Chi tiết tin tức

Kenya: Áp dụng thiền nhằm giảm thiểu bạo lực trong nhà tù

19:22:00 - 12/10/2018
(PGNĐ) -  Naivasha GK được xem là nhà tù có diện tích và sức chứa lớn nhất Kenya, tọa lạc phía Bắc thủ đô Nairobi, hiện áp dụng chương trình thiền chánh niệm vào việc kiểm soát hiện tượng bạo lực cũng như tạo ra mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa các vị quản giáo với tù nhân.

phamnhan.png
Các phạm nhân tham gia khóa thiền chánh niệm tại nhà tù
 Naivasha GK

Căng thẳng tăng dần, ảnh hưởng đến cách ăn uống, sinh hoạt của các tù nhân thuộc nhà tù Naivasha GK khi có đến 2.000 người đang chịu các hình phạt tù dài hạn hoặc chờ để áp dụng biện pháp tử hình. Do vậy, nhà tù này dần được biết đến như một tụ điểm của bạo lực, hoạt động hơn 100% công suất hiện có, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt và thiếu thốn.

Nhiều vụ việc không như ý liên quan đã xảy ra, điển hình như các tù nhân đồng loạt tấn công nhân viên quản giáo. Hay các vị quản giáo thực hiện hành vi tra tấn tù nhân dã man, khiến nhiều tù nhân cảm thấy tuyệt vọng. Với nỗ lực giảm thiểu căng thẳng và cải thiện bầu không khí, nhà tù đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ phương pháp thực tập của Phật giáo: Thiền chánh niệm.

Tiến sĩ Inmaculada Adarves-Yorno, một giảng viên chuyên về khoa học lãnh đạo tại Đại học Britain, tọa lạc ở Exeter, đã giới thiệu ý tưởng mới lạ và độc đáo này đến bộ phận quản lý nhà tù. Chương trình thực tập thiền chánh niệm nhằm tìm kiếm sự cải thiện về văn hóa, lối sống tại nơi này thông qua việc khuyến khích những tù nhân nỗ lực để trở thành các nhà lãnh đạo chương trình thiền tập vừa mới đưa vào áp dụng.

Theo đó, ban đầu, những buổi thực tập thiền tại nhà tù được hướng dẫn bởi các vị quản giáo đã trải qua kỳ huấn luyện đặc biệt. Nhiệm vụ chính của giai đoạn này là khuyến khích các tù nhân và quản giáo chia sẻ với nhau những nỗi sợ, những tổn thương mà họ đã trải nghiệm. Đây được xem như là cầu nối giữa những con người khác nhau về hoàn cảnh, vị trí đang sinh hoạt trong cùng một môi trường.

“Giữa tôi và họ từng được xem như địa ngục và thiên đàng. Chúng tôi không thể tìm ra được điểm chung nào đó để có thể gặp nhau. Chúng tôi cũng không bao giờ đối mặt trực tiếp. Trong tâm tưởng tôi, họ là những kẻ sát nhân độc ác”, Willis Opondo, một phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù chung thân chia sẻ.

“Nếu một phạm nhân nào đó đột ngột qua đời trong cùng khu giam giữ, chúng tôi sẽ chấp nhận ở với xác chết đó đến tận 3 ngày mà không thốt ra bất cứ điều gì, vì tôi biết những màn tra tấn đánh đập dã man sẽ phải chịu, mặc dù mình không gây ra cái chết đó”, Willis Opondo chia sẻ tiếp.

Chương trình thiền tập chánh niệm mang đến cho Willis Opondo và những tù nhân khác một bài học quý giá, giúp anh từ từ chuyển hóa và triệt tiêu những nỗi đau, mệt mỏi, sợ hãi và các tâm lý tiêu cực. “Bây giờ tôi xem các vị quản giáo như là anh em trong nhà, hay khác hơn, là những người ngày đêm bảo vệ chúng tôi. Hai bên có thể nói chuyện, có thể đùa giỡn, có thể cười với nhau thoải mái, chân tình. Nhờ vậy mà họ mang đến cho chúng tôi những hy vọng. Thay vì gọi họ là ông, thì giờ đây chúng tôi mong muốn xem họ là những người thầy của mình”.

Song song đó, các buổi học cũng mang lại sự hiểu biết, thông cảm tăng cao trong tâm thức của các quản giáo thuộc nhà tù Naivasha GK. Chính họ đã chủ động và tự nguyện tham gia các khóa học.

“Qua thời gian, tôi học được cách làm thế nào đó để dừng lại, điều chỉnh cảm xúc cá nhân trong những lúc cần thiết. Tôi cũng học sự quán chiếu nhiệm mầu nhất có thể và giờ nhận ra những tù nhân trước hết họ là người, thay vì cứ nghĩ họ là những con người phạm tội nghiêm trọng, cần loại bỏ ra khỏi xã hội”, Kevin Onyango, một vị quản giáo nhà tù Naivasha GK tâm sự với giới truyền thông.

Mặc dù kết quả của sáng kiến được đưa vào áp dụng từ năm 2015 này thông tin rằng, chương trình có ý nghĩa và đóng góp rất lớn vào việc cải thiện đời sống trong nhà tù, nhưng không phải phạm nhân nào cũng đồng thuận với quan điểm này. Có một phạm nhân từng tham gia khóa học viết rằng: “Tôi cảm thấy chương trình này là trò hề ngu ngốc. Việc sắp xếp nội dung học không thuận lợi. Quan trọng hơn, làm sao có thể dành 10 phút ngồi lặng yên chỉ để kiểm soát và quán chiếu hơi thở vào, thở ra”.

Trên thực tế, các phạm nhân này không chính thức tham gia và hoàn thành các khóa thiền, song họ cũng từng bước tiếp cận một vài buổi học. Kết quả khảo sát cho thấy có một sự thay đổi tích cực cả bên trong lẫn bên ngoài môi trường nhà tù. Có từ 80% đến 90% trên 140 phiếu khảo sát phát ra được các tù nhân trả lời rằng họ giảm đi căng thẳng, giảm đi những tính khí tức giận như trước đây rất nhiều. Thêm vào đó, họ cũng tự nhận thấy rằng, không nhất thiết phải ồn ào, bạo lực, mà thay vào đó là sự tha thứ, rộng lượng. Trong cuộc sống hàng ngày, họ giảm thiểu rượu, bia, thuốc lá.

“Trong nhà tù có một vài phạm nhân từng là người tổ chức biểu tình nội bộ và nhân cơ hội đó tìm cách trốn thoát. Giờ đây những tư tưởng đó không còn nữa, ngược lại, họ đang cố thực tập để giảm thiểu sự hung hăng”, Matthew Mutisya, trợ lý của vị trưởng nhà tù chia sẻ.

Đến nay, chương trình lợi ích này đã được giới thiệu đến nhiều nhà tù khác nhau khắp Lục địa Đen châu Phi nhằm cải thiện đời sống hàng ngày của hàng ngàn tù nhân.

“Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ rời nhà tù này, và ở đây tôi cũng cảm thấy tự tại, thư thái vô cùng”, một phạm nhân của nhà tù Naivasha GK tâm sự. 

Bảo Thiên
(theo BBC)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin