Chi tiết tin tức

Điều phục chấp đoạn – Chuyển hóa khổ đau

20:56:00 - 23/11/2022
(PGNĐ) -  Đức Phật đã dạy phương pháp giúp chúng ta diệt trừ đau khổ, chuyển biến bản ngã của tự thân. Đấy chính là phương pháp tu tập “Vô ngã”.

DẪN NHẬP

Giáo lý đạo Phật là một kho tàng mênh mông, vĩ đại. Những lý luận làm nền tảng căn bản cho nhân sinh quan và vũ trụ quan như mở ra một phương trời mới, nhận thức mới cho tất thảy chúng ta. Tùy theo căn tánh của mỗi chúng sanh mà giáo lý được uyển chuyển cho phù hợp. Những giáo lý ấy tựu trung nhằm đến một kết quả tối hậu, đó là “con đường thoát khổ”. Chính vì nhận ra sự thật của khổ đau, Đức Phật đã tìm cách để giúp chúng sanh vượt thoát khổ đau. Sự giải thoát này được xem là cứu cánh tối hậu, là mục đích sau cùng, là đề tài căn bản, là tinh thần của toàn bộ giáo lý Phật đà. Sở dĩ, chúng ta bị khổ đau chồng chất, bị sự chiêu cảm của nghiệp lực làm trôi lăn mãi trong vòng sanh diệt cũng chỉ vì bản chất của sự “chấp ngã”. Thế nên, Đức Phật đã dạy phương pháp giúp chúng ta diệt trừ đau khổ, chuyển biến bản ngã của tự thân. Đấy chính là phương pháp tu tập “Vô ngã”.

1. ĐỊNH NGHĨA

Nền giáo lý thâm uyên của đạo Phật xây dựng trên thuyết Vô ngã. Đạo lý tu hành có được giải thoát hay không, do chúng ta có phá được ngã chấp hay không. 

Ngã (Atman) nói cho đủ là tự ngã. Triết học Bà-la-môn chủ trương trong con người chúng ta có cái tự ngã. Cái tự ngã này có đầy đủ ba nghĩa: đồng nhất, bất biến và tự tại. 

Vô ngã (Anatta) được cấu thành từ: Ana nghĩa là không. Atta có hai tầng nghĩa: thứ nhất là chỉ cho sự hiện hữu của chính ta (đại danh từ); thứ hai là chỉ cho cái tôi, cái linh hồn trường cửu, thực thể bất biến, tự ngã. Anatta nghĩa là không có một bản chất trường tồn, bất biến, không có một chủ thể tuyệt đối, không có một linh hồn bất diệt và không có một đấng sáng tạo vĩnh cửu.

Chính vì nhận ra sự thật của khổ đau, Đức Phật đã tìm cách để giúp chúng sanh vượt thoát khổ đau. Sự giải thoát này được xem là cứu cánh tối hậu, là mục đích sau cùng, là đề tài căn bản, là tinh thần của toàn bộ giáo lý Phật Đà. (Ảnh: sưu tầm)

Vô ngã có bốn nghĩa như sau:

– Vô ngã là không có một vật gì tồn tại độc lập. Nó phải nhờ nhiều nhân duyên, vì thế không có một linh hồn trường cửu, một thực thể bất biến.

– Không thể cho các căn, trần, thức là ngã vì chúng luôn sanh diệt và vô ngã. Một khi chúng (nhân) là vô ngã thì con người và nhận thức được tạo thành bởi chúng (quả, pháp) cũng vô ngã.

– Không thể cho rằng ngã là trung gian giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức.

– Không thể cho năm uẩn là ngã, giống như đất là nơi nuôi dưỡng các hạt giống.

Bởi thừa nhận có cái tự ngã nên họ tiến dần đến chấp thường kiến (chấp thường), nghĩa là chấp có phần tinh thần ẩn náu trong xác thân này. Nó thường còn mãi mãi, dù xác thân này hư hoại nó vẫn thường không biến đổi, hằng tự tại không bị chi phối. Ngược lại, có phái chấp con người chỉ do vật chất cấu hợp thành. Khi thể xác tan hoại thì hết, không còn biết gì nữa. Cuộc đời có giá trị hay không là do sự thụ hưởng nhiều ít, sau khi chết không còn có tội phước và quả báo. Đây là phái chấp đoạn kiến (chấp đoạn).

SỰ TIÊU CỰC CỦA CHẤP ĐOẠN

Đối với hai lối chấp thường và chấp đoạn, Đức Phật cho rằng: Đây là hai thái độ cực đoan đưa con người đến khổ đau. Ở đây, chúng ta sẽ phân tích về chấp đoạn. Người chấp đoạn chỉ nhìn nhận cuộc sống này là duy nhất, sau khi chết rồi, tất cả đều biến mất, cuộc đời này không có gì gọi là tội phước, nhân quả.

Trên thực tế không có cái gì là mất hết. Ví dụ, chúng ta đun sôi một ấm nước cho đến khi cạn. Ở trường hợp này, nếu người chưa từng học lý-hóa, họ sẽ kết luận là nước mất hẳn. Ngược lại, người thông thạo về lý-hóa, họ sẽ giải thích nước không phải mất, chỉ thay đổi trạng thái từ thể lỏng thành thể hơi. Tất cả sự vật cũng thế, không có cái nào mất hẳn, chỉ tùy duyên chuyển biến từ hình thức này qua hình thức khác, từ trạng thái này sang trạng thái kia. Đứng về đạo đức luân lý mà xét, chấp đoạn diệt đem đến tai hại cho xã hội vô cùng. Vì không tin có tội phước, không tin có nhân quả nên những hành động của con người trong xã hội dễ bị biến chất, giá trị đạo đức cũng từ đó bị suy đồi.

Vì cho rằng cuộc sống này không có tội phước nên mỗi cá nhân luôn sống trong cái ta vị kỷ, chỉ biết dung dưỡng bản thân, không biết hướng đến hạnh phúc của số đông và cả xã hội. Vì cho rằng cuộc sống này không có nhân quả, chết rồi thì không còn gì tồn tại nữa nên mặc tình càn quấy, sống trái với luân lý đạo đức của con người. Từ đó, vi phạm pháp luật, làm mất sự an bình cho xã hội và cho cả cộng đồng.

Từ những nhận thức sai lầm của cá nhân về chấp đoạn, những giá trị về đạo đức sống bị giảm sút đã làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội, làm cho xã hội ngày càng trì trệ. Những tiêu cực lại càng tăng cao, sự ổn định của xã hội giảm sút mạnh mẽ. Trong Kinh Ưu-bà-tắc giới, Đức Phật đưa ra một ví dụ: “Có người cầm đuốc đi ngang thửa ruộng lúa chín. Một tàn đuốc rơi trên đám lúa, bắt ngún và cháy lan cả thửa ruộng. Người chủ ruộng tìm người làm rơi tàn đuốc bắt đền thửa ruộng. Người ấy cãi: Lửa của tôi làm rơi chỉ bằng ngón tay, giờ đây tôi chỉ có thể đền ông chỗ bị cháy bằng ngón tay thôi. Ngoài ra tôi không biết, vì không phải lửa của tôi làm rớt lúc đầu” [4].

Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể nhận thấy: Chỉ vì tự ngã của bản thân, chỉ vì sự thiếu nhận thức trong cách nhìn nhận vấn đề của cá nhân đã dẫn đến một hệ lụy to lớn như vậy. Từ một nhân (lửa bằng ngón tay) đưa đến quả (cháy hết cả thửa ruộng); từ những nhận thức thấp kém của cá nhân đã đưa đến những hệ lụy của cả xã hội. Nói rộng ra, vì thiếu trí tuệ trong nhìn nhận bản chất của các Pháp, do “chấp đoạn” nên không tin nhân quả, tội phước mà đưa đến một kết quả sai lầm. Không biết được rằng tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp, tương tác trùng trùng lẫn nhau. 

QUÁ TRÌNH TU TẬP ĐỂ ĐIỀU PHỤC CHẤP ĐOẠN

Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật có dạy: “Này chư Tỳ kheo, có hai cực đoan mà người tu sĩ không nên thực hành. Thế nào là hai?

Một – Lợi dưỡng dễ duôi trong dục lạc là thấp hèn thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, không liên hệ đến mục đích giải thoát. 

Hai – Ép xác khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân và đưa đến tổn hoại. 

Con đường Trung đạo, này chư Tỳ kheo mà Như Lai đã chứng ngộ tránh xa cực đoan, đem lại pháp nhãn và tri kiến, đưa đến tĩnh lặng, liễu ngộ, toàn giác và Niết bàn.” 

Qua đoạn kinh trên, Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta con đường để hướng đến sự đoạn diệt khổ đau đó là từ bỏ hai cực đoan chấp thường và chấp đoạn. Nhưng để thực hành và chứng đắc, chúng ta phải trải qua nhiều quá trình huân tu và thực tập. Vậy thực hành trung đạo như thế nào? Quá trình nhận thức của mỗi chúng ta qua từng ý niệm phải chuyển biến sao, để có thể từng bước, từng bước loại bỏ chấp đoạn, dần dần hướng đến giải thoát, dứt trừ khổ uẩn tập khởi.

Thực hành Vô ngã để thấy Trung đạo

Giáo lý Vô ngã cho ta biết sự thật của mọi sự vật, hiện tượng. Đây là nguyên lý đánh thức con người ra khỏi những giấc mơ hư tưởng về cái tôi, cái của tôi và tự ngã của tôi. Khi tự ngã không còn thì tham ái và chấp thủ sẽ biến mất, giúp chúng ta thấy rõ nguyên nhân của những căn bệnh ích kỷ, tật đố, tham lam, để từ đó chỉ ra lối sống chân chánh và cao thượng.

Để phá hai lối chấp cực đoan Thường và Đoạn, Phật giáo chủ trương Vô ngã. Thuyết Vô ngã vừa hợp chân lý, vừa dung hòa được hai cực đoan. Chủ trương của đạo lý Vô ngã là phủ nhận Thường và Đoạn, đưa ra khái niệm Hằng và Chuyển. Chuyển phá được cái chấp Thường, Hằng phá được chấp Đoạn. Hằng và Chuyển là giữa hai cực đoan Thường và Đoạn. Đó là Trung Đạo của Phật giáo.

Như vậy, Hằng phá được chấp đoạn. Nghĩa là sự tương tác của các yếu tố từ vật chất đến tinh thần không chỉ dừng lại trong một thời gian nhất định mà chúng cứ xoay chuyển, làm nền tảng cho sự duyên sanh lẫn nhau. Hay nói cách khác, nhân duyên và nhân quả luôn luôn hằng hữu trong chu trình sanh diệt của các pháp [8, tr.48-65].

Ví dụ: Cái bàn chúng ta đang ngồi, nếu bị chấp đoạn, chúng ta chỉ nhìn thấy sự tồn tại của nó ngay khi đang sử dụng; thậm chí xa hơn, chúng ta chỉ nhìn nhận được nó sẽ hư hoại và bỏ đi. Nhưng nếu vận dụng sự quán sát Vô ngã, chúng ta không chỉ chấp chặt ngã của nó là cái bàn mà là sự duyên sanh, tương tác của của nhiều yếu tố. Nghĩa là trước đây, nó có thể là một hạt bụi, một giọt nước,… rồi hội đủ nhân duyên với giống cây và phát triển. Sau đó, lại được sự hòa hợp các duyên: thợ làm bàn, gỗ cây, đinh, sơn,… để hòa hợp thành cái bàn. Rồi qua từng sát na sanh diệt, nó sẽ cũ và tàn hoại, trở thành rác, phân hủy thành đất,… tiếp đến, nó lại tương duyên với các yếu tố duyên khác để trở thành một hiện hữu khác. Dòng sanh diệt trùng trùng như vậy do nhân duyên hòa hợp. Qua ví dụ trên, có thể thấy rằng: Các pháp là sự hòa hợp của các duyên, sanh lại diệt, diệt rồi lại sanh. Đó là Hằng, để thấy được ý niệm chấp đoạn là một sai lầm, cho rằng tàn hoại là hết, đó là phi nhân quả.

Phát khởi tuệ tri thông qua Thánh đạo tám ngành

Thánh đạo tám ngành là con đường tu tập đưa con người đến sự giải thoát tối hậu, chấm dứt khổ đau (Đạo đế), là bộ phận trong 37 phẩm trợ đạo. Nếu phối hợp với Tam vô lậu học thì Giới chính là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng; Định là chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định và Tuệ là chánh kiến, chánh tư duy. Ở đây, Giới giúp ta kiểm soát thân, Định giúp kiểm soát tâm và Tuệ giúp đoạn diệt Vô minh. Do vô minh nên bị chấp đoạn, không tin tội phước, từ đó làm căn bản cho sanh tử luân hồi. Vì thế, Thánh đạo tám ngành sẽ làm nền tảng cho quá trình phát triển tuệ giác, đoạn trừ cực đoan về chấp đoạn.

“Tám ngành, đường thù thắng,

Bốn câu, lý thù thắng.

Ly tham, pháp thù thắng,

Giữa các loài hai chân,

Pháp nhãn, người thù thắng” [9].

Trong Thánh đạo tám ngành này, Chánh kiến sẽ trang bị cho chúng ta một nhận thức Duyên khởi đúng đắn, mọi cái nhìn khách quan không thiên lệch về sự vật, để không rơi vào cái nhìn méo mó, sai lệch giữa có và không, thường và đoạn của tà kiến [6, tr.91-104].

Trong Kinh Bách Dụ, bài số 63, kể lại rằng: Xưa nước Càn-đà-vệ (Gandhara) có những người làm nghề hát xướng, nhân thời đói kém họ rủ nhau đi sang nước khác kiếm ăn. Đi qua núi Bà-la-tân là núi có rất nhiều quỷ dữ La-sát ăn thịt người. Họ tới đây phải ngủ đêm dưới chân núi, gió rét đốt lửa sưởi. Trong bọn có một người rét quá ngủ không được mới dậy lục rương áo vội lấy cái áo mặc vào, ngồi bên cạnh đống lửa sưởi ấm. Không ngờ chiếc áo ấy mang hình quỷ La-sát. Có một người ngủ tỉnh dậy trông ra đống lửa thấy quỷ La-sát ngồi sưởi. Sợ quá, anh vùng dậy chạy làm kinh động cả những người đang ngủ. Những người đang ngủ dậy trông thấy cũng đua nhau chạy. Người mặc áo quỷ La-sát không hiểu sao cũng chạy theo. Những người trong bọn thấy quỷ La-sát đuổi theo sau, cho là nó muốn ăn thịt mình, càng kinh hoảng chạy bất kể hầm hố gai góc. Họ chạy toát cả chân, trầy cả trán, có người ngã xuống hố, té trong hầm khổ sở đau đớn không thể tả. Đến sáng, nhìn kỹ con quỷ La-sát mới biết đồng bọn. Tất cả sợ sệt đau khổ liền dứt sạch [5].

Câu chuyện trên ngụ ý cho chúng ta rằng: Vì thiếu tuệ tri nên bị những ám chướng của đời sống thường nhật lôi cuốn trong nhận thức sai lầm; vì có tuệ tri nên tin nhân quả (tức là nhờ ánh sáng mà thấy được quỷ La-sát đó là không phải thật), vì tin nhân quả nên không còn trôi lăn trong sanh tử luân hồi (sự chạy trốn).

Quán Nhân duyên phối hợp với Nhân quả

Mười hai chi phần của Nhân duyên có sự tương quan mật thiết với nhau trong quy trình vận hành của khổ uẩn. Đối với sự chấp đoạn, chúng ta do chưa hiểu về sự tương tác của Nhân duyên với Nhân quả nên mới có những nhận định sai lầm. Chúng ta có thể chia mười hai chi phần Nhân duyên phối hợp với Nhân quả trong ba đời như sau:

Quá khứ:

– Nhân: vô minh, hành.

– Quả: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ.

Hiện tại:

– Nhân: ái, thủ, hữu.

– Quả: sanh, lão tử.

Kinh Tương Ưng, Phẩm Lõa Thể, Đức Phật có dạy: “Một người làm và chính người ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như ông gọi ban đầu “khổ do tự mình làm ra”, như vậy có nghĩa là thường kiến.

Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: “khổ do người khác làm ra”, như vậy có nghĩa là đoạn kiến.

Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường Trung đạo. Vô minh duyên hành, hành duyên thức,… như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt… như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt” [3].

Lời dạy trên của Đức Phật đã phủ nhận cực đoan chấp đoạn, nghĩa là khổ do người khác làm ra. Con đường Trung đạo là sự nhìn nhận đúng đắn về sự tương duyên của các Pháp, nghĩa là các Pháp có Nhân duyên, Nhân quả với nhau. Nếu còn thấy mình và người thì vẫn còn sự phân biệt giữa ta và cái không phải của ta, sự chấp nhặt tham ái cũng từ đó mà hình thành khiến mười hai chi phần Nhân duyên vận hành, kéo theo Khổ uẩn tập khởi. Thấy được điều đó, chúng ta sẽ quán sát, tu tập và phá bỏ sự chấp đoạn.

Tư tưởng Bồ tát đạo của hành giả xuất gia

Tư tưởng Bồ tát đạo là phương pháp tu tập bình đẳng, khuynh hướng sống vị tha, chủ trương sống quên mình vì tập thể, xã hội. Thấy được sự tương quan mật thiết giữa các cá thể trong xã hội, hướng đến lợi ích của toàn thể số đông là cách sống tốt đẹp, ít phiền não nhất. Khi phiền não đã trừ thì kiến hoặc, tư hoặc và vô minh cũng dứt trừ để vượt qua bờ giác. Phiền não kết thúc thì bất cứ ở đâu, bất cứ giờ phút nào cũng đều là Niết bàn.

Khi thực hành phương pháp này, hành giả hướng tâm của mình đến sự Vô ngã, không còn cái tự ngã riêng biệt, không còn chấp nhặt vào các pháp đoạn diệt, chỉ có tinh thần Vô ngã thì việc thực hành Bồ tát đạo mới thành tựu. Quán Vô ngã thì tất cả những điều phải – trái, được – thua ở đời đều là nhân duyên tan, hợp của các Pháp; phải luyện cho bản thân có một nội lực mạnh mẽ để đối diện và vượt qua những khó khăn bằng tuệ tri [10, tr .64-68].

KẾT LUẬN

Giáo lý đạo Phật không phải là áng văn hoa mỹ với những lời có cánh, cũng chẳng phải là vấn đề cao siêu được đem ra bàn bạc nghe cho vui tai. Giáo lý đạo Phật là những điều rất thực tế trong đời sống mỗi người nói chung và mỗi hành giả xuất gia nói riêng. Điều quan trọng là chúng ta tự nhìn nhận bản thân đang ở đâu và cần gì, chọn phương pháp nào để có thể thực hành, tu tập. Ở đây, từ những tiêu cực và ảnh hưởng của chấp đoạn mang lại, chúng ta có thể thấy: Cực đoan này làm cho con người bị trôi lăn trong sanh tử, đi ngược lại với định luật Nhân quả thường hằng. Nhận thấy được điều đó, mỗi chúng ta cần phải trang bị cho mình những tri thức để mở mang trí tuệ, nhìn nhận đúng đắn về sự tồn tại của các Pháp, sự tương duyên của các Pháp với nhau để làm nền tảng cho quá trình tu tập, giải phóng bản thân ra những vướng mắc của con người, hướng đến sự giải thoát và giác ngộ. 

 

ĐĐ. Thích Thiện Hưng/ VĂN HÓA PHẬT GIÁO 401

Chú thích:

* Thích Thiện Hưng, Học viên cao học khóa II tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] TT. Thích Viên Trí (chủ biên, 2015), Giáo trình Trung cấp Phật học – Phật học căn bản, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

[2] HT. Thích Chơn Thiện (2013), Giáo lý duyên khởi, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 

[3 ] HT. Thích Minh Châu (dịch) (1993), Kinh Tương Ưng Bộ, Đại Tạng Kinh Việt Nam. 

[4] Linh Sơn Pháp Bảo (dịch, 2019), Kinh Ưu bà tắc giới, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

[5] Thích Phước Cần (dịch, 2019), Kinh Bách dụ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

[6] Lê Kim Kha (dịch, 2011), Giáo trình Phật học, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. 

[7] Thích Thiện Quang (2013), Hán cổ qua Kinh Bách Dụ, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

[8] Phạm Kim Khánh (dịch, 2019), Đức Phật và Phật Pháp, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. 

[9] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2013), Kinh Pháp Cú, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

[10] HT. Thích Thiện Siêu (2017), Vô ngã là Niết bàn, Nxb. Đại học Huế, TP. Huế.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin