Chi tiết tin tức

Lợi ích của Thiền Tứ Vô Lượng Tâm trong đời sống

14:58:00 - 17/09/2022
(PGNĐ) -  Sở dĩ con người ích kỷ, ganh ghét, oán thù cũng chỉ vì Tâm của họ chứa đầy tham, sân, si rồi từ đó tự buộc mình vào vòng xoáy sinh tử luân hồi. Với chư Phật được giải thoát an lạc, quý ngài đã ban tặng tình thương vô tận đến muôn loài, không phân biệt chấp trước. Đó chính là tình thương của Từ – Bi – Hỷ – Xả hay Tứ Vô Lượng Tâm, là một trong những phương pháp tu tập căn bản và cốt lõi của đạo Phật, ứng dụng trong đời sống hằng ngày.

Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một tính cách và hình tướng khác nhau, không ai giống ai cả, mỗi người đều có một phong cách riêng biệt. Sở dĩ có sự sai khác như vậy, bởi mỗi người tạo nhân khác nhau nên mới có quả khác biệt. Nếu trong một quốc gia, mọi người sống hạnh phúc, vui khỏe và hòa đồng, chắc chắn xã hội ấy đạt nhiều tiến bộ về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Có lời thơ rằng:

“Từ tâm tứ Thánh lục phàm

Ngay tâm, Địa Ngục – Niết Bàn mở khai

Từ tâm giải thoát hiện bày

Bởi Tâm, người tự se dây buộc mình”.

Thật vậy, Tâm được ví như họa sĩ có thể vẽ nên mọi thứ, khi thì vẽ Chư Phật, Chư Bồ Tát, đôi khi vẽ Trời, Người, nhưng có lúc lại vẽ cảnh giới Địa ngục,… Cùng một Tâm nhưng do người khéo sử dụng mà rộng hẹp cao thấp, muôn hình vạn trạng. Như thế, đủ biết Tâm là động lực chính tạo ra hạnh phúc hay khổ đau. Sở dĩ con người ích kỷ, ganh ghét, oán thù cũng chỉ vì Tâm của họ chứa đầy tham, sân, si rồi từ đó tự buộc mình vào vòng xoáy sinh tử luân hồi. Với chư Phật được giải thoát an lạc, quý ngài đã ban tặng tình thương vô tận đến muôn loài, không phân biệt chấp trước. Đó chính là tình thương của Từ – Bi – Hỷ – Xả hay Tứ Vô Lượng Tâm, là một trong những phương pháp tu tập căn bản và cốt lõi của đạo Phật, ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Vì thế, việc tìm hiểu về “Lợi ích của Thiền Tứ Vô lượng tâm (rrahma-vihāra) trong đời sống” là điều thiết thực để có được những an vui trong cuộc sống bản thân, cũng như chia sẻ giáo lý Đức Phật đã dạy đến với mọi người, cùng nhau học hỏi ý tốt, giúp người khác tin vào giáo lý, tin vào chính mình để thay đổi tư duy trong cách nhìn và góp phần xây dựng hòa bình đất nước, hướng người ta đến “Chân – Thiện – Mỹ”.

ĐỊNH NGHĨA TỨ VÔ LƯỢNG TÂM (BRAHMA – VIHĀRA)

Khi nói về Tứ Vô Lượng Tâm, ta thường hiểu: Tứ là bốn; Vô Lượng là rộng lớn cùng khắp cả không gian và thời gian, không thể lường tính được. Vô Lượng Tâm là Tâm có tình yêu thương rộng lớn, bao trùm tất cả vô lượng chúng sanh, cũng gọi là “Đẳng Tâm” vì không phân biệt hơn thua, tốt xấu, luôn đem tình thương bình đẳng đến cho muôn loài. Như vậy, Tứ Vô Lượng Tâm là bốn trạng thái tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả không giới hạn, không phân biệt, chấp trước. Chỉ có chư Phật, Bồ Tát và Thánh Đệ Tử mới đầy đủ trọn vẹn bốn tâm vô lượng này.

Theo Phật Quang đại từ điển, Tứ Vô Lượng hay Tứ Vô Lượng Tâm, cũng gọi là Tứ Đẳng Tâm. Kinh Trung A Hàm và Luận Đại Trí Độ giải thích Tứ Vô Lượng Tâm như sau: “Từ Vô Lượng – Mettā appa-manna:… được an vui mà vào Từ đẳng chí. Bi Vô Lượng – Karunā appa-manna:… tư duy về pháp khiến cho chúng sanh lìa khổ mà vào Bi đẳng chí. Hỉ Vô Lượng – Muditā appa-manna: Nghĩ đến việc vô lượng chúng sanh đã lìa khổ được vui, từ đáy lòng cảm thấy vui mừng mà vào Hỷ đẳng chí. Xả Vô Lượng – Upekkhā appa-manna: Nghĩ đến việc vô lượng chúng sanh hết thảy đều bình đẳng, không phân biệt oán và thân nên vào Xả đẳng chí” [1].

Đức Phật đã dạy bốn Pháp cao thượng này giúp con người lìa khổ được vui, ngay trong hiện tại cũng như tương lai. Đây là nếp sống với tâm hạnh của một vị Bồ tát mà chúng ta cần được học và thực hiện để đem lại niềm an lạc không những cho chính mình mà còn cho những người xung quanh, gần nhất là trong gia đình, bạn bè và rộng ra xã hội, đất nước. Thường thì bốn chữ này đi đôi thành hai cặp phạm trù là Từ-bi và Hỷ-xả. Chúng ta là những người đang trên con đường tu học theo hạnh của các Ngài nên nguyện tinh tấn theo học pháp Tứ Vô Lượng Tâm. Nhưng để hiểu và thực hành được định nghĩa của Tứ Vô Lượng Tâm, chúng ta cần tu tập để thay đổi tâm mình ngày càng mở rộng. Hãy tập quán tưởng những điều bất như ý thành những điều tốt đẹp có thể, vì vậy ngoài thực tập Tứ Vô Lượng Tâm chúng ta còn tập thiền quán, gần gũi nhất đó chính là thiền Minh sát (Vipassana). Đây cũng chính là nền tảng để chúng ta tu tập, cần có sự kết hợp giữa mọi mặt tương trợ lẫn nhau. 

NHỮNG ĐẶC TÍNH CƠ BẢN CỦA TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Trong cơ thể con người, ai cũng có Tâm dũng mãnh dù tốt hay xấu, nhưng vì chúng ta do nghiệp mà tái sinh nên tâm tham, sân, si hãy còn nổi lên. Với người biết tu tập theo giáo lý mà Phật đã dạy thì luôn vun bồi đức hạnh, dù là những việc làm đơn giản nhất. Bởi vì họ tin nhân quả, do đó, họ tu tập thực hành theo giáo lý nhất là “Tứ Vô Lượng Tâm”. 

Tâm Từ (Mettā) 

Cuộc sống của chúng ta nếu thiếu tình thương con người sẽ trở nên lãnh đạm, thờ ơ, vì thế ta hãy cố gắng bồi đắp tình thương. Đặc tính của Từ là đem lại sự an lạc và làm cho sân lắng dịu. Mettā không bao giờ làm hại ai, nhưng nếu không cẩn thận Mettā dễ chuyển thành Tanha (tâm luyến ái). Có đôi lúc tâm Từ cũng khiến nhiều người lợi dụng lòng tốt. Nhưng nếu không có tâm Từ ta có cảm hóa họ được chăng! Thật vậy, khi ta muốn cho ai vật gì, trước tiên ta phải có vật ấy và phải biết lợi ích khi sử dụng nó ra sao. Trong Kinh Tăng Chi bộ, Đức Phật dạy: “Như bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ, nước trở thành mặn không uống được. Nếu bỏ một nắm muối vào sông Hằng thì ảnh hưởng được xem như không có gì”[2]. Như vậy, nhờ tâm Từ lớn lao nên đã cảm hóa được chúng sanh vậy.

Tâm Bi (Karuṇā) 

Ở đây, “Bi” là lòng thương xót rộng lớn trước nỗi đau khổ của chúng sanh. Đặc tính của tâm Bi là ý muốn giúp đỡ người khác thoát khỏi một cảnh khổ. Người có tâm Bi không ngần ngại khi hy sinh cho người khác. Sự tích Túc Sanh (truyện Vyāghri Jātaka) đã nêu lên gương lành của một vị Bồ tát hiến thân để cứu một con cọp mẹ và bầy cọp con khỏi chết đói. Chúng ta cũng lưu ý, nếu thương mà không có trí tuệ tình thương ấy sẽ trở nên mù quáng. Ở đây, ngài hy sinh thân mình cho cọp ăn nghĩa là ngài đã kết duyên với nó, đã cộng nghiệp ắt sẽ gặp lại ở kiếp tương lai, nhờ vậy ngài hóa độ để nó được gặp Phật pháp mà thoát khỏi kiếp cầm thú. Cũng như Đức Phật, với lòng bi mẫn mà Ngài không từ chối, độ người khó độ như Angulimala dù rằng người này có ác tâm muốn hại Ngài, nhưng với lòng từ Ngài đã độ vị ấy tu tập để chứng Thánh quả. 

Khi đã tu tâm Từ thì tâm Bi sẽ xuất hiện kèm theo. Bởi có tình thương, ta mới dùng đôi tai để lắng nghe, dùng trái tim để thấu hiểu và sử dụng bàn tay để nâng đỡ những người cùng khổ, ta có thể đem ánh sáng Phật pháp đến những nơi còn đầy bóng tối.

Đối với xã hội, nếu dùng tâm Bi để cư xử trong cuộc sống, ắt hẳn sẽ đem lại nhiều an vui và lợi lạc. Không phải ai sinh ra ở đời đều có đủ phước báu, lục căn trọn vẹn, cơm ăn áo mặc, gia đình hạnh phúc. Nếu biết đặt mình vào những vị trí thiếu hụt kia tự nhiên ta thấy có sự đối đãi khác nhau. Cổ đức có câu: “Cuộc đời thay đổi cách nhìn, cách nhìn thay đổi cuộc đời đổi thay”. Trong Kinh Trung A Hàm, Đức Phật dạy: “Cái khổ đến với mình đây là sinh ra từ nhân duyên, chứ chẳng phải không sinh ra từ nhân duyên” [3]. Vì vậy, tất cả đều có nhân duyên mà thành tựu. Khi tình thương yêu được chia sẻ ta cũng nhận lại tình cảm thương yêu. Nói cách khác, khi hiểu được tâm Bi trong Tứ Vô Lượng Tâm thì người đó đã hiểu được phần nào về đối tượng cần tiếp nhận và phải biết đặt đúng nơi đúng chỗ. 

Tâm Hỷ (Muditā) 

Hỷ chính là sự vui mừng, hoan hỷ với người, hoan hỷ với sự thành công hay điều phước thiện của họ. Theo sách của Phạm Kim Khánh dịch: “Đặc tính của tâm Hỷ là hoan hỷ với người thành công, người lộc cao phúc hậu (anumodanā) cho nên vui cười không phải là đặc tính của tâm Hỷ và ra vẻ hân hoan, giả làm ra trò tuồng thỏa thích, được coi là kẻ thù gián tiếp của tâm Hỷ” [4]. Người có tâm Hỷ đi đâu ai cũng mến thương, bởi nhân họ gieo là niềm an vui với người khác. Đặc tánh của tâm Hỷ trong Tứ Vô Lượng Tâm là sự mừng vui nhẹ nhàng và thanh cao, khác với niềm vui của thế tục biểu hiện ra bên ngoài một cách thô thiển, rộn ràng. Hỷ không phải là trạng thái thỏa thích cạn cợt hay hình thức, cũng không phải là có sự cảm tình hay thích thú với một ai đó mà biểu lộ. Nên người có tâm Hỷ thường nhẹ nhàng nhu mì, có được tâm ấy do năng lực tu tập mà ra. 

Ngài Phật Âm (Buddhaghosa), cũng nhận định tương tự như sau: “Hỷ có đặc tính vui mừng trước sự thành công của người… Nó không ganh tị, được biểu hiện bằng sự từ bỏ nỗi chán ghét… làm phát sinh sự vui nhộn”[5]. Điều ấy cho chúng ta thấy, tâm Hỷ rất quan trọng. Trong Tiểu Bộ Kinh có bài kinh Ngoài Bức Tường – Tirokudda Sutta đã nói lên sự hoan hỷ với việc làm của vua Magadhan: “Để dành phần lễ này cho đám người thân thuộc mong các họ hàng được phước ân. (Te ca tattha samāgantvā ñātipetā samāgatā, Pahute annapānamhi sakkaccam anumodare)” [6]. Chính vì thế mà bà con nhiều đời được thoát khỏi cảnh ngạ quỷ đói khát, được Đức Phật ngợi khen. Với tâm hoan hỷ mà bà con nhiều đời của vua thoát khỏi cảnh ngạ quỷ đói khác, điều ấy cho chúng ta thấy rằng sự hoan hỷ trước điều thiện mang lại phước báu, vì thế Đức Phật dạy ta thấy ai làm điều thiện nên khởi niệm Sadhu, Sadhu – (lành thay). Khi tâm Hỷ thành tựu rồi ta nên thực tập tâm Xả. Mình không thể thỏa mãn trong niềm vui ấy mà cần phải xả bỏ để tiếp tục tu tập không nên dính mắc. Vì thế tâm cuối cùng trong Tứ Vô Lượng Tâm ấy chính là tâm Xả. 

Tâm Xả (Upekkhā)

Tâm Xả không phải là buông thả mọi thứ, không quan tâm đến ai, không cần biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh bởi như vậy là vô trách nhiệm. Xả ở đây là xả bỏ đi sự hơn thua, được mất, khen chê trong cuộc sống. Người có tâm Xả là người hiểu rõ, thấy rõ sự việc qua Chánh Kiến và Chánh Tư duy. Có như vậy, tâm mới nhẹ nhàng thanh thoát. 

Đặc tính của tâm Xả là tính thản nhiên đối với loài hữu tình. Nhiệm vụ của nó là thấy sự bình đẳng trong chúng sanh. Biểu hiện bằng sự hoan hỷ không có dính mắc, khiến những người xung quanh có được niềm an lạc: “Tâm Xả làm cho ghét và ưa lắng xuống” [7]. Một người có tâm hạnh xả ly, dù sống ở đâu cũng thấy an lạc. Bởi họ biết tùy thuận mà sống, không chấp trước hay vướng mắc dù vui hay buồn họ cũng nhẹ nhàng an yên. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng vượt qua được sự khen chê mà xả bỏ, bởi chúng ta là người đang trên con đường tu tập còn dính mắc rất nhiều, cần phải luyện tập. Cũng như trong kinh có câu chuyện: Có vị Bà-la-môn dám mắng Đức Phật nhưng Ngài vẫn im lặng. Họ hỏi: Này Sa-môn Cù Đàm, ông không nghe tôi nói gì sao? Đức Phật trả lời từ tốn: Nếu ông đem thức ăn mời khách, họ không ăn thì thức ăn ấy thuộc về ai? Họ trả lời: Nếu khách không ăn thì tôi ăn. Đức Phật nói, cũng vậy, ông mắng chửi ta mà ta không nhận thì những lời ấy thuộc về ông. Nhờ đó, Ngài đã cảm hóa được vị Bà-la-môn kia, bởi Đức Phật có đủ tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống, Phật tánh luôn có sẵn trong mỗi con người chúng ta nhưng do bụi trần làm che mờ đi phần nào, cho nên chúng ta cần phải huấn luyện tâm của mình để tâm trở về với bản thể nguyên vẹn của nó, đây là cốt lõi tu tập cũng là nền tảng cho người học Phật.

ỨNG DỤNG VÀ LỢI ÍCH TỨ VÔ LƯỢNG TÂM TRONG CUỘC SỐNG

Chúng ta thấy rằng chư Phật, chư Bồ Tát và các vị Thánh Đệ Tử mới có đầy đủ bốn đức tánh cao thượng này. Nhưng không phải tự nhiên quý ngài có được, mà phải tu tập tích lũy nhiều kiếp mới thành tựu. Chúng ta cũng vậy, muốn đi trên con đường của các ngài thì phải từng bước trau dồi tích lũy, như một em bé muốn nói rành tiếng Việt, em phải bắt đầu bập bẹ những từ đơn giản. Chúng ta muốn có bốn tâm vô lượng phải bắt đầu bằng những ý nghĩ, hành động nhỏ bé thì mới đạt được cái lớn và cuối cùng là vô lượng. 

Tu tập tâm Từ Vô Lượng: Trong cuộc sống nếu thiếu tình thương con người sẽ trở nên lãnh đạm, thờ ơ, vì thế ta hãy cố gắng bồi đắp tình thương đến cho gia đình, mọi người và mọi loài. Dù một cử chỉ rất nhỏ, Phật dạy: 

“Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh chi lạc

Bi năng bạc nhứt thiết chúng sanh chi khổ” [8].

Muốn nuôi dưỡng tâm Từ mỗi ngày, ta hãy nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc, hạnh phúc, không bệnh tật ưu não. Tuy nói đơn giản nhưng thực hành rất khó, bởi chúng ta là những phàm phu, tâm phàm trần còn lắm những lớp bụi vô minh, tham sân si đầy rẫy. Trong Kinh Pháp Cú có dạy: “Lấy không giận thắng giận, lấy thiện thắng không thiện, lấy thí thắng xan tham, lấy chơn thắng hư ngụy” [9] chính là đây vậy.

Tu tập tâm Bi vô lượng: Khi đã tu tâm Từ thì tâm Bi sẽ xuất hiện kèm theo. Bởi có tình thương, ta mới dùng đôi tai để lắng nghe, dùng trái tim để thấu hiểu và sử dụng bàn tay để nâng đỡ những người cùng khổ, ta có thể đem ánh sáng Phật pháp đến những nơi còn đầy bóng tối. Trong kinh Trung A Hàm, Đức Phật dạy: “Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người khác, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa lý, lợi ích, an ổn và khoái lạc cho trời và người, người ấy là bậc nhất, là tuyệt diệu giữa mọi người” [10]. 

Với chúng ta, hầu như tâm Bi ai cũng có, nhưng nó được vun bồi hay bị vùi lấp mà mình không hay. Bởi đó là đức tính con người, như ở trên đã nói, không ai sống ngoài tình thương yêu, bởi đều có hệ lụy kéo theo. Trong Kinh Tương Ưng bộ, Đức Phật dạy: “Do cái này có mặt nên kia có mặt… Do này sanh nên kia sanh…Do này diệt nên kia diệt” [11]. Nhìn thấy thân thể ta tức đã có sự hiện diện của cha mẹ ông bà trong ta, đa phần chỉ thấy được thực tại chứ chưa hiểu cốt lõi. Cho nên khi thương yêu giúp đỡ ai thì mong họ thương lại, vậy tâm Bi đã đúng thật với bản chất chưa hay còn sự so đo tính toán. 

Tu tập tâm Hỷ vô lượng: Ta thường nghe nhân nào quả nấy, nếu sống tốt sẽ được gần gũi với người tốt và muốn cảm hóa khuyên bảo ai thực hành tâm hỷ thì bản thân phải có trước. Như trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: 

“Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Cũng vậy, lời khéo nói

Có làm, có kết quả” [12].

Với người biết tu tập, họ luôn dùng tâm Hỷ để trau dồi tâm mình. Bởi tâm vi tế khó thấy khó sửa, nếu ở mặt ngoài, tâm thô dễ thấy như hành động hay lời nói, còn tâm vi tế bên trong chỉ có bản thân mới biết được. 

Tu tập tâm Xả: Khi có tâm Hỷ thì chắc chắn ta đã có tâm Xả. Vì xả được mọi thứ ngũ dục ràng buộc mình mới có niềm vui với tha nhân. Có thể nói, nguyên nhân chính khiến con người khổ đau sợ hãi là do tâm chấp thủ. Cho nên Đức Phật dạy muốn có an lạc hạnh phúc thì phải tu tâm Xả, lánh xa tham ái và bất mãn, bình thản trước khen chê được mất, luôn an tịnh và bình lặng trước những thăng trầm của cuộc sống, đó là kết tinh của quá trình tu tập tâm Xả. Cũng như ngày trước, khi phạm những lỗi nhỏ được sư phụ dạy dỗ, nhắc nhở lại không vui còn sanh tâm buồn phiền. Sau này lớn lên chút lại được đi học rồi mới thấu hiểu ân tình người thầy lo cho mình, rồi tự hiểu ra và khắc phục trong cuộc sống hiện tại. Nhờ vậy, chúng ta mới cảm nhận được mình không khó chịu khi bị nhắc nhở hay dùng biện pháp hỗ trợ khi chúng ta phạm lỗi lầm. 

KẾT LUẬN

Để nuôi dưỡng và phát triển tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả, chúng ta phải tập cho tâm ấy khởi lên thường xuyên bằng những lời nguyện: Nguyện cho tất cả chúng sanh được an vui hạnh phúc, siêng làm việc lành, thoát ly mọi đau khổ, không tạo điều ác. Có tâm hoan hỷ, không ganh ghét oán thù lẫn nhau. Vậy chúng ta chưa có được tâm ấy thì hãy bắt đầu tu tập ngay bây giờ, vì hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước đi, thực tập những điều rất nhỏ sẽ thành tựu những điều to lớn. Ai cũng có sẵn tâm vô lượng nhưng khai thác hay không là do mỗi người tự quyết định lấy.

Khi chúng ta đã tu tập được Tứ Vô Lượng Tâm, sẽ thấy được lợi ích của tâm Từ là giúp ta xóa đi sân hận, ác ý, hận thù. Người có tâm Từ rộng lớn, vùng yêu thương tỏa ra rộng lớn ai cũng quý mến muốn ở gần. Tâm Bi có công năng trừ được khổ đau cho người, tạo nên sự yêu thương vô bờ, là vị thuốc diệt trừ bệnh hung bạo, độc ác, âu sầu phiền não. Còn tâm Hỷ giúp ta tiêu tan đi lòng ganh tỵ đố kỵ với người, thay vào đó là những nụ cười ấm áp trao cho mọi người. Tâm Xả sẽ đẩy lùi tâm những cố chấp, luyến ái, bất mãn, tâm luôn vô tư an tĩnh không bị ngũ dục lục trần chi phối. Vì những lợi ích như vậy nên bất kể là người xuất gia hay tại gia, chúng ta hãy cố gắng trau dồi, không thể nhân danh là người con Phật mà lại thiếu lòng từ bi để nuôi lớn tâm. Ngoài việc thực hành thiền quán chúng ta còn phải thực hành ăn chay, phóng sanh, bảo vệ môi trường… yêu thương tha thứ và bao dung là điều kiện cần có cho mỗi cá nhân. Đồng thời cũng là những chất liệu quan trọng góp phần xây dựng hòa bình hạnh phúc cho toàn thể nhân loại. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy người tu tập tâm Từ sẽ được mười một điều lợi ích như: “thức – ngủ an lạc, được người – chư thiên ái mộ, không bị thuốc độc làm hại…” [13].

Tóm lại, Từ – Bi – Hỷ – Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc và một xã hội tốt đẹp. Vì vậy, ai có ước nguyện được sống trong hòa bình cần tu tập Tứ Vô Lượng Tâm và ai muốn giải thoát giác ngộ thì không thể nào bỏ qua bốn tâm cao thượng này, bởi đạo Phật là đạo của tình thương vậy.

“Tình yêu thương rộng lớn

Luôn đem đến niềm vui

Sớt chia bao nỗi khổ

Dìu nhau về thảnh thơi”.

Là người đang tu tập trên con đường của bậc Thánh, đạo lộ các vị Bồ tát đã và đang đi, chúng ta không thể không tu tập thực hành thiền quán trong Tứ Vô Lượng Tâm. Cần chánh niệm tỉnh giác trước mọi hoàn cảnh, khi chọn cho mình lối đi đừng làm tâm hoen ố mà phí uổng một đời. Bên cạnh đó còn giúp cho những người xung quanh cũng được giống như mình ở tâm thiện lành ấy. Khi càng nỗ lực tu tập, ta càng thấy được ý nghĩa nhiệm mầu do sự chuyển đổi ngay chính chúng ta, bớt dần tâm tham, tâm sân và tâm si. Bởi đạo Phật là hiện tại tu để chuyển nghiệp ngay lúc này, có quả lành cho kiếp sau và nhiều kiếp sau nữa.

 

Tỳ kheo Ni An Hưng/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 397

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Thích Quảng Độ (dịch, 2014), Phật Quang đại từ điển, tập 6, Nxb. Phương Đông, tr. 7621.

[2] Thích Minh Châu (1996), Tăng Chi Bộ Kinh, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr. 452.

[3] Thích Thiện Siêu (1992), Kinh Trung A Hàm, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr. 369.

[4] Phạm Kim Khánh (dịch, tái bản lần hai, 2019), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr. 436.

[5] Thích Nữ Trí Hải (dịch, 2014), Thanh Tịnh Đạo, tập 1, Nxb. Hồng Đức, tr. 633.

[6] Thích Minh Châu (2017), Tiểu Bộ Kinh, tập II, Kinh Ngoài Bức Tường, Chuyện Ngạ quỷ, Nxb. Tôn giáo, tr. 33.

[7] Thích Nữ Trí Hải (dịch), Thanh Tịnh Đạo, tập 1, Nxb. Hồng Đức, tr. 633.

[8] HT Thiện Hoa (tái bản lần 7 năm 2010), Phật học phổ thông, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 524.

[9] Thích Minh Châu (2017), Kinh Pháp Cú, kệ 223, Phẩm Phẫn Nộ, Nxb. Hồng Đức, tr. 94.

[10] Thích Minh Châu (1992), Kinh Trung A Hàm, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr. 17.

[11] Thích Minh Châu (1993), Kinh Tương Ưng Bộ II, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP HCM, tr. 129.

[12] Thích Minh Châu (2017), Kinh Pháp Cú, kệ 52, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr 32.

[13] Thích Minh Châu (2018), Tăng Chi Bộ Kinh, chương 11, phẩm Tùy Niệm, Nxb. Hà Nội, tr. 684.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin