Chi tiết tin tức

Phật dạy chính kiến xây dựng nền tảng trí tuệ cho con người

20:24:00 - 18/04/2017
(PGNĐ) -  Theo lời Phật dạy, sự thấy biết đúng như thật không phải do sự học hỏi trong sách vở hay suy tư, phân tích bằng trí thức. Sự thấy biết đúng như thật là kết quả của sự trải nghiệm, và nhờ vào sự chứng ngộ của bản thân do tu tập đúng pháp.

Bài kinh Chuyển Pháp Luân của đức Phật, giảng tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như nghe, Bát Chính Đạo là nội dung chính đức Phật muốn nói ra, khi Ngài đã lìa khỏi hai cực đoan. Đức Phật đã trải qua hai lối sống hưởng thụ lợi lạc, đam mê ái dục, danh lợi, quyền lực trong cung điện, và sáu năm tu khổ hạnh nhưng không tìm ra lối thoát. Ý nghĩa chính của con đường trung đạo là sự thức tỉnh và thấy biết đúng như thật của đức Phật qua hai kinh nghiệm từng trải trong đời, để rút ra một kết luận và khuyên nhủ mọi người đừng để bị rơi vào hai cực đoan ấy.

 

Thứ nhất là đắm mình trong dục lạc thế gian như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều, dẫn đến nguy hại, là một điều chúng ta cần phải tránh xa. Tự hành hạ mình bằng các hình thức tu khổ hạnh, ép xác, dẫn đến thân đau khổ, tâm u mê, không sáng suốt, tác hại vô cùng là điều ta không bao giờ nên làm.

 

Đức Phật cho thấy, cuộc sống của chúng ta ít bao giờ được hoàn hảo với bất cứ một ai. Ai cũng có một nỗi khổ, niềm đau riêng, bởi bản chất của con người trong xã hội, ai cũng đều có khát vọng, mong muốn, tìm cầu hưởng thụ tiện nghi vật chất. Khi những chướng duyên, nghịch cảnh của xã hội làm cho con người phiền muộn, đau khổ, họ sẽ tìm về với gia đình, người thân, mong được an ủi, sẻ chia và nâng đỡ.

 

Đức Phật có tầm nhìn và sự hiểu biết sâu rộng hơn, nhờ trải qua hai lối sống thái quá, nên Ngài biết cách tìm về con đường trung đạo, nhằm giúp bản thân hoàn thiện, cùng nâng đỡ, sẻ chia, để mọi người cùng đạt đến sự an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại.

 

Chính kiến, chính tư duy thuộc về trí tuệ. Chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng thuộc về giữ giới. Chính tinh tấn, chính niệm, chính định thuộc về định lực.

 

Tám nguyên tắc hành động Bát Chính Đạo không phải là một tiến trình sắp xếp theo thứ tự nhất định, như việc yếu tố này phải đứng trước yếu tố kia. Trên phương diện thiết lập để tu học, tám yếu tố này được chia ra làm ba nhóm:

 

- Nhóm giới luật được liên kết nhau bởi chính ngữ, chính nghiệp và chính mạng.

 

- Nhóm định lực được kết hợp hài hòa bởi chính tin tấn, chính niệm và chính định.

 

- Nhóm trí tuệ được chiêm nghiệm và tu tập bởi chính kiến và chính tư duy.


Nói rộng ra là Bát Chính Đạo, nói gọn lại là Giới-Định-Huệ. Do đó, trí tuệ là một phương tiện tu tập thiện xảo, hầu giúp mọi người thức tỉnh để mở mang tâm trí, và thấy biết đúng như thật.

 

Bát Chính Đạo là tám con đường ngay thẳng, hay là tám phương pháp nhiệm mầu mật thiết, luôn giúp người phật tử đạt đến an lạc, hạnh phúc trong đời sống hằng ngày. Trong đạo Phật, Bát Chính Đạo được xem như phương pháp số một, giúp chúng ta biết cách dứt trừ phiền muộn, khổ đau để đạt đến an vui, tự tại, giải thoát.

 

Đây là sự hiểu biết thông suốt toàn diện về mọi mặt từ thân, tâm và mọi hiện tượng sự vật, giúp ta thức tỉnh để vượt thoát sự ràng buộc ra khỏi cái thấy biết sai lầm, tham lam, ích kỷ, oán giận, thù hằn, ngu si, mê muội thuộc chủ nghĩa cá nhân.

 

Đức Phật chỉ cho ta biết cách làm chủ bản thân, quay lại chính mình để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Vì thấy biết sai lầm mà ta phải chịu khuất phục bởi một đấng thần linh giả tạo, với niềm hy vọng mong mình được cứu rỗi, thoát khỏi bao cảnh lầm than, khổ sở mà chính mình đã tạo ra. Trí tuệ không phải là sự hiểu biết bình thường của tri thức, mà là kết quả của sự tu học tinh cần của tâm thức.

 

Bát Chính Đạo là một trong 37 phẩm trợ đạo, là pháp môn tu tập căn bản của Phật giáo Nguyên Thủy, bất cứ một vị xuất gia nào cũng phải hiểu rõ giáo lý này, nó là kim chỉ nam, là phương pháp tu tập căn bản. Như vậy, Bát Chính Đạo nghĩa là con đường dẫn Thánh quả, hay con đường đi đến sự hoàn thiện chính mình trọn vẹn.

 

Từ người phàm phu tục tử, chúng ta có thể nương theo Bát Chính Đạo để tu, thì khỏi sợ lầm lạc, rơi vào chỗ dữ, từng bước sẽ chứng được quả hiền Thánh trong tương lai.

 

Loài người trên thế gian này lúc nào cũng mong muốn tìm cầu hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc đó tùy theo sự nhận định của mỗi người và sự hiểu biết của cá nhân. Đó là lý do tại sao có sự khác biệt trong thế giới con người về quan niệm hạnh phúc. 

 

Theo như chúng tôi được biết, khái niệm Chính mà giáo lý nhà Phật thường hay gọi là để phân biệt với Tà. Thứ nhất, xem giáo lý nhà Phật như là Chính pháp. Khi chúng ta gọi giáo lý nhà Phật là Chính pháp thì chúng ta phải nói đến giáo lý: Duyên Khởi, Vô Thường và Vô Ngã.

 

Duyên khởi, vô thường và vô ngã là qui luật tự nhiên hay bản chất của các pháp. Không một pháp nào lại không do nhân duyên kết hợp mà thành, cái gì do nhân duyên kết hợp lại mà thành, cái ấy không có tự tánh, không thể tồn tại độc lập và không có tự thể cố định.

 

Như vậy, giáo lý Duyên Khởi, Vô Thường, Vô Ngã là bản chất của cuộc sống. Bất cứ ai, dù là người của tôn giáo, hay đảng phái nào, cũng phải tuân theo qui luật này, không thể làm khác đi. Cho nên, tùy theo nhận thức của chúng sinh mà có sự hiểu biết khác nhau, nên sinh ra cái thấy không ai giống ai. Chính vì vậy, chúng ta gọi giáo lý nhà Phật là Chính pháp, điều được nói đến là giáo lý Duyên Khởi, Vô Thường và Vô Ngã. Ý nghĩa này đúng về mặt chân lý, nên gọi là Chính pháp. 

 

Đi ngược lại với chính kiến là tà kiến? Tà kiến là cái thấy sai lệch về sự thật, rồi tạo thành những kiến thức sai lầm, những sự hiểu biết không có sự trải nghiệm bản thân, dẫn đến chỗ tranh chấp, hơn thua, bảo vệ thành trì cố chấp mà sinh ra phiền muộn, khổ đau, tạo nên ân oán, hận thù không có ngày thôi dứt.

 

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa Bát Chính Đạo, chúng ta cần phải làm rõ ý nghĩa chữ chính theo nhà Phật định nghĩa như thế nào. Thế nào gọi là chính? Chính có nghĩa là ngay thẳng, đúng đắn, tốt đẹp. Nếu như giáo lý nhà Phật là chính, thì tại sao trong đó có khá nhiều hiện tượng mê tín, dị đoan. Để mọi người hiểu đúng theo nghĩa này thật sự không đơn giản tí nào.

 

Khi có ai đó mê tín, dị đoan, là niềm tin mù quáng, không có quán xét, chiêm nghiệm, khiến con người mất hết lý trí, mà có thể làm hư hại, tan nát hạnh phúc gia đình, người thân. Như vậy, cái gì làm cho ta nhìn thấy và hiểu biết đúng đắn? Chỉ có tuệ giác của Thế Tôn do tu tập nên chứng biết mà thôi. 

 

Trong cuộc sống, nếu ta biết xem xét, chiêm nghiệm và áp dụng tám nguyên tắc trên trong mọi hoàn cảnh, ta sẽ thấy rõ ràng sự liên hệ nhân quả mật thiết, tương quan giữa những nguyên tắc ấy. 

 

Chúng ta hãy xem xét cho tường tận nguyên tắc thứ nhất là hiểu biết chân chính, tức là sự thấy biết đúng như thật, thì hành động mới tốt đẹp, không làm tổn hại cho ai. Do đó, chính kiến là rất cần thiết trong việc chọn lựa nghề nghiệp. Nhưng ta phải làm thế nào để thấy biết đúng? 

 

Chi thứ nhất trong Bát Chính Đạo là chính kiến, có nghĩa là sở kiến, kiến giải, ý kiến, quan điểm. Chính kiến ở đây không phải là sự thấy đơn thuần như mắt nhìn thấy các hình ảnh sự vật, mà phải là cái thấy đúng như thật, có nghĩa là thật biết thật, giả biết giả.

 

Người có chính kiến luôn luôn lúc nào cũng biết phân biệt và kiểm soát chặt chẽ các mặt hoạt động của thân và tâm, như suy nghĩ chân chính về lời nói, việc làm, mạng sống và sự nỗ lực tinh tấn, để đạt được chính niệm nhờ có định lực sâu dày.

 

Hiểu biết chân chính là cái nhìn mọi hiện tượng, sự vật dưới nguyên lý duyên khởi, vô thường và vô ngã, tức không có chủ thể cố định, không có nguyên nhân đầu tiên của thế giới, không có thượng đế ban phước giáng họa, tất cả đều biến thiên, thay đổi, không thực thể.

 

Ba chi cuối cùng là tinh tấn, niệm và định, là sự quyết tâm tu tập. Chúng ta tu tập là ý thức muốn sửa sai, nếu ý thức này bắt nguồn từ cái thấy sai lệch, cho rằng có một linh hồn bất tử, thì sự tu tập đó trở thành vô dụng. Người tu như vậy không bao giờ đạt được mục đích giác ngộ, giải thoát, nên chính kiến có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát sự nỗ lực tu tập đó có đúng hay không?

 

Nếu sự tu tập đó được bắt nguồn từ chính kiến, chính tư duy, thì ắt hẳn chúng ta sẽ có lời nói chân chính, không nói lời giả dối để lường gạt người. Ngược lại, nếu như không có chính kiến mà là tà kiến, sẽ dẫn đến suy nghĩ bất chính và làm những việc xấu ác, cuối cùng sẽ gặt lấy quả phiền muộn, khổ đau.

 

Theo lời Phật dạy, sự thấy biết đúng như thật không phải do sự học hỏi trong sách vở hay suy tư, phân tích bằng trí thức. Sự thấy biết đúng như thật là kết quả của sự trải nghiệm, và nhờ vào sự chứng ngộ của bản thân do tu tập đúng pháp.

 

Muốn thành tựu con đường trung đạo, ta phải biết áp dụng Bát Chính Đạo, như sự liên hệ tương quan, tương duyên mật thiết với nhau, bồi đắp cho nhau, mà không thể thiếu nhau. Tám nguyên tắc hành động này lúc nào cũng làm nhân và quả để hỗ trợ cho nhau, nếu mất một chi thì không thành tựu con đường trung đạo. 

 

Thế nào là chính kiến? Phật nói, khi ta hiểu lý nhân quả, không còn nghi ngờ, tức là chính kiến; tức là thấy biết tất cả mọi hành động lành hay dữ, sẽ cho ra kết quả tốt hay xấu của mình. Đời trước, chúng ta có khi làm lành, có khi làm dữ, nên thân này có khi được vui vẻ, hạnh phúc, có lúc bị phiền muộn, khổ đau. Khi ta đã biết thân tổng báo này chịu ảnh hưởng nhân quả, nghiệp báo đời quá khứ, nên hiện tại mình phải nỗ lực tu hạnh lành, để chuyển hóa và thay đổi những nghiệp xấu ác trước nhẹ bớt. Ai thấy biết như thế là chính kiến.

 

Hiện tại, có một số người tự xưng mình là Phật tử, mà lại không có chính kiến, đôi khi lại ôm ấp tà kiến, hoặc chấp thường, hoặc chấp đoạn. Một số người nghĩ rằng, mình có một linh hồn bất tử không đổi thay, lâu dài không mất, thân này chết đi, đời sau có thân khác cũng y như vậy.

 

Họ cho rằng, trời chết sinh trời, người chết sinh người, thú vật chết sinh thú vật, giống y như bản photocopy vậy. Như việc ông B giàu có, chết rồi sinh ra cũng là B giàu có. Tin linh hồn mình bất tử, không bao giờ thay đổi, tin như vậy đạo Phật gọi là chấp thường kiến, tức là cái thấy không đúng chân lý, nên khi sống họ mặc tình gây tạo tội lỗi, khi phước hết thì họa đến, chịu khổ vô lượng kiếp, bởi quan niệm sai lầm này.

 

Lại có nhiều người cho rằng, chết là hết, thân tứ đại sau khi mất sẽ rã tan, trả về cát bụi. Chấp như vậy gọi là đoạn kiến, cái thấy không còn gì nữa. Cả hai kiến chấp đó Phật đều không chấp nhận. Ai chấp như thế là do thấy biết sai lầm mà rơi vào tà kiến.

 

Còn nếu ta tin rằng, linh hồn vẫn còn mãi thì việc làm lành dữ, thiện ác đối với họ thật vô nghĩa, vì trước sau như một, chẳng có gì đổi thay. Còn nếu cho rằng, chết là hết, thì việc làm lành dữ đối với họ cũng không cần phải quan tâm nữa, nên họ mặc tình gây tạo tội lỗi.

 

Người tu theo đạo Phật phải thấu hiểu lý nhân quả một cách sâu sắc, rõ ràng và tường tận, ai biết làm điều thiện lành như bố thí, giúp đỡ, sẻ chia, thì được sinh lên ba đường thiện là Trời, Người, A Tu La. Ai làm việc xấu ác như giết hại, trộm cướp lường gạt, tà dâm, phá hoại hạnh phúc gia đình người, nói dối, gạt gẫm, uống rượu, say sưa, hay dùng xì ke, ma túy, thì đọa xuống ba đường dữ là Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh. Như vậy, tất cả mọi chúng sinh đi lên hay đi xuống tùy theo nghiệp thiện hay ác mà đến chỗ an vui hạnh phúc hay sa đoạ khổ đau.

 

Hiện tại, chúng ta còn là phàm phu tục tử, muốn làm được như thế thì mình phải biết tin sâu nhân quả. Phật dạy, ai chấp vào thường kiến và đoạn kiến là một sai lầm nghiêm trọng lớn lao, khiến người sinh tâm ỷ lại mà làm các điều xấu ác. Người tu Phật không nên chấp như thế, mà phải có chính kiến nhờ biết tin sâu nhân quả. 

 

Chính kiến hay hiểu biết chân chính là cái thấy đúng như thật, sự thực của thân, tâm và thế giới, mọi sự vật hiện tượng như thế nào thì ta biết rõ như thế đó. Đức Phật thấy rõ ràng, chính xác, như người đứng trên lầu cao, nhìn xuống ngã tư đường, hay thấy trái xoài trong lòng bàn tay. Tuy nhiên, chính kiến có nhiều mức độ cao thấp khác nhau, tùy theo khả năng tu học và hiểu biết của mình. 

 

Mức cao nhất của chính kiến gọi là Vô Thượng Chính Đẳng Giác, hay nói cho đầy đủ là Phật Đà. Đối với người tu Phật, chính kiến rất cần thiết và quan trọng hàng đầu, chúng ta phải duy trì và phát triển mãi mãi bằng sự nghiền ngẫm, nghiệm xét, quán chiếu, soi sáng và tu tập.  

 

Chính là ngay thẳng, đúng đắn. Kiến là nhận thấy, nhận biết. Nói cho đầy đủ, chính kiến là thấy, nghe, hay, biết một cách đúng đắn, công minh, đúng với sự thật khách quan, mọi sự vật, hiện tượng như thế nào thì thấy rõ như thế đó.

 

Người có chính kiến lúc nào cũng thấy đúng chân lý, thật biết thật, giả biết giả, không thấy trắng thành đen, không thấy tốt thành xấu, thấy rõ ràng như vậy, tuy không phân biệt mà vẫn thường biết rõ ràng.    

 

Chúng ta nên nhớ, chết không phải là hết, mà chỉ thay hình, đổi dạng với hình thức khác, tùy theo nghiệp nhân tốt hay xấu trong hiện tại mà cho kết quả trong tương lai. Nếu ta cho rằng, mọi thứ là cố định, thì ta sẽ rơi vào lỗi thường kiến; còn nếu cho rằng, chết là hết, thì rơi vào lỗi đoạn kiến, trái với nhân quả nghiệp báo của đạo Phật.

 

Nhờ hiểu được nguyên lý nhân duyên, ta phải một bề biết cung kính, tôn trọng các bậc hiền Thánh nhân. Đối với những bậc được coi là ruộng phước thì ta siêng năng, vui vẻ cúng dường. Ruộng phước có nhiều thứ: cha mẹ là ruộng phước lớn giúp cho người con hiếu thảo, biết ơn và đền ơn công mang nặng đẻ đau, nuôi nấng vất vả, nhọc nhằn. Những người tu hành chân chính, biết đem những lời Phật dạy có tính cách ích mình, lợi người, là ruộng phước của hàng phật tử tại gia; cùng với những trẻ mồ côi, người nghèo đói, bệnh tật, là ruộng phước của người tu hạnh bố thí, sẻ chia, hay nâng đỡ tha nhân.

 

Người phật tử tại gia xây chùa, tạc tượng, ấn tống kinh sách, băng đĩa, cúng dường tứ sự cho tăng ni có thời gian an ổn tu hành để duy trì mạng mạch Phật pháp, là đã gieo giống tốt vào ruộng phước. Người con hiếu thảo biết chăm sóc, cung kính, dưỡng nuôi, an ủi, lo lắng đầy đủ cho cha mẹ về vật chất lẫn tinh thần, là đã gieo giống tốt vào ruộng phước.

 

Người giàu lòng nhân ái hay giúp đỡ, cung cấp cơm áo, gạo tiền, thuốc men cho trẻ mồ côi, người bất hạnh, bệnh tật, khổ đau, là đã gieo giống tốt vào ruộng phước. Đối với những ruộng phước vừa nêu trên là một việc làm chính đáng, đòi hỏi con người phải có ý thức cao mới có thể gánh vác trọng trách này.

 

Chúng ta muốn mai sau được an lạc, hạnh phúc, thì ngay bây giờ phải biết gieo trồng phước đức bằng sự bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia. Chẳng hạn, ta muốn sau này được làm người tài, thì ngay bây giờ mình phải học cho giỏi, về sau mới có cơ hội ra giúp dân, giúp nước. Không có việc gì mà trước không gieo nhân tốt, về sau lại  muốn được quả lành, điều này không thể có được. 

 

Ta hãy thường xuyên quán sát nguyên lý duyên khởi và áp dụng đạo lý ấy trong mọi hoàn cảnh của sự sống, nhờ vậy từng bước chuyển hóa các thói quen xấu để nâng cao sự thấy biết của mình không còn lầm lẫn. 

 

Khi ta có cái nhìn chân chính như vậy rồi, thì mình không bị thành trì cố chấp của phong tục, tập quán, dục vọng thấp hèn, làm mê mờ lý trí. Ngược lại với chính kiến là tà kiến, tức là sự hiểu biết và nhận thức sai lầm, không phù hợp với thực tế, không tin nhân quả, chấp có thượng đế ban phước giáng họa, chấp có linh hồn bất tử không thay đổi, chấp mọi sự vật đều ngẫu nhiên, khi không, chấp thân này sau khi chết mất hẳn. Ai chấp vào những thứ trên đều bác bỏ lý nhân quả nghiệp báo.

 

Cố chấp thành kiến cho mọi thứ đều cố định, do đấng tối cao sắp đặt, tin mù quáng không có sự trải nghiệm của bản thân, phản khoa học và trái với chân lý nhân duyên quả, gọi là tà kiến, tức sự thấy lệch lạc, sai lầm.

 

Chính kiến là một con đường dẫn đến tự do hoàn toàn, hạnh phúc và bình an nhờ sự hoàn thiện về đạo đức, tâm linh, qua sự tỉnh thức bên trong của mỗi người. 

 

Chính kiến là một lối sống mà người đang học Phật nên thực hành và phát triển mỗi ngày, bằng sự cố gắng từ bỏ những sai lầm, để gặt hái những lợi ích cho sự  thành công trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

 

Thế giới muôn loài vật đều thành-trụ-hoại-không, con người đều sinh già bệnh chết, và hằng chuyển biến, thay đổi theo thời gian. Người có cái thấy chân chính thì không bị các phong tục, tín ngưỡng, tập quán, mê tín, có tính cách làm tổn hại người vật chi phối và lôi cuốn.  

 

Nói tóm lại, chính kiến là hiểu biết chân chính nhờ có quán chiếu tu tập, nên thấy biết đúng như thật. Sống ở đời, ai cũng cần có sự hiểu biết và nhận thức sáng suốt để phân biệt chính tà. Nhờ có chính kiến, ta có thể hiểu từ con người cho đến muôn loài vật đều theo nguyên lý duyên khởi, vô thường và vô ngã.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin