Chi tiết tin tức Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng: "Giữ tâm thanh tịnh trong cảnh động loạn" 20:55:00 - 22/10/2024
(PGNĐ) - Mùa hạ năm nay (2024), ở ngoài cuộc đời có nhiều biến động làm cho Tăng Ni, Phật tử quan tâm. Thiết nghĩ trên bước đường tu, quý vị cố gắng giữ tâm thanh tịnh trong hoàn cảnh động loạn, như vậy là người thực tu.
Đức Phật dạy thế giới Ta-bà là nhà lửa, lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa kiêu mạn… luôn thiêu đốt người ta. Mình tu theo Phật, đừng để những lửa này thiêu đốt, đặc biệt trong mùa an cư, chúng ta có điều kiện tu tạo được tâm thanh tịnh. Năm nay, mùa an cư, trường chúng ta được yên ổn nhờ lực hộ niệm của Phật và sự hợp tác của chư Bồ-tát. Cho nên, bên ngoài động loạn, nhưng tâm đại chúng được yên ổn và thân khỏe mạnh, không ốm đau cũng là điều đáng mừng. Ngoài ra, tuy vật chất yếu kém hơn, vì kinh tế khó khăn và có biến động bên ngoài thì cũng có ít nhiều ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng chúng ta phải thực hiện lời Phật dạy biến đổi tình thế nguy khó thành cơ hội thử thách. Thật vậy, nghe những điều không tốt về đạo Phật, về người tu, chúng ta phải kiểm chứng xem mình có phạm phải những lỗi đó hay không. Nếu không có lỗi như vậy thì không lo sợ gì và sám hối túc nghiệp đã tạo từ đời trước, không phải nghiệp đời này.
Vì Đức Phật dạy rằng khi tu hành, không có người nói lỗi của mình, mình còn phải tìm hỏi người chỉ giùm để mình biết mà sám hối cho thanh tịnh. Còn mình chưa nhờ người ta chỉ mà họ đã nói lỗi của mình là họ đã giúp đỡ rồi, nên mình không buồn phiền. Nếu họ chỉ giùm lỗi, mà mình buồn phiền thì mình là phàm tăng. Nhưng tu hành, chúng ta phải cố gắng vượt phàm lên Thánh. Không có cái khó nào trên cuộc đời mà chúng ta không vượt được, mới trở thành Hiền tăng, Thánh tăng. Tuy Hiền Thánh tăng cũng là người phàm, nhưng quyết lòng tu thì trở thành mẫu người siêu phàm. Thí dụ người ta chỉ trích tu hành mà còn ăn mặc sang trọng, hãy tự kiểm lại, nếu mình không như vậy thì coi như họ không nói mình, mình cho qua, không để tâm. Hoặc người ta nói tu mà đeo đồng hồ đắt tiền, nếu có thì mình bán đồng hồ để lấy tiền làm từ thiện, vì dân nghèo còn nhiều. Lóng nghe người ngoài phê bình, mình sửa được gì thì sửa. Trường mình có Thượng tọa Thanh Phong thường làm từ thiện, năm nào thầy này cũng đi miền Tây Bắc có đồng bào dân tộc nghèo để giúp đỡ cơm ăn, áo mặc, hoặc xây trường học bị hư sập. Có thầy cô nghe chỉ trích thì bực tức, sân hận là phiền não nổi dậy, người ta lại chọc thêm mình tu còn phiền não, gọi là phiền não tăng, ma tăng, hay nghiệp chướng tăng. Bị gọi vậy có khổ không? Nhưng mình biết sám hối, tự sửa mình, hết nghiệp phiền não, không còn là phiền não tăng thì chẳng thể nói xấu, hay có nói, mình coi như gió thoảng mây bay. Muốn vượt phàm lên Thánh, mình mới xuất gia đi tu là người có chí xung thiên, nghĩa là vượt lên trên. Thể hiện ý này, thiền sư Nhật thấy cá chép vượt thác nước, họ lập chí tu hành, vượt thác nước trần gian là Hiền Thánh. Vị thiền sư khác thấy con ếch nhảy xuống ao, gợi cho họ nghĩ rằng họ từ thế giới Phật, Bồ-tát, hay chư thiên, sao lại nhảy vô nhà lửa phiền não, trần lao này làm chi. Những người thức tỉnh như vậy, họ là Bồ-tát, A-la-hán sanh lại, tu tập chánh niệm, chánh định. Nhờ vượt khó như vậy, họ mới đi lên. Đức Phật dạy rằng người tu còn ham muốn, bực tức, tự biết còn ở trong nhà lửa, phải nỗ lực chạy ra khỏi nhà lửa là hết tham, hết bực.
Tôi còn nhớ trước kia, ông Mai Chí Thọ là Giám đốc Sở Công an. Ông nói ông đọc sách Phật chưa nhiều, nhưng chưa thấy Phật dạy người ta nổi nóng. Các thầy tu cao có thấy kinh nào dạy nổi nóng không? Lời nói này nhắc tôi luôn nhớ không được nổi nóng. Nghe trái tai là mình đọa rồi. Khi xuất gia, xin thọ giới, giới sư có dạy rằng người ta đánh mình, nói xấu mình, mình không được đánh lại, không được nói xấu lại. Nếu còn nổi nóng, còn nói lại là mất giới. Tôi sợ mất giới vì mất giới không còn là Tỳ-kheo đúng nghĩa thì Phật sẽ không hộ niệm, mình sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và bỏ tu. Tôi có bạn bỏ tu vì nổi nóng. Đức Phật dạy người tu tối thiểu phải ra khỏi tam giới, kể cả Dục giới, Sắc giới, muốn gì được đó, mình còn không muốn ở. Trong cuộc đời tu, quý vị đừng muốn gì, vì muốn sẽ có phản ứng ngược lại. Không muốn thì không khổ, phải sống với hoàn cảnh thực tế của mình. Khi Phật tại thế, có năm mất mùa, ai cũng đói, người ta không thể bố thí, cúng dường. Phật dạy mình đói, nên tu sẽ hết đói. Vì vậy, chư Tăng tập nhịn đói được từ một ngày đến nhiều ngày. Trước kia, Hòa thượng Trí Quang nhịn đói một trăm ngày. Nói cách khác, ba tháng hạ, không có người cúng, đại chúng vẫn sống được. Tuy chưa là Thánh tăng, nhưng vẫn là tấm gương tốt cho người lập hạnh tu theo. Hòa thượng Thanh Kiểm kể rằng lúc ngài ở Nhật, lúc đó nước Nhật mới bại trận, nên nghèo đói lắm. Ngài nhớ đến thiền thực, uống nước lạnh, lên thiền sàng ngồi nhập định, quên đói. Sống bình thường mình thấy đói, nhưng ngồi nhập định một ngày, mình hết đói. Cố gắng thực tập pháp này lần sẽ bước vào dòng Thánh. Tập không ăn từ một ngày đến ba ngày, chỉ uống nước thôi là tập không lệ thuộc ăn uống. Tất cả chúng sanh đều lệ thuộc nặng nhất là ăn, tức ăn để sống, nhưng chúng ta không ăn để sống thì thiền sư nói tập sống theo con rùa. Người ta bắt nó treo ngược đến ba tháng không cho ăn, mà rùa không chết. Và thiền sư bảo tập thở như con rùa là thở chậm, thật nhẹ và thật dài, nên không đốt chất hữu cơ. Vì vậy, mình có thể tập nhịn đói từ một tuần đến một trăm ngày không chết. Không ăn thực phẩm, nhưng mình ăn cơm thiền. Như tôi lúc còn là nghiên cứu sinh, quên ăn và quá giờ ăn thì không còn gì ăn. Tôi tiếp tục đọc sách cũng quên đói. Đọc sách, nghiên cứu, ngồi thiền, trì kinh quên đói là cách sống của người tu hơn người đời. Người tu không ăn không khổ và còn có thì giờ tu thì dễ chứng Sơ quả.
Đầu tiên tập không lệ thuộc ăn uống, ngủ nghỉ, thêm một bước nữa, vượt lên tinh thần thế tục là vui buồn, vinh nhục thường xảy ra cho con người. Nhưng mình muốn vượt hơn người, không vui buồn, lúc nào cũng thanh thản, khen chê cũng vậy. Ở ngoài đời, người ta chê nhiều là điều bình thường, mình không có lỗi thì không quan tâm, nếu chê đúng thì mình sửa, nếu chê sai, mình không sợ. Phật dạy rằng họ nói oan cho mình thì họ phải tự nói lại, mình không cần đính chính. Vì họ nói oan làm người khác thương mình hơn và làm thiệt hại cho họ, người ta sẽ chán ghét họ, bỏ họ, không tin họ nữa. Họ nói sai, lòng mình vẫn thanh thản, coi đó là cơ hội tốt cho mình tu. Tu mà không gặp khó thì không chứng tỏ được mình thực tu. Không ma khảo, không thành đại đạo. Đầu tiên là nội ma, tức ngũ ấm ma bên trong mình phải bỏ trước và ngũ ấm ma sanh ra phiền não ma. Khi an cư, có điều kiện dẹp ma hơn. Mình suy nghĩ, cân nhắc ý này, ra hạ, mình đi ra ngoài, gặp cản trở, gây khó, gọi là ma khảo, chúng ta kiểm tra lại, lo sửa mình. Nhờ nó khảo, mà mình biết con ma bên trong của mình vẫn còn. Và ma bên trong còn thì ma bên ngoài sẽ tới. Nhưng ma bên trong không còn, ma bên ngoài sẽ không tới nữa, vì họ cố nói nhiều mà cũng chẳng ai nghe. Ma sắc ấm luôn hiện diện, vì chúng ta có thân mới bị vật chất chi phối, hành hạ, nghĩa là còn kẹt ăn uống, ngủ nghỉ. Vì bốn cái ăn uống ngủ nghỉ hành hạ, thọ uẩn mới khởi lên, thì nghe họ nói tốt, mình vui, họ nói xấu, mình buồn. Vui buồn là phiền não ma. Trước không có sắc thân nếu mình ở thế giới Phật, thế giới chư thiên. Nhưng bây giờ hiện sắc thân rồi thì phải lệ thuộc vật chất. Cho nên mình tập không lệ thuộc vật chất nữa là phá được phiền não ma, một là ma tham, hai là ma sân. Vì tham sân này không có cơ hội sanh ra bởi mình lìa được thân vật chất, thì thân tinh thần không bị lệ thuộc, nên phiền não không phát sinh, là lòng tham, lòng bực tức không khởi.
Còn có thân vật chất rồi, khởi lên thân phiền não và từ thân phiền não mới khởi lên thân nghiệp chướng, cho đến sanh ra trần lao là quá nặng rồi. Rõ ràng có thân vật chất mới có thân nghiệp chướng sanh. Như người không nghiện rượu mà tập uống rượu là đã tạo thành nghiệp nghiện rượu và bị nghiệp thức đó hành hạ. Nếu không có thân tất nhiên không thể uống rượu và cũng không có nghiệp nghiện rượu. Trong kinh nói có đám ngạ quỷ thưa với Phật rằng họ đói quá, khát quá. Phật nói cơm đây, con ăn đi, nước đây, con uống đi, thì chúng hết đói, hết khát. Nghiệp thuộc tâm bên trong và chết, nghiệp sẽ dẫn họ đi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nghĩa là nghiệp không có thực. Mình có thân này, nhưng không tạo nghiệp nên mình không còn nghiệp là sáu phiền não căn bản và hai mươi mốt tùy phiền não đã hết sạch. Ta tu ở trong chánh niệm, chánh định, không có phiền não này. Nhưng đụng chạm với cuộc đời thì phiền não bộc phát. Cụ Mai Thọ Truyền nói rằng các thầy lần chuỗi trông hiền lắm, nhưng nổi nóng thì không ai bằng! Ở trên mạng có đưa hình ông sư đi khất thực nổi nóng trông kinh dị hơn người thường. Nhờ cụ Truyền nói, tôi cân nhắc ý này, lúc đó thiệt mình dễ nổi nóng, vì tranh đấu làm sao không nổi nóng. Nhưng sợ đọa, tôi bỏ lần tánh nóng. Trong thiền định, trong chánh niệm, chánh định không nổi nóng. Nhưng ra thực tế, nếu thấy còn nổi nóng, mình phải trở lại ốc đảo thiền định, cho đến khi đụng chạm cuộc đời, không nổi nóng, không bị cám dỗ mới hành Bồ-tát đạo được. Nhiều người chưa đoạn sạch nghiệp mà muốn cứu độ chúng sanh, coi chừng bị đọa. Vì vậy, Phật khuyên A-la-hán hết nghiệp mới vào đời độ sanh. Mình còn nghiệp, thử đi vào đời, nếu thấy đụng chạm mà tâm mình vẫn bình thường được thì mình làm. Nhưng phải biết rằng ra ngoài đời sẽ thấy không có gì tốt đẹp giống như trong tưởng tượng của mình. Vì thế, tôi luôn tâm niệm rằng không ham muốn bất cứ cái gì, không còn lòng tham gì. Ở trường chúng ta lúc nào cũng có thức ăn, nhưng giả sử một ngày nào đó, không có gì ăn thì quý vị hãy kiểm xem tâm mình có giận không, có buồn không. Vì có thử thách mới biết ý chí người tu.
Phước báu của Đức Phật vô lượng, Ngài không thiếu gì và cũng không cần gì, nhưng Ngài muốn tạo thử thách cho đại chúng tu, nên có một mùa an cư, không ai cúng dường. Đức Phật dạy các thầy rằng không có thức ăn thì không quan tâm đến ăn sẽ không thấy đói. Và quả nhiên, chỉ trong hai ngày, ba ngày sau, đại chúng không làm gì, không ăn uống, không đi vệ sinh, dùng toàn thời gian vào định, miên mật trụ định, thì nhiều người đã đắc Thánh quả, mặc dù năm đó cũng đói kém, khổ sở. Nhưng cũng có nhiều người bỏ tu. Đó chính là thước đo lòng người, người tu giả khi không có quyền lợi thì họ bỏ tu. Người tu thực, có chí tu, nương Phật, đắc quả, nên đàn-việt cúng dường quá nhiều. Bấy giờ Phật bảo các thầy nhận đủ thôi là nhận một bát thức ăn và một y, không nhận dư, vì phước các thầy đã sanh. Phước chưa có thì người xem thường, huống chi là cúng. Nhưng đắc quả, ta không cần ăn uống, người sẽ đem cúng. Mình còn cần mà người cúng, mình là con nợ. Vì vậy Phật giáo có lúc thạnh thì có Thánh tăng ra đời, họ có phước đức đầy đủ, người kính trọng và họ đưa Phật giáo đi lên. Và khi Phật giáo đi lên đến đỉnh cao nhất thì nhiều người rủ nhau đi tu, hay tự sắm y đi khất thực. Thành phần này quá đông sẽ có pháp nạn. Thật vậy, khi Phật tại thế, có mùa an cư mà chúng Tăng phải đói. Nhưng Phật vào Niết-bàn, vào thời vua A Dục, người xuất gia chính thức và cả người xuất gia không chính thức đều có nhiều. Hoặc ở Việt Nam, năm 1963 cũng có pháp nạn. Chính quyền bắt các thầy tu, nên họ trốn, bỏ tu. Riêng tôi và chư vị thực tu, khi bị bắt nhốt trong tù, không làm gì, thì đây là cơ hội nhập thất để thực hiện pháp Phật chưa làm được, khác với người thường bị ở tù thì oán hận, khổ đau thêm. Và khi chế độ sau năm 1963 thay đổi, những người chân tu này trở thành người đáng kính trọng trong xã hội thì chính quyền cho phép người tu không đi lính. Có thể thấy khi nhiều người cạo đầu đi tu, bấy giờ trong hiện tượng tốt đã có mầm mống xấu. Thực tế là khi Phật giáo chúng ta bị đàn áp năm 1963, có cao tăng, nhưng về sau, đi tu là trốn lính. Vì thế, sau năm 1975, những người tu để trốn lính hoàn tục hết. Ở chùa Ấn Quang có cả trăm thầy, nhưng chỉ sau một đêm, chỉ còn vài chục thầy.
Gặp hoàn cảnh sung sướng, có nhiều quyền lợi, đi tu chưa chắc tu thiệt. Tu thiệt cốt đoạn được phiền não ma, mình không phải ma tăng. Còn ham ăn mặc, chỗ ở là ma tăng. Kinh nói thời mạt pháp, ma vương sai ma con đi phá đạo. Tu hành, lòng còn ham muốn, phải tự biết mình là ma, phá đạo thì sẽ hiện tướng tham khiến ai cũng ghét. Ma này chính ở trong lòng chúng ta. Và nếu chúng ta quyết tâm tu, diệt được ma tham rồi, người sẽ nhìn mình khác. Thực tế cho thấy người tu đi vào thôn xóm bán nhang, cứ kêu gọi người ủng hộ chùa bằng cách mua một ốp nhang chỉ đáng giá mười đồng nhưng bán giá cao hơn nhiều, trong khi thực sự nhang đó chỉ có khói gây độc hại. Đây là ma tăng làm mất uy tín Phật giáo, họ còn nhiều ham muốn, làm sai trái, nên loại bỏ, nếu họ không sửa đổi. Kinh nói những người này ra khỏi thế giới người tu cũng tốt, vì chúng ta chỉ cần hạt chắc. Ma với Phật như bề trái và bề mặt của bàn tay. Con người trong sạch sống theo pháp Phật ví như hoa sen tỏa hương thơm cho đời. Con người bất tịnh, đầy tội lỗi, chỉ hại người là ma. Tham, sân, si tất yếu phải đoạn. Chư thiên còn đoạn được tham, sân, si. Chẳng lẽ Tỳ-kheo không đoạn được sao. Hết tham, sân, si còn phải gia công thiền định, giữ chánh niệm, trụ chánh định. Lên đến Sắc giới là được Ly sanh thì đồng với Sơ quả của hàng Thanh văn. Đạt được pháp Ly sanh, không bị thân vật chất chi phối, vì tinh thần chúng ta ở trong định. Tinh thần thì không cần ăn và không đói. Người ta đói cái bụng là đói thiệt thì phải ăn, không ăn sẽ chết. Nhưng đói con mắt, đói cái tâm là nghiệp, không phải đói thiệt. Tu hành, phát tâm sống trong pháp Phật là lìa vật chất, nên tâm không biết đói. Quý vị vào thiền định, vào Diệt tận định, thì thân đói, nhưng tâm không đói. Vì thân còn đói thì phải bổ sung thức ăn cho nó, nên chỉ có thể nhịn đói đến mức độ nào thôi, nhịn đói nhiều hơn nữa là chết.
Như Hòa thượng Trí Quang khi đã tuyệt thực một trăm ngày trước công viên Dinh Độc lập, ngài nhận được giáo chỉ của Đức Tăng thống không cho phép tuyệt thực nữa. Cơ thể ngài đã suy nhược cao độ, phải bế lên xe đưa vô bệnh viện truyền nước biển ngài mới sống. Người tu hay người thường đều nhịn ăn được ba ngày. Nhịn được như vậy, tâm mình sẽ nhàn hạ luôn 24 tiếng một ngày, mới còn thì giờ để sống trong tư duy, may ra mình thấy được những gì bình thường không thấy. Phải ở chỗ vắng mới nhập thất được. Nhập thất kín không có người hầu cơm, dễ tu cao hơn. Nhưng tu cao thiệt, trong 24 tiếng phải khám phá được pháp gì mới là cao. Còn ngồi suốt, chỉ được Diệt tận định, mà Tổ quở như than nguội, củi mục, không được gì. Tôi nhập định thường suy nghĩ những gì trong kinh Bát-nhã, kinh Hoa nghiêm, kinh Pháp hoa. Từ suy nghĩ này, mình có thể thâm nhập Phật huệ. Có người nói như vậy là tưởng tri, không phải tuệ tri. Đối với tôi, tưởng tri cũng được. Tôi tụng kinh Pháp hoa, ngồi yên suy nghĩ Phật vào Niết-bàn, Ngài về đâu? Nhớ lại kinh Nguyên thủy, kinh Niết-bàn, chủ yếu chỉ nói khi Phật Niết-bàn, Ngài vào Sơ thiền cho đến bát định, rồi Ngài trở về Ngũ tịnh cư thiên, Phật biến mất. Nhưng chẳng lẽ Phật biến mất rồi, Phật chết luôn sao. Tôi suy nghĩ tới Ngũ tịnh cư thiên, Phật đi đâu? Tôi nghĩ rằng tới đây, Phật vào Thật báo trang nghiêm Tịnh độ. Ý này được Hòa thượng Nhất Hạnh, lúc còn sanh tiền, có lần nói với tôi rằng anh em mình đi tìm Phật, là phải lên Ngũ tịnh cư thiên. Nghĩa là phải lọt vô thế giới vô phiền, vô nhiệt, thiện hiện, thiện kiến và sắc cứu cánh, mới vô Thật báo trang nghiêm được. Trên bước đường tu, thực sự chúng ta phải đạt được pháp nào đó theo Phật dạy, mới nhập Thánh siêu phàm. Còn nếu không, giậm chân tại chỗ. Nhưng cố gắng ít nhất, đời này chứng được Sơ quả thì đời sau tu, chúng ta sẽ không thối tâm, không ô nhiễm và từ đây dễ dàng đi lên. Tái sanh, mang thân người có nghiệp người, nhưng không có tâm người phàm, có được tâm của hành giả chứng Ly sanh thì cuộc đời không có sức cám dỗ, tự biết mình đã đi tới Sơ quả, hãy nỗ lực tiến tu dưới sự gia trì lực của Phật, Bồ-tát, chắc chắn đạo hạnh, đạo quả thăng hoa như ý. Cầu Phật gia hộ quý vị đạt được thấp nhất là Sơ quả để đời sau tiếp tục tu cho đến ngày thành Phật. (Phiên tả từ nội dung pháp thoại cho Tăng Ni sinh viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Lễ Tự tứ Phật lịch 2568 [2024]) Hòa thượng Thích Trí Quảng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |