Chi tiết tin tức

Công đức tùy thời bố thí

22:09:00 - 06/08/2016
(PGNĐ) -  Cúng dường, bố thí là hạnh tu phổ biến của hàng Phật tử. Bố thí là sẻ chia, cho đi một phần những gì mình có. Tùy thời bố thí nghĩa là lúc nào, cái gì mà chúng ta có thể cho được liền đem cho, ai cần gì mà nếu xét thấy sẻ chia được liền chia sẻ. Muốn bố thí có quả phước lớn thì phải hiểu rõ việc mình làm, quyết định nhanh, trước trong và sau khi bố thí tâm hoan hỷ. Đức Thế Tôn dạy “Thí chủ, đàn-việt tùy thời bố thí có năm công đức”.

 

bagan-monk-offering-12.jpg
Muốn bố thí có quả phước lớn thì phải hiểu rõ việc mình làm, quyết định nhanh, tâm hoan hỷ

“Một thời Phật ở trong rừng Di-hầu, nước Tỳ-xá-ly cùng với chúng Đại Tỳ-kheo năm trăm người. Bấy giờ đại tướng Sư Tử bèn đến chỗ Đức Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Lúc ấy, Phật bảo tướng Sư Tử:

- Thế nào Sư Tử? Nhà ông có thường bố thí chăng?

Tướng Sư Tử bạch Phật:

- Con thường ở ngoài cửa thành và đô thị, tùy thời bố thí không để thiếu sót. Ai cần cho ăn, cấp quần áo hương hoa, xe ngựa, ghế ngồi, ai cần gì con đều cấp cho cả.

Phật bảo tướng Sư Tử:

- Lành thay, lành thay! Ông có thể bố thí không tiếc lẫn. Thí chủ, đàn-việt tùy thời bố thí có năm công đức. Thế nào là năm?

Ở đây, thí chủ tiếng đồn vang xa, mọi người khen ngợi thôn làng ấy có đàn-việt, thí chủ, hằng thích tiếp đãi Sa-môn Bà-la-môn, tùy chỗ cấp cho không thiếu thốn. Đó là, này Sư Tử! Thí chủ, đàn-việt được công đức thứ nhất này.

Lại nữa, này Sư Tử! Đàn-việt, thí chủ nếu đến trong chúng Sa-môn, Sát-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả không có hổ thẹn, cũng không sợ hãi. Giống như sư tử, vua loài thú ở trong bầy nai, không có sợ sệt. Đó là, Sư Tử! Đàn-việt, thí chủ được công đức thứ hai này.

Lại nữa, này Sư Tử! Đàn-việt, thí chủ được mọi người kính nể, người trông thấy vui mừng như con thấy cha, nhìn ngắm không chán. Đó là, này Sư Tử! Đàn-việt, thí chủ được công đức thứ ba này.

Lại nữa, này Sư Tử! Đàn-việt, thí chủ sau khi mạng chung sẽ sanh hai nơi: hoặc sanh lên trời, hoặc sanh trong loài người. Ở trời được trời cung kính, ở người được người tôn quý. Đó là, này Sư Tử! Đàn-việt, thí chủ được công đức thứ tư này.

Lại nữa, này Sư Tử! Đàn-việt, thí chủ trí tuệ cao xa hơn mọi người, thân hiện đời dứt hết lậu, không trải qua đời sau. Đó là, này Sư Tử! Đàn-việt, thí chủ được công đức thứ năm này.

Hễ ai bố thí sẽ có năm công đức hằng theo bên mình.

Thế Tôn liền nói kệ: Tâm thường vui bố thí/ Công đức đầy đủ thành/ Tại chúng không nghi nan/ Cũng lại không sợ sệt/ Người trí nên bố thí/ Không có tâm luyến hối/ Ở cõi trời Ba (mươi) ba/ Ngọc nữ vây chung quanh.

Như thế, Sư Tử! Ông nên biết, đàn-việt, thí chủ sanh hai chỗ lành, thân hiện đời hết lậu hoặc, đến chỗ vô vi.

Thế Tôn liền nói kệ: Thí là lương đời sau/ Muốn đến chỗ cứu cánh/ Thiện thần thường ủng hộ/ Cũng lại đến hoan hỷ.

Như thế, này Sư Tử! Ông nên biết, lúc bố thí thường ôm lòng vui vẻ, thân ý vững chắc, các công đức lành thay đều đầy đủ, đắc tam-muội, ý cũng không lầm lẫn. Như thật mà biết. Thế nào là như thực mà biết? Khổ tập, khổ tận, khổ xuất yếu; như thực mà biết. Thế nên, này Sư Tử! Hãy tìm phương tiện tùy thời bố thí. Nếu muốn được đạo Thanh văn, đạo Phật Bích-chi thì đều được như ý. Như thế, Sư Tử, hãy học điều này.

Bấy giờ Sư Tử nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 31, Thiện tụ,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.242)

Năm công đức tùy thời bố thí - 1.Tiếng tốt đồn xa, 2.Đến các hội chúng không sợ hãi, 3.Được mọi người kính nể, 4.Sau khi mạng chung được sinh trời, người hưởng phước, 5.Thành tựu trí tuệ, thân hiện đời dứt hết lậu, không trải qua đời sau - cho thấy, chỉ cần siêng năng bố thí có thể thành tựu vô lượng công đức, phước báo. 

Quả phước bố thí hiện đời an lạc, công đức lành đầy đủ, tương lai chắc chắn được tái sinh hưởng phước trong trời, người. Nếu khéo bố thí với trí tuệ, xả tâm thanh tịnh thì có thể “đắc tam-muội, ý cũng không lầm lẫn, như thật mà biết, hiện đời dứt hết lậu, không trải qua đời sau”. 

Quảng Tánh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin