Chi tiết tin tức Năm pháp đối trị bất thiện tầm qua bài Kinh An trú tầm (Vitakkasanthāna Sutta) 20:50:00 - 13/07/2022
(PGNĐ) - Một trong những bài kinh Phật tự thuyết cho các vị tỳ kheo về phương pháp chuyển hóa và diệt trừ phiền não được biên tập trong Trung Bộ kinh là bài số 20, kinh An Trú Tầm, Vitakkasanthāna Sutta.
DẪN NHẬP Đức Phật ra đời vì mục đích duy nhất là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Từ khi thành đạo cho đến ngày nhập Niết bàn, suốt 45 năm không mệt mỏi, Ngài chân trần đi du hóa khắp xứ Ấn Độ tùy duyên thuyết pháp, hóa độ chúng sanh bỏ ác, làm lành, trồng nhân giải thoát. Những bài pháp của Phật thuyết không có sự huyễn hoặc, mơ hồ mà rõ ràng, thực tiễn, khế hợp với căn cơ của đối tượng thính pháp, như một vị lương y giỏi, chẩn bệnh bốc thuốc cho từng loại bệnh, chỉ cần người nghe ứng dụng thực hành lời Phật dạy vào đời sống nhất định sẽ được an ổn, phiền não dần rơi rụng và có được hạnh phúc. Đối với các vị Tỳ kheo, hàng đệ tử xuất gia, lìa bỏ gia đình sống không gia đình, khép mình trong giới luật với tâm nguyện giải thoát khổ đau, chấm dứt vòng tử sinh luân hồi, đạt đến Niết bàn tịch tịnh, những lời dạy của Đức Phật thường chỉ ra những phương pháp hành trì để làm muội lược và đưa đến đoạn tận tham, sân, si – ba loại căn bản phiền não khó trừ diệt nhất trên lộ trình tu tập của một hành giả. Có rất nhiều bài kinh Đức Phật dạy về phương pháp tu tập, nhân duyên thuyết pháp có lúc là từ sự thưa hỏi của các vị tỳ kheo trong quá trình hành trì, có khi là Phật tự mình gọi các tỳ kheo, hãy lắng nghe lời Phật dạy. Một trong những bài kinh Phật tự thuyết cho các vị tỳ kheo về phương pháp chuyển hóa và diệt trừ phiền não được biên tập trong Trung Bộ kinh là bài số 20, kinh An Trú Tầm, Vitakkasanthāna Sutta. KHÁI NIỆM TẦM Định nghĩa Tầm (P. Vitakka, S. Vitarka) nghĩa là sự suy tư, nghĩ ngợi [1]. Theo Vi diệu pháp, tầm là một trong sáu tâm sở biệt cảnh: Tầm (Vitakka), tứ (vicāra), thắng giải (adhimokkha), cần (viriya), hỷ (pīti), dục (chanda). Trong đó, Vitakka được cấu thành từ tiếp đầu ngữ Vi + căn tak: Nghĩa là trạng thái tìm kiếm, áp sát, đưa tâm và sở hữu đồng sanh vào cảnh, còn được gọi là tư duy. Đặc tính của tầm là sự bám dính của tâm trên đối tượng (cetaso abhiniropana), cũng giống như một vị cận thần thân tín nhất của đức vua, vị ấy đưa một người nào đó đến để ra mắt, giới thiệu với vua, tương tự như thế, tầm mang tâm và những sở hữu câu sanh đến cảnh [2]. Công năng của tầm Tầm ngăn chặn và đối trị hôn trầm thùy miên (Thīna-middha). Khi tầm được phát triển trau dồi đến mạnh mẽ sẽ trở thành chi đầu tiên trong năm chi thiền của thiền thứ nhất gồm có: Tầm (Vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), nhất tâm (ekaggatā) như mô tả của tôn giả Sāriputta trong Mahāvedalla Sutta: “Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có năm chi phần. Ở đây, này Hiền giả, Tỳ kheo thành tựu Thiền thứ nhất, có tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Này Hiền giả, Thiền thứ nhất có năm chi phần như vậy” [3]. HAI LOẠI TẦM Tầm (Vitakka) cũng được gọi là saṅkappa, nghĩa là ý định hay dự định, và được phân biệt thành hai loại gồm: Micchāsaṅkappa tức là ý định không chân chánh (còn gọi là tà tư duy) và sammāsaṅkappa ý định chân chánh (chánh tư duy), nhánh thứ hai trong Bát chánh đạo [4]. Trong bài kinh Song Tầm (M.19), bằng kinh nghiệm tu tập của bản thân trước khi giác ngộ, Đức Phật dạy chúng ta cách nhận biết hai loại tầm thiện và bất thiện, từ đó lựa chọn tầm thiện, loại trừ các tầm bất thiện ra khỏi tâm. Đức Phật nói: “Trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác và còn là Bồ tát, Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia hai suy tầm. Chư Tỳ kheo, phàm có dục tầm nào, sân tầm nào, hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ nhất; phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, vô hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ hai” [5]. Qua đoạn kinh, chúng ta thấy trên lộ trình tu tập đến giác ngộ, Đức Phật đã có sự phân loại các tư tưởng, suy nghĩ sinh khởi trong tâm làm hai: Là thiện tầm và bất thiện tầm. Thiện tầm bao gồm ly dục tầm, ly sân tầm, ly hại tầm và ngược lại dục tầm, sân tầm, hại tầm là ác bất thiện tầm. Đối với các bất thiện tầm khi sanh khởi, Đức Phật tuệ tri: “Dục tầm này…sân tầm này…hại tầm này khởi lên nơi Ta, và dục tầm này…sân tầm này…hại tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết bàn” [6]. Khi nhận biết như vậy, Đức Phật trừ bỏ, xả ly và đoạn tận các bất thiện tầm và an trú trong thiện tầm. Một khi đã nhận diện các ác, bất thiện tầm, hành giả cần có phương pháp đoạn trừ chúng và phương pháp đoạn trừ được Đức Phật chỉ dạy trong bài kinh “An Trú Tầm” (M.20). Bản kinh này được Đức Phật thuyết cho các vị Tỳ kheo khi ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Trong bài kinh, Đức Phật đã dạy cho chúng tỳ kheo năm phương pháp để được an trú trong tầm thiện, đối trị bất thiện tầm sinh khởi trong tâm khi thực hành thiền định. THAY THẾ BẤT THIỆN TẦM BẰNG THIỆN TẦM Kinh văn: “Ở đây, Tỳ kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này các Tỳ kheo, Tỳ kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia… Chư Tỳ kheo, ví như một người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử một người thợ mộc, dùng một cái nêm nhỏ đánh bật ra, đánh tung ra, đánh văng ra một cái nêm khác” [7]. Đây là phương pháp thứ nhất mà Đức Phật dạy các vị Tỳ kheo, trong khi thiền định mà các ác tầm khởi lên, tâm hướng đến các đối tượng có liên hệ với tham dục, sân hận, si mê. Khi hành giả nhận biết được đó là bất thiện thì không nên trú và bị dẫn dắt bởi nó mà ngay lập tức phải chuyển hướng tác ý đến các pháp thiện khác. Đức Phật đã sử dụng một ví dụ cụ thể để diễn tả một cách dễ hiểu nhất về cách dùng pháp thay thế này bằng hình ảnh quen thuộc của một người thợ mộc giỏi, lấy một cái nêm đóng vào làm văng cái nêm khác ra ngoài, cũng như thế một hành giả tu tập hướng đến tăng thượng tâm, tinh cần quán sát tâm, khi phát hiện các ác tầm liền kịp thời ngăn chặn nó phát triển bằng cách tác ý đến các thiện tầm, dùng thiện tầm để đánh bật ác tầm ra khỏi tâm trí, làm tâm trở nên thanh tịnh và sáng suốt trở lại. QUAN SÁT SỰ NGUY HIỂM CỦA BẤT THIỆN TẦM Trong trường hợp, nếu như chúng ta đã dùng thiện tầm để thay thế cho các ác tầm nhưng bất thiện tầm vẫn tiếp tục khởi lên, Đức Phật dạy: “Này chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ấy cần phải quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy: “Đây là những tầm bất thiện, đây là những tầm có tội, đây là những tầm có khổ báo… Chư Tỳ kheo, ví như một người đàn bà hay người đàn ông trẻ tuổi, trong tuổi thanh xuân, tánh ưa trang sức, nếu một xác rắn, hay xác chó, hay xác người được quàng vào cổ, người ấy phải lo âu, xấu hổ, ghê tởm” [8]. Đây là phương pháp thứ hai dùng để đối trị các suy nghĩ bất thiện liên tục sinh khởi trong khi thiền định. Giống như một người trẻ tuổi ưa thích trang sức, thường dùng mọi thứ tốt đẹp để trang sức nơi thân, nếu người đó bị quàng vào cổ một cái xác rắn hay xác chó, người ấy sẽ vô cùng lo lắng, ghê tởm và xấu hổ thì một hành giả tu tập hướng đến tăng thượng tâm khi có những ác tầm liên hệ đến tham, sân, si khỏi lên cũng thật đáng xấu hổ, ghê tởm. Bằng việc quán sát sự nguy hiểm và hậu quả của những bất thiện tầm mang lại, lúc ấy nó sẽ được trừ diệt, nội tâm được an tịnh, định tĩnh và sáng suốt. Làm ngơ đối với các ác bất thiện tầm Đức Phật dạy: “Chư Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo ấy trong khi quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời này chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ấy cần phải không ức niệm, không tác ý những tầm ấy… Chư Tỳ kheo, ví như một người có mắt, không muốn thấy các sắc pháp nằm trong tầm mắt của mình, người ấy nhắm mắt lại hay ngó qua một bên” [9]. Ở hai phương pháp đầu tiên, Đức Phật dạy là sự chú tâm, quan sát, nhận biết và đối trị các ác bất thiện tầm bằng sự thay thế hoặc nghĩ đến sự nguy hiểm, hậu quả của nó mang đến. Trong trường hợp nó vẫn không ngừng sinh khởi thì sử dụng phương pháp thứ ba, đó là hãy ngó lơ, tảng lờ đừng để ý đến chúng nữa. Phật lấy ví dụ hình ảnh một người vì không muốn nhìn thấy một vật không ưa thích trước mắt, họ sẽ nhắm mắt lại hoặc nhìn chỗ khác để tránh vật đó xuất hiện trong tầm mắt của mình. QUAN SÁT SỰ SINH DIỆT CỦA CÁC BẤT THIỆN TẦM Khi đã ngó lơ, không chú ý đến nhưng các ác tầm có liên hệ đến tham, sân, si vẫn khởi lên, Đức Phật dạy chúng ta cách làm giảm dần cường độ sinh khởi của nó cho đến khi được biến mất. “Chư Tỳ kheo, vị Tỳ kheo ấy cần phải tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy… Ví như một người đang đi mau, suy nghĩ: “Tại sao ta lại đi mau? Ta hãy đi chậm lại”. Trong khi đi chậm, người ấy suy nghĩ: “Tại sao ta lại đi chậm? Ta hãy dừng lại”. Trong khi dừng lại, người ấy suy nghĩ: “Tại sao Ta lại dừng lại? Ta hãy ngồi xuống”. Trong khi ngồi, người ấy suy nghĩ: “Tại sao ta lại ngồi? Ta hãy nằm xuống”. Chư Tỳ kheo, như vậy người ấy bỏ dần các cử chỉ thô cứng nhất và làm theo các cử chỉ tế nhị nhất” [10]. Đây là phương pháp thứ tư dùng để đối trị bất thiện tầm. Đức Phật dạy chúng ta quan sát hành tướng, sự sinh diệt của các ác tầm một cách chậm rãi từ tốn để nhận biết nó một cách rõ ràng: Ác tầm này từ đâu đến, tại sao nó lại đến, nó đang đến nhanh hay chậm, diễn biến nó như thế nào… Từ đó, dần kiểm soát được sự vận hành của nó từ thô đến tế. Với sự quan sát một cách chậm rãi như vậy, các bất thiện tầm dần dần được kiểm soát một cách chủ động, cường độ sinh khởi của nó cũng giảm dần và cho đến bị tiêu diệt, không còn nữa. Giống như một người đang đi nhanh, họ ý thức được việc các bước chân của mình đang nhanh, liền kiểm soát bước đi của mình bằng những tác ý liên quan đến nó: Tại sao ta đi nhanh, hãy dừng lại, hãy ngồi xuống, nằm xuống… Nhờ sự quán sát đó, các ác tầm đang sinh khởi sẽ bị giảm tốc độ, sẽ dần muội lược và biến mất hoàn toàn, bấy giờ nội tâm trở nên an tịnh, sáng suốt, chuyên nhất. QUYẾT TÂM DÙNG TÂM CHẾ NGỰ TÂM Đây là phương pháp thứ năm đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm và sức mạnh nội tại của hành giả rất nhiều so với bốn cách trước. Đức Phật dạy: “Chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ấy phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm… Ví như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu, hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục và đánh bại… Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ trừ diệt chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh” [11]. Ở đây, Phật sử dụng hình ảnh một người lực sĩ khỏe mạnh lấy tay nắm lấy một kẻ ốm yếu, chế ngự và đánh bại kẻ đó, giành chiến thắng áp đảo. Cũng vậy là một hành giả trên lộ trình hướng đến tăng thượng tâm đối với những bất thiện pháp là những chướng ngại ngăn cản sự tiến tu của mình, chúng ta phải có ý chí kiên cường, dũng mãnh tiến lên, không sợ các chướng ngại, nghiến răng và dán chặt lưỡi lên nóc họng, dùng ý chế ngự ý, nhiếp phục ý thì dần dần các bất thiện tầm sẽ trở nên muội lược, rồi tiêu biến. tâm trí trở nên sáng suốt, định tĩnh. Nhờ áp dụng năm phương pháp ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, sân, si được trừ diệt, nội tâm được an trú. Tỳ kheo ấy đoạn trừ khát ái, giải thoát các kết sử, chinh phục kiêu mạn, chấm dứt khổ đau. Trong đời sống hằng ngày, vi tế hơn là mỗi sát na, trong tâm trí chúng ta khởi lên rất nhiều suy nghĩ, tư tưởng cả thiện và bất thiện đan xen. Nhưng phần lớn đều không ngoài dục tầm, sân tầm, si tầm. Chính vì thế mà suốt cả cuộc đời, đa số mọi người cứ chạy theo đối tượng mình ưa thích và có thái độ bất mãn, chạy trốn cái mình ghét thậm chí còn phản ứng, tấn công đối tượng mình không thích, từ đó sống trong phiền não, khổ đau vì không đạt được điều mình mong muốn. Chính những suy nghĩ, tư tưởng không chân chánh đó là động lực đưa đến các hành động sai trái gây tổn hại đến mình và người, để lại hậu quả nghiêm trọng, phải chịu khổ đau trong hiện tại và vị lai. Qua việc học tập và thực hành theo năm phương pháp đối trị ác tầm trong bài kinh An Trú Tầm, theo thời gian các ác hại tầm hay suy nghĩ bất thiện, làm hại mình hại người dần dần sẽ bị suy yếu và đoạn diệt. Các thiện tầm được tăng trưởng. KẾT LUẬN Có thể nói, tầm là yếu tố vô cùng quan trọng, là chi phần thứ hai trong Bát chánh đạo, là yếu tố góp phần quyết định cho những hành nghiệp từ thân, khẩu để dẫn đến quả báo khổ đau hay hạnh phúc cho mỗi người trong đời sống hiện tại và vị lai. Nếu trong đời sống thường ngày, mỗi người biết linh hoạt ứng dụng năm phương pháp an trú tầm này để ngăn chặn và diệt trừ các tư tưởng bất thiện làm ô nhiễm tâm trí thì đời sống sẽ được an vui, hạnh phúc. Đối với một hành giả tu tập hướng đến sự giác ngộ, giải thoát, an trú thiện tầm và trừ diệt các ác bất thiện tầm là một nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện cần và đủ để tiến sâu hơn trên lộ trình giải thoát. Nếu không thể an trú trong thiện tầm tức chúng ta bị sự chi phối của tham, sân, si, đây là ba căn bản phiền não đưa con người đi trong luân hồi sinh tử, chúng ta không thể đạt đến sự giác ngộ giải thoát. Bài kinh An Trú Tầm với năm phương pháp diệt trừ các tư tưởng tham, sân, si như một bí kíp gia truyền để hàng phục tâm, an trụ tâm mà đức Phật đã đúc kết từ chính lộ trình tu tập của mình từ hạng phàm phu đến quả vị Chánh Đẳng Giác, được truyền cho các đệ tử Phật, những người xuất gia đang đi trên con đường hướng đến quả vị Phật.
Chú thích và tài liệu tham khảo: [1] Toại Khanh (2020), Từ điển Pāli từ nguyên và giải tự, Nxb. Hồng Đức, tr.295. [2] Đại trưởng lão Tịnh Sự (2019), Vô tỷ pháp tập yếu, Nxb. Hồng Đức, tr.106. [3] Thích Minh Châu (dịch) (2012), Trung Bộ 1, Đại Kinh Phương Quảng, Nxb. Tôn giáo, tr.362. [4] Venerable Sayādaw U Sīlānanda-Pháp Triều (dịch), (2015), Cẩm nang nghiên cứu Thắng pháp, Nxb. Tôn giáo, tr.298-300. [5] Thích Minh Châu (dịch) (2012), Trung Bộ 1, Kinh Song Tầm, Nxb. Tôn giáo, tr.155. [6] Sđd, tr.155. [7] Thích Minh Châu (dịch) (2012), Trung Bộ 1, Kinh An Trú Tầm, Nxb. Tôn giáo, tr.159. [8] Sđd, tr.160. [9] Sđd, tr.160. [10] Sđd, tr.160. [11] Sđd, tr.161.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |