Chi tiết tin tức

Trăng sáng giữa đời mơ

18:26:00 - 21/02/2024
(PGNĐ) -  Nếu như ánh mặt trời được ví cho sự giác ngộ giải thoát tối thượng của Đức Phật, thì sự giác ngộ của các hàng đệ tử Phật như những ánh trăng rằm tròn đầy, không bị mây đen che mờ, soi sáng những đêm trường tăm tối vô minh.

1. TỔNG QUAN
Như những đóa hoa tươi thắm điểm tô cho cuộc đời sắc đẹp và hương thơm thanh khiết, những vị Bồ tát, bậc chân nhân mang sắc đẹp của từ bi, hương thơm của trí tuệ, sự lan tỏa của giới đức. Đó là sự hiện thân cho những nhân cách cao thượng, với các phẩm chất quý giá trong Phật giáo mà không một sắc đẹp hay hương thơm của loài hoa nào có thể so sánh được.

Bài viết này sẽ trình bày ý nghĩa về bậc chân nhân (sappurisa) theo tinh thần Kinh tạng Nykāya. Qua đó, chúng ta nhận thấy bậc chân nhân chính là những vị đại Bồ tát, Thánh nhân thực hành bi nguyện tự giác-giác tha, tự rèn luyện chuyển hóa tự thân và mang đến lợi lạc cho muôn loài, kế thừa sự nghiệp vĩ đại của Đức Phật, đem đến cho nhân loại nguồn ánh sáng của Giới – Định – Tuệ – Giải thoát. Nếu như ánh mặt trời được ví cho sự giác ngộ giải thoát tối thượng của Đức Phật, thì sự giác ngộ của các hàng đệ tử Phật như những ánh trăng rằm tròn đầy, không bị mây đen che mờ, soi sáng những đêm trường tăm tối vô minh. Ánh trăng là sự lan tỏa nguồn sáng kỳ diệu, bởi nó xuất phát từ những trái tim từ bi và lòng vị tha vô ngã của các bậc chân nhân, những vị thực hành Bồ tát đạo đã đạt đến trạng thái giải thoát siêu xuất và không còn sự ràng buộc trong ba cõi.

Như đã nói ở trên, nhớ ơn và biết ơn là hai đặc tính của một vị chân nhân, ở đây cũng vậy, sự bày tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật, những vị sư trưởng, cùng với hai đấng song thân chính là biểu hiện của một vị chân nhân.

2. ĐỊNH NGHĨA VỀ BẬC CHÂN NHÂN
Tản mác trong Tam tạng kinh điển, tần số xuất hiện của thuật ngữ “chân nhân” (sappurisa) chiếm vị trí không nhỏ và xuất hiện trong rất nhiều bài kinh quan trọng. Điều đó chứng tỏ, thuật ngữ này đã được sử dụng phổ biến trong kinh điển thời Đức Phật, tuy nhiên ý nghĩa cũng mang nhiều sắc thái và cấp độ biểu hiện khác nhau.

Thuật ngữ “sappurisa” mà chúng ta đang tìm hiểu ở đây được hiểu như một con người có phẩm chất tốt đẹp, cao thượng. Từ “sappurisa” trong tiếng Pāli (hay satpuruṣa trong Sanskrit) khi dịch sang Hán ngữ thường là: Chân nhân (真人), thượng sĩ, đại sĩ, chân thiện nhân,… [1]. Trong The Pali Text Society’s Pali-English Dictionary định nghĩa sappurisa cấu tạo bởi sat (=sant) nghĩa là những gì thiện lành, cao quý, tốt đẹp và purisa nghĩa là một con người; do đó sappurisa nghĩa là một người tốt lành, xứng đáng được tôn trọng [2].

Sự chuyển ngữ cho phù hợp với từng quốc gia là điều cần thiết, nhưng không vì thế mà nó đánh mất đi ý nghĩa từ nguyên gốc của nó. Điển hình như, đối chiếu bài kinh số 113 trong Kinh Trung Bộ, Sappurisasuttaṃ – Kinh Chân nhân [3] và bài kinh tương đương Chân nhân kinh (真人經) trong bộ Trung A-hàm Kinh thuộc Hán truyền [4], trong bài kinh này và một số bài kinh khác trong A-hàm cũng thường sử dụng từ “chân nhân” để dịch cho từ sappurisa (hay satpuruṣa), trong các bản dịch tiếng Việt của HT. Thích Minh Châu cũng hay sử dụng từ chân nhân trong các bản dịch của ngài (điển hình như bài kinh số 113 Trung Bộ Kinh đã nói ở trên). Thuật ngữ này còn được dịch là “hiền minh chi thiện nhân” trong  Hán dịch Nam truyền đại tạng kinh [5].

Ngoài ra, theo Phật quang đại từ điển định nghĩa: “Chân nhân: Tên gọi khác của A-la-hán, vì các A-la-hán là các bậc tu hành đạo chân chính không hư ngụy, nên gọi là chân nhân. Ngoài ra, các bậc tu hành vĩ đại (Đức Phật) hoặc các thánh nhân đã chứng pháp đích thực mà không kiêu, khinh dễ người khác điều gọi là chân nhân” [6]. Ở đây, chúng ta thấy có sự định nghĩa hơi khác so với các từ điển đã dẫn, đó là định nghĩa “chân nhân” tương đương với địa vị của bậc A-la-hán. Như vậy, để có thể làm sáng tỏ thêm ý nghĩa của thuật ngữ sappurisa (chân nhân) được diễn tả trong các kinh Nikāya hay A-hàm, sau đây chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu về những ý nghĩa của thuật từ này trong các kinh điển liên quan.

3. CÁC PHẨM CHẤT CẤU THÀNH MỘT BẬC CHÂN NHÂN
Ở trên đã tìm hiểu sơ lược về một số định nghĩa trong các từ điển có liên quan đến sappurisa, dưới đây, chúng ta sẽ đi vào chánh kinh, để có thể trực tiếp hiểu ý nghĩa của từ này.

3.1. Biết ơn và nhớ ơn
Trong Kinh Tăng Chi, chương Hai pháp, phẩm Tâm thăng bằng (A,i,62) đoạn 33 đề cập đến địa vị của bậc chân nhân (sappurisabhūmiñca) và không phải địa vị bậc chân nhân (asappurisabhūmiñca) [7], trong đó bhūmi được hiểu như một lĩnh vực, nền tảng chứa đựng những yếu tố của vị chân nhân (sappurisa) và không phải chân nhân (asappurisa). Trong đoạn kinh này, các đặc tính cấu thành nên một sappurisa gồm: biết ơn và nhớ ơn (kataññū hoti katavedī); ngược lại với hai đức tính này là không biết ơn và không nhớ ơn (akataññutā akataveditā) đồng nghĩa với địa vị của bậc không phải chân nhân (asappurisa).

Như vậy, đặc tính của một sappurisa theo đoạn kinh này phải gồm hai đức tính tốt đẹp biết ơn và nhớ ơn. Đây cũng chính là một trong những đạo lý căn bản của con người cả thế gian và xuất thế gian. Ngay cả xã hội Việt Nam ta từ ngàn xưa, tinh thần uống nước nhớ nguồn đã nói lên tính dung thông giữa đời và đạo, vì thế không thể nói Phật giáo xa rời nhân sinh, trái lại Đạo Phật luôn đồng hành cùng những thăng trầm lịch sử và những giá trị đạo đức nhân bản trong xã hội. Vì thế mà đặc tính nền tảng (địa vị) của một sappurisa luôn chứa đựng hai yếu tố này, đó cũng chính là phẩm chất mang tri thức hay giới đức tốt đẹp (sabbhi) của một vị chân nhân. Ngay cả Đức Phật, sau khi chứng quả cũng đã thể hiện rõ hai đức tính cao đẹp này, đó là thể hiện sự biết ơn đối với cội cây nơi che chở Ngài trong thời gian thiền định và lần lượt tìm đến những vị ân nhân đã giúp đỡ trong thời gian trước kia, kể cả công ơn sinh thành của đức vua Tịnh Phạn. Chính vì thế, trong Phật giáo, ngoài tu tập giải thoát cho tự thân, còn cần phải báo đáp “Tứ trọng ân” mà người xuất gia đã thọ nhận. Đây cũng chính là một trong những truyền thống cao quý đã có từ thời Đức Phật và duy trì đến hiện tại.

Khi đề cập đến một con người hoàn thiện, theo Phật giáo, tức người đó hoàn bị về ba phương diện: thân, khẩu và ý. Làm chủ ba phương diện này được xem như một bậc hiền trí, chân nhân ưu việt trong Phật pháp.

3.2. Chánh hạnh
Như đã nói ở trên, nhớ ơn và biết ơn là hai đặc tính của một vị chân nhân, ở đây cũng vậy, sự bày tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật, những vị sư trưởng, cùng với hai đấng song thân chính là biểu hiện của một vị chân nhân. (A,i,89; A,ii,4). “Do chánh hạnh đối với hai [hạng người], bậc hiền trí khôn khéo, bậc chân nhân… tạo nên nhiều phước đức. Ðối với hai hạng người nào? Với mẹ và với cha. Do chánh hạnh đối với hai (hạng người) này, bậc hiền trí … tạo nên nhiều phước đức.” Và “Do chánh hạnh đối với hai [hạng người], bậc hiền trí khôn khéo, bậc chân nhân…tạo nên nhiều phước đức. Ðối với hai hạng người nào? Với Như Lai và với đệ tử của Như Lai. Do chánh hạnh đối với hai [hạng người] này, bậc hiền trí … tạo nên nhiều phước đức” [8].

Trong đó từ sammāpaṭipajjamāno được dịch là chánh hạnh, tức những đức tính chân chính của bậc hiền trí, bậc chân nhân, trái ngược lại với micchāpaṭipajjamāno tức tà hạnh, không xứng đáng với phẩm chất của bậc hiền trí chân nhân. Chánh hạnh sammāpaṭipajjamāno đối với cha mẹ (mātari ca pitari ca), chánh hạnh đối với Như Lai và đệ tử của Như Lai (tathāgate ca tathāgatasāvake ca). Ở đây có thể hiểu chánh hạnh của một vị hiền trí, chân nhân cần có những hành động thích hợp (cung kính, tôn trọng, phụng dưỡng, cúng dường,…) đối với hai đấng sinh thành và Đức Phật cùng đệ tử Đức Phật. Bởi công đức cha mẹ là cao tột và khó đáp đền, dù có dùng hai vai cõng vác cha mẹ suốt trăm năm hoặc an trí vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu cũng chưa làm đủ hay trả ơn mẹ và cha. Bởi “cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.” Do đó, bổn phận của một người con hiếu thảo với trí tuệ cần thực hiện các chánh hạnh như: khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới, bố thí… Cho đến như vậy, tức là làm đủ và trả ơn đủ đối với mẹ cha [9].

Tương tự, đức Như Lai dạy đệ tử của Ngài phải thực hành các bổn phận với những bậc thầy chỉ đạo cho đến các bậc đồng học, cần thân cận gần gũi cúng dường, tiếp nhận lắng nghe những giáo pháp mà các vị ấy truyền đạt. Đó cũng chính là thực hiện phận sự của đệ tử đối với Đức Phật, với vị thầy tế độ hay thầy giảng dạy giáo pháp, luôn sống trong sự cung kính, trên tinh thần lục hòa, tương thân tương ái, cùng hướng đến mục đích đạt tới Niết bàn, giải thoát.

3.3. Niềm tin chân tịnh
Ngoài đặc tính tri ân và báo ân cùng với chỉ trích và tán thán với trí tuệ thẩm sát đã đề cập ở trên, một vị chân nhân còn được miêu tả là người biết quán sát với trí tuệ suy lường và đặt lòng tin vào đúng chỗ (A,i,190; A,ii,2) [10].

Theo đoạn kinh này, nhờ sự thành tựu hai yếu tố này mà bậc hiền trí, chân nhân được ngợi khen và tạo ra nhiều phước đức. Hai yếu tố đó là: “Sau khi suy tư và thẩm sát, tự cảm thấy không tin tưởng đối với những chỗ không đáng tin tưởng, và tự cảm thấy tin tưởng đối với những chỗ đáng tin tưởng”. Chúng ta nhận thấy sự tin tưởng hay niềm tin cần đặt vào đúng vị trí, sau khi đã suy lường, tư duy với trí tuệ. Bởi nếu đặt niềm tin vào không đúng đối tượng sẽ dẫn đến kết quả không thành tựu, do đó vị chân nhân là người phải luôn tỉnh giác với trí tuệ suy lường mà đặt để tin tưởng, niềm tin (pasāda) đúng đắn sẽ tạo ra nhiều công đức tốt lành.

3.4. Thiện hạnh về thân, khẩu, ý
Khi đề cập đến một con người hoàn thiện, theo Phật giáo, tức người đó hoàn bị về ba phương diện: thân, khẩu và ý. Làm chủ ba phương diện này được xem như một bậc hiền trí, chân nhân ưu việt trong Phật pháp. Kinh Tăng Chi, chương Ba pháp, trong một đoạn kinh ghi nhận: “Thành tựu ba pháp này,… người hiền trí không vụng về, là bậc chân nhân, tự mình xử sự không như một kẻ mất gốc,..và tạo nhiều phước đức. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện” [11]. Trong đó, thân thiện hạnh (kāyasucaritena), khẩu thiện hạnh (vacīsucaritena) và ý thiện hạnh (manosucaritena) là đặc tính của bậc hiền trí, chân nhân. Với thân, khẩu và ý luôn hướng về những hành động thiện lành, có thể tương ứng với thập thiện đạo.

Trong một đoạn kinh khác, cũng với ý nghĩa tương tự, đó là bậc chân nhân ngoài việc đạt đến thiện hạnh về thân, khẩu và ý (kāyasucaritena, vacīsucaritena, manosucaritena) còn thành tựu về chánh tri kiến (sammādiṭṭhi) [12]. Chánh tri kiến là một trong tám chi Thánh đạo, chính nhờ thành tựu tri kiến mà vị ấy luôn sống trong sự quán sát với trí tuệ chân chính, trí tuệ phân biệt rõ được thiện và bất thiện: “Chư hiền, khi Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và tuệ tri được căn bản bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bản thiện, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này” [13]. Cũng theo lời giải thích của ngài Sāriputta, chánh tri kiến có nghĩa là sự hiểu biết rõ ràng (pajānāti) về căn bản thiện và bất thiện. Theo đó, căn bản của bất thiện (akusalamūlaṃ) gồm: sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói lời phù phiếm, tham dục, sân và tà kiến. Chính vì thế, một bậc chân nhân cần có sự thanh lọc về thân, khẩu và ý, có sự chú tâm cảnh giác và chế ngự các pháp bất thiện khởi lên.

Do vậy, trong một bài kinh thuộc Tăng Chi Bộ định nghĩa rằng bậc hiền trí, chân nhân đạt đến sự thanh tịnh về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp ([A,i,293]: kusalena kāyakammena, kusalena vacīkammena, kusalena manokammena) chính do ba nghiệp đã an tịnh, nên được xem là không lỗi lầm, tức là thuộc về thiện nghiệp, vô tội, không có lầm lỗi. Bốn đặc tính được diễn tả là: thân nghiệp không có lầm lỗi, khẩu nghiệp, ý nghiệp và tri kiến không có lầm lỗi (A,ii,253: anavajjena kāyakammena, anavajjena vacīkammena, anavajjena manokammena, anavajjāya diṭṭhiyā). Như vậy, ở phần này, chúng ta đã tìm hiểu thêm về những đặc tính của một chân nhân, đó chính là sự an tịnh của ba nghiệp thân – khẩu – ý và chánh tri kiến là một đặc tính không thể thiếu.

3.5. Thành tựu các học pháp
Như trên đã đề cập đến lời giải thích của ngài Sāriputta trong Kinh Chánh tri kiến về vấn đề thế nào là chánh tri kiến, nó được hiểu là sự tuệ tri căn bản thiện và bất thiện. Căn bản thiện và bất thiện xây dựng trên nền tảng tham, sân, si và biểu hiện qua thân, khẩu và ý. Do đó, một vị chân nhân trong Kinh Tăng Chi Bộ là một người có được sự đầy đủ về sự phòng hộ về ba nghiệp, đó cũng chính là sự thực hành hoàn hảo về các học giới: “Ở đây, này các Tỳ kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu. Người này, này các Tỳ kheo, được gọi là bậc chân nhân” [14]. Ở một số đoạn kinh sau có thêm các chi pháp như: từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm [15]. Nhưng ý nghĩa tựu trung đó là ba nền tảng của thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, đó cũng chính là ý nghĩa và mục đích mà các học giới (Sikkhā) hướng đến. Là một trong những phẩm chất của một bậc hiền trí, chân nhân. Ngoài ra, bậc chân nhân còn có thêm các đặc tính: không tham, không sân và có chánh kiến (A,ii,221: anabhijjhālu hoti, abyāpannacitto hoti, sammādiṭṭhiko hoti).

3.6. Chân thật
Vị chân nhân là người luôn nói ra những lời chân thật, không hư ngụy, vì an trú trong sự phòng hộ của luật nghi, nên đã thiện hạnh thiện nghiệp về thân, khẩu, ý và đặt dưới sự soi sáng của chánh tri kiến. Do đó, một đặc tính của một vị chân nhân còn được đề cập như: “Không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không cảm giác nói không có cảm giác, không thức tri nói có không thức tri” [16]. Dựa trên những sự thật đã thấy, đã nghe mà đưa ra những nhận định đánh giá chân thật về những gì mình trải nghiệm: “Có thấy nói có thấy, có nghe nói có nghe, có cảm giác nói có cảm giác, có thức tri nói có thức tri” [17]. Thấy (diṭṭhi) là những gì có liên quan đến các quan niệm, tri thức hay kiến thức, một cách nhìn nhận đánh giá. Nghe (suta) là những gì đã được nghe, đã học, đã được tiếp thu từ bên ngoài. Cảm giác (muta) là cái được nghĩ, được cho là, được tưởng tượng (tức là được tiếp nhận bằng các ấn tượng giác quan mơ hồ hơn là bằng thị giác và thính giác). Thức tri (viññāta) là sự hiểu biết, lĩnh hội về một vấn đề gì đó. Bậc chân nhân khi thấy, nghe, cảm giác, thức tri đúng với những gì đang xảy ra mà không nói sai sự thật. Bốn đức tính đó là Bốn Thánh ngôn (cattāro ariyavohārā) trong Kinh Phúng tụng, là bốn phẩm chất của một vị chân nhân, là bốn lời nói của bậc Thánh [18]. Như thế, bậc chân nhân đã được ngầm định tương ứng với địa vị của bậc Thánh nhân (Ariya).

3.7. Bảy đức tính của một chân nhân
Trong kinh thường dùng nhiều cách để diễn đạt ý nghĩa của một bậc chân nhân và trong một bài kinh, Đức Phật đã nêu lên bảy đức tính của một bậc chân nhân: “Ở đây, này các Tỳ kheo, có người có lòng tin, có xấu hổ, có sợ hãi tội lỗi, nghe nhiều, siêng năng tinh cần, có niệm, có trí tuệ. Người này, các Tỳ kheo, được gọi là bậc chân nhân” [19] Bảy đức tính này, theo Kinh Phúng Tụng [20] được gọi là Bảy Diệu pháp (satta saddhammā) [D,iii,253]: “Satta saddhammā – idhāvuso, bhikkhu saddho hoti, hirimā hoti, ottappī hoti, bahussuto hoti, āraddhavīriyo hoti, upaṭṭhitassati hoti, paññavā hoti”.

Bảy diệu pháp này gần giống với Thất thánh tài (tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ) [21], chúng chỉ khác nhau ở chi phần giới và bố thí. Bảy Diệu pháp hay bảy đức tính của một vị chân nhân là: lòng tin (saddha) là sự tin tưởng, tịnh tín nơi Phật –  Pháp – Tăng, nơi Giới – Định – Tuệ, tin tưởng vào con đường giác ngộ mà Đức Phật đã thuyết giảng và tin chắc rằng sự thực hành diệu pháp này sẽ dẫn đến an vui hạnh phúc; xấu hổ (hirimā) cảm thấy hổ thẹn, có lỗi với những hành động bất thiện mà mình đã gây tạo, do đó mà ngăn chặn và chuyển hóa chúng; sợ hãi tội lỗi (ottappī) là trạng thái kinh sợ trước những hành động bất thiện, vì vậy mà có sự phòng hộ và ngăn chặn không cho các bất thiện pháp phát sinh trong tương lai; nghe nhiều (bahussuto) hay có nghĩa là đa văn, tức chỉ cho người có một kiến thức rộng rãi về pháp học, có thể tinh thông pháp học thế gian và xuất thế gian; tinh cần tinh tấn (āraddhavīriyo) lòng nhiệt huyết và sự kiên trì không mỏi mệt trong việc tu tập ngăn chặn cái ác và hướng tới sự thánh thiện cao thượng; có sự an trú niệm (satimā) niệm sati trong chánh niệm sammasati để chỉ cho sự an trú niệm trên các đề mục thiền quán, luôn có sự chú tâm cảnh giác và đặt dưới sự soi rọi của tuệ quán minh sát (vipassana); có trí tuệ (paññavā) hiểu rõ bản chất của các pháp, trí tuệ đạt đến do tu tập về giới và định, đạt đến cái thấy biết rõ ràng, vô ngại, giải thoát.

3.8. Chỉ trích và tán thán đúng pháp
Nếu như tri ân và báo ân là đặc điểm cấu thành nên một vị chân nhân, thì cũng trong Tăng chi bộ, chương Hai pháp, phẩm Hy cầu (A,i,89) đoạn 135 ghi nhận về cách xử sự của “một bậc hiền trí khôn khéo, bậc chân nhân, tự mình xử sự không như một kẻ mất gốc và tạo nên nhiều phước đức” đó là sự thành tựu về hai pháp: “Sau khi suy tư và thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán và chỉ trích người đáng bị chỉ trích” [22].

Trong đoạn kinh này, vị chân nhân còn được đề cập tương tự một bậc hiền trí khôn khéo, bậc trí tuệ mẫn tiệp (paṇḍito viyatto). Vị chân nhân phải là một người biết tán thán (vaṇṇaṃ) và chỉ trích (avaṇṇaṃ) đúng đắn sau khi đã suy tư thẩm sát, suy lường kỹ càng (anuvicca pariyogāhetvā). Chính những hành động này đã tạo ra nhiều phước đức (puñña) tự thân.

3.9. Pháp của bậc Thánh
Pháp của bậc Thánh hay Thánh pháp, căn cứ vào bài Kinh Pháp Bậc Thánh [23] (A,v,241; Ariyadhammasuttaṃ), kinh này liệt kê về 10 pháp thuộc về Thánh pháp, tức là những pháp hướng thiện đưa đến sự an lành, giải thoát, gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí và chánh giải thoát.

10 Thánh pháp này tương tự với Kinh Con đường Mười ngành [24] (A,ii,221; Dasamaggasuttaṃ). Kinh này đề cập về mười con đường hay mười ngành dẫn đến địa vị của một bậc hiền trí chân nhân: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí và chánh giải thoát. Mười con đường hay mười thánh pháp này đã gồm thâu Bát thánh đạo, tức là con đường dẫn đến Thánh quả, hay nói cách khác, đây chính là “Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, này các Tỳ kheo, chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến,…chánh định” [25]. Ni sư Dhammadinnā đã giải thích cho Visākha: “Hiền giả Visākha, Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng, những pháp này được thâu nhiếp trong giới uẩn. Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, những pháp này được thâu nhiếp trong Định uẩn. Chánh tri kiến và Chánh tư duy, những pháp này được thâu nhiếp trong Tuệ uẩn”[26]. Trong đó chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về Giới uẩn tức là những gì có liên quan đến các học giới, các phương pháp phòng hộ các giác quan. Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc về Định, nghĩa là thuộc về thiền định, sự nỗ lực trong lúc thiền định hay thiền quán. Chánh tri kiến, chánh tư duy thuộc về Tuệ , phát sinh do thực hành đúng đắn các chi phần trước đó, có được cái nhìn tuệ quán về các sự vật như nó đang là. Chánh trí (sammāñā), chánh giải thoát (sammā-vimutti) là kết quả đạt đến do viên mãn tám chi phần kia, tức là đạt đến trí tuệ của bậc thánh và thành tựu giải thoát, chấm dứt khổ đau.

Như vậy, thông qua việc tìm hiểu về một số đức tính tốt đẹp của một vị chân nhân, đến đây đã dần dần phác hoạ được những phẩm chất cốt cách và đức tính cao thượng, một hình tượng về bậc hiền trí chân nhân sappurisa trong Phật pháp. Tìm hiểu về bậc chân nhân cũng chính là tự học tập và định hướng cho quá trình tu tập của chính bản thân, thông qua những định nghĩa, những lời dạy ghi nhận trong kinh điển.

Nếu như ánh mặt trời được ví cho sự giác ngộ giải thoát tối thượng của Đức Phật, thì sự giác ngộ của các hàng đệ tử Phật như những ánh trăng Rằm tròn đầy, không bị mây đen che mờ, soi sáng những đêm trường tăm tối vô minh. Ánh trăng là sự lan tỏa nguồn sáng kỳ diệu, bởi nó xuất phát từ những trái tim từ bi và lòng vị tha vô ngã của các bậc chân nhân, những vị thực hành Bồ tát đạo đã đạt đến trạng thái giải thoát siêu xuất và không còn sự ràng buộc trong ba cõi.

4. VAI TRÒ CỦA BẬC CHÂN NHÂN TRONG CHÁNH PHÁP
Bậc chân nhân trong Phật giáo chiếm một vị trí quan trọng, do đó tản mác trong các bộ kinh, danh từ bậc chân nhân sappurisa thường xuyên được đề cập đến, có thể nói rằng đây cũng chính là mẫu hình lý tưởng của sự tu tập giải thoát trong Đạo Phật. Trong phần này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu thêm về vai trò cũng như những ích lợi của việc gần gũi học tập từ những bậc chân nhân.

4.1. Bốn lợi ích của sự gần gũi bậc chân nhân
Các đức tính của một bậc chân nhân chứa đựng những cốt cách, phẩm chất của một con người giải thoát. Do đó sự gần gũi, học tập từ các bậc chân nhân sẽ đem đến cho chúng ta những ích lợi to lớn trong sự tu học.

Nhờ có sự nương tựa nơi bậc chân nhân, người nương tựa có thể đạt đến bốn sự lợi ích (ānisaṃsā pāṭikaṅkhā): “Nhờ y tựa bậc chân nhân, này các Tỳ kheo, chờ đợi là bốn lợi ích. Thế nào là bốn? Lớn mạnh nhờ Thánh giới, lớn mạnh nhờ Thánh định, lớn mạnh nhờ Thánh trí tuệ, lớn mạnh nhờ Thánh giải thoát” [27]. Đoạn kinh xác định rằng, vì có sự nương tựa, gần gũi nơi các bậc chân nhân mà Thánh giới (ariyena sīlena), Thánh định (ariyena samādhinā), Thánh tuệ (ariyāya paññāya), Thánh giải thoát (ariyāya vimuttiyā) tăng trưởng (vaḍḍhati) [A,ii,239]. Như trên đã phân tích về Giới, Định, Tuệ và Giải thoát (cùng với Chánh trí) là một trong những thành tựu của bậc chân nhân đạt đến trên lộ trình tu tập, do sự nương nhờ gần gũi mà chúng ta cũng có thể đạt đến các cấp độ giải thoát như các vị ấy.

4.2. Tăng trưởng trí tuệ
Trên đã nói về bốn lợi ích của sự gần gũi học tập nơi bậc chân nhân và trong một bài kinh khác, Đức Phật xác nhận bốn pháp dẫn đến sự tăng trưởng trí tuệ gồm: “Thân cận bậc chân nhân, lắng nghe Diệu pháp, như lý tác ý, thực hành pháp tùy pháp. Bốn pháp này, này các Tỳ kheo đưa đến trí tuệ tăng trưởng” [28]. Thân cận bậc chân nhân (sappurisasaṃsevo) tức là sự kề cận, nương tựa, gần gũi các bậc đầy đủ về Giới – Định – Tuệ – Giải Thoát nhờ có sự gần gũi học tập từ nơi các vị ấy mà các ác bất thiện chưa sanh không có cơ hội sanh khởi, những thiện pháp đã sanh được tăng trưởng. Lắng nghe Diệu pháp (saddhamma-savanaṃ) nghĩa là sự chú tâm quán sát những ý nghĩa từ lời dạy của các bậc chân nhân, lấy đó làm tư lương cho sự tư duy quán sát tu tập của bản thân, nhờ vậy mà trí tuệ tăng trưởng. Như lý tác ý (yonisomanasikāro) là sự tác ý những niệm tưởng cần nhìn nhận đúng với bản chất vô thường, khổ, vô ngã, duyên sanh, từ đó không còn những chấp thủ là tôi là của tôi, phát sanh trí tuệ vô ngã tiến dần đến sự giác ngộ. Thực hành pháp tùy pháp (dhammānudhammappaṭipatti) nghĩa là thực hành (paṭipatti) pháp (dhamma) và những gì có liên quan đến pháp (ānudhamma), pháp – dhamma ở đây mang ý nghĩa rất rộng bao hàm cả giáo pháp và giới luật trong Phật giáo, do đó thực hành pháp tùy pháp cũng có nghĩa bao quát, gồm thâu tất cả thiện pháp trong đó. Thực hành bốn chi pháp này chính là con đường dẫn đến phát sinh và tăng trưởng trí tuệ. Ngoài ra, bốn pháp này giúp ích rất nhiều cho những vị sanh ra làm người (manussabhūtassa bahukārā), chính nhờ bốn pháp này mà đời sống con người trở nên có ý nghĩa và thăng hoa trong lĩnh vực tâm linh.

4.3. Lời tuyên bố của bậc chân nhân
Như đã đề cập về bậc chân nhân, họ là những tấm gương mẫu mực, bậc mô phạm trong Tăng đoàn. Do đó lời dạy, hay lời tuyên bố của bậc hiền trí, chân nhân sẽ mang tính tích cực, có giá trị cả về nội dung lẫn thực tiễn. Lời tuyên bố đó là bố thí (dāna), xuất gia (pabbajjā) và hầu hạ mẹ cha (mātāpitūnaṃ upaṭṭhānaṃ). Bố thí tức xả bỏ những tham ái dính mắc, tiến dần đến đời sống buông xả vô ngã. Hầu hạ hay phụng dưỡng cha mẹ là một trong những đức tính của một vị chân nhân, không chỉ giúp đỡ phụng dưỡng cha mẹ về vật chất mà còn hướng dẫn họ đến với con đường thăng tiến của sự tu tập tâm linh, giúp đỡ và giảng dạy giáo pháp không chỉ riêng cha mẹ mình mà còn cho tất cả mọi người với mong muốn họ đều đạt đến sự an lạc giải thoát. Thực hành xuất gia là con đường mà các Đức Phật và các Thánh đệ tử đã thực hành, đó là đời sống tốt đẹp, những lợi ích thù thắng này của hạnh Sa-môn được nói rõ trong Kinh Sa-môn Quả. Do đó để tiếp nối và duy trì ba ngôi Tam bảo không thể không nói đến việc xuất gia đúng pháp.

5. BẬC KHÔNG PHẢI CHÂN NHÂN
Chúng ta đã đi qua một số phân tích và dẫn chứng về những lời dạy trong kinh điển về bậc chân nhân. Có thể thấy, bậc chân nhân là những vị mô phạm, bậc tôn túc trưởng thượng, những vị có khả năng dìu dắt và làm tăng trưởng thiện pháp đối với mọi người. Do đó, pháp của bậc chân nhân còn được ví như pháp của bậc thánh, như một số phân tích dẫn chứng ở trên. Chính vì thế, chỉ có những bậc chân nhân có thể biết ai là bậc chân nhân [29]. Bởi những vị tâm đã giải thoát có thể tương ưng và cảm nhận với nhau, như một câu chuyện Đức Phật và các vị Tỳ kheo đã gặp nhau trong cảnh giới thiền định, nhưng ngài A-nan hoàn toàn không biết, bởi lúc đó Ngài chưa chứng quả của bậc chân nhân, Thánh nhân.

Tuy nhiên, trái ngược với những đức tính cao thượng của một vị chân nhân là sự đối lập, tức những phẩm chất của vị không phải chân nhân. Nói tổng quát thì trái ngược lại với những đức tính tốt đẹp của bậc chân nhân là đặc tính của người không phải chân nhân (asappurisa) như: không biết ơn, không nhớ ơn; thân ác hạnh, miệng ác hạnh, ý ác hạnh; thân, lời, ý nghiệp: không thiện; có phạm tội, tri kiến có tội; sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men rượu nấu, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, có tham, có sân, có tà kiến; ác độc, có tánh ác; không có lòng tin, không có xấu hổ, không có sợ hãi tội lỗi, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ; có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát,… Trái ngược với những đức tính của vị chân nhân tức người không phải chân nhân, sự diễn tả tương phản này giúp chúng ta có thêm cái nhìn sâu sắc và nổi bật hơn những đức tính của bậc chân nhân. Đó cũng là những trạng thái biểu hiện của thân tâm mà chúng ta cần đề phòng, cảnh giác và tự điều chỉnh.

Ngoài đặc tính tri ân và báo ân cùng với chỉ trích và tán thán với trí tuệ thẩm sát đã đề cập ở trên, một vị chân nhân còn được miêu tả là người biết quán sát với trí tuệ suy lường và đặt lòng tin vào đúng chỗ.

6. TRĂNG SÁNG GIỮA ĐỜI MƠ
Lý tưởng giải thoát và mục đích đi đến cuối con đường Thánh đạo là mục tiêu mà người xuất gia hướng tới. Do đó, việc tìm hiểu về những phẩm chất của một bậc chân nhân chính là một trong những cửa ngõ dẫn ta đến đại lộ của sự giải thoát giác ngộ. Những đức tính của bậc chân nhân từ các điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, từ những hành vi lời nói cử chỉ đều được kiểm soát, cho đến việc làm chủ các trạng thái tâm, dễ dàng chứng đạt các cảnh giới thiền định và giải thoát.

Vì thế, việc học Phật cũng cần bắt đầu từ những nền tảng cơ bản và dần tiến đến các cấp độ giải thoát cao hơn. Sự tu tập đó cần thực hành tuần tự, dần dần, không phải sự phóng tâm mong cầu vượt bậc khi chưa thật sự đạt những thành tựu. Những đức tính của bậc chân nhân cũng xuất phát từ những phẩm chất tốt đẹp của con người, thông qua sự rèn luyện, thanh lọc, ai ai cũng có thể có được sự giải thoát như các bậc chân nhân.

Trong bối cảnh xã hội phát triển, đời sống vật chất phát triển phong phú nhưng không đồng nghĩa với các sự tiến bộ của đạo đức tâm linh. Do đó, việc tìm hiểu ý nghĩa của bậc chân nhân trong Phật pháp mang tính triết lý và giáo dục cao, đây sẽ là sự định hướng cho tu tập trong xã hội hiện nay. Các giá trị đạo đức căn bản của xã hội như: biết ơn, chân thật, không sát sanh, không trộm cắp,… đã định hình nên một nền đạo đức xã hội, đó cũng là các giá trị nhân bản nhất của con người. Hơn nữa, Phật giáo còn tiến đến sự tu tập và chứng nghiệm các trạng thái giải thoát của tâm, siêu vượt ra khỏi ngôn ngữ lý luận thường tình của thế gian. Chỉ có thông qua con đường tu tập hành trì chứng nghiệm mới có thể đạt đến các trạng thái tâm giải thoát vô ngại.

Những con người với lý tưởng giải thoát cao thượng, luôn luôn có sự chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, sống trong sự phòng hộ, luôn được soi sáng bởi chánh tri kiến. Những bậc chân nhân tỏa sáng như ánh trăng rằm trong những đêm trường lạc loài mơ mộng, bị bao phủ bởi những tăm tối vô minh. Ánh trăng là ánh sáng của Giới – Định – Tuệ – Giải Thoát lan tỏa những thông điệp về trí tuệ, từ bi, cùng với những nhân cách cao thượng, bậc phạm hạnh mô phạm trong loài người. Những bậc chân nhân nhập thế hành đạo, làm nơi nương tựa cho loài người như một vầng trăng sáng giữa đời mơ./.

 

Thích Từ Thông/TCVHPG417

 

Chú thích:
1] Xem thêm: Wogihara_1979『梵和辞典』;
《巴漢詞典》 nguồn: https://dictionary.sutta.org/zh_TW/browse/s/sappurisa/.
[2] The Pali Text Society’s Pali-English Dictionary, nguồn: https://www.wisdomlib.org/definition/sappurisa.
[3] M,iii,37.
[4] T.01.0026.85.0561a20.
[5]《增支部經典》:「諸比丘!成就二法之智者,賢明之善人是保護不損傷,不失壞自己;是無罪,不為智者所呵毀;又生許多福。云何為二法耶?搜究而毀嗤應毀嗤之人,搜究而稱讚應稱讚之人。」(CBETA 2023.Q1, N19, no. 7, p. 129a4-7).
[6] Sa môn Thích Quảng Độ (dịch), Phật quang đại từ điển, tập 1, Nxb. Phương Đông, 2014, tr.970.
[7] Kinh Tăng Chi Bộ, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021, tr.60.
[8] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.84
[9] Xem thêm Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.60, tr.272-273.
[10] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.84; 270-271.
[11] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.96-97.
[12] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.475.
[13] Kinh Trung Bộ, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.53.
[14] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.467.
[15] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.469.
[16] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.476.
[17] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.467.
[18] Kinh Trường Bộ, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn giáo, 2020, tr.577.
[19] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.468.
[20] Kinh Trường Bộ, Sđd, tr.587.
[21] Kinh Trường Bộ, Sđd, tr.609.
[22] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.83
[23] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.1281.
[24] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.470.
[25] Kinh Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.1296.
[26] Kinh Trung Bộ, Sđd, tr.331.
[27] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.482.
[28] Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.488.
[29] Xem Kinh Tăng Chi Bộ, Sđd, tr.433-435.

Tài liệu tham khảo:
1. Dīghanikāya, Kinh Trường Bộ, TTTĐPGVN, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, 2020.
2. Majjhimanikāya, Kinh Trung Bộ, TTTĐPGVN, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, 2020.
3. Saṃyuttanikāya, Kinh Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021.
4. Aṅguttaranikāya, Kinh Tăng Chi Bộ, TTTĐPGVN, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021.5. Phật quang đại từ điển, Sa môn Thích Quảng Độ (dịch), Nxb. Phương Đông, 2014.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin