Chi tiết tin tức

Lợi ích Bồ đề tâm trong tác phẩm Bodhicaryāvatāra của Sāntideva

20:14:00 - 24/12/2022
(PGNĐ) -  Tình thương yêu xuất phát từ Bồ đề tâm sẽ mãi lan tỏa hương thơm cho đời, xóa tan bao nỗi muộn phiền, góp phần xây dựng cõi Tịnh độ trong nhân gian.

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

Sāntideva là một vị cao Tăng, triết gia, thi sĩ của Phật giáo Ấn Độ. Có rất ít tài liệu lịch sử nói chính xác về cuộc đời của Sāntideva. Theo các nhà nghiên cứu, đặc biệt là tác giả người Ấn Độ Sāntarakṣita, Sāntideva sống trong khoảng cuối thế kỷ thứ VII đến giữa thế kỷ thứ VIII. Còn theo Buton và Taranātha [1], Sāntideva là một hoàng tử đến từ Saurāṣṭra (thuộc bang Gujarat, Ấn Độ ngày nay).

Truyền thuyết kể lại rằng, Sāntideva là con của nhà vua Manjuvarman, cai trị vương quốc Saurashtra. Mẹ ngài là Đa-la Bồ-tát đã thuyết phục con từ bỏ ngôi vua và học đạo với Manjuvajra (Văn Thù Kim Cang). Sau hơn 12 năm, Sāntideva thành tựu đạo nghiệp, Ngài vào cung phục vụ cho nhà vua. Nhà vua rất ấn tượng và mong muốn Ngài ở lại phục vụ nhưng đã bị từ chối. Ngài đến Đại học Nalanda để nghiên cứu kinh điển và tu tập thiền định. Hành trạng của Ngài khác lạ, không làm việc gì khác ngoài học và thiền, nên Ngài có biệt danh là Bhusuku với hàm ý chỉ biết ăn, ngủ và vào nhà vệ sinh. Một số tu sĩ Nalanda muốn thử kiến thức của Ngài thông qua cuộc thi tụng đọc kinh điển hằng năm tại nơi đây. Ngài dũng mãnh giới thiệu về ba bộ luận đã soạn là Sutrasamuccaya, Siksacamuccaya, Bodhicaryavatara. Tiếng tụng của Ngài vang vọng cả hư không và Bồ tát Văn Thù xuất hiện trên đầu của Ngài.

Bồ đề tâm là tư tưởng chủ đạo trong các tác phẩm của Sāntideva. Ngài đề cao việc trau dồi sáu pháp Ba-la-mật (Pāramitā) bên trong mỗi con người. Hai tác phẩm chính của Ngài là Bodhicaryāvatāra (BCA) và Śikṣāsamuccaya (ŚS). Trong đó BCA là tác phẩm triết học vĩ đại được nhiều người đón nhận nhất. Nhiều nghi lễ tôn giáo Tây Tạng đã chịu ảnh hưởng từ tác phẩm này. BCA đã được dịch ít nhất 27 bản với nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Còn ŚS là tinh hoa trí tuệ khi tập hợp trích dẫn của hơn 100 kinh điển Đại thừa thông qua lời bình của chính tác giả.

Bodhicaryāvatāra (Nhập Bồ tát hạnh) là một công trình triết học vĩ đại của Sāntidevā. Tác phẩm còn được xếp vào hàng kiệt tác trong kinh điển Phật giáo nói riêng và cả nền tôn giáo Ấn Độ nói chung. Cấu trúc tác phẩm theo dạng thi kệ theo từng chương. Điều này cho thấy Sāntidevā không chỉ là Thánh Tăng mà còn là một nhà thơ tiếng Phạn tiêu biểu của trường Đại học Nalanda.

THUẬT NGỮ BODHICITTA

Bodhicitta (Phạn: बोधिचित्त, Hán: 菩提 心), dịch theo nghĩa tiếng Việt là Bồ đề tâm. Đây là một thuật ngữ chuyên môn phổ biến trong nền văn học Phạn ngữ của Phật giáo. Bodhicitta có thể được dịch là “tâm thức tỉnh” hoặc “tâm giác ngộ”. Đôi khi nó cũng được dịch là “tư tưởng của sự giác ngộ” [2].  Daśabhūmika Sūtra giải thích rằng sự phát khởi của Bồ đề tâm là bước đầu tiên trong sự nghiệp của Bồ tát [3]. Trong Mahavibhāsā – sāstra (Đại Tỳ Bà Sa), Bodhicitta xuất hiện với ý nghĩa là “Suy nghĩ về giác ngộ”, “Tâm giác ngộ”, “Ước mong giác ngộ”, “Ý chí giác ngộ”.

Trong Phật giáo Nguyên thủy, mặc dù chưa có thuật ngữ Bodhicitta nhưng về tư tưởng, Bồ đề tâm cũng có có mặt trong Majjhima-nikāya, Khuddaka-nikāya, Cariya Pitaka, Jātaka… nói về sự phát nguyện thực hành Ba-la-mật của tiền thân nhiều vị Phật trong quá khứ. Đối với Phật giáo Đại thừa, Bodhicitta xuất hiện chính thống ngay trong những bản kinh Đại thừa đầu tiên như các kinh: Pháp Hoa, Lăng Già, Nhập Pháp Giới, Thập Địa, Bát Thiên Tụng, Kim Quang Minh, Kinh Định Vương, Như Lai Bí Mật Kinh, Kinh Phổ Diệu… Hành giả phải phát khởi Bồ đề tâm thì con đường tiến đến Phật quả mới có thể thành tựu viên mãn. Về phương diện tín ngưỡng hành trì, Bồ đề tâm càng phát khởi một cách mạnh mẽ. Trong tín ngưỡng Di Đà với pháp môn Tịnh độ, người hành trì phải có niềm tin, nhất hướng chuyên niệm và phát Bồ đề tâm để cầu sanh Tây phương Cực lạc. Tín ngưỡng Dược Sư với tinh thần hướng đến việc thực hành các pháp Ba-la-mật. Ngoài ra còn có niềm tin về diện kiến Phật Di Lặc, lễ bái hình tượng Phật, thờ cúng Xá-lợi Phật trong bảo tháp, niềm tin về sự tồn tại nhiều vị Phật trong vô số thế giới càng làm tăng trưởng Bồ đề tâm.

Như vậy, dù Phật giáo Nguyên thủy hay Đại thừa và kể cả trong tín ngưỡng hành trì, tư tưởng Bồ đề tâm vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng. Điều đó cho thấy Bồ đề tâm là nền tảng căn bản nhất để phát sinh công đức, thành tựu đạo nghiệp một cách viên mãn.

SỰ QUÝ BÁU CỦA THÂN NGƯỜI LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT KHỞI BỒ ĐỀ TÂM

Sāntideva khẳng định có được thân người là sở hữu một tài sản quý báu. Đây là điều kiện tiên quyết phải có để phát khởi Bồ đề tâm. Để có được thân người đầy đủ thiện duyên phải hội đủ bốn yếu tố căn bản như sau: (1) Kết quả thiện nghiệp từ quá khứ, (2) Không rơi tám chướng nạn [4], (3) Có chánh tri kiến,  (4) Đầy đủ mười tài phú [5]. Rõ ràng thân người có được thì vô cùng khó khăn. Đức Phật dùng nhiều hình ảnh ví dụ nói về sự quý báu để có được thân người. Ví như con rùa mù trăm năm nổi lên một lần chạm vào cái lỗ của khúc gỗ đang trôi lềnh bềnh trên biển [6]. Vì vậy, chúng ta được thân người, lại còn có đủ phước báu, duyên lành Phật pháp quả thật không thể nghĩ bàn được. Nhưng nếu chúng ta không sử dụng thân người để trao dồi phước đức trí tuệ, một khi mất thân người rồi thì vô cùng khó khăn mới lấy lại được.

Theo Sāntideva, có ba hạng người hình thành nên nhân cách phẩm vị, bao gồm:

(1) Hạng người hạ căn chỉ biết hướng phước báu hữu lậu sức khỏe, sắc đẹp, tiền tài, sự nghiệp…

(2) Hạng người bình thường hướng đến đời sống chấm dứt khổ đau trong hiện tại và sanh thiên trong tương lai (chưa thật sự viên mãn).

(3) Hạng người cao tột hướng đến Phật quả để hoàn thành hai mục đích là giác ngộ tối thượng và rộng độ chúng sanh.

Sāntideva chỉ ra phương pháp sử dụng thân người hiệu quả để hướng đến hạng người cao tột thứ ba thông qua hai cách là chiêm nghiệm những lợi ích của Bồ đề tâm và thực hành sáu pháp Ba-la-mật khi Bồ đề tâm được phát triển.

MƯỜI LỢI ÍCH CỦA BỒ ĐỀ TÂM

Theo Sāntideva, Bồ đề tâm có mười lợi ích cao quý như sau:

(1) Chinh phục mọi ác nghiệp: “Chúng sanh tuy trôi lăn trong sanh tử luân hồi, nhưng nhờ thần lực của Phật, lâu lâu cũng khởi một niệm nghĩ đến điều lành. Giống như trong đêm tối, bao phủ bởi mây đen, ánh sáng của sấm chớp lóe lên rồi liền tắt” [7]. Bồ đề tâm được ví như là ánh sáng xóa tan màn đêm tăm tối. Bởi nghiệp chướng con người sâu nặng, tham sân si chi phối. Con người không thể làm chủ chính mình và luôn tạo ra tội lỗi. Chỉ có Bồ đề tâm mới giúp con người tăng trưởng những pháp thiện, mở rộng tâm hồn, thương yêu chúng sanh và chinh phục những ác nghiệp từ nhiều đời kiếp tích tụ.

(2) Đạt được hạnh phúc cao cả nhất. Sāntideva xem Bồ đề tâm như là “Bảo vật” mà chư Phật đã tìm cho chúng sanh từ vô lượng kiếp cho đến nay. Thực tập và phát triển Bồ đề tâm sẽ mang lại cho hành giả đi đến bến bờ an vui giải thoát. Chúng ta cần phải cố gắng thành tựu Bồ đề tâm là như vậy.

(3) Nguyện ước thành tựu. Theo Sāntideva, người có Bồ đề tâm tất nhiên sẽ phát khởi những nguyện ước chân chánh như: “Thoát khỏi đau khổ của luân hồi, cứu độ chúng sinh, an hưởng chân hạnh phúc” và tất cả nguyện ước ấy sẽ thành tựu quả vị ngọt trong tương lai.

(4) Được danh xưng đặc biệt. Những người phát Bồ đề tâm sẽ được gọi là “Con của đấng Thiện Thệ (Fils des Sugatas)”. Nghĩa là bất cứ ai phát triển Bồ đề tâm, ngay khi đó trở thành con của Như Lai và được sự cung kính của chư Thiên và loài người. Vì sao được như vậy? Vì ba đời chư Phật đều thành tựu từ việc phát khởi Bồ đề tâm. Người thực hành và phát triển Bồ đề tâm tức đang hướng đến quả vị Phật trong tương lai.

(5) Giúp chuyển hóa từ người thấp kém thành người cao quý. Con người vốn mang thân tứ đại vô thường và bất tịnh. Nếu như chúng ta có Bồ đề tâm thì không chỉ tâm hồn thanh tịnh mà còn biến thân thể này trở nên trong sạch, trang nghiêm, thánh thiện “ví như viên ngọc vô giá vì chứa đựng Đức Phật”.

(6) Bồ đề tâm rất hiếm có khó tìm không dễ gì có được. “Vì nó là hòn ngọc vô giá đã được kiểm chứng bởi các bậc Đạo sư giải thoát duy nhất”. Vị Đạo sư đó chính là Đức Phật. Đức Phật như người chèo thuyền chở theo Bồ đề tâm với tâm từ bi vô biên và phương tiện thiện xảo. Đây là phương pháp cao nhất để đạt được hạnh phúc và an vui tuyệt đối. Sāntideva đã đề cao giá trị cao quý của Bồ đề tâm. Người biết Bồ đề tâm để thực tập, phát khởi và hành trì phải là người hội đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dày mới có được.

(7) Công đức của Bồ đề tâm “luôn luôn tăng trưởng, tiếp tục sinh hoa kết trái không bao giờ tàn lụi”. Giống như giọt nước rơi vào đại dương bao la sẽ không bao giờ mất đi cho đến khi bản thân của đại dương đó không còn nữa. Cũng vậy, người đã gieo hạt giống Bồ đề tâm sẽ là nhân tăng trưởng thêm vô lượng công đức cho đến khi nào giác ngộ giải thoát.

(8) Giải trừ những cơn hoạn nạn. “Một người, dù cho có phạm nhiều tội nặng đi nữa, chỉ trong một chốc lát cũng có thể giải trừ được nếu biết trở về với Bồ đề tâm”. Con người đã gây tạo nhiều điều tội lỗi từ quá khứ. Khi nhân duyên đầy đủ, quả báo sẽ xuất hiện thông qua những chướng nạn làm con người chịu vô vàng những khổ đau bế tắc. Trước những hiểm nguy đó, người có Bồ đề tâm sẽ không sợ hãi và vượt qua một cách dễ dàng. Với lợi ích này, Sāntideva đã quở trách những “kẻ vô ý” mới không hiểu, không biết, và không nương tựa Bồ đề tâm.

(9) Tiêu trừ nghiệp chướng. Khi Trái Đất rơi vào kiếp hoại, con người phải chịu những quả báo nặng nề từ nghiệp chướng đã gây tạo. Tuy nhiên, “Bồ đề tâm có thể đốt cháy tất cả tội lỗi, nghiệp chướng trong chốc lát”. Đó chính là ngọn lửa, sức mạnh của tình thương yêu, lòng từ bi có năng lực xóa tan những vô minh, tham ái, ích kỉ, sân hận, nghiệp chướng nhiều đời.

(10) Công đức vô lượng không thể nghĩ bàn và được chư Bồ tát tán thán. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Di Lặc (Maitreya) giảng cho Thiện Tài (Sudhana) về công đức vô lượng của người phát Bồ đề tâm là không thể suy lường được.

Trên đây là mười điều lợi ích của Bồ đề tâm cho những ai thực hành và phát khởi. Đó là nguồn cảm hứng quý giá mà chúng ta cần phải chiêm nghiệm để tăng trưởng lòng tin, phát nguyện, tinh tấn và thành tựu. Trong mười điều trên, chúng ta nên chọn một lợi ích tâm đắc nhất để thực tập quán chiếu trong thiền định và mọi hành động bên ngoài. Điều quan trọng là phải liên tục quán chiếu chiêm nghiệm không gián đoạn. Chúng ta cần phải chuẩn bị thông qua bốn việc như sau: Hiểu rõ lợi ích cao quý Bồ đề tâm, tích lũy vô số công đức từ việc hành trì tu tập, từ bỏ những điều xấu ác làm chướng duyên trên đường tu và hiểu biết phương pháp phát triển Bồ đề tâm. Có như vậy, từng ngày từng giờ, chúng ta mới có thể nuôi dưỡng Bồ đề tâm càng lúc càng tăng trưởng.

PHÁT KHỞI BỒ ĐỀ TÂM TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY 

Như vừa trình bày, Bồ đề tâm có mười điều lợi ích vô cùng cao quý mà nếu ai nuôi dưỡng và phát triển thì sẽ thành tựu công đức vô lượng không thể nghĩ bàn. Nói như vậy không phải chúng ta thực hành Bồ đề tâm chỉ để tăng trưởng công đức cho bản thân mình. Đó vẫn còn mang tính vị kỉ cá nhân. Và chắc chắn không phải là Bồ đề tâm chân chánh. Chúng ta hãy phát khởi tâm Bồ đề bằng chính lòng từ bi, thương yêu, đồng cảm, sẻ chia với từng cuộc đời, hoàn cảnh khổ đau của chúng sanh. Chúng ta cần phải từ bỏ đời sống hưởng thụ cá nhân. Con người khi có đầy đủ công danh, sự nghiệp, tiền tài, danh lợi thì chỉ biết sử dụng để thỏa mãn thú vui, dục vọng của chính mình. Hay nói cách khác, lối sống đề cao cái tôi đang là xu hướng tàn phá đạo đức, phẩm chất con người.

Chúng ta muốn Phát khởi Bồ đề tâm thì phải sống như người khác đang sống. Nghĩa là hòa nhập trong trong đời sống con người để hiểu và thương con người thực sự. Xung quanh chúng ta còn quá nhiều con người đau khổ, còn nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ và còn quá nhiều việc làm cao quý cần làm để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên mặc áo bảo hộ vào trong khu cách ly, chăm sóc điều trị các bệnh nhân COVID-19; hay sáng kiến cây ATM gạo để cung cấp lương thực cho người dân cách ly; cho đến từng thùng mì, chai nước kịp thời trao đến bà con bị cô lập do mưa lũ miền Trung, hay chỉ đơn giản là hình ảnh bác tài xế xe tải che chắn cho một người khuyết tật qua đường an toàn trong dòng xe đang tấp nập, hay những tấm gương người tốt, việc tốt, giúp đỡ người trong hoạn nạn khổ đau là những minh chứng sống động cho người phát khởi Bồ đề tâm trong cuộc đời. Họ chính là đang thực tập trên con đường hạnh Bồ tát. Bồ tát không ở nơi đâu xa mà ngay trong từng con người chúng ta có những hạt giống của Bồ đề tâm. Chúng ta hãy tận dụng những giây phút còn khỏe mạnh của kiếp người để dấng thân, phụng sự cho mọi người, cho quê hương đất nước bằng những việc làm cụ thể. Và tình thương yêu xuất phát từ Bồ đề tâm sẽ mãi lan tỏa hương thơm cho đời, xóa tan bao nổi muộn phiền, góp phần xây dựng cõi Tịnh độ trong nhân gian. 

 

Chú thích:

[1] Buton là tác giả của tác phẩm được dịch sang Anh ngữ là History of Buddhism in India and Tibet được viết từ năm 1322 đến 1333. Taranātha là tác giả của tác phẩm được dịch sang Anh ngữ là History of Buddhism in India viết vào năm 1608.

[2] Das, Surya (1998), Awakening the Buddha Within: Trí tuệ Tây Tạng cho Thế giới Phương Tây,  Sách Broadway,  tr.149 , ISBN 0-76790157-6.

[3] Wright, Dale S. (2016), Giác ngộ Phật giáo là gì?, Nxb. Đại học Oxford, tr.129ff, ISBN 9780190622596.

[4] Dayal Har (1970), Giáo lý Bồ tát trong Văn học Phạn ngữ Phật giáo, tr.50, Motilal Banarsidass Publ.

[5] Tám chướng nạn gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, sanh lên cõi trời Trường Thọ, sanh vào Bắc Câu Lô Châu, đui điếc câm ngộng, thế trí biện thông, sinh trước và sau thời Đức Phật. 

[6] Mười tài phú bao gồm Năm điều bản thân là: (1) Được làm người, (2) Sinh vào trung thổ, (3) Sáu căn đầy đủ, (4) Không phạm tội ngũ nghịch, (5) Có niềm tin với Phật pháp. Và năm điều kiện môi trường là: (1) Sinh vào thời Đức Phật, (2) Vị Phật ấy hoằng truyền giáo pháp, (3) Giáo pháp ổn định và hưng thịnh, (4) Có hành giả đang thực hành chánh pháp, (5) Có hộ pháp hộ trì Phật pháp.

[7] HT. Thích Minh Châu Việt dịch, Kinh Trung bộ, tập III, kinh Hiền ngu – Bàlapandita Sutta.

[8] Thích Trí Siêu (2015), Bồ Tát hạnh, Nxb. Hồng Đức, tr.1-2.

 

ĐĐ. Thích Quang Tuệ/TCVHPG403

Tài liệu tham khảo:

1. HT. Thích Minh Châu (Việt dịch), Kinh Trung bộ, tập III, kinh Hiền ngu – Bàlapandita Sutta. 

2. Dalai Lama giảng giải, Đoàn Phụng Mệnh dịch (1999), Một tia sấm chớp sáng trong đêm tối, Bồ tát hạnh của Shantideva, Nxb. Thiện Tri Thức.

3. Das, Surya (1998), Awakening the Buddha Within: Trí tuệ Tây Tạng cho Thế giới Phương Tây, Sách Broadway,  ISBN 0-76790157-6.

4. Wright, Dale S. (2016), Giác ngộ Phật giáo là gì, Nxb. Đại học Oxford, ISBN 9780190622596.

5. Har Dayal (1970), Giáo lý Bồ tát trong Văn học Phạn ngữ Phật giáo, Motilal Banarsidass Publ.

6. Thích Trí Siêu dịch (2015), Bồ Tát hạnh, Nxb. Hồng Đức.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin