Chi tiết tin tức

Nói như hoa như mật

22:35:00 - 18/03/2021
(PGNĐ) -  Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika, dạy các Tỷ kheo: Có ba hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người nói như phân, hạng người nói như hoa, hạng người nói như mật.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người nói như phân? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người khi đi vào hội trường, hay đi vào hội chúng, hay đi đến giữa các người bà con, hay khi đến các người đồng một tổ hợp, đến giữa cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói:

“Ngươi biết gì, hãy nói lên”. Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi có biết”; có biết, nói rằng: “Tôi không biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”; có thấy, nói rằng:

“Tôi không thấy”. Do vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ kheo, được gọi là người nói như phân.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người nói như hoa? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người khi đi vào hội trường hay đi vào hội chúng, hay đi đến giữa các người bà con, hay khi đến các người đồng một tổ hợp, đến giữa cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: “Ngươi biết gì, hãy nói lên”. Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi không biết”; có biết, nói rằng: “Tôi có biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”, không vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ kheo, được gọi là người nói như hoa.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người nói như mật? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người đoạn tận ác ngữ, từ bỏ lời nói ác ngữ. Lời nói của người ấy không hại, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người thích ý. Người ấy nói những lời như vậy, này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người nói như mật.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người, phần Nói như hoa, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.227)

Lời bàn:

Vận dụng lời nói trung thực, không ác ý, với tâm từ ái, khoan dung thì mỗi lời nói ra sẽ là những hoa sen tinh khiết, ngát thơm giữa cuộc đời.

Lời nói là phương tiện truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác; là sự biểu lộ sự nhận thức, tình cảm, sự quan tâm lẫn nhau của con người trong các mối quan hệ. Không có lời nói, cuộc sống này sẽ vô nghĩa, tẻ nhạt biết chừng nào.

Thế nhưng, không phải ai trong chúng ta cũng đều khéo léo trong việc vận dụng lời nói của mình để mang đến hạnh phúc, an vui.

Có những lời nói dối trá, không đúng thời, thiếu suy nghĩ và nhất là được phát ra trong khi giận dữ, thù hằn sẽ trở thành độc dược, gây ra nhiều hiểm họa, tai ương. Một lời nói xuất phát từ chân tình, từ sự thật với tinh thần trách nhiệm và thiện chí sẽ trở thành diệu dược, giúp cho ta và người thêm dũng lực và sẽ vượt qua bao thử thách chông gai trong cuộc đời.

Những lời nói chân thật, thiện cảm được nhiều người lắng nghe và có tác dụng sẻ chia, hướng dẫn tha nhân từng bước trở về với chân thiện mỹ thật đáng trân trọng. Vận dụng lời nói trung thực, không ác ý, với tâm từ ái, khoan dung thì mỗi lời nói ra sẽ là những hoa sen tinh khiết, ngát thơm giữa cuộc đời.

 

Quảng Tánh

 

 

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin