các nữ tu sĩ. Trong năm này lần thứ nhất họ được vinh dự tham gia hội nghị quốc tế Sakyadhita của những người phụ nữ Phật giáo, hội nghị này chưa bao giờ được tổ chức trước đó. Chủ tâm lo cho người nữ tu sĩ quả là cả một điều sáng suốt, nói lên sự ý thức của mình trước các khó khăn và tình trạng kỳ thị nam nữ mà họ đang phải đương đầu ngày nay. Các nữ tu sĩ tại nhiều nước trên thế giới bị bỏ quên, không đủ ăn, không được chăm sóc sức khỏe và học hành. Các đòi hỏi về giáo dục thật hết sức khẩn thiết đã khiến nhiều nữ tu sĩ tham dự đại hội đề nghị phải đặt giáo dục lên hàng đầu trong các sinh hoạt của hiệp hội Sakyadhita, một tổ chức quốc tế hoàn toàn mới mẻ của những người phụ nữ Phật giáo. Bài diễn văn của Đức Đạt-lai Lạt-ma trước đại hội đã mang lại một vinh dự to lớn cho toàn thể những người phụ nữ Phật giáo, và sự nhấn mạnh của Ngài về tầm quan trọng của giáo dục cũng đã mang lại thật nhiều khích lệ cho họ. Hội nghị lần đầu tiên trên đây của hiệp hội Sakyadhita đã mang lại cho người phụ nữ Phật giáo thật nhiều hăng say, thúc dục họ tham gia vào các công tác cải thiện thân phận của người phụ nữ, nhất là đối với các nữ tu sĩ, dù thuộc tông phái Phật giáo nào. Chủ đích quan trọng nhất của tổ chức Sakyadhita là giúp người phụ nữ Phật giáo trên toàn thế giới được học hành ở các cấp bậc cao nhất, được thụ phong và ý thức được các lý tưởng cao đẹp của Phật giáo (ni sư Karma Lekshe Tsomo tác giả bài viết này, là tiến sĩ triết học, giáo sư của một đại học Mỹ, một người rất nổi tiếng, thế nhưng không phải vì thế mà bà chỉ biết say sưa về những điều vinh dự đó, mà chỉ biết xả thân vì tất cả những người phụ nữ khác trên toàn thế giới. Thiết nghĩ những người phụ nữ - dù là tại gia hay khoác chiếc áo của người tu hành - hãy nên nhìn vào bà như một tấm gương để ý thức về bổn phận mình và thân phận của người phụ nữ trong xã hội ngày nay)
Từ năm 1987 đến nay nhiều cơ chế và chương trình giúp đỡ các nữ tu sĩ Phật giáo đã được khởi xướng. Một mạng lưới quốc tế của những người phụ nữ Phât giáo đã được thiết lập nhờ một số chùa chiền mới được thành lập, các trung tâm ẩn cư cũng như các chương trình nghiên cứu đã mang lại nhiều thuận lợi góp phần vào việc trao đổi các kinh nghiệm hiểu biết cũng như các nguồn tài lực và nhân lực. Các mạnh thường quân tại các nước có nền kinh tế phát triển, nhất là các nữ tu sĩ Đài Loan và các nước khác đã đứng ra giúp đỡ phụ nữ tại các nước đang phát triển, chẳng hạn như thiết lập các chương trình xóa nạn mù chữ, xây cất trường học, các trung tâm dạy thiền, các nhà tạm trú cho phụ nữ, bệnh viện và cô nhi viện. Các nữ tu sĩ tại các nước chưa có truyền thống thụ phong toàn vẹn cho người phụ nữ, cũng đã bắt đầu nhờ các nữ tu sĩ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam thụ phong tỳ kheo ni cho họ (thụ phong chỉ là một nghi thức thế nhưng hết sức quan trọng, bởi vì nếu "tự do" thụ phong không cần đến một sự chứng nhận nào cả, thì khó tránh khỏi xảy ra đủ mọi hình thức "lạm phát", "lợi dụng" và "lường gạt"). Từ năm 1988 đến nay đã có khoảng năm trăm nữ tu sĩ Tích Lan đã được các nữ tu sĩ Triều Tiên và Đài Loan thụ phong toàn vẹn cho họ, và cũng nhờ đó Tăng đoàn Tỳ kheo ni trên đảo Tích Lan đã được tái lập lại. Nhiều nữ tu sĩ Thái Lan, Inđônêxia và các nước Tây Phương cũng đã được thụ phong bằng cách này.
Nhìn về tương lai
Trên dòng lịch sử Phật giáo đã từng xuất hiện nhiều ni sư lỗi lạc, thế nhưng cuộc đời họ thường bị che khuất bởi bóng dáng của các nam tu sĩ. Trong các xã hội Phật giáo phụ hệ, người con trai bao giờ cũng được ưu đãi trong gia đình, nơi trường học (được tiếp tục học cao) và cả trong chốn chùa chiền, trong khi đó thì người con gái phải tranh đấu từng miếng ăn, viên thuốc, chiếc ghế nơi trường học và cả quyền được chọn cho mình cuộc sống trong chốn chùa chiền. Dù may mắn được bước theo con đường tu hành đi nữa, thì người nữ tu sĩ cũng không hề được giúp đỡ tận tình, không được học hành chu đáo và cũng chẳng ai đoái hoài đến họ. Trong vòng hai mươi năm sau này, tình trạng bất bình đẳng giữa các tu sĩ nam và nữ giới đã khiến nhiều người quan tâm, nhờ đó nhiều biến cải cũng đã được thực hiện nhằm sửa đổi tình trạng bất bình đẳng đó.
Các quan niệm đạo đức mới mang tính cách toàn cầu về công bằng xã hội trong thế giới ngày nay đã khiến tình trạng kỳ thị người phụ nữ trong các xã hội theo Phật giáo càng hiện ra như một thứ gì đó đi ngược lại với lý tưởng Phật giáo. Đức Phật thường được xem là biểu tượng của sự bình đẳng xã hội, và Phật giáo là con đường mở ra tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, tầng lớp xã hội hay giới tính. Vì thế không thể nào có thể lảm ngơ được trước sự nghịch lý giữa lý tưởng xã hội nêu lên trong giáo lý Phật giáo và tình trạng bất bình đẳng xảy ra trên thực tế bên trong các xã hội Phật giáo.
Nhằm giúp cho Phật giáo có thể trở thành một động cơ thúc đẩy mang lại một sự biến đổi tích cực cho xã hội ngày nay, thì trước hết những người Phật giáo phải sửa đổi tình trạng bất bình đẳng trong xã hội và cả trong các thể chế, hầu biến cải thực trạng xã hội phù hợp hơn với giáo huấn Phật giáo. Điều đó đối với người phụ nữ có nghĩa là được bình đẳng trong lãnh vực học vấn, thụ phong và học hỏi giáo huấn Phật giáo. Những sự cải tiến đó không phải chỉ mang tính cách tượng trưng, bề ngoài hay giai đoạn, mà phải toàn diện và đích thực. Điều đó có nghĩa là ý thức được một cách cư xử khác hơn đối với người phụ nữ. Nếu muốn nêu lên cho mọi người trông thấy là người Phật giáo luôn hành động một cách chân thật, và giáo huấn Phật giáo thừa sức biến cải xã hội, thì người phụ nữ phải có tiếng nói và quyền hạn được hưởng sự an vui và đạt được sự giác ngộ ngang hàng với nam giới. Những sự biến cải mà những người phụ nữ Phật giáo đã đạt được ngày nay trên toàn thế giới thật hết sức khích lệ và cũng là cả một tia sáng hy vọng soi đường cho những người phụ nữ trong các xã hội khác.
Vài lời ghi chú của người dịch
Ni sư Karma Lekshe Tsomo qua bài viết trên đây đã cho thấy tầm nhìn thật uyên bác, sâu sắc và thấm đượm lòng từ bi của bà, không những đối với các nữ tu sĩ Phật giáo mà cả thân phận của người phụ nữ nói chung trên hành tinh này. Bà kêu gọi các nữ tu sĩ hãy mạnh dạn đòi quyền bình đẳng với các đồng tu nam giới của mình trên phương diện học hỏi, cuộc sống trong chốn chùa chiền cũng như ngoài xã hội. Đồng thời bà cũng kêu gọi tất cả những người Phật giáo nói chung hãy xóa bỏ tình trạng thiếu công bằng và bất công giữa người phụ nữ và nam giới hầu tạo ra một xã hội phù hợp hơn với giáo lý Phật giáo.
Do đó, bất cứ một hình thức kỳ thị nào, qua góc nhìn Phật giáo, đều là kết quả mang lại từ sự nhận định và hiểu biết nhị nguyên và đối nghịch, tức sai lầm, phản ảnh sự vận hành vô minh của tâm thức con người. Thật vậy, vô minh luôn tàng ẩn thật kín đáo phía sau từng xúc cảm, tư duy, tác ý, ngôn từ và hành động của mình mà thường là mình không hề hay biết. Thế nhưng vô minh lại chính là nguyên nhân sâu xa nhất và to lớn nhất mang lại những sự tàn phá nguy hiểm nhất cho từng cá thể, cho xã hội và cả nhân loại. Một trong những sự tàn phá đó là sự kỳ thị, và một trong những hình thức kỳ thị đó là tình trạng thiếu công bằng giữa phụ nữ và nam giới trong xã hội.
Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ giới có thể hình dung dưới hai góc nhìn khác nhau. Góc nhìn thứ nhất liên quan đến "cộng nghiệp". Chúng ta thường chỉ quan tâm đến "biệt nghiệp" bởi vì "biệt nghiệp" liên hệ trực tiếp đến "cái tôi" ích kỷ của mình. Nếu muốn trông thấy cộng nghiệp thì phải có một tầm nhìn thật bao quát. Sinh ra dưới thể dạng nữ giới là kết quả mang lại từ một thể loại "cộng nghiệp" chung cho tất cả những người phụ nữ. Đối với người đàn ông cũng vậy, cũng có một thể loại "cộng nghiệp" đưa đến sự hình thành dưới thể dạng nam giới. "Cộng nghiệp" liên kết với "biệt nghiệp" khiến tạo ra sự đa dạng và phức tạp của các cá thể bên trong mỗi giới. Đôi khi một số "biệt nghiệp" rất mạnh có thể làm biến đổi một số các đặc tính của "cộng nghiệp", chẳng hạn như có những người phụ nữ khỏe hơn, thông minh hơn nam giới, có thể sai khiến và chỉ huy nam giới (nói một cách bình dân là "gà mái đá gà cồ"), hoặc "biệt nghiệp" cũng có thể đưa đến các thể dạng "bất ổn định" rơi ra ngoài các "quy ước", các đặc tính được "hình dung" hay "định nghĩa" một cách máy móc cho nam và nữ giới, chẳng hạn như đồng tính luyến ái hay ái nam ái nữ..., sở dĩ nêu lên chi tiết này là để cho thấy là "Chủ thuyết Sáng Tạo" mang tính cách cứng nhắc và không có giá trị gì cả, và chỉ mang lại sự tàn phá mà thôi.
Tóm lại các thể loại "công nghiệp" trực tiếp tạo ra hai thể dạng nam và nữ đã gián tiếp đưa đến tình trạng bất bình đẳng trong xã hội giữa hai giới tính ấy. Tuy nhiên cũng nên hiểu rằng không phải "cộng nghiệp" chỉ tạo ra sự bất bình đẳng giới tính, mà dưới một số thể loại hay hình thức khác còn tạo ra sự "bất công" giữa các dân tộc, màu da, chủng loại, trong các lãnh thổ, quốc gia và lục địa khác nhau. Nếu sự bất bình đẳng giới tính bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa trong quá khứ tức là nghiệp, thì quá trình hình thành và diễn tiến của nó xảy ra như thế nào trong sự vận hành của thế giới ngày nay của chúng ta? Đó là góc nhìn thứ hai về sự bất bình đẳng giữa nam và nữ giới trên đây.
Nếu muốn tìm hiểu quá trình hình thành của sự "bất bình đẳng" giới tính đó thì phải ngược về lịch sử tiến hóa của xã hội, văn hóa và tín ngưỡng của con người nói chung. Người tiền sử trước hết sinh sống bằng cách nhặt hái, bắt côn trùng và các con thú nhỏ. Họ sống thành đoàn và sự phân chia giai cấp, thứ bậc chưa có hoặc rất mơ hồ. Khi con người biết trồng trọt, chăn nuôi, thì cuộc sống định cư cũng dần dần được tổ chức; làng mạc, các tập thể, bộ tộc được hình thành. Sự phân chia công việc cũng bắt đầu từ đó. Người phụ nữ trồng trọt, chăn nuôi, sinh đẻ và nuôi con,.., người đàn ông săn bắt, bảo vệ ranh giới săn bắt. Các sự tranh chấp bắt đầu hiện ra, đưa đến ẩu đả, lấn chiếm và cướp bóc lẫn nhau. Qua các cuộc ẩu đả và cướp bóc đó vai trỏ của người đàn ông trong tập thể trở nên "nổi bật" hơn so với người phụ nữ chỉ biết chăm lo trồng trọt và nuôi con. Tất cả các hình thức sinh hoạt trên đây của người tiền sử thật ra cũng chỉ xoay quanh miếng ăn và sự sống còn, phản ảnh "bản năng sinh tồn" của con người, tương tự như đối với tất cả các sinh vật khác.
Sự tiến hóa sinh học song song với cuộc sống tập thể ngày càng được tổ chức quy củ hơn, giúp con người trở nên thông minh hơn, và cũng phức tạp và rắc rối hơn. Xã hội và quốc gia được hình thành. Thế nhưng phía sau sự thông minh và cuộc sống được tổ chức thật quy mô đó, bản năng "sinh tồn" vẫn còn nguyên. Việc bảo vệ ranh giới săn bắt và trồng trọt đưa đến tranh chấp và ẩu đả trước kia thì nay là các cuộc chiến tranh toàn diện hơn, ranh giới quốc gia liên tục thay đổi trên dòng lịch sử, sự đồng hóa và diệt chủng diễn tiến không ngừng, thí dụ điển hình và trước mắt là một quốc gia trên Hy-mã lạp-sơn đã bị xóa mất trên bản đồ thế giới, và cách nay không lâu là các phong trào lùa bắt nô lệ và đánh chiếm thuộc địa.
Sự sinh hoạt xã hội trong một quốc gia cần đến những người quản lý và chỉ huy. Những người săn bắt, ẩu đả bảo vệ gia đình, làng mạc, bộ tộc trong thời tiền sử trưóc đây nay là các bậc vua chúa, các nguyên thủ quốc gia, tướng lãnh, sĩ quan trong quân đội. Hầu hết họ là đàn ông, thật vậy trong lịch sử nhân loại không mấy khi có vua đàn bà. Trên dòng lịch sử đó, không gian của người đàn bà lúc nào cũng chỉ là gia đình, gian bếp, rộng lắm là khu vườn hay thửa ruộng. Trong các nước văn minh ngày nay, dù người đàn bà được tự do và "ra ngoài" nhiều hơn, thế nhưng thường cũng chỉ là để lái xe đi mua sắm ở siêu thị và đưa con đi học.
Việc quán xuyến gia đình thật ra đối với người phụ nữ cũng chỉ là những gì phụ thuộc, bởi vì người phụ nữ còn giữ một vai trò khác chủ yếu hơn nhiều: đó là sự "tạo giống". Người phụ nữ sinh con đẻ cái, nuôi nấng, dạy dỗ từng đứa con một. Thời gian thai nghén rất dài, đứa hài nhi cũng cần thời gian để tập đứng, tập đi và lớn khôn. Xương sọ của đứa hài nhi khi mới sinh rất mềm và hở (mỏ ác) giúp bộ não tăng trường, do đó thời gian bú mớm và bồng bế cũng rất dài. Tiếp theo là giai đoạn ấu thơ và vị thành niên giúp đứa trẻ học hỏi, bắt chước và phát triển trí thông minh. Các đặc tính này là những gì đặc thù của giống người và cũng là một gánh nặng trên vai người phụ nữ qua vai trò "tạo giống". Trong khi đó người đàn ông giữ vai trò "gieo giống", thì chỉ cần… vài phút là xong. Sự "tạo giống" giam người phụ nữ trong khung cảnh gia đình; sự "gieo giống" thúc dục người đàn ông tìm đủ mọi cách gieo giống của mình tối đa và do đó đã mang lại cho họ các xu hướng tạo ảnh hưởng của mình trong môi trường xã hội. Dầu sao thì sự "phân công" trên đây cũng thật hết sức thiệt thòi cho người phụ nữ trên đủ mọi phương diện, và cũng có thể nói là một hình thức "bất công" do thiên nhiên "tạo ra". Dưới góc nhìn của Phật giáo thì sự "phân công" rất "bất công" đó cũng chỉ là hậu quả mang lại từ sự vận hành của nghiệp. Thế nhưng sự "bất công" ấy không những chỉ đơn giản đưa đến tình trạng "bất bình đẳng" giữa nam và nữ mà còn mang lại thật nhiều những hậu quả khác. Người đàn bà tay xách nách mang, trở nên kiên nhẫn và chịu đựng hơn, ý thức được là mình phải yêu thương nhiều hơn. Trong khi đó thì người đàn ông năng động và chinh phục hơn, hướng vào môi trường bên ngoài nhiều hơn, thế nhưng đôi khi đấy cũng là cách mà người đàn ông mang lại nhiều hậu quả vô cùng tại hại, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, trật tự và đạo đức xã hội và cả lương tâm con người.
Không có một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử nhân loại mà lại không có việc hãm hiếp đi kèm. Trước đây những đứa con lai được đưa bằng tàu thủy về mẫu quốc, và gần đây hơn là việc xuất cảnh theo "diện" con lai. Suốt hai đời thống thống liên tiếp của một cường quốc ở Âu Châu thì hết bà này đến bà nọ, các vị tranh cử Tổng Thống của một nước khác trên lục địa Mỹ Châu thì dắt vợ ra khoe. Những gì trên đây cho thấy người phụ nữ dù ở vào vị thế nào cũng đều giữ một vai trò thứ yếu và lệ thuộc. Các "đức tính" nhẫn nhục, cam phận và chịu đựng của họ đôi khi còn được gọi một cách trá hình là "tình mẫu tử". Nói chung sự "phân công" "bất công" đưa đến các hình thức "bất-bình-đẳng" giữa nam và nữ trên đây bắt nguồn rất sâu xa, từ sự tách biệt - mà Phật giáo và triết học gọi là nguyên lý nhị nguyên và đối nghịch - phát sinh từ bản năng "truyền giống" của con người và muôn thú.
Tóm lại bản năng "sinh tồn" và "truyền giống" tạo ra tình trạng bất bình đẳng - nói một cách khác là sự kỳ thị - giữa nam và nữ trong cộng đồng xã hội và nhân loại. Nếu trở lại với chủ đề đang bàn thảo là sự bất bình đẳng trong lãnh vực tâm linh, thì có những sự kỳ thị và bất công như thế nào? Tín ngưỡng và tôn giáo có mang tính cách bản năng hay không? Nếu có thì "bản năng" ấy có khác biệt giữa nam và nữ hay không?
Bản năng sinh tồn phát sinh từ những đòi hỏi cấp bách của cái đói, và bản năng truyền giống từ các tác động và thúc dục của các kích thích tố dục tính trong cơ thể. Trong khi đó bản năng tín ngưỡng - có thể gọi một cách tổng quát hơn là bản năng "tâm linh" - thì kín đáo, phức tạp và khó nhận biết hơn so với bản năng "sinh tồn" và "truyền giống".
Trong thời kỳ bán khai và tiền sử, con người rất sợ hãi trước thiên nhiên (sấm sét, động đất, cháy rừng, đêm tối, lụt lội, mưa bão... gây ra kinh hoàng và chết chóc nhưng họ lại không biết nguyên nhân và lý do từ đâu), và các xúc cảm khác bên trong tâm thần (hoang mang và sợ hãi khi nhận thấy các sự đau đớn, thương tích, bệnh tật và cái chết). Bản năng "tâm linh" phát sinh từ các sự hoang mang và sợ hãi đó, nếu nói một cách dễ hiểu, cụ thể và trực tiếp hơn thì đấy là bản năng "sợ chết". Những sự hoang mang, lo âu và sợ hãi trước cái chết, xuyên qua các xúc cảm và sự tưởng tượng của con người, đã tạo ra các hình thức "đức tin" như là một giải pháp trấn an. Thế nhưng đồng thời thì "đức tin" và sự "trấn an" đó cũng lại làm phát sinh ra các thể dạng nhị nguyên đối nghịch với nó, tức là những sự sợ hãi khác (trắng đối nghịch với đen, nếu không có đen thì cũng sẽ không có thể có trắng được; Thượng Đế đối nghịch với ma quỷ, Thượng Đế cần có ma quỷ để biểu dương sức mạnh của mình; thiên đường cần có địa ngục, bởi vì nêú không có địa ngục thì thiên đường không mang một ý nghĩa nào cả; đức tin cần có sự sợ hãi v.v.). Nếu không muốn sợ hãi ma quỷ, thì phải dựa vào Thượng Đế, nếu không muốn xuống địa ngục thì phải tưởng tượng ra thiên đường. Do đó ma quỷ, thần linh, Thượng Đế... hiện ra dưới đủ mọi hình thức và đông vô kể. Đó là bước đầu của sự hình thành của tín ngưỡng và tôn giáo.
Các sự hoang mang, sợ hãi, đức tin... trong tâm thần, các sự đau đớn, già nua, bệnh tật trên thân xác, trông thấy cái chết xảy ra chung quanh là những kinh nghiệm cảm nhận hoàn toàn giống nhau giữa nam và nữ. Thế nhưng sự bình đẳng "giới tính" đó dần dần bị sự trên trước có sẵn của người đàn ông trong các lãnh vực thuộc bản năng "sinh tồn" và "truyền giống" làm cho mất đi. Nếu các sự phân công trong các lãnh vực "sinh tồn" và "truyền giống" mang lại nhiều thiệt thòi cho người phụ nữ, thì sự bất-bình-đẳng trên phương diện "tâm linh" gây ra nhiều tệ hại trầm trọng hơn thế nữa cho họ: đó là sự khinh miệt người phụ nữ xảy ra trong hầu hết các tín ngưỡng và tôn giáo (chỉ có thể làm ni cô, bà phước, bà sơ nhưng không thể làm "thầy" hay làm "mẹ" người khác được).
Người đàn ông tạo ra miếng ăn cho gia đình và xã hội (bản năng sinh tồn), bảo vệ gia đình và lãnh thổ (bản năng truyền giống), nhưng đồng thời cũng lợi dụng cả bản năng sợ chết (tâm linh) để cũng cố và làm gia tăng thêm uy quyền và sự trên trước của mình. Trên bình diện tổng quát thì lịch sử nhân loại cũng chỉ xoay quanh những các khía cạnh ấy. Lịch sử Âu Châu đơn giản là một sự thống trị và tranh dành quyền lợi của người đàn ông dựa vào các hình thức cấu kết giữa vương quyền và thần quyền: vua chúa nhân danh Trời để cai trị. Lịch sử Á Châu cũng chẳng khá hơn gì, cũng chỉ là sự cai trị của vua chúa tự xưng mình là con trời (thiên tử) để thống lãnh thiên hạ. Tóm lại bất cứ ai trên hành tinh này sợ Trời (bản năng sợ chết) thì phải sợ họ (những người đàn ông - không mấy ai sợ đàn bà).
Thật vậy nếu nhìn thật gần thì Trời, Thượng Đế, Đấng Toàn Năng, Đấng Sáng Tạo hay Ngọc Hoàng Thượng Đế thì hầu hết toàn là nam giới, kể cả ma quỷ, thần linh đủ loại. Những người đại diện họ để thống trị xã hội loài người cũng hầu hết toàn là là nam giới (vua, chúa, tổng thống, các vị lãnh đạo tinh thần, tướng lãnh, quan tòa, cai ngục, đao phủ...). Người phụ nữ làm vua duy nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử Á Châu là bà Vũ Tắc Thiên của Trung Quốc dưới thời nhà Đường, một phụ nữ vô cùng thông minh, mưu lược và tàn ác, thế nhưng cũng từng bị cạo đầu và nhốt vào chùa làm ni cô. Nói chung thì trong lịch sử nhân loại, người phụ nữ cũng chỉ có giá trị như một mảnh sườn của người đàn ông, các ni cô lục đục trong bếp của nhà chùa, hay đám cung tần mỹ nữ trong hậu cung, nếu vua "băng hà" và nếu may mắn thì được thả về với cha mẹ, nếu không thì cũng bị cạo trọc và cho vào chùa. Trong nhiều quốc gia khác người phụ nữ nếu bị kết án là phù thủy hay ngoại tình thì sẽ bị ném đá đến chết. Ngày nay vị thế của người phụ nữ tuy có phần cải thiện hơn, tại các nước phát triển người phụ nữ có số điện thoại riêng để gọi cảnh sát nếu bị chồng tát tai hay đập chén đĩa. Thật ra số điện thoại ấy không nói lên một sự bình đẳng nào cả mà chỉ là một cách hiển nhiên cho thấy vị thế yếu kém của người phụ nữ mà thôi. Dưới mọi hình thức và trong mọi bối cảnh người đàn ông và xã hội phụ hệ đã đặt người phụ nữ vào một vị thế thấp kém và bất công.
Thế nhưng nếu nhìn lại thì hóa ra Đức Phật cũng là nam giới, thế nhưng Ngài là một nam giới đã từ bỏ uy quyền, sự sung túc (bản năng sinh tồn), từ bỏ vợ con, cung tần mỹ nữ (bản năng truyền giống) hầu tìm cách vượt lên trên sự già nua, ốm đau và cái chết (bản năng sợ chết). Sự "dừng lại" (nirodha) đó đã giúp Ngài vượt lên trên tất cả ba thứ bản năng ấy. Ngài không còn là nam hay nữ, không còn là một hoàng tử, một người chủ gia đình, một gã ăn mày khất thực từng ngày, cũng không phải là một vị giáo chủ. Ngài chỉ đơn thuần là Trí Tuệ mà thôi.
Dù rằng giáo huấn của Đức Phật không hề chủ trương sự kỳ thị giới tính, thế nhưng chính Ngài cũng đành phải chịu thua. Tăng đoàn nữ giới do Ngài thành lập suy tàn dần. Một vài người phụ nữ hiếm hoi ngày nay như Tenzin Palmo, Jampa Tsedroen, Karma Lekshe Tsomo..., đứng lên nêu cao sự bình đẳng nam nữ và kêu gọi các nữ tu sĩ và những người phụ nữ thế tục hãy mạnh dạn tranh đấu cho sự bình đẳng đó.
Thật vậy cho đến nay xã hội chỉ khai thác một nửa nhân lực của con người. Một nửa nhân loại mang các phẩm tính thương yêu, nhân từ, cần cù và độ lượng (đôi khi cũng rất dễ thương) bị hạ thấp giá trị, phải nhịn nhục, chịu đựng và cam phận. Nếu tất cả những người phụ nữ được bình đẳng với nam giới, các nữ tu sĩ Phật giáo được kính trọng ngang hàng với các nam tu sĩ, và tất cả những người phụ nữ của các tín ngưỡng khác cũng có quyền rửa tội cho người khác - kể cả nam giới - và có quyền đại diện Thượng Đế nói lên những lời thần khải, với tình thương yêu và sự tha thứ từ trong đáy tim mềm yếu của mình, thì biết đâu nhân loại cũng sẽ bớt đi một nửa tội lỗi, gia đình sẽ hạnh phúc gấp đôi, xã hội sẽ bình đẳng thật sự hơn, con người sẽ ít chém giết nhau và địa cầu sẽ hòa bình hơn. Mong lắm thay.
Vậy cũng mong rằng những người phụ nữ Phật giáo sau khi đọc xong bài viết này của ni sư Karma Lekshe Tsomo thì cũng không nên chỉ biết quay ra tất tả với việc bếp núc, mua sắm quần áo, la rầy con cái, xem phim Hàn Quốc và hát karaoke..., mà phải ý thức được trọng trách của mình trước hoàn cảnh và thân phận của những người phụ nữ khác trên quê hương mình và cả những nơi khác trên toàn thế giới, đang bị chà đạp, khinh thường và ngược đãi, và biết đâu trong số họ có cả chính mình?
Venerable Karma Lekshe Tsomo Hoang Phong chuyển ngữ
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|