Chi tiết tin tức

Do duyên mà hiện khởi

20:44:00 - 18/09/2018
(PGNĐ) -  Duyên khởi là đạo lý quan trọng trong toàn bộ giáo pháp của Thế Tôn. Có thể nói, chính duyên khởi đã tạo ra sự đặc thù của Chánh pháp, khác biệt với mọi luận lý sáng thế, tạo vật của các hệ tư tưởng đương thời. 

Duyên khởi có nghĩa là mọi sự vật hiện tượng đều do các nhân duyên tương hội, tương tán mà hiện khởi hay dị diệt. Duyên khởi chính là nền tảng của vô thường và vô ngã.
 

anh mh 3.jpg
Đủ duyên thì biểu hiện, biểu hiện như thế nào đều do duyên - Ảnh minh họa

Duyên khởi có tầm quan trọng là như thế, do Thế Tôn tuyên thuyết mà không phải do Ngài tạo ra, cũng không phải do bất cứ ai (kể cả thần linh) làm ra. Duyên khởi là đạo lý tự nhiên của vũ trụ, thế giới, nhân sinh; là chân lý khách quan, sự sự vật vật vốn dĩ như vậy (pháp nhĩ như thị). Có điều, trước nay không ai phát hiện ra cũng như thấy được điều đó, chỉ có tuệ giác của Đức Phật, bậc đã chứng ngộ chân lý mới thấy rõ sự thật này. Vạn sự vạn vật do nhân duyên mà sinh nên gọi duyên sinh, do nhân duyên mà hiện khởi nên gọi là duyên khởi.

“Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, pháp duyên khởi mà Ngài nói, là do Thế Tôn làm ra hay do người khác làm ra?

Phật bảo Tỳ-kheo:

- Pháp duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng chánh giác, vì tất cả chúng sanh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bày; đó là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành,… cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt,… cho đến việc thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 299)

Ai cũng biết bài kệ duyên khởi nổi tiếng: “Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt”. Ở pháp thoại này Thế Tôn nói: “Cái này khởi nên cái kia khởi”. Và chúng ta có thể dễ dàng suy ra theo chiều ngược lại: Cái này không khởi nên cái kia không khởi. Như vậy, các pháp nương tựa vào nhau, tương tác lẫn nhau mà sinh trụ dị diệt vô cùng vô tận; không có thủ thể, không do ai sáng tạo hay điều động gì cả.

Duyên sinh-khởi trong tiến trình luân hồi vô tận của chúng sinh chính là 12 nhân duyên. Vô minh duyên hành, hành duyên thức cho đến… sinh tử, ưu bi khổ não. Chỉ cần một mắt xích trong 12 nhân duyên bị gãy thì tiến trình sinh tử bị phá vỡ, “khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt”. Bậc thượng trí thì đoạn trừ vô minh, khiến minh sinh khởi, thành tựu giải thoát tối hậu. Hàng trung căn thì cố gắng miệt mài đoạn trừ ái. Chánh niệm khi xúc (căn tiếp xúc với trần), tỉnh giác với thọ (cảm giác dễ chịu, khó chịu và trung tính) để tham ái không sinh. Tham ái không sinh thì khổ đau không khởi, khổ đau được đoạn tận.

Thế Tôn từng dạy rằng, ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Như Lai. Thấy được duyên khởi là biểu hiện đặc thù của tuệ giác. Thể nhập được không tính, vô ngã tính của vạn pháp là đỉnh cao của tuệ giác, vượt thoát sinh tử, chứng đắc Niết-bàn.

Quảng Tánh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin