Chi tiết tin tức

Khất sĩ

19:32:00 - 29/03/2016
(PGNĐ) -  Chính Phật là Vô thượng sĩ, là ông thầy giáo có sự học không ai hơn! Còn Tăng là Khất sĩ, là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ; học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò; học với tất cả chúng sanh, vạn vật, các pháp; học với Phật Pháp Tăng ba đời; học từ xóm làng tỉnh xứ đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh; học nơi chữ viết, nghe lời nói; học bằng lo lắng nghĩ ngợi; học nơi sự thật hành; học nơi cỏ, cây, thú, người, trời…

… Muốn học, không phải ở một chỗ, mà cần phải bước lên đi tới, phải đi theo thời duyên cảnh ngộ, của nước gió không ngừng chớ đừng cố cượng. Vì chính sự ở một chỗ, giữ một bài, một lớp là khổ não, vô minh, si mê thất học. Càng đứng ngồi nằm một chỗ, càng thấy nóng nảy sân hờn, và lại bụi lấp xấu dơ, tham lam đen nặng. Vậy muốn được học, nếu là kẻ thật học, thì phải ra người Khất sĩ khó hèn, để hạ lòng tự cao dốt nát, đặng rèn nuôi chí nhẫn, và thong thả học hành, ngao du thiên hạ. Vừa là tự mình đi tới, và dắt lần kẻ khác cùng theo, cho đúng theo lẽ trước sau thời gian khách tạm vô thường vô ngã…

… Tiếng “Khất” có nghĩa là xin, lẽ xin là chơn lý của võ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vạn vật để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí. Ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy, hoặc đi xin, hoặc đứng xin, hoặc ngồi xin, hoặc nằm xin, hoặc ở một chỗ xin, hoặc đi cùng khắp xứ xin. Xin cái ác, xin điều thiện; xin quả người trời Phật; xin vật chất, xin tinh thần; xin địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… Đất xin nước, đất mới sống khỏi chết khô; cỏ cây xin đất nước mới sanh chồi mọc nhánh. Thú xin đất nước cỏ cây, mới có đi chạy. Người xin thú cỏ cây đất nước lửa gió mới có nói làm. Trời xin người thú cỏ cây tứ đại, mới sanh thức trí…

… Chính sự xin Pháp bảo để ăn, xin lòng tốt của người để sống, xin vật thiện để dùng, cái xin ấy mới ích lợi cho đời hơn hết, thiện chớ không phải ác… Tất cả chúng sanh, ai cũng là thiếu sót những cái cần xin, dầu nhiều dầu ít, đều phải xin lẫn nhau trong hàng ngày.

… Giáo lý ăn xin để dứt bỏ cái ta độc ác khổ não mà sống theo lẽ vô thường, tiến hóa như vầy: Ta sống giúp cho tất cả, và tất cả sống giúp cho ta, như là một thân thể to lớn liền lạc, như bàn tay làm việc chùi lau cho cả cơ thể, chớ nó không tự rờ rẫm săn sóc lấy nó được; con mắt ngó xem ra khắp nơi, mà không hay thấy nó; miệng ăn cho bao tử nuôi thân, chớ chẳng bao giờ giữ lại miếng ăn nơi mồm ngậm… Nghĩa là cả cơ thể đều làm việc cho nhau, sống cho nhau, nếu một bộ phận đứt riêng rời là khắp nơi đau đớn, và lần hồi chết hết…

… Chỉ có Khất sĩ là kẻ xin bằng tâm, cái xin cao thượng trong sạch hơn hết, tự người hảo tâm cho chớ không điều ép buộc. Khất sĩ đi xin để răn lòng tội lỗi. Đi xin để đền nghiệp cũ, đặng sớm nghỉ ngơi, mau hết vốn lời. Đi xin để nhịn nhường bố thí của cải lại cho chúng sanh. Đi xin để làm gương nhơn quả tội lỗi cho chúng sanh ngừa tránh. Đi xin để có thì giờ ăn học. Đi xin để giáo hóa chúng sanh. Đi xin để không tự cao dốt nát, danh lợi sắc tài. Đi xin để giải thoát phiền não, và để un đúc tâm hồn, rèn luyện chí hướng, tập sửa bản năng. Có đi xin mới có từ bi hỷ xả, trí huệ thông minh, cõi lòng mát dịu, rộng mở bao la, lặng yên sạch sẽ. Có đi xin ăn học mới là thiện, kẻ không đi xin thất học là không thiện. Người đi xin ăn học, quý hơn kẻ ở học một chỗ, học có người nuôi, thiện hơn là người tự nói làm ác quấy để ăn học. Có đi xin mới học được chơn lý, là môn học quý nhứt, hơn các lối học khác mênh mông. Chỉ có chơn lý mới là đường đi ngay, mới tạo nên người thật học, được học đúng đắn vĩnh viễn.

… Khất sĩ đi xin ăn mà chẳng than van, không có gì hết mà chẳng than nghèo; đầu trần chân không, đội trời đạp đất, sương màn cỏ chiếu mà chẳng bao giờ chán nản. Khất sĩ khuyên lơn người giàu, an ủi người nghèo, làm gương không không, tránh khổ cho người giác ngộ. Khất sĩ cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, để dấu hoa sen không ô nhiễm vào nơi trí óc tâm người, vạch hàng chữ đạo nơi cửa ngõ đường đi, khoe sự tốt đẹp của giới hạnh, nhắc nhở sự yên úy đến cho người.

… Giữa cõi đời ly loạn, giữa đêm mờ tối, đầy thú dữ quỷ ma, thì Khất sĩ là kẻ dẫn đàng sanh lộ cứu người giải thoát. Thần vật chất, ma cám dỗ, quỷ dọa nạt không bao giờ hại được người Khất sĩ, bởi Khất sĩ ví như kẻ già, đui điếc, ngọng câm, nghẹt hơi, nên không còn biết gì lo sợ.

… Có ăn xin mới dứt được cái ăn ác tà trong vạn kiếp. Có ăn xin mới chỉ rõ lỗi được kẻ gian hung. Có ăn xin mới ra người lương thiện, mà kẻ đời thường gọi rằng: Văn thiện ngôn tắc bái, kiến thiện sĩ tắc cung. Chỉ có Khất sĩ mới là trung đạo giữa vua quan giàu sang với tôi dân nghèo khó. Khất sĩ không phải dốt nát mê muội, ác hung tà xảo như người khất cái. Bởi khất cái là hạng mạt lưu, còn Khất sĩ là bậc tối thượng vô song, vậy nên dầu những ai có hành được chơn lý một hai ngày, thì cũng khá hơn là người còn nhiều tội nghiệp.khat-si-anh-to-su

… Trong đời khốn khổ, Khất sĩ là bậc đại hiền, như cây cao bóng mát. Giáo lý Khất sĩ như tàu bè, xe cộ, cứu vớt chở chuyên, chúng sanh bao nhiêu cũng không chìm nặng. Lời nói của Khất sĩ như nước ao trong mát, như rồng phun rưới mưa hoa. Đạo của Khất sĩ như bờ đê ngăn nước, như vách tường, núi đá, biển to sông rộng. Tâm của Khất sĩ như mặt nước phẳng bằng. Ý của Khất sĩ như nước loãng nhẹ lưu thông, dầu ai có múc tát đi đâu, thì ý nước bao giờ cũng trở về với nước. Tánh của Khất sĩ là nước sạch mát trong, là lòng quân tử. Chính sự xin ăn để tu cùng học, bốn biển làm nhà, chín châu lập nghiệp, mới phải là đạo người quân tử trượng phu.

Đạo Khất sĩ không phải là mới, nói cho đúng: ai ai cũng là Khất sĩ cả thảy.

… Khất sĩ cũng như một ông thầy giáo dạy học cho bá tánh, chẳng lãnh tiền lương, dầu dạy ít dạy nhiều, không hề kể công so của, quý nhứt là gương hiền đạo đức, gương giới hạnh, gương từ bi đại lượng ở đời.

… Đạo Khất sĩ là chơn lý Chánh pháp của trường võ trụ, là đạo Bát chánh Niết-bàn, không bậc hiền thánh nào dám khinh rẻ, không kẻ quỷ ma nào được thấu đạt, chánh giáo cao siêu hơn hết. Kẻ hành đúng sẽ thành Phật. Người hành trật sẽ làm ma. Thật là quý nhứt trong đời. ■

 

TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG (HỆ PHÁI KHẤT SĨ )

Nguồn: Chơn lý Khất sĩ, Chơn Lý tập 1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2004

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 195

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin