Chi tiết tin tức Hiểu đúng ý nghĩa câu "Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả" theo Phật giáo 22:07:00 - 05/12/2018
(PGNĐ) - Nhờ đã giác ngộ thấu suốt được lý nhân quả trong ba đời, nên Bồ Tát chỉ sợ nhân mà không sợ quả. Chúng sanh là loại hữu tình có sinh có tử còn vô minh nên đi mãi trong vòng luân hồi. Vì chưa giác ngộ, còn mê mờ không thông lý nhân quả nên chúng sinh chỉ sợ quả mà không sợ nhân.
Trong kinh Phật có nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, tại sao vậy? Bồ-tát (Bodhisavattu) là người giác ngộ, là người đã thấy tận cái manh nha, đầu mối của sự khổ đau và an lạc. Muốn hết khổ được vui, không gì hơn là mỗi người chớ gieo cái mầm đau khổ và ngược lại, biết cần mẫn gieo trồng cái mầm an vui. Không gieo nhân khổ thì không gặp quả khổ; luôn gieo trồng “nhân” vui thì “quả” vui không vời cũng đến. Đây là sự hiểu biết và hành động của người giác ngộ. Bởi giác ngộ nên thấy rõ cái gì là “nhân” đau khổ liền sợ hãi, tìm mọi cách để diệt trừ. Thấy tham lam và keo kiệt là “nhân” đau khổ, Bồ-tát tu hạnh bố thí để tiêu diệt. Thấy buông lung ngạo mạn là “nhân” phá hoại đức hạnh, Bồ-tát tu trì giới để khử dẹp. Thấy nóng giận là “nhân” gây nhiều tội lỗi, Bồ-tát tu hạnh nhẫn nhục để dẹp. Thấy lười biếng bê tha là “nhân” hư thân mất công đức, Bồ-tát tu hạnh tinh tấn để đánh đuổi. Thấy tâm tán loạn là “nhân” điên đảo tối tăm, Bồ-tát tu thiền định để thu nhiếp. Thấy ngu si là “nhân” trầm luân sinh tử, Bồ-tát tu trí tuệ để chiếu phá. Bồ-tát tu hạnh để diệt trừ sáu cái “nhân” xấu xa, tội lỗi, mù tối ,hiểm nguy vốn dẫn con người đi mãi trong trầm luân đau khổ. Khi sáu cái “nhân” ấy bị tiêu diệt hoàn toàn là giác ngộ giải thoát. Đó chính là tu Lục độ, đang hành hạnh Bồ-tát và đến khi giác ngộ thì là Bồ-tát thật sự. Kẻ trí sợ “nhân”, người ngu thì sợ “quả”. Chúng sinh là những kẻ mê, chỉ nhìn trên cái “quả” mà sợ mà cầu. Luôn luôn sợ khổ cầu vui mà “nhân” đau khổ không tránh, nhân an vui không tạo thì một khi “quả” đau khổ đến dẫu cầu khẩn van xin cũng vô ích. Cầu mong, mơ ước “quả” an vui, nhưng “nhân” không chịu gieo, không chăm chút thì “quả” từ đâu mà đến? Đây là sự khác biệt giữa kẻ mê và người giác; tuy nhiên, cái mê này ai cũng có thể trừ bỏ, cái giác này ai cũng có thể làm. Chỉ là nhắm vào “nhân” là giác, không ai là không thể làm được việc đó. Từ “nhân” đến “quả” còn cần có những sự kiện trợ giúp đầy đủ mới được viên mãn. Không có thể có nhận định tất nhiên rằng có “nhân” là có “quả” bởi vì thời gian từ “nhân” đến “quả” là giai đoạn biến động, hoặc được tăng trưởng, hoặc bị tiêu mòn, tùy theo những sự kiện trợ giúp. Biết rõ như thế, mỗi chúng ta có thể chuyển “nhân” xấu thành tốt, hoặc “nhân” tốt trở ra xấu.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |