Chi tiết tin tức

Kinh Phật nói về 12 hạnh đầu đà

16:12:00 - 21/06/2024
(PGNĐ) -  Kinh này tên là Hạnh khổ đầu-đà, cũng gọi là Xa lìa tham trước và tập hợp mọi gốc căn lành. Các thầy hãy phụng trì như vậy.

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại tinh xá trong vườn của trưởng giả Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Đức Phật cùng tám ngàn Tỳ-kheo tăng, một vạn Bồ-tát, tất cả đều đắp y, mang bát đi khất thực. Thọ thực xong, tất cả cùng đến chỗ a-lan-nhã[1], trải tọa cụ mà ngồi.

Lúc đó, Thế Tôn bỗng nhiên mỉm cười. Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa y phục, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng:

- Kính bạch Thế Tôn! Từ xưa đến nay, con chưa từng thấy Đức Phật vô cớ mà mỉm cười. Cúi xin Thế Tôn thương xót chỉ bảo cho chúng con!

Phật bảo Ca-diếp:

- Như Lai thấy chốn a-lan-nhã này mười phương chư Phật đều tán thán, vô lượng công đứcđều sinh ra từ nơi này. Người cầu pháp Thanh văn được pháp Thanh văn, người cầu phápDuyên giác được pháp Duyên giác, người cầu pháp Đại thừa nhanh chóng được đi trên con đường vô thượng chánh chơn. Hôm nay Như Lai được ngồi đây, cho nên cảm thấy rất hoan hỷ!

Khi đó, trưởng lão Ma-ha Ca-diếp nghe Phật nói, vui mừng phấn chấn và ngợi khen điều chưa từng có, rồi lại bạch Phật rằng:

- Kính bạch Thế Tôn! Chốn a-la-nhã này lợi ích rất sâu rộng, có thể làm chỗ cho chúng sinhnương tựa tu học để thành tựu đạo tam thừa. Cúi xin Thế Tôn chỉ bày cho chúng con về hạnh a-lan-nhã.

Phật bảo Ca-diếp:

- Hãy lắng nghe, hãy khéo ghi nhớ và suy ngẫm! Như Lai sẽ nói vắn tắt ý nghĩa hạnh a-lan-nhã cho thầy.

Ca-diếp bạch Phật rằng:

- Dạ vâng, bạch Thế Tôn, con xin lắng nghe lời chỉ dạy.

Phật bảo Ca-diếp:

- Tỳ-kheo sống theo hạnh a-lan-nhã cần từ bỏ hai cực đoan[2], thân và tâm phải thanh tịnh, thực hành theo pháp đầu-đà. Người thực hành theo pháp này có 12 hạnh: một là sống ở a-lan-nhã; hai là thường đi khất thực; ba là khất thực theo thứ tự; bốn là ăn ngày một bữa; năm là ăn vừa đủ; sáu là quá ngọ không ăn, không uống nước trái cây; bảy là mặc y phấn tảochắp vá; tám là chỉ có ba y; chín là sống ở gò mả; mười là ngồi bên gốc cây; mười một là ngồi ở giữa trời; mười hai là chỉ ngồi không nằm.

1. Khi Tỳ-kheo sống ở chốn a-lan-nhã, thực tập hạnh đầu-đà, cần phải nghĩ rằng: “Nay ta sống ở nơi thanh vắng này là vì mục đích tìm cầu đạo Vô thượng, xả bỏ thân thể, mạng sống và tài sản, tu tập ba pháp vững chắc[3], nếu có chết thì như chết đi cái đáng chết, không có gì luyến tiếc.”

Những lúc mắc phải nỗi khổ do bệnh tật, cần có người giúp đỡ, thì phải nghĩ rằng: “Nay ta chỉ có một mình, vì pháp mà xuất gia, pháp là bạn của ta. Ai siêng năng thực hành pháp thì tức là tự cứu giúp mình. Đó là pháp sống ở a-lan-nhã.”

Trước kia, khi hành giả còn sống ở nhà, bị nhiều phiền não, cho nên mới từ bỏ mẹ cha, vợ con để xuất gia tu tập. Nhưng sống cùng thầy, cùng bạn để tu học lại phát sinh trói buộc, dính mắc, tâm lại càng thêm nhiễu loạn, vì vậy mà chọn pháp a-lan-nhã, để xa lìa chốn ồn ào, sống nơi thanh vắng. Xa lìa là xa lìa những tiếng ồn ào, cách chỗ người ta thả bò gần nhất cũng ba dặm, có thể xa hơn càng tốt. Khi thân đã được xa lìa rồi thì cũng phải làm cho tâm xa lìa năm thứ tham muốn[4] và năm thứ che lấp[5]. Pháp của Tỳ-kheo a-lan-nhã là phải như vậy.

2. Khi muốn vào thôn xóm khất thực, phải chế ngự sáu căn, khiến nó không tham đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, lại không được phân biệt các tướng nam, nữ… Xin được hay không được thì tâm vẫn luôn luôn bình đẳng; thức ăn có ngon không xin thêm, có dở không bớt đi.

Khi không xin được thức ăn cần phải nghĩ rằng: “Đức Thích-ca Như Lai từ bỏ ngôi vị Chuyển Luân Vương xuất gia và thành đạo, vậy mà có khi Ngài vào làng khất thực vẫn không xin được thức ăn, huống gì bản thân ta là người vô phước, bạc đức thì xin được gì?” Đây là pháp của người đi khất thực.

Nếu nhận lời gia chủ mời ăn, hay cùng ăn với Tăng chúng thì sẽ phát sinh những nhân duyênhữu lậu. Vì sao? Vì nhận lời gia chủ mời ăn, nếu được ăn thì liền nghĩ rằng: “Ta là người có phước đức rất tốt nên được gia chủ mời ăn”; nếu không được ăn thì liền hiềm hận gia chủrằng: “Người kia chẳng biết phân biệt gì cả, người không đáng được mời lại mời, người đáng được mời lại không mời.” Hoặc tự thấy bản thân thua kém, bạc phước [không được ai mời] nên buồn rầu, tự trách mình mà phát sinh sầu khổ. Pháp tham ái này sẽ chướng ngăn con đường tu học.

Pháp ăn của chúng Tăng là vào trong chúng phải theo đúng pháp. Người tri sự lo liệu công việc của Tăng, phải cắt cử người làm việc thì chắc chắn tâm bị tán loạn, bỏ phế việc tu tập. Do có những việc rắc rối như vậy, nên phải thọ pháp thường đi khất thực.

3. Tỳ-kheo thực hành hạnh đầu-đà không được tham đắm vị ngon, không được khinh chê chúng sinh, tâm phải bình đẳng thương yêu mọi người, không được lựa chọn nghèo giàu, cho nên thọ pháp luôn khất thực theo thứ tự.

4. Phải suy nghĩ rằng: “Nay ta xin một bữa ăn đã thấy nhiều trở ngại, huống gì xin ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều? Nếu không mệt nhọc thân mình thì cũng mất công hết nửa ngày, không thể chuyên tâm tu tập. Ta vì Phật pháp, vì tu tập, chứ đâu phải vì thân mạng mà nuôi thân như nuôi ngựa, nuôi heo.” Cho nên từ bỏ ăn uống nhiều bữa, thọ pháp ăn ngày một bữa.

5. Khi nhận được một bữa ăn, nên suy nghĩ: “Hôm nay nếu ta thấy chúng sinh đói khát, thiếu thốn, ta sẽ đem một phần thức ăn cho họ, ta làm thí chủ, họ làm người nhận.” Khi cho rồi, hãy nguyện rằng: “Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được phước, được cứu độ, chớ nên để bị đọa lạc vì xan tham.”

Nên đem thức ăn đến chỗ thanh vắng, lấy bớt một phần để trên đá sạch để bố thí cho các loài cầm thú, cũng chú nguyện như trên. Lúc ăn cơm, phải trải tọa cụ để ngồi, rửa tay sạch sẽ, thầm nguyện rằng: “Trong thân thể này có đến tám vạn vi trùng, chúng ăn được thức ănnày thảy đều được an ổn. Nay Ta đem thức ăn bố thí cho các loài vi trùng này, nguyện sau khi đắc đạo sẽ đem pháp bố thí cho chúng.” Làm như vậy là không bỏ chúng sinh.

Nếu không gặp người nghèo khốn, cũng chỉ ăn hai phần ba [thức ăn xin được] để nuôi thân mạng thôi. Vì sao? Vì người tu hành, nếu có tâm tham, ăn quá nhiều làm cho đầy bụng, khó thở, trở ngại việc tu tập. Nếu để lại một phần thì thân nhẹ nhàng, an ổn, dễ tiêu, không bệnh. Thân không bị tổn hại vì việc tu tập không bị bỏ phế. Thế nên phải thọ pháp ăn vừa đủ.

6. Sau khi ăn vừa đủ, quá ngọ mà uống nước trái cây thì tâm sẽ phát sinh ưa thích, tham đắm, tìm đủ mọi loại nước trái cây, nước mật… tìm hoài không chán, nên không thể chuyên tâm tu tập pháp lành. Như ngựa không buộc dàm, nó sẽ ăn cỏ hai bên đường, không chịu đi thẳng; nếu được buộc dàm, buộc dây cương thì sẽ không còn ý định ăn cỏ, theo như ý của người điều khiển mà đi. Đó là lý do thọ pháp sau giờ ngọ không uống nước trái cây.

7. Nên vào trong thôn xóm nhặt những mảnh vải cũ dơ bẩn người ta vứt đi rồi giặt sạch, chắp vá lại thành tấm y để che thân, tránh giá rét. Bởi vì để có được vải tốt thì phải đi tìm kiếmkhắp bốn phương, sợ rơi vào lối sống tà mạng. Còn nếu được người ta cúng cho y tốt thì nảy sinh tình cảm thân gần, gắn kết với nhau; nếu không gần gũi qua lại thì thí chủ sẽ buồn giận.

Nếu ở trong Tăng chúng mà nhận được y, như trên đã nói, sẽ có những rắc rồi phiền hàtrong Tăng chúng. Vả chăng, ai muốn có được y đẹp là người chưa đắc đạo, vì còn sinh tâm tham đắm. Sở hữu y tốt là nguyên nhân gặp nạn giặc cướp, có khi phải mất mạng. Vì có những tai họa như vậy cho nên phải thọ pháp mặc y phấn tảo.

8. Nên ít tham muốn, biết đủ. Y phục vừa đủ che thân, không nhiều, không ít. Người đời ưa thích đẹp đẽ cho nên mới cất giữ nhiều áo quần, còn ngoại không biết xấu hổ mới sống khổ hạnh lỏa hình. Đệ tử của Như Lai phải từ bỏ hai cực đoan này, sống đời trung đạo, chỉ có ba y.

9. Dù Đức Phật còn ở đời hay sau khi diệt độ cũng phải tu hai pháp, đó là thiền chỉ và thiền quán. Quán các pháp vô thường và không có tự tính là cánh cửa Phật pháp đầu tiên để có thể làm cho nhàm chán mà xa lìa ba cõi. Ở giữa gò mả thường có tiếng khóc than bi thảm, tử thi vứt bừa bãi, bị lửa đốt, bị chim thú giành nhau ăn, chẳng bao lâu chỉ còn xương trắng, mắt thấy rõ cảnh đời vô thường. Nhờ quán tử thi, nên ở trong các pháp dễ dàng đạt được tưởng vô thường.

Lại nữa, khi ở giữa gò mả, thấy tử thi thối rửa, bất tịnh sẽ dễ dàng quán tưởng về chín giai đoạn [thân thể tan rã][6], là cánh cửa đầu tiên đi đến ly dục. Vì những lợi ích như vậy cho nên thọ pháp sống ở gò mả.

10. Hành giả tu tập quán tưởng bất tịnh và vô thường xong rồi sẽ biết rõ con đường đắc đạo. Trong khi chưa đắc đạo thì tâm cũng đã vô cùng chán ngán sự đời, cho nên hành giả từ bỏgò mả đi đến bên gốc cây, tư duy cầu đạo. Hơn nữa, cuộc đời của Đức Phật, từ khi sinh ra, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết-bàn đều ngồi bên gốc cây. Hành giả tu tập theo pháp của chư Phật thường ở bên gốc cây. Vì có những nhân duyên như vậy cho nên thọ phápngồi bên gốc cây.

11. Ngồi dưới tàng cây cũng như dưới nửa mái nhà, không có gì khác, có bóng che mát mẻ, nên lại sinh tâm ưa thích, cho rằng ta có chỗ nghỉ rất tốt. Ở bên gốc cây lại phát sinh những phiền toái như vậy cho nên phải gốc cây ra giữa đồng trống, suy nghĩ rằng: “Ở dưới tàng cây có nhiều tai họa. Một là mưa giọt thấm lạnh, hai là chim chóc phóng uế làm bẩn thân, là nơi độc trùng cơ trú… Dưới tàng cây có những tai họa như vậy, còn ở giữa đồng trống không có những tai họa này.” Người ở giữa đồng trống mặc áo hay cởi áo dễ dàng tùy theo ý thích, có trăng trong chiếu soi cùng khắp khiến tâm hồn thanh thoát nhẹ nhàng, dễ dàng nhập vào định Không. Vì lý do đó nên cần thọ pháp ngồi giữa đồng trống.

12. Trong bốn uy nghi của thân, ngồi thẳng là đứng đầu. Ngồi thẳng giúp thức ăn dễ dàng tiêu hóa, hơi thở điều hòa. Người cầu đạo khi việc lớn chưa thành, các giặc phiền nãothường vậy khốn tìm kiếm sơ hở, nên chớ nằm hoài. Còn khi đi, khi đứng tâm thường dao động, rất khó điều phục, cũng không thể đi lâu, đứng lâu. Vì vậy mà phải thọ pháp thường ngồi. Nếu lúc muốn ngủ, hông không dính chiếu (tức ngủ ngồi!)

Đây là 12 pháp tu hạnh đầu-đà.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Các thầy nhớ buộc tâm lại một chỗ, chớ để nó tán loạn, công đức thiền định từ đó được sinh. Hết thảy chúng sinh phàm phu do vì điên đảo, bị trói buộc trong ý niệm ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, chạy theo những thứ giả danh mà phát sinh những nhận thức sai lầm. Từ xưa đến nay, năm uẩn vốn thanh tịnh, chẳng phải ta, chẳng phải của ta, không sinh, không diệt, không ra, không vào, chẳng phải phàm phu, chẳng phải không phàm phu, chẳng phải Thánh nhân, chẳng phải không Thánh nhân, lìa mọi tên gọi, tuyệt đường ngôn ngữ, chư Phật không đi, không đến. Hôm nay các thầy ai nấy phải duyên vào bản chất thanh tịnh để quán sát thật kỹ thân tướng này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, tâm rất hoan hỷ, liền quán thân này, từ lớp da bên ngoài cho đến máu, thịt, mủ thối uế tạp, gân, xương, mạch, tủy, mỡ, mỡ nước, não, mô, nước mắt, nước mũi, nước miếng, gan, mật, lá lách, thận, tim, phổi, đờm, sinh tạng, thục tạng, ruột non, ruột già, đại tiểu tiện, lông, tóc, móng tay, răng, bào thai nhơ nhớp… Ba mươi sáu vật và chín lỗ bất tịnh, từ ngoài đến trong, từ trong ra ngoài, tìm kiếm tướng của ngã hoàn toàn không có. Tinh tấn không dừng, bèn thấy được sắc tâm niệm niệm sinh diệt như dòng nước chảy, như ánh đèn chao. Sinh không từ đâu đến, diệt không đi về đâu. Hiện tạikhông chỗ trụ, biết năm ấm này từ xưa đến nay là không, không có gì, diệt sạch các tướng, chứng trí như thật, thành A-la-hán. Các Bồ-tát… tư duy pháp xong, đắc Vô sinh nhẫn, đầy đủ mười Địa.

Phật hỏi các Tỳ-kheo:

- Vào thời kì tượng pháp sau này, ai có thể hộ trì, giảng dạy rộng rãi và lưu truyền Kinh này, để cho người cầu Phật đạo biết được ý nghĩa căn bản và nhiệm mầu của nó?

Lúc đó, Thiên Đế thích và tám bộ Rồng, Thần nghe Phật hỏi thì từ giữa hư không bay đến, cúi đầu lạy sát chân Phật, rồi thưa rằng:

- Kính bạch Thế Tôn! Vào thời kì tượng pháp, hễ có ai tu tập đạo tam thừa, ai ở nơi thanh vắng tìm cầu Phật đạo, chúng con sẽ hộ vệ người đó, không để cho những ác quỷ, ác thầnnhiễu loạn người đó.

Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi cũng bạch Phật:

- Kính bạch Thế Tôn! Ở đời vị lai, con sẽ nương uy thần của Đức Phật, hộ trì Kinh này khiến cho không đoạn tuyệt. Hễ có ai tu học, con sẽ dẫn đường chỉ lối cho.

Bấy giờ, tôn giả A-nan đến trước Đức Phật thưa rằng:

- Kính bạch Thế Tôn! Kinh này có tên gọi là gì? Chúng con phụng trì cách nào?

Phật bảo A-nan:

- Kinh này tên là Hạnh khổ đầu-đà, cũng gọi là Xa lìa tham trước và tập hợp mọi gốc căn lành. Các thầy hãy phụng trì như vậy.

Khi đó, tám bộ Trời, Rồng, hết thảy Đại chúng nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 

ĐCTT/ĐTK. Kinh tập bộ loại, T17, N0.763.
Đời Lưu Tống, tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la,
người nước Vu Điền, dịch Phạn Hán
Thích Nguyên Hùng dịch Hán Việt


[1] A-lan-nhã (S. araṇya): Dịch nghĩa là nơi không có sự tranh chấp, nơi không có tiếng ồn tranh cãi, nơi thực hành hạnh không tranh chấp, nơi thanh lặng, hoặc nơi cực kỳ yên tĩnh, cách thôn xóm hoặc thành thị khoảng một câu-lô-xá hoặc nửa câu-lô-xá.

[2] Hai cực đoan: Khổ hạnh ép xác và hưởng thụ dục lạc.

[3] Ba pháp vững chắc: thân thể, mạng sống và tài sản. Người tu đạo đạt được thân không hư hoại, mạng sống không giới hạn và tài sản không bao giờ hết, gọi là ba pháp vững chắc.

[4] Năm thứ tham muốn, tức ngũ dục: tham muốn sắc, thanh, hương, vị, và xúc.

[5] Năm thứ che lấp, tức ngũ cái: tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi.

[6] Quán chín giai đoạn thân thể tan rã, gọi là cửu tưởng quán, cửu tưởng: Thân thể sình lên, biến sắc bầm tím, xác rút nhỏ lại, xác nức rã, máu mủ tuôn ra, muông thú ăn thịt, rã rời từng đoạn, còn lại xương trắng, mục rã thành tro tàn.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin