Chi tiết tin tức

Đọc tụng kinh Pháp hoa đúng pháp

10:51:00 - 30/07/2015
(PGNĐ) -  Nương vào văn tự để thâm nhập nghĩa lý kinh, thể hiện thành lời nói và hành động khiến mọi người an vui gọi là Pháp hoa tâm, Pháp hoa hạnh.

Hôm nay là ngày húy nhật lần thứ 18 của Hòa thượng viện chủ Huệ Sanh, tôi đốt hương tưởng nhớ người bạn năm xưa và theo sự cung thỉnh của thầy trụ trì, tôi xin chia sẻ cùng Tăng Ni, Phật tử trên bước đường cầu Chánh pháp của Phật.

Ngược dòng lịch sử trở về quá khứ, khi Phật thành Vô thượng Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng, Ngài thuyết kinh Hoa nghiêm, nhưng chỉ có chư Phật hiểu và các vị Bồ-tát từ Thập địa trở lên mới có thể lãnh hội.

Hàng Nhị thừa trở xuống không biết, vì trí giác của Phật thành đạo là đỉnh cao của tâm linh, nên khi đó, Phật thuyết trong thiền định. Kinh Nguyên thủy diễn tả là Phật yên lặng không nói. Theo kinh Đại thừa, không nói là nói, tức Phật không sử dụng ngôn ngữ, nhưng Ngài sử dụng pháp âm.

Về mặt ngôn ngữ thì còn trong vòng tương đối. Vì vậy, có nhiều người sử dụng ngôn ngữ để truyền bá pháp Phật, nhưng ngộ được giáo pháp thì ít người được. Pháp ngữ quan trọng và muốn nhận được pháp ngữ, cần nương vào ngôn ngữ, văn tự. Nhưng nếu kẹt nhiều vào ngôn ngữ, văn tự, chắc chắn không thể đạt kết quả tốt.

Khi Phật Niết-bàn, Ngài mới thuyết kinh Pháp hoa. Thời pháp đầu tiên là kinh Hoa nghiêm và kết thúc là Pháp hoa, Phật cũng trở về trạng thái yên lặng, mới có pháp chân thật. Ở khoảng giữa, Phật nói kinh A-hàm, Phương đẳng, Bát-nhã. Chỉ có Phật giáo Đại thừa mới ghi nhận điều này và ý này được Thiên Thai Trí Giả đại sư phán giáo năm thời kỳ như vậy.

Còn Phật giáo Nguyên thủy không ghi nhận năm thời kỳ Phật nói pháp theo Đại thừa, mà chỉ ghi nhận rằng Phật thuyết Tứ Thánh đế lần đầu ở Lộc Uyển và có năm Tỳ-kheo đắc La-hán. Từ đó mới có giáo pháp trên thế gian và trong suốt thời gian dài, Phật giáo hóa độ sanh cho đến Phật Niết-bàn ở Sa la song thọ là đầy đủ một đời Phật thuyết pháp.

Kinh Nguyên thủy chỉ ghi nhận như vậy và mở thêm cho chúng ta thấy khi các Tỳ-kheo tập hợp, có Di Lặc xuất hiện. Di Lặc hành Bồ-tát đạo và ngài được Phật Thích Ca thọ ký thành Phật. Các Tỳ-kheo khác, hay tất cả mọi người chỉ hành Thanh văn đạo, đạt đến quả vị cao nhất của Thanh văn là A-la-hán.

Điểm này mở ra hướng mới cho người tu Đại thừa đi sâu tìm giáo nghĩa. Các người tu theo Nam truyền Phật giáo đều công nhận Phật Thích Ca và Di Lặc do hành Bồ-tát đạo mà thành Phật. Còn Tăng Ni tu Thanh văn đạo không thành Phật. Vì hành Bồ-tát đạo đòi hỏi năng lực siêu nhiên, cho nên Thanh văn không dám nghĩ đến, huống chi là làm, đương nhiên không thể làm được; đó làm điểm khác biệt giữa Thanh văn và Bồ-tát. Di Lặc làm gì mà được Phật giáo Nguyên thủy công nhận làm Phật, nghĩa là hơn Thánh Tăng.

Theo Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Đại thừa cũng đều ghi rằng Phật đến dòng sông Ni Liên ném bát xuống. Ngài phát nguyện rằng nếu Ngài đắc Vô thượng Bồ-đề, cho bát này trôi ngược dòng về nguồn. Và chư Thiên đã đỡ bình bát, đưa về nguồn.

Trên bước đường tu, điều này là ấn chứng rất quan trọng, không phải tu là được. Nếu không có chư Thiên hộ trì, khó đạt tới điểm tối hậu. Riêng chúng ta nếu được chư Thiên hộ trì, mới hành Bồ-tát đạo được.

Khi Phật xuất gia, từ bỏ gia đình, quyến thuộc, chỉ còn một thân, một bát, một y, Ngài vào rừng ẩn tu. Thời gian này là tu Thanh văn đạo, ẩn cư, ẩn tu, tức xuất gia, tu cho chính bản thân mình và đến thời cuối cùng, chấm dứt Thanh văn đạo là đắc Thánh quả A-la-hán.

Chúng ta phải trải qua Thanh văn đạo, chứng A-la-hán và từ tâm thanh tịnh của La-hán phát tâm Đại thừa hành Bồ-tát đạo, mới có nguyện độ sanh.

Giai đoạn một, xuất gia là phải lo phần mình, gọi là tự độ. Vì vậy, Phật nói rằng Ngài đi tìm con đường cứu độ chúng sanh và tìm được, mới phát tâm cứu chúng sanh. Và Ngài phát nguyện ném bát xuống sông, xem mình hành Bồ-tát đạo được không.

Theo dấu chân Phật, ngày nay, chúng ta muốn làm việc lớn cũng có phát nguyện xem có ứng hay không, không ứng thì không làm được. Riêng tôi, muốn làm gì là nguyện và tôi làm thí nghiệm xem việc này có thành không. Ngày xưa, người ta có truyền thống, trong chùa có hai thanh tre, đối trước bàn Phật, hay bàn Tổ, hoặc cầu thần thánh, báo ứng xem việc được hay không, bằng cách ném hai thanh tre lên, nếu một thanh ngửa, một thanh úp là được. Hoặc dùng hai đồng xu ném lên, một đồng úp, một đồng ngửa là thần thánh chứng.

Phật ném bát xuống sông. Bát bằng đất mà rớt xuống sông thì phải chìm, nếu không chìm cũng phải trôi xuôi dòng, nhưng bát của Phật ném xuống sông chẳng những không chìm, mà bát nổi lên và trôi ngược dòng về nguồn.

Tôi nhận ra ý này rằng hành Bồ-tát đạo thật gian nan. Tìm giải thoát cho mình thì dễ, nhưng làm cho người hiểu mình, làm cho họ giải thoát được và có kết quả như mình, khó vô cùng. Thí dụ tôi hoằng pháp trên ba mươi năm, đào tạo không biết bao nhiêu giảng sư. Mong họ làm như tôi, nhưng quả thật khó quá, mỗi người đều làm theo họ, không làm như mình được.

Vì vậy, hành Bồ-tát đạo, độ chúng sanh rất khó. Ngược dòng sinh tử, lên Niết-bàn không đơn giản. Vì vậy, trong kinh Pháp hoa, phẩm 11, tháp Đa Bảo xuất hiện, Phật nói lúc này mới có kinh Pháp hoa. Ai muốn phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo trong tương lai thì lúc này nên phát nguyện. Như vậy, từ phẩm 1 đến phẩm thứ 10 chưa có kinh Pháp hoa, vì Phật nói đến phẩm thứ 11 mới có kinh Pháp hoa, nhưng chúng ta cũng không thấy kinh Pháp hoa. Và Phật nói tiếp phẩm Trì thứ 13 và phẩm An lạc hạnh thứ 14, chúng ta cũng không thấy kinh Pháp hoa.

Trở lại vấn đề thọ ký, theo Phật giáo Nguyên thủy, Phật chỉ thọ ký Di Lặc thành Phật. Và Phật Niết-bàn, Ngài giao y bát cho Ca Diếp, bảo rằng Ca Diếp giữ y, đến khi Di Lặc hạ sanh thì giao y cho Di Lặc. Ca Diếp nhận sự huyền ký này xong và nhận y rồi, ngài đứng trước núi Kê Túc chắp tay nguyện, núi tự mở ra và ngài bước vào, núi tự khép lại. Ngài ở trong núi Kê Túc chờ Đức Di Lặc ra đời. Vì vậy, ngày nay, chúng ta tu Thanh văn, chỉ giữ y bát.

Muốn hành Bồ-tát đạo, chúng ta phải phát nguyện. Trong kinh Pháp hoa, phẩm thứ 3 và các phẩm kế tiếp, Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất, Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Phú Lâu Na, năm trăm vị La-hán và A Nan, La Hầu La cùng hai ngàn vị từ Sơ quả đến Tam quả, đều sẽ thành Phật. Như vậy, Phật thọ ký cho các vị Thánh Tăng thành Phật.

Phật thọ ký cho hàng Thanh văn xong, mở cánh cửa cho chúng ta tu Pháp hoa, nhưng chúng ta nghĩ Thánh Tăng được Phật thọ ký, thì chúng ta không được sao. Đến phẩm thứ 10, Phật mở cánh cửa rộng thêm nữa để chúng ta có điều kiện tham gia và Ngài thọ ký cho tất cả mọi người: “Tất cả Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên long Bát bộ, người cầu Thanh văn, người cầu Bồ-tát, hay cầu Phật đạo, mà ở trước Phật nghe kinh Pháp hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ, Ta đều thọ ký Vô thượng Bồ-đề”.

Đến đây, Phật bắt đầu thọ ký cho những người đương cơ. Khi Phật tại thế, người đến dự hội Pháp Hoa, Phật thọ ký cho họ, nếu phát tâm hành Bồ-tát đạo, độ chúng sanh.

Chúng ta sanh cách Phật mấy ngàn năm, cũng được Phật thọ ký. Thật vậy, trong câu tiếp theo, mới có phần thọ ký cho chúng ta: “Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép Diệu pháp liên hoa, phải biết người này đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì thương nhân gian mà sanh lại đời. Nếu ai chê họ, tội còn nặng hơn hủy báng Tam bảo. Còn ai khen ngợi thì được công đức vô lượng vô biên, vì kinh này là bí yếu của Phật.

 “Sau Phật diệt độ, nếu ai thọ trì, thì được chư Phật hộ niệm, có đức tin lớn, chí niệm bền vững và được gần Phật, được Phật thọ ký…”.

Qua đoạn kinh trên, chia ra ngũ chủng Pháp sư là năm hạng người được thọ ký. Vì vậy, nếu chúng ta có thực tập theo Phật dạy và có niềm tin vững mạnh ở Phật, sẽ được thọ ký.

Riêng tôi, sáu mươi năm trước, tôi nhận được bộ kinh Pháp hoa do Hòa thượng Đạt Dương tặng cho. Tôi đã chuyên tâm thọ trì kinh này.

Một là đọc tụng kinh, ai cũng làm được. Có người nghĩ rằng tụng kinh suốt đời mà không được gì. Điều này chúng ta nên cân nhắc. Mới ban đầu, ai cũng phải đọc kinh, sau là tụng kinh, nghĩa là đọc nhiều lần mới hiểu từng chữ từng câu, từng ý. Tôi hiểu kinh Pháp hoa nhờ trải qua quá trình miệt mài tụng kinh này lâu dài.

Người thấp nhất chỉ đọc kinh, nhưng mới có niềm tin thôi, chưa hiểu nghĩa lý kinh. Và nếu cảm thấy thích thì đọc nhiều lần gọi là tụng, cho đến trở thành thói quen tụng kinh. Ngày nào không tụng kinh có cảm giác thiếu hụt và thấy bất an. Còn tụng kinh mỗi ngày thấy an vui và công việc được dễ dàng, đó là kết quả đầu tiên của việc tụng kinh. Cũng như không ăn thấy đói, không tụng kinh thấy thiếu, thì biết kinh là thức ăn của tinh thần mình, là thức ăn của Pháp thân Bồ-tát.

Nhờ tụng kinh lâu, Pháp thân hiện ra, không vướng bận với thực phẩm nữa. Đạt được thành quả như vậy, chúng ta cần tụng kinh hơn là ăn và tụng kinh, quên cả đói là biết Pháp thân Phật đã hiện vào tâm mình và biết Hộ pháp Long thiên bắt đầu che chở mình, giúp mình thoát khỏi nạn tai để hành Bồ-tát đạo.

Tôi có kinh nghiệm này. Nhớ lại năm 1963, tôi tham gia phong trào tranh đấu của Phật giáo, tôi bị bắt vô tù và trải qua những chỗ rất nguy hiểm. Nhưng tôi tới đó, không thấy nguy hiểm. Lúc đó, tôi sẵn sàng chấp nhận tai họa giáng lên mình và nghĩ rằng nếu được chết vì đạo cũng vui. Và tôi tới chỗ khó khăn khác, lại có may mắn khác. Họ đưa tôi tới Tổng nha được coi là địa ngục trần gian. Trong phòng nhỏ, họ nhốt mấy chục người, không ai mặc áo và ngồi chung quanh một thùng phân. Đến trước phòng đó, họ định đẩy tôi vô, nhưng tự nhiên họ cảm thấy nặng lòng sao đó, nên không đẩy tôi vô, bảo tôi đứng ở ngoài và khóa phòng lại, rồi nói rằng chắc thầy ở đây không được! Đầy người rồi, không vô được. Thầy ngồi đây, đừng đi đâu nhe.

Theo tôi, quyết tâm tu hành, sẽ có may mắn ngoài sức hiểu biết bình thường. Trước mắt, rõ ràng tai họa có thể giáng lên mình, nhưng tự nhiên, mình lại thoát nạn một cách dễ dàng, không thể tưởng nổi. Vì vậy, tôi tin chắc có Phật hộ niệm, có Hộ pháp Long thiên gia hộ cho mình trên bước đường tu. Chúng ta chưa làm nổi như Phật là ném bát trôi ngược dòng sông, nhưng được an lạc, nhờ niềm tin kiên cố ở Phật.

Tôi nhớ lại xưa kia Hòa thượng Trí Hữu ở chùa Ấn Quang, ngài đốt rụng ngón tay, sau khi trì xong bộ kinh Pháp hoa. Tôi hỏi ngài có nóng không, có đau không. Hòa thượng nói nếu nóng, đau thì làm sao dám đốt. Ngài chuyên tụng kinh Pháp hoa, tạo thành lực gia trì khiến chùa Ấn Quang trở thành Phật học đường Nam Việt đào tạo nhiều bậc Tăng tài. Phải nói đó là công đức lớn của ngài.

Và đặc biệt hơn nữa, Hòa thượng Quảng Đức ngồi an nhiên bất động trong ngọn lửa thiêu cháy ngài. Ngọn lửa vị pháp thiêu thân của ngài đã làm chấn động thế giới, chấm dứt được tai ương giáng lên Tăng Ni, Phật tử và đem lại sự an bình cho Phật giáo chúng ta thời bấy giờ. Đó là hai vị chuyên tụng kinh Pháp hoa đã thành tựu công đức lực bất khả tư nghì.

Có thể phân ra đọc tụng Pháp sư và trì kinh Pháp sư. Đọc kinh thì ai cũng đọc được. Nhưng sang giai đoạn hai cao hơn là trì kinh. Đọc kinh tuy thấy đơn giản, nhưng quan trọng là phải đọc mà thâm nhập được lý kinh thì thân tâm hành giả và tất cả hành động của hành giả đều là Pháp hoa. Được như vậy là trì kinh Pháp hoa, tức Pháp hoa đã có đủ, thể hiện trọn vẹn trong ba nghiệp thân, khẩu, ý của hành giả. Bấy giờ, trì kinh không đọc tụng kinh, vì kinh Pháp hoa đã đầy bên trong, nên họ nói gì cũng là Pháp hoa.

Riêng tôi đọc tụng kinh Pháp hoa nhiều năm, nên từ trong tâm tôi thoát ra, hình thành Bổn môn Pháp hoa kinh. Bổn là bổn tâm, từ gốc tu do giai đoạn trì kinh sanh ra.

Tôi học đọc kinh theo Hòa thượng Trí Hữu, đọc kinh mà đốt bứt ngón tay không cảm giác nóng, thể hiện tâm an nhiên tự tại, vượt khỏi sự chi phối của lực tác động bên ngoài. Và tôi học trì kinh theo Hòa thượng Quảng Đức. Ngài là trì kinh Pháp sư đạt được kết quả siêu tuyệt là cứu được Phật giáo Việt Nam thoát khỏi thảm sát chết chóc, tù đày.

Ngộ được yếu lý này, Hòa thượng Trí Hải phát nguyện tụng một ngàn bộ kinh Pháp hoa. Nhưng tụng được sáu trăm bộ kinh, ngài suy nghĩ sâu xa, thấy được nghĩa kinh thì đất nước hòa bình, thống nhất. Tôi nói với Hòa thượng rằng còn bốn trăm bộ kinh Pháp hoa để con tụng thay cho ngài. Thầy khác nghe nói như vậy, mới hỏi rằng tôi còn phải làm nhiều việc của Giáo hội, làm sao có thì giờ tụng bốn trăm bộ kinh Pháp hoa. Tôi nhận làm việc này, nhưng cũng không thấy tôi tụng kinh.

Vì tôi đã nhận được yếu lý của việc tụng kinh Pháp hoa từ Hòa thượng Quảng Đức. Thật vậy, bốn trăm bộ kinh Pháp hoa mà tôi nhận tụng thì giữa tôi và Hòa thượng Trí Hải biết mà thôi và người ta cũng không thấy tôi làm việc này. Nhưng có thể khẳng định rằng tôi vẫn tiếp tục tụng bốn trăm bộ kinh Pháp hoa theo phương cách của tôi, không ai biết. Nói rõ hơn, trong ba mươi năm hoằng pháp, tôi đã truyền bá kinh Pháp hoa từ Nam ra Bắc, từ Cà Mau đến Móng Cái. Tôi đã kiến lập đạo tràng cho nhiều người tu, tức mở rộng Phật giáo đến mọi nhà. Đó là yếu lý của trì tụng kinh Pháp hoa.

Hòa thượng Quảng Đức tụng kinh Pháp hoa, ngài không ở yên một chỗ. Ngài ra miền Trung, sang Lào, Campuchia để lập chùa, làm cho nhiều người phát tâm tu theo Phật. Ngài đã trì tụng kinh Pháp hoa.

Cảm nhận điều cao quý này, tôi nói:

Bồ-tát đi vào đời

Sen nở khắp muôn nơi

Trang nghiêm cho cuộc sống

Ôi, thật đẹp tuyệt vời.

Không phải ôm kinh tụng suông, nhưng tụng kinh cho đến trì kinh là sen nở, tức thể hiện những việc làm tốt đẹp, tỏa hương thơm đạo hạnh làm cho người phát tâm sống theo pháp Phật.

Phật tử sơ phát tâm tu Pháp hoa, đầu tiên thực tập pháp dễ nhất là đọc tụng kinh Pháp hoa, nương vào văn tự kinh, để nghĩa lý kinh thâm nhập vào tâm chúng ta, thể hiện thành lời nói và hành động khiến cho người phát tâm, an vui, gọi là Pháp hoa tâm, Pháp hoa hạnh. Đó là lộ trình hành Bồ-tát đạo theo tinh thần Pháp Hoa.

Tôi mong các hành giả có duyên với Pháp hoa, tinh tấn đọc tụng kinh Pháp hoa, hành trì kinh Pháp hoa, để gặt hái được những thành quả tốt đẹp dâng lên cúng dường Phật sau ba tháng an cư tu tập. 

HT.Thích Trí Quảng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin