Chi tiết tin tức Khái niệm Phật độ qua kinh điển 21:15:00 - 06/06/2024
(PGNĐ) - Khái niệm Phật độ ban đầu từ khái niệm cổ xưa nhất là Kṣetra chỉ cho nơi linh thiêng của tu viện và ở đó có thể đạt được sự giải thoát sau này.
DẪN NHẬP Nhưng với tâm nguyện từ bi, Ngài muốn giáo lý của Ngài truyền bá khắp mọi tầng lớp trong xã hội nên Ngài đã không đồng ý, Ngài muốn đệ tử của mình ở vùng nào sẽ được tiếp cận giáo lý với ngôn ngữ địa phương vùng đó. Khi Phật nhập diệt những nghi thức truyền tụng miệng bị sai khác, mai một nên giáo lý của Ngài đã được đệ tử đời sau ghi chép với nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau, sự kết tập ở mỗi thời điểm, không gian khác nhau nên có những tư duy khác nhau sao cho phù hợp từng hoàn cảnh. Có thể nói, chính vì không có một văn bản cố định nào nên Phật giáo mới có cơ hội phát triển rực rỡ đa dạng muôn màu như ngày nay. Sự đa dạng đó thể hiện rõ nhất qua những khái niệm, mặc dù có sự kế thừa và phát triển nhưng chung nhất vẫn không nằm ngoài mục đích dẫn dắt chúng sinh trên con đường chuyển hoá tâm linh và dần thể nhập với trí tuệ của bậc giác ngộ. KHÁI NIỆM PHẬT ĐỘ Khái niệm Phật độ ban đầu từ khái niệm cổ xưa nhất là Kṣetra chỉ cho nơi linh thiêng của tu viện và ở đó có thể đạt được sự giải thoát sau này. Trong Phật giáo Đại thừa, khái niệm Phật độ được sử dụng rất phổ biến với ý nghĩa là cõi mà bậc Giác ngộ chứng đạt, có nhiều từ khác nhau được sử dụng để chỉ cõi ấy. Theo Đại thừa nghĩa chương của Tuệ Viễn biên soạn vào đời nhà Tuỳ, Phật độ có thể gọi là Phật sát (Sát = thế giới, cõi nước, âm tiếng Phạn là Kṣetra), Phật giới, Phật quốc, Phật độ, hoặc có khi gọi là Tịnh giới, Tịnh quốc, Tịnh độ. Các cách gọi tuy khác nhau nhưng đều có ý nghĩa chỉ cho cảnh giới thanh tịnh không nhiễm ô. Đó là cảnh giới thanh tịnh của Phật và Bồ tát. Đặc biệt trong Đại thừa, các cõi này do các vị Bồ tát khi còn đang hành đạo vì thương xót chúng sinh nên phát nguyện tu tập các công đức để trang nghiêm cõi nước của mình nhằm thâu nhiếp chúng sinh về cõi ấy giúp họ tu tập và đạt được sự giác ngộ. Kinh điển Đại thừa các cõi nước như Tây phương Cực lạc hay Đông phương Diệc hữu đều được các vị Phật phát nguyện trang nghiêm khi các Ngài còn đang hành Bồ tát đạo. Thời Đức Phật, các cõi thanh tịnh của chư Phật, Bồ tát cũng đã từng được nhắc đến như cung trời Đâu Suất nơi Bồ tát Hộ Minh trước khi giáng thế đã cư trú, hay Bồ tát Di Lặc trong Đâu suất Nội viện là vị Bồ tát sẽ thành Phật trong tương lai. Tuy nhiên, thời kì đó Đức Phật chỉ giới thiệu qua, sau này mới được phát triển và khai thác mạnh mẽ nhất là thời kỳ Phật giáo Đại thừa với nhiều lý do như: những diễn biến phức tạp về chính trị như sự phân hoá giai cấp, chiến tranh… khiến con người luôn mơ ước về một cõi an lành hạnh phúc. Việc phát triển tư tưởng Tịnh độ cõi Phật là điều hiển nhiên và cần thiết, nhưng trong Đạo Phật để có thể về được cõi ấy không chỉ đơn thuần là cầu nguyện mà cần có những điều kiện nhất định và một trong điều kiện quan trọng nhất là cần có sự nỗ lực tu tập hoàn thiện tâm thức, bởi theo chủ trương Phật giáo “tâm tịnh thì quốc độ tịnh” và Tịnh độ có thể đạt được trong đời sống hiện tại. Xét về khía cạnh kinh điển sự phát triển khái niệm Phật độ khá phức tạp trong kinh điển Pali thời kỳ sau trong Pháp Cú Kinh đã có những ý tưởng về cảnh giới và quốc độ các từ được sử dụng như “gocara” (giới), Khetta (bờ cõi, xứ ) điển hình như: “Ai giải tỏa lưới tham, Qua hai kệ tụng chúng ta có thể thấy người nào đạt được sự giải thoát, đồng nghĩa với an trú trong cõi Phật. PHẬT ĐỘ TRONG TRUYỀN THỐNG NGUYÊN THỦY Số lượng quốc độ của chư Phật đã được Đức Phật Thích Ca thuật lại trong Buddhāpadāna thuộc Tiểu Bộ của Chính Tạng Pāli như sau: “Disā dasavidhā loke, yāyato natthi antakaṃ. Tasmiñca disābhāgamhi, buddhakhettāasaṅkhiyā”. Bhikkhu Indacanda đã dịch tiếng Việt là: “Mười phương ở thế giới vũ trụ đối với người đang du hành là vô tận (không có điểm tận cùng). Và ở mỗi phương (thế giới) ấy, các địa phận của chư Phật là (vô số) không thể đếm được”. Như vậy, lời của Đức Phật Thích Ca trong Chính Tạng Pāli đã khẳng định sự tồn tại những quốc độ của chư Phật là vô số. Những quốc độ này tồn tại khắp mười phương vũ trụ. Trong Kinh Trung A-hàm, kinh số 32, Vị Tằng Hữu tương đương với Kinh 123, Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp, là kinh nền tảng Đại chúng bộ để phát triển khái niệm Phật và Phật quốc. Triết học Đại chúng bộ phát triển khái niệm một Đức Phật siêu việt, với những khả năng siêu phàm. Triết học Đại chúng bộ là nền tảng của khái niệm Phật độ. Cụ thể bản Pali diễn tả 20 điều kì diệu xảy ra khi Bồ tát giáng trần từ cõi Đâu Suất, nội dung kinh mô tả chi tiết cuộc đời Đức Phật từ khi tu hành phạm hạnh, sinh vào cung trời Đâu Suất đến khi nhập thai chúng ta thấy Đại chúng bộ có tư tưởng hoá Đức Phật là đấng toàn tri có khả năng tuyệt đối, thấy biết và làm được tất cả. Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) là vị tu sĩ Theravada đầu tiên hình thành tư tưởng Phật độ (con đường thanh tịnh, 179). Dựa trên khả năng hiểu biết vô lượng của Đức Phật về vô lượng thế giới (thế gian giải). Đức Phật đã trải nghiệm, biết và thâm nhập với trí tuệ vô lượng của chư Phật. PHẬT ĐỘ TRONG TRUYỀN THỐNG ĐẠI THỪA Đức Phật dạy có nhiều pháp môn có pháp dễ hành và pháp khó hành như ở thế gian có con đường dễ đi tốn ít thời gian đỡ vất vả như đi tàu thuỷ nhưng cũng có con đường khó đi và mất nhiều thời gian như đi bộ. Cũng vậy, con đường của chư Bồ tát có dễ và khó. Các Ngài có thể đi theo con đường tự lực với nhiều tinh tấn cần khổ, hoặc theo con đường tha lực để dễ dàng chứng nhập địa vị bất thoái. Tuy vậy dù là tha lực nhưng cũng phải có tự lực của bản thân mỗi chúng sinh, ví như người muốn đi tàu phải có tiền mua lộ phí, mà lộ phí ấy do tự thân mỗi chúng sinh tích luỹ bằng các công đức từ những công đức tạo được nương vào tha lực của Phật thì mới thành tựu. Long Thọ Bồ tát phát triển Tịnh độ Đại thừa dựa trên quan điểm tính không tức là vạn pháp do nhân duyên giả hợp không có ngã cố định. Tịnh độ cũng thế vì nhân duyên độ hết thảy chúng sinh mà kiến lập, khi chúng sinh đã chứng ngộ thì cũng là lúc thể nhập với tính không. Như vậy, có thể thấy, trên nền tảng lý duyên sinh Đại thừa Phật giáo luôn sử dụng mọi phương tiện để đáp ứng mọi nhu cầu của số đông quần chúng. Đại thừa mở ra cho tất cả trình độ cao, thấp. Với khuynh hướng này, Phật giáo đại thừa dễ dàng tiếp cận mọi tầng lớp trong xã hội. Chính sự linh hoạt đó khiến Phật giáo được phổ cập, tồn tại và phát triển mạnh mẽ . Một số kinh điển xuất hiện trong thời sơ kỳ Đại thừa có đề cập đến các cõi Phật. Trong Kinh Hoa Nghiêm: 心如工畫師,能畫諸世間,五蘊悉從生,無法而不造 (T10.102a) “tâm như hoạ sĩ khéo, vẽ tất cả thế gian, ngũ uẩn cũng từ đó sinh, không pháp nào không tạo” đoạn kinh khẳng định hết thảy các pháp đều do tâm tạo ra, có nghĩa là cõi Phật cũng từ tâm thanh tịnh bình đẳng chính giác của chư Phật mà tạo ra… Bồ tát muốn được Tịnh độ nên thanh tịnh tâm mình, tuỳ tâm thanh tịnh ấy mà cõi Phật thanh tịnh, nếu hai kinh trên mới chỉ khẳng định có vô vàn thế giới khác nhau trên vũ trụ này và thế giới ấy là do tâm mà tạo thành thì Kinh Duy Ma khẳng định rõ ràng Bồ tát muốn thanh tịnh cõi nước của mình thì phải thanh tịnh tâm và chỉ có cách đó mới có thể thành tựu cõi Phật thanh tịnh của mình, cũng chính là thành Phật. Thực ra bàn về thế giới quan, vũ trụ quan không chỉ Đại thừa mới xuất hiện mà trong kinh Nguyên thuỷ cũng đã đề cập đến. Dù Đức Phật khẳng định những vấn đề này không đưa đến sự giải thoát. Kinh Trường Bộ số 27 Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Phật nói đến các chất hình thành vũ trụ, hay Kinh Tăng Chi chương 8 pháp Đức Phật nói về các nhân tố hình thành lên Đại địa. Có thể nói, rải rác trong các kinh có bàn về vũ trụ nhưng chưa hệ thống, sau này các bản sớ giải (Abhidharma) đã đi sâu và phân tích chi tiết hơn, lúc này chủ trương về vũ trụ nhân sinh mới được hệ thống hoá. Điều này đã góp phần làm cho tư tưởng Tịnh độ thêm rõ ràng và phát triển mạnh mẽ sau này. Tóm lại, sự hình thành khái niệm cõi Phật được manh nha ngay từ thời Phật còn tại thế, nhưng không được nhấn mạnh mà chỉ đề cập đến qua tên gọi, thể hiện qua hệ thống kinh Nguyên thuỷ. Sau khi Phật nhập diệt, với sự nhớ tưởng và cần một điểm tựa về tinh thần trước những khổ đau, hàng đệ tử tin rằng Phật luôn hiện hữu và chưa khi nào rời bỏ chúng sinh. Bên cạnh, việc đáp ứng nhu cầu mong ước về một cõi lý tưởng đã thúc đẩy hình thành nên khái niệm rõ ràng và cụ thể hơn về cõi Phật điều đó được thể hiện rõ nhất qua hệ thống kinh điển Đại thừa và các bộ Abhidharma. Cho đến nay, từ một khái niệm đã trở thành một phái Tịnh độ tông phát triển mạnh mẽ ở một vài quốc gia, cho thấy sự uyển chuyển của Phật giáo trước những nhu cầu xã hội,… Dù dưới hình thức như thế nào thì sự phát triển đó luôn xây dựng trên nền tảng chân lý Phật đã chỉ bày.
Tỳ kheo Thích Nhuận Giác/TCVHPG421
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |