Chi tiết tin tức

Kham nhẫn

21:51:00 - 23/07/2015
(PGNĐ) -  Mirka Knaster sinh ở châu Âu và được giáo dục tại Hoa Kỳ. Bà có bằng Tiến sĩ về nghiên cứu so sánh và châu Á. Mirka từng đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới để nghiên cứu về những truyền thống dân tộc khác nhau. Bà có một cái nhìn liên văn hóa trong những nghiên cứu của mình về phụ nữ, cơ thể con người, việc chữa bệnh và thực hành tâm linh. Bà đã viết nhiều bài báo và sách, và một số đã được chuyển dịch sang tiếng Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Đan Mạch, và tiếng Nga.

 

kham nhan.jpg
Mirka Knaster - tác giả bài viết


Bài viết dưới đây được trích từ cuốn sách Sống viên mãn kiếp này: Những câu chuyện và lời dạy của Munindra (Living This Life Fully: Stories and Teachings of Munindra), một cuốn sách nói về một vị thiền sư người Ấn được xem là cha đẻ của phong trào thiền Vipassana ở phương Tây và là người đã giảng dạy cho nhiều vị thầy xuất chúng ở đó. Nguyệt san Giác Ngộ xin giới thiệu bài viết này đến quý độc giả qua bản dịch của Thích Ca Thiền Viện. NSGN

 
---------------------------

 

Mùa xuân năm 1972, khi Robert Pryor đến viếng Bodh Gaya lần đầu tiên, thời tiết nóng bức và công viên quanh cội bồ-đề khô cằn, vắng vẻ. Robert nhìn quanh tìm một chiếc lá bồ-đề, nghĩ rằng đó sẽ là vật lưu niệm khung cảnh thiêng liêng nơi Đức Phật giác ngộ. Chẳng thấy có chiếc lá nào trên mặt đất, Robert ngần ngừ rồi với tay hái một chiếc ở cành thấp nhất. Bất chợt, một người đàn ông dáng nhỏ nhắn mặc y trắng xuất hiện và khẩn trương yêu cầu: “Hãy chờ, chờ cho đến khi lá rụng xuống!”.

Robert tâm sự: “Dĩ nhiên tôi hiểu ngay tức khắc lời khuyên đầy ý nghĩa đó và nhận ra rằng lòng mong muốn có chiếc lá bồ-đề đã dẫn tôi đến một hành động không hợp lẽ. Đó là lần đầu tiên tôi gặp thầy Munindra, và cũng là một điển hình về phương pháp dạy đạo của thầy. Thầy không chỉ bảo vệ cội bồ-đề mà cùng lúc còn dạy tôi sự thiết yếu của cách tu tập và cách sống nhẫn nại, tùy duyên thuận đạo”.(*)

Ngài Munindra dạy về hạnh kham nhẫn không chỉ qua những lời khuyên giải cá nhân mà còn qua thân giáo và pháp thoại của Ngài. Jacqueline Schwartz Mandell kể, “Tôi còn nhớ các môn sinh hay hỏi thầy không biết họ hành thiền có tiến bộ gì không, và thầy dẫn giảng rằng phước báu của việc luyện tâm vượt hẳn những hài lòng, toại ý nhất thời. Dĩ nhiên, thầy vẫn dạy về đạo quả giải thoát, nhưng thầy đồng thời đề cập đến sự bao la, vô lượng của giáo pháp. Thầy có tầm nhìn xa rộng về đạo cũng như đời, và thầy tất nhiên là hiện thân của nhãn quan ấy.”

Joseph Goldstein nói thêm, “Thầy thường dạy rằng, trên đường tu tập tâm linh, thời gian không phải là một yếu tố. Hành thiền không thể đo lường bằng thời gian nên phải biết buông xả toàn thể ý niệm về lúc nào và bao lâu. Tu tập là một tiến trình của chuyển hóa, và nó sẽ tự hiển bày đúng lúc của nó".

Những mặt khác nhau của hạnh kham nhẫn

Cũng vậy, hạnh kham nhẫn được hiển bày qua nhiều cách khác nhau. Ngài Munindra là hiện thân của hạnh kham nhẫn qua nhiều ý nghĩa khác nhau: chịu đựng đau khổ do người khác gây ra, nhẫn nại trước sự phỉ báng hoặc điều bất toại, tha thứ cho ai gây tổn hại cho mình, khoan dung hoặc không chống trả, bền chí làm việc lợi ích cho người, biết chấp nhận, tâm vững chãi, không mong cầu sự đền đáp, không tranh giành danh vọng, tiền tài…

Trong đời thường, ngài Munindra biểu lộ hạnh kiên nhẫn qua các hành động đơn giản như ngồi chờ xe lửa (ở Ấn Độ thời gian chờ xe lửa có thể hàng nhiều giờ, có khi cả ngày), hoặc băng qua đường. Bob Ray kể lại một kinh nghiệm ở Calcutta: “Chúng tôi đi đến một trong những con đường rất rộng - vô cùng hỗn loạn, xe buýt và thú vật chen nhau, không đèn giao thông  và tôi nghĩ thầm, ‘Làm sao băng qua con đường này? Chắc phải đứng mãi ở đây rồi!’ Thầy chỉ đứng đó, chẳng tỏ vẻ bị cảnh tượng này phiền hà gì cả. Thình lình, một khoảng trống mở ra, và chúng tôi nhanh nhẹn len qua đường. Còn thầy vẫn điềm nhiên, thật kiên nhẫn, thật im lặng, thong thả bước qua đường!”.

Dwarko Sundrani, hội trưởng trụ sở Gandhi Ashram ở Bodh Gaya, gặp ngài Munindra lần đầu tiên năm 1954. Ông mô tả thầy là “một người rất hòa nhã và trong sạch,” và còn nhớ rõ những lần đàm đạo với nhau qua nhiều năm, nhất là bàn luận những điểm khác nhau về niềm tin giữa hai bên, như Đức Phật là ai, giáo pháp là gì, thiền Vipassanā phát xuất từ đâu,... Dwarko nói: “Tôi nghĩ những quan điểm Ấn giáo của tôi không thuyết phục được ngài. Ngài trình bày nhận thức của mình, chúng tôi trình bày nhận thức của chúng tôi. Nhưng với bản chất ôn hòa, không tranh cãi hay nóng giận, ngài chỉ nói, ‘Vâng, vâng, được rồi, được rồi.’ Vì khuôn viên này có tên là Samanvaya (sự hòa hợp) nên chúng tôi không muốn áp đặt điều gì ở đây. Lấy thí dụ về hoa hồng. Đây là một loại hoa đẹp, nhưng khi kết tràng hoa thì ta dùng nhiều loại hoa khác nhau. Không phải vì hoa hồng kém đẹp hơn, nhưng vì thứ hoa nào cũng hoàn mỹ. Cũng thế, nếu con người có nhiều tôn giáo, nhiều tư tưởng, nhiều triết lý khác nhau, chúng ta vẫn có thể sống hài hòa với nhau”.

Dwarko nói thêm: “Bản tính hòa hợp này được nhìn thấy ở ngài Munindra. Có thể ngài sẽ không tin lời bạn, nhưng ngài không áp chế, không mâu thuẫn với bạn. Trong vùng này có nhiều Phật tử. Họ sẽ không nghe theo chúng tôi và thường nói, ‘Chúng tôi đúng.’  Còn với ngài, có thể ngài không đồng ý, song sẽ không khi nào ngài nói ngài đúng. Ngài chỉ giữ im lặng”.

Zara Novikoff, trong lần gặp gỡ ngài Munindra lần đầu tiên ở Bodh Gaya năm 1968, cũng nhận xét: “Thầy không bao giờ nóng giận, không bao giờ khăng khăng chứng minh quan điểm của mình, mà rất tử tế, hòa nhã và hóm hỉnh.” Theo Uffe Damborg, khi thấy thiền sinh bắt đầu tranh cãi về vấn đề gì thầy đưa ra, thầy chỉ nói “Được rồi, đúng rồi! Các bạn đều có cách riêng của mình. Hãy cứ làm theo cách của mình".

Jacqueline Schwartz Mandell thấy “Thầy vô cùng kiên nhẫn lắng nghe để tìm hiểu chúng tôi học hỏi ra sao. Thầy cũng rất cởi mở khi trao đổi những quan điểm khác nhau về giáo pháp. Thầy làm gương cho tôi thấy rằng, nếu tôi hiểu khác về một quan điểm đạo pháp nào đó, tôi có thể trình bày ý kiến của mình mà không chấp chặt vào nó”.

Không oán ghét

Ngài Munindra vẫn kiên trì và thầm lặng tiếp tục công việc mình làm, ngay cả khi bị người khác oán giận. Theo lời Dwarko Sundrani, trong những năm đầu tiên ở Bodh Gaya, đủ thứ vấn đề liên quan đến chùa Đại Bồ Đề đã xảy ra và, với chức vụ tổng quản trị, ngài có trách nhiệm phải giải quyết.  Một trong các tranh chấp có liên quan đến nghi lễ, tập tục.

Ở cuối khuôn viên, về phía Bắc, bên ngoài chùa có một bệ đường dài, cao khoảng một thước, gọi là Con Đường Châu Báu. Vào thời đó, khách hành hương Tây Tạng thường đặt trên đường các bát nhỏ đựng đầy dầu thảo mộc có một tim đèn bằng vải xoắn. Những bát đèn dầu này không những làm dơ bẩn con đường vì dầu hay bị sánh đổ ra ngoài, không tẩy rửa được, mà còn gây ô nhiễm vì tỏa khói khắp nơi và để lại những vết than. Khách viếng thăm còn đặt các đèn đốt bằng dầu hay bằng bơ ngay dưới cội bồ-đề khiến khói và hơi nóng gây hại cho cây.

Khi ngài Munindra yêu cầu khách thập phương nên cử hành nghi lễ này ở một khoảng xa hơn, ngài chợt nhận ra mình là mục tiêu đối kháng của họ. Mới đến nơi và chưa hiểu rõ tập quán địa phương, nhiều người tỏ ra thô lỗ, xô đẩy, lấn áp ngài và lên tiếng phản đối, “Điều đó cản trở nghi thức tôn giáo của chúng tôi. Thật là sai trái!”.

Ngài chỉ nhẫn nhịn chịu đựng thái độ thù nghịch đó, “Tôi làm gì bây giờ?  Họ không sao hiểu được.” Những năm sau, ngài vẫn nói, “Tôi không giận ghét gì họ. Rất khó nhanh chóng thay đổi những tập tục lâu đời, cần phải chờ thời gian.” Để giải quyết vấn đề này, cả hai bên Phật tử Tây Tạng và Ban Quản trị Hội Đại Bồ Đề đồng ý cho xây cất các kiến trúc đặc biệt để khói và hơi nóng các bát đèn cúng dường không ảnh hưởng đến chùa hay cội bồ-đề.

Mọi hành vi cử chỉ của ngài đều biểu lộ rõ ràng một tâm hiền hòa, không hiềm hận. Zara Novikoff thuật lại, sau buổi dạy, ngài thường đi hái một trái đu đủ đến dâng cúng cho ngôi chùa Tây Tạng, “Tôi thấy việc làm của thầy thật đẹp vì lắm khi, mặc dù cùng truyền thống tôn giáo, nhưng người ta không thông cảm, hòa đồng với nhau. Còn thầy thì không như vậy. Thầy mang tặng phẩm lại cho họ, rồi cùng đàm luận với nhau.” Đức nhẫn nại của ngài trải đều đến môn đệ, gia đình, bằng hữu. Zara kể thêm, “Thầy là một người bạn rất trung thành và độ lượng. Tôi cũng có nhiều khuyết điểm, đôi khi nói lời không được cung kính lễ phép lắm, nhưng thầy chỉ cười rồi bỏ qua. Thầy rõ ràng luôn ghi khắc lời dạy của Đức Bổn Sư trong tâm, ‘Thế nào là không kham nhẫn? Nếu bị nhiếc mắng, người ấy nhiếc mắng lại; nếu bị sỉ nhục, người ấy sỉ nhục lại; nếu bị hiếp đáp, người ấy hiếp đáp lại. Còn thế nào là kham nhẫn?  Nếu bị nhiếc mắng, người ấy không nhiếc mắng lại; nếu bị sỉ nhục, người ấy không sỉ nhục lại; nếu bị hiếp đáp, người ấy không hiếp đáp lại.’” (Tăng chi bộ kinh 4.165)

Mặc dù có người phỉ báng, bất kính, chống đối việc làm của ngài, thậm chí phao tin đồn tiếng xấu, nhưng ngài không nổi giận hay trả đũa. Ngài đáp ứng lại bằng tấm lòng từ mẫn. Đôi khi ngài tỏ vẻ lo lắng hay nản lòng, nhưng không phải là sân hận. Chẳng ai nghe ngài nói xấu ai bao giờ. Ngài có thể rầy la, nhưng không kèm theo giận dữ. Người cháu Tridib Barua chứng nhận điều đó, “Lúc tôi lên mười tuổi, chú Munindra của tôi la rầy tôi việc gì đó. Nhưng ngày hôm sau là một chú Munindra mới mẻ, tươi vui. Người chú hôm qua hoàn toàn vắng bóng. Có lẽ vì thế mà chú hay nói, ‘Hãy sống trong từng giây phút của hiện tại. Những gì của hôm qua đã qua rồi, sao phải phiền lo về nó? Hôm nay là hôm nay, là hiện tại, không là hôm qua đã qua, cũng không là ngày mai chưa đến’. Thật là một Pháp bảo - đừng ôm giữ, chấp chặt mãi những cảm xúc hay kinh nghiệm không thiện lành”.

Ngài luôn khuyến khích việc tu tập vì nó sẽ mang lại nhiều quả báu. Dhriti, vợ của Tridib, kể rằng trước khi cô sanh cháu bé thì việc ngồi thiền không có gì trở ngại. Nhưng sau đó cô thấy thật khó khăn khi phải dậy lúc bốn giờ rưỡi sáng để hành thiền chung với gia đình. Ngài Munindra không bao giờ chê trách cô, “Tôi  nghĩ ngài hiểu và thông cảm. Ngài thường dạy chúng tôi, ‘Pháp nào được học hỏi, nếu thích thì phải thực hành, đừng bỏ trôi đi. Ta sẽ cần nó lúc này hay lúc khác. Hành thiền là cách giữ tâm luôn được kiểm soát. Là người, chúng ta dễ nóng giận rất nhanh. Ta cần kiên nhẫn. Nếu thường sân hận thì mối liên hệ giữa ta và mọi người sẽ không tốt đẹp, vì vậy hãy tập kiểm soát tâm. Nếu ta tu tập, kiên nhẫn sẽ đến'”.

Dhriti nói tiếp, “Thầy thường vỗ tay và nói, ‘Cái gì đang xảy ra đây? Những gì bạn cảm nhận đang xảy ra ngay bây giờ, nhưng rồi không bao lâu sẽ qua đi. Bởi vậy bạn phải huân tập đức tính kiên nhẫn. Trong cuộc sống, bạn chắc hẳn cần phải giải quyết rất nhiều chuyện không hài lòng đẹp ý, cho nên đức tính này sẽ giúp bạn’”.

Không nóng giận

Trong nhiều năm biết ngài Munindra, Vivian Darst luôn thấy ngài sống không nóng giận. Cô hay theo dõi ngài trong thời gian năm tháng cùng đi du hành với ngài, “Tôi không hề thấy thầy nổi nóng, bực mình hay cáu kỉnh. Thỉnh thoảng thầy có hơi sốt ruột với tôi đôi chút, chẳng hạn như phải đi đâu đúng giờ mà tôi cứ kề cà đủng đỉnh mất nhiều thời gian. Thầy có thể thúc giục tôi, nhưng không khi nào giận tôi. Thường khi ở gần ai lâu, ta dễ nhận ra bản tính nóng nảy của họ thỉnh thoảng bất chợt lộ ra. Nhưng hầu như không thấy bản tính này ở thầy. Tôi nghĩ chắc nó đã được thanh lọc, tẩy sạch khá nhiều trong tâm ngài”.

Có lẽ ngài Munindra cảm thấy bối rối thay vì phản ứng bằng tâm sân hận. Christina Feldman bật cười khi kể lại một sự kiện ở Bodh Gaya đầu thập niên bảy mươi. Các môn sinh cùng lớp phàn nàn vì thầy hay vắng mặt trong khóa học đó. Cô nói, “Thầy hết sức lúng túng trước những lời than phiền đó - có lẽ điều này ít khi xảy ra - và trả lời như sau, ‘Các bạn có sự hành thiền để tự tu tập, sao còn phải cần đến tôi?’ Những lời trách cứ không làm thầy cảm thấy bị xúc phạm hay phải chống chế, mà chỉ làm thầy bối rối thôi”.

Nhiều lúc khác, ngài có thể bật cười khi thấy ai bùng cơn giận dữ. Daw Than Myint kể lại  câu chuyện về một ông lão hàng xóm ở Rangoon sống độc thân không họ hàng thân thích. Ông ta hay nóng giận và có tật uống rượu, “Ông chẳng ưa mến và giao thiệp với ai cả, tính khí bất thường. Ông thường đến rạp chiếu bóng và ngồi xem liên tiếp hai, ba phim. Mẹ tôi và tôi khuyên ông thử đi tập thiền, vì vậy ông đến học với thầy Munindra tại Trung tâm thiền Māhasī Sāsana Yeiktha. Chúng tôi hỗ trợ ông đủ mọi thứ ông cần, và ông đã hành thiền một thời gian”.

Cô kể tiếp, “Rồi, một ngày nọ, ông ta ôm vật dụng trở về, mắt đỏ ngầu, hết sức giận dữ, hét to từ ngoài đường đến tai mẹ tôi, ‘Này bà chị, tôi đã về đây và sẽ không bao giờ trở lại nơi đó nữa. Thật là quá quắt cái chỗ mà bà chị đem tôi tới đó!’ Nhưng sáng sớm hôm sau, ông đến nhà tôi với cái bao đồ trên lưng, hỏi mẹ tôi: ‘Chị ơi, làm ơn đi với tôi đến trường thiền.’ Rồi ông ta giải thích chuyện gì đã xảy ra: ‘Cái thiền này làm cho tôi muốn khùng nên tôi bỏ đi uống rượu. Nhưng khi tôi nhìn vào ly rượu, tôi không thể uống được. Vì thế tôi bỏ đi xem xi-nê. Nhưng trên màn ảnh tôi chỉ thấy những bộ xương đang nhảy múa và không thể tiếp tục xem được nữa. Sáng sớm, tôi đến trường thiền và hét vào thầy Munindra, ‘Cái thiền của ông thật vô tích sự, tôi đã lầm to khi đến đây!’ Và tôi bỏ đi, còn thầy chỉ cười, không nói gì”.

Daw thuật lại: “Khi ông ta trở lại, thầy mỉm cười và yên lặng tiếp đón ông. Người đàn ông này tiếp tục hành thiền và viên mãn tu tập (chứng  ngộ giáo pháp), và sau đó trở thành vị Tỳ-kheo trọn đời!”

Lắng nghe trọn vẹn

 Ngài Munindra không hề phiền hà vì tính khí thất thường ở các môn sinh, hoặc những vấn đề và câu hỏi bất tận từ họ.

Trong ký ức Alan Clements, thầy như có phẩm hạnh kham nhẫn của một bậc thánh. “Điều quý nhất thầy ban cho mọi người chính là sự hiện diện của thầy, một hiện diện phi thường. Thầy không khi nào tỏ ra mất kiên nhẫn. Rất nhiều người, kể cả tôi, hỏi thầy những câu ngớ ngẩn, lẩm cẩm, nhưng thầy không thấy ai ngốc nghếch. Là một học giả với kiến thức uyên bác, thầy có một đức tính nhẫn nại đáng phục, thầy sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi đã được hỏi qua rồi một cách trân trọng giống như nhau!”. Trong giờ vấn đạo, ngài Munindra có phương cách đặc biệt để giải quyết vấn đề thiếu nhẫn nại của các thiền sinh trong khi hành thiền. Michael Liebenson Grady thấy “trái tim thầy thật mềm mại, nhu nhuyễn, dịu dàng” với tất cả các loại thiền sinh.

Michael nói: “Thầy không e ngại bày tỏ tình cảm thân thiện đối với ai đang đau khổ chung  quanh thầy, nhất là các môn sinh gặp rắc rối, khó khăn, và thầy đặc biệt kiên trì, nhẫn nại với những thiền sinh được xem là ‘khó tính’. Tôi thường nghĩ rằng thầy có năng lực chữa lành cho họ bởi vì thầy chịu lắng nghe và cho họ những lời khuyên thỏa đáng để noi theo”.

Mặc dù ngài Munindra không nhất thiết phải nhận ra hay hiểu được những trạng thái thần kinh bất ổn hay rối loạn mà khoa tâm lý học Tây phương biết đến, nhưng ngài sẵn sàng và kiên tâm lắng nghe khi có ai cần giãi bày hay chia sẻ.

Vivian Darst công nhận “Thầy rất, rất nhẫn nại với tất cả học trò, với những người hay đến viếng hàng ngày mà cứ lặp đi lặp lại chừng đó câu hỏi, cả với những ai không hiểu biết gì về Phật pháp.” Cô kể, “Một lần nọ, thầy đến thăm tôi ở Evergreen State College. Tôi có một người bạn cùng phòng chưa bao giờ tu tập thiền. Gặp thầy, bỗng dưng cô thổ lộ tâm tình, khóc và kể nhiều điều sâu kín trong tâm làm cô phiền muộn bấy lâu nay mà tôi chẳng hề hay biết. Trực giác cho cô cảm nhận thầy là một người cô có thể giãi bày tâm sự. Thầy cho cô vài lời khuyên đạo vị về cách giải quyết tâm tiêu cực và phiền não hoặc bất cứ ẩn uất nào cô đang chấp chặt, cách thấy được nó và buông bỏ nó, cách sống với nó y như nó là, không phê phán hay phản ứng, chỉ cần quán sát kỹ lưỡng và trọn vẹn”.

Carla Mancari thú nhận, “Tôi  không bao giờ nhẫn nại. Nhưng khi tôi nhìn thầy dịu dàng nhỏ nhẹ với tất cả mọi người, mà trong đó có vài người tôi có thể lấy cây nện vào đầu được, lúc đó tôi đã học được rất nhiều về hạnh kham nhẫn”.

Lạt Ma Surya Das đã tóm tắt, “Ngài thật bao dung, sâu sắc, cởi mở, hiền hòa và nhẫn nại… rất rộng lượng và kiên trì với thời gian cũng như với kiến thức của ngài”.

Thiếu kiên nhẫn với thầy

Thỉnh thoảng có vài môn sinh tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn với ngài. Mặt trái của khả năng kiên trì, lắng nghe người khác là khả năng giảng nói không ngừng nghỉ của ngài. Giờ đây, họ bật cười khi nhắc lại những buổi giảng pháp dài vô tận ấy. Vivian Darst nhớ, “Mặc dù là người biết lắng nghe, thầy cũng có thể nói trong một thời gian rất dài. Chỉ cần hỏi một câu, thầy sẽ thuyết về Vi diệu pháp trong ba tiếng đồng hồ!”.

Steven J. Schwartz thêm, “Thầy hoàn toàn không để tâm đến mức độ kiên nhẫn hay khả năng lắng nghe của thiền sinh, dù rằng nó còn tùy thuộc vào điều kiện thể chất nữa. Nhưng có thể đó là điều thầy muốn nhấn mạnh nhất: hãy thử thách tâm kham nhẫn, và thầy đã không nương tay. Thầy giảng thao thao bất tuyệt. Tôi nghĩ rằng thầy vừa hết lòng quan tâm về việc giảng dạy, cũng vừa không thấy được giới hạn của họ trong sự lãnh hội. Nhưng cũng có thể thầy đã nhạy bén đoán biết được các thiền sinh tự nghĩ khả năng mình có giới hạn, nên thầy quyết định thúc đẩy họ huân tập sự kiên nhẫn, khả năng thâu thập, và thiện ý ngồi yên”.

Có lẽ vì ngài Munindra có thể giảng pháp bất tận, mà thời biểu khóa thiền phải theo quy định rõ ràng, nên các thiền sư Âu-Mỹ đã cố gắng giới hạn thời gian ban pháp thoại của ngài.

Erik Knud-Hansen có một cái nhìn khác: “Tôi thấy rõ một điều, mà đến nay vẫn còn bị hiểu sai bởi nhiều người, là sự khác biệt giữa việc lôi kéo sự chú ý về một vấn đề quan trọng và việc lôi kéo sự chú ý về chính người nói. Tôi không bao giờ thấy thầy muốn làm mình nổi bật mà chỉ muốn làm nổi bật giáo pháp”.

Erik hóm hỉnh nhận xét rằng đa số chúng ta dễ dàng ngồi trước màn ảnh chăm chú theo dõi một truyện phim dài một mạch mấy tiếng đồng hồ, hoặc mải mê đọc một cuốn sách trong một thời gian rất lâu. “Vậy điều gì làm ta khó mà ngồi nghe pháp suốt hai giờ? Ai đã đặt để ra cái giới hạn bốn mươi lăm phút cho bài pháp?  Và giới hạn ấy có ảnh hưởng gì đến tâm bạn? Bạn có bắt đầu nghe pháp bằng ý nghĩ, ‘Được rồi, tôi sẽ cho thầy giảng bốn mươi lăm phút thôi?’”.

Erik nói tiếp, “Đến thời điểm nào tâm bạn bắt đầu phóng dật, chán nản và lơ là, và bạn có ghi nhận được tâm mình lúc đó hay không? Cũng như các vị thầy khác, thầy Munindra có khuynh hướng tin rằng thử thách sức chú tâm của thiền sinh là một việc làm đúng, và hy vọng rằng, qua các cuộc đàm luận hay vấn đạo sau đó, sẽ thấy được những gì thật sự xảy ra trong tâm đã gây khó khăn cho họ như vậy”.

Erik nói thêm, “Vấn đề không phải do từ bên ngoài, không phải bởi ai đó nói quá nhiều, mà vì người ta không lắng nghe với tâm rộng mở, độ lượng nên gặp chướng ngại. Không nên hạn chế thầy chỉ vì có một người khó chịu”.

Thầy còn có thể thử thách sự kiên nhẫn của thiền sinh bằng những phương cách khác, ngoài việc giảng nói hàng giờ. Quan niệm của thầy về thời gian và thời khóa biểu khác với quan niệm của hầu hết thiền sinh phương Tây. Những người phụ trách việc dàn xếp cho thầy ở một nơi này hay nơi khác - Thái Lan hay Massachusetts - thường phải nóng lòng chờ đợi thầy đến, hết tuần này đến tháng nọ.  Thầy thì thong thả trong công việc, như rửa dọn bàn thờ mỗi ngày, chẳng hạn.

Và một khi thầy đang đàm luận với ai đó, thầy sẽ không tự cho phép mình bỏ đi giữa chừng.  Theo Gregg Galbraith, mỗi khi có ai tỏ ra lo lắng về thời khóa biểu, Munindra thường nói: “Thời gian phục vụ chúng ta; chúng ta không phục vụ thời gian.” Thầy kiên nhẫn và giữ chánh niệm trong mọi việc làm, và không ai thúc giục thầy được.

Chúng con đã đến đó chưa?

Nóng lòng muốn kinh nghiệm các tuệ giác, muốn chứng đắc giác ngộ, nhiều thiền sinh nao nức đến gặp thầy để được xác nhận, “Đó là tuệ giác, là đạo quả phải không?” “Con đã đạt được chưa?” Và nhiều câu hỏi nữa mà câu trả lời bao giờ cũng là “Cần phải tu tập để tự hiểu lấy.” “Tiếp tục tọa thiền, sẽ thấy tất cả.” “Hãy giữ chánh niệm, rồi sẽ hiểu.” “Kiên trì hành thiền, rồi sẽ biết.”  “Cứ để nó hiển lộ tự nhiên”.

Qua nhiều bài pháp thoại, Ngài Munindra lột tả cốt tủy của tâm nhẫn nại trong pháp hành:

Nhờ hành thiền, tuệ giác có thể đến bất cứ lúc nào, ở bất cứ căn nào, khi tâm hành giả đã sẵn sàng, nhưng không phải do mong cầu. Hãy tiếp tục hành trì. Mỗi một bước tu tập đưa ta tiến đến gần mục tiêu hơn. Bền chí là bí quyết của thành công. Bất cứ ai muốn biết nghệ thuật sống, muốn kinh nghiệm được giáo pháp, đều phải nắm vững bí quyết ấy. Nhưng nếu khởi tâm mong cầu, điều ấy sẽ không đến.

Mỗi khi Robin Sunbeam thấy lúng túng, khó khăn trong việc hành thiền, thầy dạy cô phải nhẫn nại. Lần nọ, cô chạy đến thầy và thốt lời ta thán, "Tại sao mỗi lần con thấy được tuệ giác, con vẫn chưa đạt được nó? Phải thấy đến bao nhiêu lần mới thật sự giác ngộ?".

Thầy trả lời bằng câu chuyện một đám đông người già và trẻ con, với bàn tay bị thương đang băng bó, mà phải dùng búa đập đá thành từng viên nhỏ để trải mặt đường. Thầy hỏi, “Nếu người đập đá đập lên hòn đá chín mươi chín lần, nó vẫn chưa vỡ, đến lần thứ một trăm, đá vỡ. Vậy mình có xem chín mươi chín lần trước là vô ích, uổng phí không? Có thể chín mươi chín lần trước cần thiết cho hòn đá vỡ ra, nhưng đến lần thứ chín mươi chín, bạn vẫn có thể thấy mình chẳng tiến bộ gì cả”.

Đáp lại những ai đang thối chí, mất niềm tin, ngài Munindra giảng giải bằng các cách khác nhau, chẳng hạn như cho Kamala Masters, “Đó là nghiệp của cô. Tất cả những chuyện này dồn dập đến cùng một lúc để cô huân tập, vun bồi đức tính nhẫn nại.” Hay khi Kamala cảm thấy việc hành thiền như đứng dừng lại, thầy nói, “Khi trái chín, nó sẽ từ trên cây rụng xuống”.

Học trò ngài đã nhiều lần học được ý nghĩa của lời dạy ví von này. Khanti Moraitis ghi nhận, “Thầy dạy cho tôi hiểu ngay từ đầu rằng thiền tập là một cuộc hành trình cá nhân, do chúng ta tự nguyện dấn thân và tiếp tục đi tùy theo nhân duyên và hạn kỳ riêng của chúng ta”.

Ngài Munindra là hiện thân toàn hảo của hạnh kham nhẫn, và những lời ngài khuyến khích trau giồi đức tính này còn tiếp tục vang mãi trong tâm tất cả môn sinh.

Eric Kupers nói, “Tôi đã học được ý nghĩa của sự kiên định trong thiền tập và của tâm nhẫn nại với tiến trình tự nhiên của vạn pháp, nhưng vì nhân duyên nào đó, tôi vẫn thấy mình thiếu nhiệt tâm nóng bỏng trong cuộc hành trình tâm linh này”.

Eric tiếp, “Gương kham nhẫn của thầy cho chúng ta thấy rằng không nên bận tâm đợi chờ trống kèn tán thưởng, hoặc nóng lòng mong cầu đạt được điều gì. Chúng ta chỉ cần kiên trì tiếp tục bước chậm mà bền trên đường đạo. Đây thật là một niềm khích lệ lớn lao, dạy tôi nhẫn nại chấp nhận căn cơ và thành đạt của mình”.

Trong phẩm hạnh tối thượng, không gì hơn kham nhẫn…

Người mạnh, hộ trì pháp, không bao giờ gây hấn… 

Không lấy sân đáp sân, được chiến thắng bội phần.

(Tương ưng bộ kinh 11.4, Tương ưng Sakka)

Mirka Knaster - Thích Ca Thiền Viện dịch

_________________

 (*) Kham nhẫn, Phạn nữ gọi là Khanti, từ gốc Sankrit kam (chịu đựng, cam chịu); nguyên nghĩa là “kham nhẫn”, còn được hiểu là chịu đựng, nhẫn nhịn, tha thứ, khoan dung, không chống trả, chấp nhận trực diện những gì không vừa lòng và cả những điều toại ý trong cuộc đời. Khác hơn một phản ứng từ tâm sân hận hay báo thù điềm tĩnh. Khanti bao hàm một thái độ hiền hòa, đôn hậu, kham nhẫn thể hiện qua sự nhẫn nhịn, dũng cảm chịu đựng, hay kiên trì trên đường tu. Quả gần của khanti là tuệ giác thấy được thực tướng của các pháp. Khanti đứng thứ sáu trong mười ba-la-mật (pāramī) và một trong các pháp bảo vệ và phúc chúc cao thượng nhất mà Đức Thế Tôn nêu ra trong Hạnh phúc kinh Mahā-mangala Sutta (Kinh Tập - Sutta Nipāta 2.4 và Kinh Tiểu Tụng - Khuddakapāṭha 5)

(Trích, Mirka Knaster, Sống viên mãn kiếp này, chương 9)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin