Chi tiết tin tức

Làm gì khi thất tình?

10:14:00 - 16/03/2019
(PGNĐ) -  Theo Wikipedia, “Thất tình là trạng thái một chiều trong quan hệ luyến ái không được bên kia đáp lại tình cảm của mình dành cho đối tượng một cách tha thiết, điều đó trực tiếp gây ra những trạng thái cảm xúc qua nhiều cung bậc khác nhau, từ sự buồn chán, đau khổ, cô đơn, hoang mang cho đến tổn thương, thậm chí là nguy cơ tự tử hoặc trả thù, nó là biểu hiện của sự bất toại nguyện, không đạt được mục đích mà mình muốn trong tình cảm”. 

Vấn đề đặt ra là khi thất tình chúng ta nên làm gì để thoát khỏi tình trạng đó. 

 

thattinh.jpg
Sự chia tay hay bị bỏ rơi, bị phụ bạc chỉ là cái cớ của duyên nghiệp để cho ta chấm dứt 
một mối quan hệ không xứng đáng và để cho ta gặp một mối quan hệ khác tốt đẹp hơn - Ảnh minh họa

Khi bị thất tình, điều đầu tiên chúng ta cần làm là chịu đựng. Mỗi người có một sức chịu đựng khác nhau, cũng giống như có người chỉ mang nổi mười ký, có người mang được hai mươi, ba mươi hay vài trăm ký. Có người có thể chịu đựng được những nỗi đau lớn, nhưng có người chỉ nỗi đau nhỏ thôi cũng làm cho họ không chịu nổi rồi. Ví dụ như chuyện một em học sinh bị mẹ la thôi mà đã đi tự tử. Nhưng một số người có sức chịu đựng rất lớn, gần như là vô tận. Bất cứ nỗi đau nào đến với họ, họ cũng có thể đón nhận được, dù một cách dễ dàng hay khó khăn. Sức chịu đựng này có thể là do bản tính của mỗi người, cũng có thể do kinh nghiệm sống hay sự rèn luyện. Thường những người trải qua nhiều gian khổ hay giông tố trong cuộc đời sẽ có sức chịu đựng mạnh hơn người khác. Tùy theo khả năng chịu đựng của từng người mà cảm giác thất tình trở nên trầm trọng hay nhẹ nhàng.

Nên hiểu rằng khổ đau hay hạnh phúc, thành công hay thất bại là những vấn đề thuộc về Nghiệp. Tại sao người khác không bị mà mình lại bị? Phật giáo xác định đó là do nghiệp của mình. Có thể là do kiếp trước mình phụ người nên kiếp này mình bị người bỏ. Biết luật nhân quả rồi thì chúng ta sẽ không còn oán mình trách người nữa. Chỉ làm hết sức mình và thuận theo tự nhiên mà sống.

Khi người yêu mình không còn muốn tiếp tục với mình nữa, nguyên nhân nhiều khi đơn giản là vì người ta không còn thích mình nữa, mình không đủ tiêu chuẩn để hấp dẫn người ta, hoặc không còn phù hợp với người ta nữa. Và mình phải chấp nhận điều đó. Phải hiểu rằng trong tình cảm không có khái niệm trách nhiệm hay bổn phận, mà chỉ có thích hay không mà thôi. Dù người ta là một người có đạo đức, muốn tròn trách nhiệm với mình để không mang tiếng là người phụ bạc, cố gắng ở bên mình nhưng lòng người ta đã nguội lạnh, hờ hững. Mình có muốn ở bên cạnh một người mà tâm hồn họ không có ở đó không? Chẳng phải ai đó đã nói rằng, “Điều đáng sợ nhất không phải là ở một mình mà là ở bên cạnh nhau nhưng vẫn thấy cô đơn”! Vậy thì níu kéo làm chi để tự làm khổ mình và trở thành gánh nặng cho người khác. Cho nên khi đã biết tình cảm đã không còn nữa thì tốt nhất nên giải phóng cho nhau. 

Suy cho cùng thì khuynh hướng của con người là tránh khổ đau và tìm hạnh phúc, như nước luôn chảy về phía thấp hơn. Nếu mình có thể đem đến cho họ hạnh phúc thì dù có đuổi họ cũng không đi. Còn họ bỏ mình là vì họ không cảm thấy hạnh phúc khi ở bên mình. Vậy thì hãy để cho họ đi tìm cái mà họ cảm thấy hạnh phúc. Đó mới là thương nhau, tôn trọng nhau.

Khi chia tay, người nào còn yêu nhiều sẽ khổ nhiều, nhưng cũng đừng oán trách người kia, vì họ cũng không muốn như vậy. Họ không thể yêu được nữa dù cho họ có muốn. Không ai làm chủ được trái tim. Khi hiểu được như vậy rồi, dù chúng ta vẫn còn buồn, nhưng chúng ta có thể chịu đựng được, vì chúng ta đã chấp nhận. Và nỗi buồn sẽ vơi dần theo năm tháng, cho đến khi không còn nữa. Cái cảm giác chơi vơi sau khi chia tay là có thật. Điều này cũng bình thường như cảm giác nuối tiếc khi ta mất một vật gì, nhất là những vật quý giá, nhưng đó chỉ là tâm trạng nhất thời. Nó không phải bản chất. Và thường là do ta cố chấp không chịu buông nên mới làm cho tâm trạng nặng nề thêm.

Chuyện kể rằng, “Một anh nọ bị người yêu bỏ. Anh đau khổ quá nên định nhảy sông tự tử. Khi ra đến bờ sông thì anh gặp một cô gái. Anh hỏi cô ra đây làm gì? Cô trả lời rằng cô bị người yêu bỏ và cô không thể sống khi không có anh ấy nên đành đi tìm cái chết. Anh ta mới kiếm lời khuyên lơn rằng, trước đây khi chưa gặp người yêu, cô đã có thể sống một mình mà không có anh ấy, vậy thì tại sao bây giờ cô lại nghĩ rằng không có anh ấy thì cô không thể sống? Cô gái ấy nghe lời chợt tỉnh ngộ và bỏ ý định tự tử. Cô bèn hỏi anh ra đây làm gì? Anh cười trả lời rằng anh chỉ đi dạo mát thôi”. Vậy đó, phần lớn vấn đề là do chúng ta ảo tưởng mà thôi. 

Hai người dù có yêu nhau nhiều đến mấy thì vẫn là hai thực thể riêng biệt và độc lập nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể bình an vô sự mà không cần phải có người kia. Chúng ta đôi khi như con ong cứ đâm đầu vô cửa kiếng để mong ra ngoài mà không biết rằng chỉ cần lùi lại một chút thôi là có thể nhìn thấy được khoảng không để bay ra.

Còn nếu như người kia là kẻ phản bội, chỉ lợi dụng mình, bây giờ không còn lợi dụng được nữa nên tìm cớ chia tay thì sao? Cách đơn giản nhất, ta hãy nghĩ đó là một tai nạn. Trong cuộc sống gần như ai cũng một vài lần gặp tai nạn, không nặng thì nhẹ, chứ không ai suốt cả cuộc đời mà không bị gì. Tai nạn xảy ra là do chúng ta bất cẩn, nhưng cũng có khi không phải lỗi ở chúng ta. 

Ví dụ như vụ xe đụng ở Long An gần đây, những nạn nhân dừng đèn đỏ thì đột nhiên bị xe tải phía sau ủi tới. Cái đó không phải do họ bất cẩn mà thật sự là một “tai bay vạ gió”. Khi tai nạn xảy ra thì chúng ta làm gì? Chúng ta chỉ còn cách chấp nhận và khắc phục hậu quả. Nếu bị thương thì điều trị, nếu xe hư thì sửa xe. Trong quan hệ giữa người với người cũng vậy; khi bị người xấu gạt, ta hãy nghĩ rằng mình đã không may nên gặp tai nạn, và mình cũng không phải là người duy nhất trên đời bị như vậy. Cuộc đời này có kẻ tốt người xấu, cho nên chuyện lừa gạt nhau là bình thường. Chúng ta không còn cách nào hơn là chấp nhận sự thật và khắc phục hậu quả càng nhanh càng tốt.

Thật ra khi bị người lợi dụng rồi bỏ mình ra đi, ta nên cảm thấy mừng hơn là khổ, vì đã may mắn thoát khỏi hạng người như họ. Chúng ta đừng tiếc những cái mình đã mất, những cái họ đã lấy của mình, như niềm tin hay tiền bạc chẳng hạn. Bởi vì tục ngữ có câu, “Của thiên trả địa”, cái gì không phải của mình thì dù có được cũng sẽ dễ dàng mất đi. Cái mà họ lấy của mình đó cũng sẽ không bền đâu. Họ gạt mình thì họ sẽ bị người khác gạt lại theo luật nhân quả. Còn chúng ta hãy vui rằng mình đã không làm gì sai và đã làm tròn bổn phận với họ. Và bằng khả năng thực thụ của mình, mình sẽ nhanh chóng kiếm lại được những cái mình đã mất, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Chúng ta phải tin vào luật nhân quả và nghiệp báo. Luật ấy rất công bằng và sự vận hành của luật ấy ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Sự chia tay hay bị bỏ rơi, bị phụ bạc chỉ là cái cớ của duyên nghiệp để cho ta chấm dứt một mối quan hệ không xứng đáng và để cho ta gặp một mối quan hệ khác tốt đẹp hơn. Đến khi gặp điều tốt đẹp ấy rồi, chúng ta nghĩ lại sẽ cám ơn sự đổ vỡ trước đó. Vì nếu không có sự đổ vỡ đó thì làm sao ta có thể gặp được mối quan hệ tốt đẹp sau này. Tất cả đều có nhân duyên. Điều mà chúng ta cần làm là phải sống cho đúng đắn, cho đạo đức, sống theo điều hay lẽ phải thì kết quả tốt đẹp sẽ đến với chúng ta một cách bất ngờ.

Khi bị bỏ rơi hay phản bội, người ta thường có những phản ứng rất tiêu cực như trả thù, chán nản buông xuôi, thậm chí là tự tử nữa. Người ta phản ứng một cách cực đoan như vậy, thật ra không phải hoàn toàn vì người ta còn yêu người kia nhiều hay không thể sống thiếu người kia, mà đó là một tâm trạng tổng hợp của nhiều cảm xúc, trong đó có sự tức giận, mặc cảm bị thất bại… Cho nên người ta muốn làm cái gì đó để khẳng định bản thân hoặc lấy lại danh dự. Nhưng rất tiếc đó không phải là phản ứng khôn ngoan và đúng đắn, vì nó chỉ làm cho ta đau khổ và mất mát hơn mà thôi. 

Một người bị bỏ rơi, họ muốn kết liễu cuộc đời họ với ý nghĩ rằng sẽ làm cho người kia phải cắn rứt suốt đời. Nhưng họ đã lầm. Sau khi họ chết, người kia sẽ đến bên quan tài để thắp ba cây nhang, nhỏ vài giọt nước mắt và… chấm hết. Trong khi đó mình chết, bỏ lại bao nhiêu người thân, những người rất thương ta và có thể cần ta chăm sóc.

Người xưa nói rằng “Trời cao không phụ lòng người tốt”. Hãy tin nhân quả và sống tốt. Bao nhiêu là niềm vui và những điều tốt đẹp đang chờ bạn phía trước. Chỉ cần bạn đứng lên và bước tới thì sẽ gặp.

Hữu Huệ

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin