Chi tiết tin tức Nói không với vàng mã! 18:43:00 - 28/07/2016
(PGNĐ) - Trong sinh hoạt Phật giáo, nhiều chùa đã vận động Phật tử nói không với vàng mã, trong đó, có nhiều vị thầy đã quyết liệt thay đổi thói quen đốt vàng mã của tín đồ như TT.Thích Trực Giáo (Q.4, TP.HCM), TT.Thích Duy Trấn (chùa Liên Hoa, Q.11), TT.Thích Thanh Định (chùa Từ Xuyên, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình)...
Các vị thầy nói trên nêu rõ, đốt vàng mã là tập tục không theo tinh thần nhà Phật; các vị khuyến khích Phật tử để tiền mua vàng mã ấy làm từ thiện. Như chùa Từ Xuyên chẳng hạn, Thượng tọa Thanh Định còn lập hẳn một hòm công đức “không đốt vàng mã để làm từ thiện” và dùng tiền đó giúp dân xây nhà, tặng quà cho người nghèo.
Ở chùa Liên Hoa, đường Thái Phiên (Q.11, TP.HCM), trước cửa chùa còn có bảng thông báo: “Không cần đốt giấy tiền vàng mã, mà chỉ cần lời kinh, tiếng kệ để hồi hướng. Vì người quá cố không thể thừa hưởng số giấy tiền vàng mã do con cháu đốt cho”. Trong nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, trong khuôn khổ tuyên truyền về “Nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN Q.4 tổ chức, TT.Thích Trực Giáo cho biết: “Tập tục đốt vàng mã, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đã tồn tại cho đến tận ngày nay. Nhìn chung, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng người sống nghĩ đến người đã khuất, điều đó thật đáng trân trọng. Nhưng trong một xã hội văn minh, tập tục lạc hậu này không còn phù hợp nữa, nên hãy cùng nhau có cái nhìn nhận đúng và chung tay góp phần xây dựng một thành phố xanh - sạch - đẹp qua hành động không rải vàng mã khi đưa tang”. Việc nghĩ tới người đã khuất theo tinh thần Phật giáo có nhiều việc làm thiết thực hơn như ăn chay, sống thiện lành, làm từ thiện, giúp người bớt khổ... thì ý nghĩa nhớ ơn ấy mới thực sự tích cực. Còn đốt vàng mã là tục “xưa bày nay bắt chước”, không làm thì thấy không yên tâm nên không dám bỏ, nhiều người làm mà không hiểu ý nghĩa, thậm chí ngộ nhận tính chất của việc làm này là cần thiết, là đúng, trong khi phí tiền vô ích mà không biết. Không chỉ việc đốt vàng mã không mang lại giá trị gì cho người đã khuất mà việc làm đó còn ảnh hưởng tới người đang sống, trong đó có lãng phí và ô nhiễm môi trường. Thử tưởng tượng, hàng chục ngàn tấn vàng mã bị đốt mỗi năm với hàng tỷ đồng chi phí cho việc này thì sẽ thấy sự lãng phí và ô nhiễm môi trường gây ra lớn tới mức nào. Do vậy, là một Phật tử, tôi hoàn toàn tán đồng và thực hiện việc nói không với vàng mã, để tiền đó làm từ thiện như phát biểu của HT.Thích Thiện Tánh (Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN) trên báo Tuổi Trẻngày 5-10-2015. Đồng thời, tôi cũng tâm đắc với ý kiến của TT.Thích Thanh Định phát biểu ngày 30-6-2015 (15-5-Ất Mùi) tại chùa Hưng Long (thôn Hưng Quan, Trọng Quan, Đông Hưng, Thái Bình), trong lễ ra mắt “hòm không đốt vàng mã” của chùa này: “Cuộc sống càng văn minh, hiện đại thì sự ham muốn của con người ngày càng lớn, dẫn đến chỗ hủy diệt môi trường. Do ham muốn nên có mong cầu, mê tín. Do đời sống nâng được cao, việc đốt vàng mã ngày càng nhiều mà không được lợi ích”. Theo TT.Thanh Định, người học Phật cần ngược dòng thế tục, làm điều tốt đẹp mà người khác không làm được. Đức Phật đã dạy những gì người khác không bỏ được mà mình bỏ được là điều khó. Đồng thời, Ngài cũng dạy không nên tin theo, làm theo phong tục tập quán mù mờ mà chỉ tin và làm những gì thật sự có lợi ích… Hoa Tâm
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |