Chi tiết tin tức Tìm hiểu về Duyên khởi trong Kinh tạng Nikaya 20:44:00 - 31/07/2022
(PGNĐ) - Giáo lý mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng ngộ dưới cội Bồ-đề chính là giáo lý Duyên khởi. Đây là giáo lý căn bản, như sợi chỉ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo.
DẪN NHẬP Vào thời Đức Phật, xã hội Ấn Độ rất nhiều học thuyết ra đời, mỗi học thuyết là một quan điểm chủ trương. Con người là nạn nhân của các học thuyết đương thời, chủ trương nào cũng nêu cao tính tự ngã của mình, giáo lý mình là cao siêu. Vì vậy, con người rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần bởi các học thuyết triết lý. Đạo Phật ra đời đã giải quyết những vấn đề trên. Giáo lý mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng ngộ dưới cội Bồ-đề chính là giáo lý Duyên khởi. Đây là giáo lý căn bản, như sợi chỉ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo. Con người vì tham lam cho nên bị ái dục chi phối, khiến cho cuộc sống của chúng ta cứ chạy tìm cầu mọi thứ, để thỏa mãn sự hưởng thụ trong dục lạc. Cho nên, chúng ta bị ái dục chi phối và nhấn chìm trong sanh tử luân hồi. “Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử” [1]. Vì thế, việc học và hiểu về giáo lý Duyên khởi giúp tháo gỡ những vướng mắc và nhận thức sai lầm từ trước đến nay. Đồng thời, giúp hành giả hiểu được bản chất của sự vật hiện tượng từ đó có sự tư duy và hành động đúng đắn. Vì vậy, giáo lý Duyên khởi rất quan trọng, giúp chúng ta xa lìa các dục thành tựu an lạc giải thoát ngay nơi đời sống hiện tại này.
NGUYÊN LÝ DUYÊN KHỞI Duyên khởi theo ngôn ngữ Pāli là paṭiccasamuppāda, trong đó Paticca là duyên; Samuppāda là khởi lên; paṭiccasamuppāda là Duyên khởi nghĩa là một pháp khởi lên khi nó tiếp nhận một điều kiện. Nguyên lý Duyên khởi là trình bày mối tương quan giữa nhân và quả để phát sinh một sự vật. Nguyên lý này được giải thích trong hai câu: “Imasmiṃ sati idaṃ hoti, imassuppādā idaṃ uppajjati; Imasmiṃ asati idaṃ na hoti, imassa nirodhā idaṃ nirujjhati” có nghĩa là “Khi cái này có thì cái kia có, do cái này sanh thì cái kia sanh. Khi cái này không thì cái kia không, do cái này diệt thì cái kia diệt”. Hai câu này mô tả Duyên khởi tức là pháp trụ và pháp vị về sự sinh tồn của vạn vật trên thế gian. Định lý “Khi cái này có thì cái kia có, do cái này sanh thì cái kia sanh” nghĩa là nó có mặt, do tương quan mà tồn tại, phải có nắm bắt, phải có tiếp nhận yếu tố mà sinh ra gọi là pháp trụ. Định lý thứ hai, mô tả tính tất yếu của nhân và quả trong mối tương quan theo ngôn ngữ chuyên môn gọi là pháp vị, là giới hạn, là quỹ đạo, là hạn chế của các pháp “Khi cái này không thì cái kia không, do cái này diệt thì cái kia diệt”. Có rất nhiều vị ngoại đạo đến hỏi Đức Phật về những vấn đề mà họ cho rằng có một “cái gì sinh ra?”, có một chủ thể sinh ra “ai sinh ra?”,“con người do ai sinh ra?”. Khi nói, cái này sinh ra cái này là chấp có một chủ thể đi đến chỗ không xác định, đây được gọi là nghịch suy vô tận. Đi tới tận cùng cũng không tìm ra được cái gì sinh ra cái gì. Nếu nói tôi do cha mẹ sinh ra, cha mẹ do ông bà nội, ngoại sinh ra và truy cho đến cuối cùng thượng đế. Vậy, Thượng đế do ai sanh ra? Thượng đế không ai sinh ra thì vô nhân, nghĩa là họ phủ nhận nhân quả đi tới chỗ hư vô chủ nghĩa, mắc vào hai cực đoan thường hằng và đoạn kiến. Vì vậy, những câu hỏi như vậy, Đức Phật không trả lời vì câu hỏi không hợp lý. “Bạch Thế Tôn, ai cảm thọ? Câu hỏi không thích hợp Như Lai không trả lời. Nhưng nếu hỏi: Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thọ sinh khởi? Do duyên xúc, thọ sanh khởi; do duyên thọ, ái sanh khởi” [2]. Tất cả các pháp đều tiếp nhận các yếu tố tạo thành một hợp thể mà sanh ra. Chúng ta thường thắc mắc con gà sinh ra quả trứng hay trứng sinh ra con gà? Chúng ta không thể trả lời những câu hỏi như thế, vì nó vòng vòng không có lối thoát. Nhưng nếu đặt câu hỏi, trong điều kiện nào cái trứng sanh ra con gà? Trong điều kiện có sự thụ tinh, khí hậu, nhiệt độ, thời gian vừa đủ, thì quả trứng nở ra một chú gà con. Bản thân con người khi ngũ uẩn tiếp nhận một yếu tố, một điều kiện thì ngũ uẩn sẽ phát sinh ra một hiện tượng. Cho nên, cái mà tiếp nhận một yếu tố được gọi là ngũ uẩn. Cái sanh ra, cái được sanh ra khi nó có sự tiếp xúc với nhau cái đó gọi là ngũ thủ uẩn. Ngũ uẩn không tạo ra một cái gì cả. Hai định lý trên, nói lên tính chất đồng thời và tất yếu của Duyên khởi. GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI THEO CHUỖI MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN Giáo lý Duyên khởi bất di bất dịch, không thay đổi theo thời gian và không gian. Lý Duyên khởi vận hành từ khi có chúng hữu tình xuất hiện có mặt trên thế gian. Tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai từ giáo lý Duyên khởi mà giác ngộ thành tựu quả vị giải thoát Niết bàn. Khi nói đến Duyên khởi, chúng ta liền liên hệ đến thập nhị nhân duyên. Khi nói “Vô minh duyên hành” tức do tiếp nhận điều kiện vô minh mà sinh ra hành, chữ “Duyên” là điều kiện. Trong kinh Đức Phật định nghĩa như sau: “Vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi” [3]. Tương tự, Đức Phật thuyết nhân duyên theo vòng sinh và diệt “do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt,…” [4]. Khi mười hai nhân duyên sanh khởi đồng nghĩa với việc toàn bộ khổ uẩn sanh khởi. Mười hai nhân duyên đoạn diệt thì khổ uẩn cũng đoạn diệt. Đó chính là Duyên khởi, sự có mặt của cái này kéo theo sự có mặt của cái khác và sự mất đi của cái này cũng khiến cho cái khác mất đi. Từ đó, chúng ta đặt một vấn đề, ai nắm bắt và điều kiện đó là điều kiện gì? Nó khởi lên khi nắm bắt một điều kiện, cái mà nó tiếp nhận điều kiện đó chính là ngũ uẩn và điều kiện đó là mười hai chi phần trong giáo lý nhân duyên. Vô minh (Avijjā) Vô minh là không hiểu Tứ đế, không biết được nhân của khổ và con đường đưa đến sự diệt khổ “không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết con đường đưa đến Khổ diệt. Đây gọi là Vô minh” [5]. Cũng như, trên dòng chảy tương tục của nghiệp thức chúng ta lấy một hiện tượng giả danh biểu hiện của nghiệp thức và xem đó là ngã của mình gọi là Vô minh. Thí như, đại dương rộng lớn, sóng biển nổi lên, chúng ta thấy sóng của biển và gọi sóng đó là biển. Như vậy, gọi là Vô minh. Hành (Sankhāra): Hành gồm có “thân hành, khẩu hành và ý hành” [6]. Hành còn gọi là nghiệp, gồm có phước nghiệp, phi phước nghiệp và bất động nghiệp. Thức (Vinanāna): Gồm có sáu thức thân này: “Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức” [7]. Thức còn gọi là nghiệp thức tức là tích lũy của nghiệp để lại. Danh sắc (Nāma-rūpa): Gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó, sắc thuộc tâm, danh thuộc thọ, tưởng, hành, thức từ đó hình thành nên sự sống. Lục nhập (Chabbithāna): Gồm sáu nội xứ (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý căn) và sáu ngoại xứ (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp trần). Xúc (Phassa): Là hợp thể gồm có sáu căn, sáu trần và sáu thức tạo thành mười tám yếu tố nhận thức để thức khởi lên. Thọ (Venada): Thọ là cảm thọ, cảm xúc khả năng nhận biết đối tượng. Bao gồm sáu cảm thọ: “Thọ do nhãn xúc sanh; thọ do nhĩ xúc sanh; thọ do tỷ xúc sanh; thọ do thiệt xúc sanh; thọ do thân xúc sanh; thọ do ý xúc sanh gọi là thọ” [8]. Ái (Tanhā): Là tham ái, tham dục gồm “sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái; hay dục ái, sắc ái và vô sắc ái” [9]. Thủ (Upādāna): Là nắm, giữ, là một hành động truy bắt đối tượng. Thủ gồm có bốn thủ: “Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ” [10]. Hữu (Bhava): Là một hợp năng lượng do nghiệp để lại kết thành đời sống trong tương lai “dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu gọi là hữu” [11]. Sanh (Jāti): “Cái gì thuộc các loài chúng sanh bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, xuất hiện các uẩn, thành tựu các xứ thì gọi là sanh” [12]. Lão tử (Jarāmarana): “Cái gì thuộc các loài chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi tàn lụn, các căn chín muồi. Đây gọi là già. Cái gì thuộc các loài chúng sanh bị từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ, tử vong. Đây gọi là chết” [13]. Phân tích chi phần của 12 nhân duyên, chúng đều là nhân và quả liên tục phát sinh cho nhau có điều kiện. Vì có điều kiện của vô minh mà hành có mặt, hay có điều kiện tham ái mà sanh ra nắm giữ, do nắm giữ mà tích tụ thành năng lực gọi là hữu, sức mạnh của hữu khiến một chúng sanh có mặt, kéo theo bao hệ lụy của khổ đau chính là già, bệnh và chết. Như vậy nó cứ tiếp tục nối tiếp không ngừng nghỉ. Hành giả không muốn cuốn theo vòng nhân duyên này thì không tạo cho nguyên nhân khổ đau có điều kiện phát sanh, nghĩa là chấm dứt nguyên nhân của khổ đau cốt lõi chính là tham ái và vô minh. Trong giáo lý mười hai nhân duyên, Đức Phật nhấn mạnh đến vai trò của vô minh, hành và ái, thủ, hữu xem đó là cái nhân và nhân này làm nên đời sống luân hồi, chứ không phải là nhân sanh ra một pháp. Đức Phật không dạy cái này sanh ra cái khác, cũng không phải nhân sanh ra cái khác. Ngài dạy, trong điều kiện này sẽ sanh ra một pháp. Ái, thủ, hữu là điệu kiện nhân mà nó hình thành nên đời sống mới. Đây là phần giáo lý quan trọng trong Duyên khởi, đức Phật thuyết giảng về giáo lý này nhằm đưa con người hướng đến tuệ giác, biết rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến sự hiện hữu khổ đau của chính mình và đau là phương pháp loại trừ những lậu hoặc để đưa đến sự an lạc, Niết bàn. TÍNH CHẤT CỦA DUYÊN KHỞI Do Duyên khởi mà sự vật hiện tượng tồn tại và phát triển có mối liên hệ với nhau, hỗ tương cho nhau. Nghĩa là các pháp nương tựa nhau cùng tồn tại gọi là y tha tánh. Chúng không tồn tại độc lập, không có một chủ thể nào là cố định và nắm giữ, chỉ cần có một điều kiện mới xuất hiện thì chúng sẽ biến đổi trạng thái ban đầu. Cho nên, hệ quả tất yếu của Duyên khởi chính là vô ngã, không một cái ta nắm giữ, cố định, vì không có cố định nên chúng biến đổi vô thường, sanh diệt liên tục. Cho nên, tính chất đồng thời và tất yếu nêu lên đặc tính cốt lõi của Duyên khởi là vô thường và vô ngã. Vô ngã là không đứng trên cái biên nào để mô tả nhân quả. Ngược lại, dựa trên sự biến đổi của hợp thể khi tiếp nhận yếu tố để mô tả nhân quả. Tất cả các pháp hiện hữu trên thế gian, tự nó không có một chủ thể, tự nó không sanh ra, nó có mặt là nhờ sự tập hợp các yếu tố hình thành một tập thể được gọi là hữu vi pháp (sankkhāra). Con người là một hợp thể của ngũ uẩn (kkhamdā) bao gồm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì vậy gọi là vô ngã. Trung đạo được trình bày qua cuộc vấn đáp của Đức Phật và Kassapa như sau: “Khổ do tự mình làm ra”, như vậy có nghĩa là thường kiến. “Khổ do người khác làm ra”, như vậy có nghĩa là đoạn kiến. Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo” [14]. Đoạn diệt luận tức là phủ nhận trách nhiệm của hành động không đưa đến kết quả. Ví dụ, cho rằng mình là ác nhưng mình không chịu quả ác. Ngược lại, cho rằng một người làm và một người khác chịu kết quả. Đó là phủ nhận nhân quả. Thường hằng luận, cho rằng nghiệp không thay đổi trần cảnh, sự vật thế nào thì nó như thế ấy. Bạn là phàm phu thì cho dù bạn có nỗ lực tu như thế nào cũng chỉ là phàm phu. Đức Phật đã vượt ra ngoài hai chủ trương trên. Đây chính là con đường Trung đạo qua giáo lý Duyên khởi của Đạo Phật. Ngoài ra, chúng ta thấy pháp Duyên khởi có tính ứng thời hay còn gọi là tính thường trú. Vì trong quá khứ các pháp do duyên mà khởi, ở hiện tại các pháp do duyên mà khởi và vị lai các pháp cũng do duyên mà khởi. Sự vật hiện tượng đều cần duyên mà sinh khởi và sự vật hiện tượng kia cũng cần có duyên mới sinh ra. Trong Kinh Tương ưng nhân duyên cũng có trình bày chư Phật ở quá khứ như Vipassī, Śikhī, Vessābhū, Kakusandha, Konāgamana, Kassapa và Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni) đã chiêm nghiệm quán xét về giáo lý Duyên khởi mà chứng ngộ và thành tựu giải thoát: “Rồi này các Tỳ kheo, Bồ tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: Do cái gì không có mặt nên thức không có mặt? Do cái gì diệt nên thức diệt? Rồi này các Tỳ kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: Do hành không có mặt nên thức không có mặt. Do hành diệt nên thức diệt” [15]. Các chi phần khác cũng như vậy. Do vậy, ai muốn thành tựu đạo quả Bồ đề không thể không quán sát giáo lý Duyên khởi. Vì pháp Duyên khởi ở quá khứ đã tồn tại và diễn ra như thế nào thì hiện tại và vị lai chúng cũng sẽ tồn tại và diễn ra như thế ấy. Ở đây, chúng ta có thể dùng từ Tathāta, nghĩa là Như Lai, cho nên mới có câu: “Ai thấy pháp người ấy thấy Như Lai, ai thấy Như Lai người ấy thấy Pháp” [16]. Như vậy, giáo lý Duyên khởi là giác ngộ tối thượng, ai nắm bắt được người đó an trú vào chân như giác tánh. ỨNG DỤNG GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI TRONG ĐỜI SỐNG TU TẬP Trong cuộc sống, đa phần con người chúng ta khổ nhiều hơn vui, hạnh phúc thì ít mà khổ đau quá nhiều. Chúng ta gặp nhau thường có câu chúc nhau rằng “Chúc vạn sự như ý” trong lời chúc này nói lên điều gì? Trong công việc, cuộc sống hôn nhân gia đình, con cái, ngoài xã hội, chúng ta gặp quá nhiều điều bất như ý làm khổ đau bất cứ người nào giàu hay nghèo, lành lặn hay tật nguyền,… Nên trong tâm thức, chúng ta chỉ cầu mong điều như ý đến với tất cả mọi người. Tất cả chúng ta có mối liên kết với nhau, chúng ta sống trong một tập thể xã hội không chỉ riêng mình. Vì vậy, khổ đau hay hạnh phúc của chúng ta có sự tương quan giữa mình và người, mình hạnh phúc thì người cũng hạnh phúc. Chúng ta thử đặt câu hỏi, tại sao chúng ta khổ đau? Do cái gì chúng ta khổ đau? Giáo lý Duyên khởi dạy chúng ta điều này, mười hai nhân duyên là một chuỗi luân hồi sanh tử, sanh rồi tử, tử để rồi sanh, cứ xoay vòng như thế, chúng ta theo đó mà chịu khổ, không có ý thức tức nghiệp lực lôi cuốn trong vòng sanh tử. Đức Phật thấy rõ con đường luân chuyển đó, Ngài đã chứng ngộ và khai thị cho chúng sanh. Sự vận hành của Duyên khởi được phân chia như sau: Nhân quá khứ (vô minh, hành) – quả hiện tại (thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ) và nhân hiện tại (ái, thủ, hữu) cho ra quả tương lai (sanh, lão, tử). Đức Phật nhấn mạnh tới vai trò của vô minh, hành và ái, thủ, hữu là nhân làm nên đời sống luân hồi. Ở đây, người viết chỉ nói đến nhân hiện tại tức là chi ái làm nguyên nhân khiến chúng ta đau khổ, từ nơi ái sanh ra thủ, hữu tạo ra một chuỗi hệ lụy. Nhân nơi tham ái mà đi tìm kiếm, nắm giữ, hưởng thụ, sanh ra ham muốn và chấp thủ muốn sở hữu kết thành một chuỗi khổ đau. Qua đây, chúng ta sẽ thấy được ai nắm bắt và điều kiện đó là gì? Khi thân ngũ uẩn tiếp nhận một điều kiện ái sanh ra thủ tức nắm giữ từ đó hiện hành tức là hữu. Ái hiện hành trong cái thân ngũ uẩn hễ có điều kiện là nó sanh khởi. Khi mắt thấy sắc, tiếp nhận một đối tượng, đối tượng đó cho mình cảm giác lạc thọ hoặc khổ thọ, nếu là lạc thọ tức là mình ưa thích, từ đó khởi lên hành động truy tìm ngay đây chính là ái. Khi biết đối tượng đó cho mình lạc thọ, khả ái mình chạy theo muốn bắt lấy, nắm giữ nó gọi là thủ và thủ là hạt giống kết thành đời sống mới trong tương lai chính là hữu tức là năng lượng của thủ để lại. Tuy nhiên, khi nói ái là nguyên nhân sanh ra các tham muốn dục lạc, chúng ta không thể bỏ qua các chi phần của quả hiện tại. Bởi chúng có một mối tương quan tương duyên mà tạo thành. Do căn tiếp xúc với ngoại trần, từ sự tiếp xúc đó sanh ra cảm thọ ưa thích ái sanh khởi. Ái vận hành qua sáu giác quan, thích nghe những lời nói êm dịu nơi nhĩ căn, ái nơi mắt, ái nơi mũi, ái nơi lưỡi, ái nơi thân và ái trong ý nghĩ. Khi thân ngũ uẩn tiếp nhận điều kiện ái từ đó nó thay đổi tạo thành ngũ thủ uẩn sanh ra khổ đau. Người thế gian tìm kiếm hạnh phúc mà chạy theo dục lạc. Còn người xuất gia, chọn cho mình con đường đi khác, tìm kiếm hạnh phúc bên trong của chính mình. Người xuất gia biết rõ sự nguy hiểm của cái bị sanh, già, bệnh, chết nên đi tìm cái không sanh, không diệt. Khi chúng ta hiểu rõ giáo lý Duyên khởi làm việc gì chúng ta cũng không bị những tham ái làm khổ đau. Thân hình chúng ta là do các uẩn hợp lại mà tạo thành, rồi sẽ hư hoại dẫn đến những biến hoại, xấu xí, bệnh tật. Để tâm không bị tham đắm, dính mắc theo ngoại cảnh, chúng ta phải luôn sống với chánh niệm, tỉnh giác. Để loại trừ ái ra khỏi tâm thức, lấy giới để phòng hộ căn môn, dùng giới để loại trừ, khi mắt thấy sắc tâm không nắm lấy tướng chung không nắm lấy tướng riêng. Từ đó, định phát sanh, chánh niệm tỉnh giác luôn luôn có mặt, phát triển quan sát tức là tuệ, dùng trí để nhận biết hễ cái gì khởi lên chúng ta nhận biết và loại bỏ. Khi căn tiếp xúc với trần cảnh chúng ta không phân biệt, không nắm giữ, không lưu dấu đối tượng vào trong tâm mình. Chỉ nhận biết nó đang là “Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri” [17]. Khi thấy một đối tượng, chúng ta không có sự phân biệt, không khởi lên ý nghĩ nắm giữ. Từ đó không bị những cảm xúc làm cho khổ đau, không bị dính mắc trong tham dục, sống an lạc hạnh phúc. Hạnh phúc ở xung quanh chúng ta chỉ cần chúng ta nhận ra nó, sống với nó thì nó luôn có mặt. Tóm lại, giáo lý Duyên khởi là một chuỗi vận hành sanh diệt, dù muốn dù không thì nó vẫn hiện hành như vậy. Khi chúng ta thấy rõ sự vận hành của nó chúng ta không dính mắc, không còn tâm ý muốn nắm giữ thì chúng ta không còn khổ đau. Khi ngũ uẩn tiếp nhận một điều kiện thì ngũ uẩn đó bị thay đổi, chúng ta sống tùy thuận vào sự thay đổi đó. Thân ngũ uẩn là một pháp, bởi nó vô thường, vô ngã nên nó thay đổi liên tục trong từng sát na sanh diệt. Hiểu được giáo lý Duyên khởi giúp cho chúng ta nhận thức được sự sinh khởi và đoạn diệt của các pháp để thiết lập cho mình đời sống an lạc hạnh phúc. Giáo lý Duyên khởi giúp cho bản thân có một phương pháp vừa học vừa tu, tức là vừa có pháp học và pháp hành. Đa số chúng ta đều nặng về nghiệp ái, bởi chúng ta từ nơi nghiệp ái mà sanh ra cõi dục. Vì vậy, chúng ta bắt đầu nơi ái làm điều kiện để tu tập, diệt trừ nơi ái, thủ, hữu theo đó mà không còn. Giáo lý Duyên khởi dẫn đường cho chúng ra tìm về ánh sáng, như người mù thấy được ánh sáng, như người khát gặp được nước. Giúp chúng ta thoát khỏi những khổ đau luân hồi “Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc”. Tác giả mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho chính bản thân mình cũng như những người bạn đồng tu có thêm kiến thức và định hướng cho mình một con đường đi đúng đắn. Khi có con đường đi rồi thì sẽ giúp cho chúng ta có suy nghĩ đúng đưa đến hành động đúng sẽ thành tựu được mục đích cuối cùng. Mong cho tất cả chúng ta tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc sống trong giới thể của Tăng già.
TKN. Nhuận Thức/ VĂN HÓA PHẬT GIÁO 393Chú thích và tài liệu tham khảo: [1] Thích Minh Châu (dịch) (2012), Trường Bộ kinh, (Số 15, kinh Đại Duyên), Nxb. Tôn giáo, tr.263. [2] Thích Minh Châu (dịch) (2012), kinh Tương Ưng Bộ, tập II, (chương I, Tương ưng nhân duyên), Nxb. Tôn giáo, tr.383. [3] Sđd, tr.371. [4] Sđd, tr.371. [5] Sđd, tr.373. [6] Sđd, tr.373. [7] Sđd, tr.373. [8] Sđd, tr.373. [9] Sđd, tr.373. [10] Sđd, tr.373. [11] Sđd, tr.373. [12] Sđd, tr.372. [13] Sđd, tr.372. [14] Sđd, tr.389. [15] Tương Ưng Bộ kinh, Tương Ưng Nhân Duyên, Vìpassi [16] Thích Minh Châu dịch (1991), kinh Tương Ưng Uẩn 3, phẩm Trưởng lão, VNCPHVN ấn hành, tr. 219. [17] Tiểu bộ kinh I, kinh Phật Thuyết, tr.115.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |