Chi tiết tin tức

Nhờ đoạn trừ và tư duy mà diệt tận phiền não

21:26:00 - 22/04/2021
(PGNĐ) -  “Một thời Phật du hóa ở Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu… Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: Có bảy sự đoạn trừ lậu, phiền não, pháp ưu sầu. Những gì là bảy?

Ảnh minh họa

 

1- Có lậu được đoạn do kiến, 2- Có lậu được đoạn do hộ, 3- Có lậu được đoạn do ly, 4- Có lậu được đoạn do dụng, 5- Có lậu được đoạn do nhẫn, 6- Có lậu được đoạn do trừ, 7- Có lậu được đoạn do tư duy.

6- Có lậu được đoạn trừ do trừ là gì? Tỳ-kheo nếu sanh khởi dục niệm mà không đoạn trừ, hay xả ly; sanh nhuế niệm, hại niệm mà không đoạn trừ xả ly. Nếu không trừ diệt thì sanh khởi phiền não, ưu buồn; còn nếu trừ diệt thì không sanh phiền não, ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do trừ.

7- Có lậu được đoạn trừ do tư duy là gì? Tỳ-kheo tư duy về giác chi thứ nhất là niệm, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; trạch pháp, tinh tấn, hỷ, tức (khinh an), định, cho đến tư duy về giác chi thứ bảy là xả, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; nếu không tư duy thì sanh phiền não, ưu sầu, còn có tư duy thì không sanh phiền não ưu sầu. Đó là lậu được đoạn trừ do tư duy.

Nếu có Tỳ-kheo nào do kiến mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi kiến; do hộ mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi hộ; do ly mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi ly; do dụng mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi dụng; do nhẫn mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi nhẫn; do trừ mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi trừ; do tư duy mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi tư duy. Đó gọi là Tỳ-kheo đã đoạn trừ tất cả lậu, đã giải trừ các kết phược, có thể bằng Chánh trí mà chứng đắc Khổ đế”.

Đức Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Lậu tận, số 10 [trích])

Trong kinh văn, Đức Phật nói đến bảy pháp có thể đoạn trừ lậu hoặc, phiền não. Đoạn trích này chúng ta chỉ đề cập đến pháp “6- Có lậu được đoạn do trừ” và “7- Có lậu được đoạn do tư duy”.

Trừ là đoạn trừ, diệt tận, xả ly đối với niệm dục, nhuế (sân) và hại. Tham dục, sân nhuế và làm tổn hại là những ý niệm có tần suất xuất hiện cao trong tâm chúng ta. Có nhiều đề mục thiền cũng như cách dụng tâm để chuyển hóa và đối trị dục, nhuế, hại nhưng tựu trung vẫn không ngoài Chỉ và Quán. Mọi rắc rối, phiền não, ưu bi trong đời sống của chúng ta đều có nguồn gốc xa và gần của dục, nhuế, hại nên cần xả ly chúng ngay trong ý niệm. 

Tư duy về thất giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả) để “y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu”. Đây là bảy pháp đưa đến giác ngộ, thẳng đến xuất yếu giải thoát nên suy tư nhiều, chiêm nghiệm sâu về giác chi sẽ khiến cho lậu hoặc, phiền não được đoạn trừ.

Đức Phật đã xác định nếu tinh tấn và kiên trì vận dụng bảy pháp đoạn trừ lậu hoặc thì “có thể bằng Chánh trí mà chứng đắc Khổ đế”. Có thể thấy, sự vận dụng linh hoạt các pháp tu (kiến, hộ, ly, dụng, nhẫn, trừ, tư duy) để đoạn tận lậu hoặc tuy có cả Chỉ và Quán nhưng nghiêng về quán nhiều hơn. Phát huy chánh tư duy, chánh kiến và chánh trí để chứng nghiệm được sự thật khổ đau mà thành tựu giải thoát. 

 

Quảng Tánh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin